254. Không đợi ngân hàng tự nguyện tái cơ cấu

(TQ) – Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba, khoá 11 và trong báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội của Chính phủ trình bày trước Quốc hội vào trung tuần tháng 10 vừa qua, vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế đã được đặt ra. Việt Nam- một thị trường chỉ có 20% dân số sử dụng ngân hàng, nhưng có tới trên 100 ngân hàng lớn, nhỏ và cả ngàn quỹ tín dụng. Vì vậy, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một trong ba nhiệm vụ (tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công và ngân hàng) cần thực hiện trong thời gian tới.

Phóng viên Tổ Quốc có loạt bài đề cập tới vấn đề này.

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng tại thời điểm này là một quyết định hết sức cần thiết bởi không còn thời gian để xem xét sự tự nguyện của từng ngân hàng nữa.

Dù đã được đề cập đến khá nhiều lần trước đây nhưng tái cấu trúc nền kinh tế vẫn luôn phải nhường chỗ những lo toan thường nhật về lạm phát và giá cả…Tuy nhiên, quá nhiều những rủi ro, trở ngại đang ngày càng lan rộng trong hệ thống ngân hàng thương mại, trong đầu tư công, trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước….đã khẳng định rằng, tái cơ cấu nền kinh tế như một đòi hỏi tất yếu cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế đất nước.

Cùng với đó, trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế đang là vấn đề cấp thiết thì việc sắp xếp lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Tính đến nay, toàn hệ thống đã có 52 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, một Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, 1.083 quỹ tín dụng cơ sở…

Việt Nam – một thị trường chỉ có 20% dân số sử dụng ngân hàng, nhưng có tới trên 100 ngân hàng lớn, nhỏ và cả ngàn quỹ tín dụng (Ảnh: T.Xuân)

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì đây là con số không nhỏ, tuy nhiên, thực tế Việt Nam lại đang thiếu những tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả và minh bạch. Có thể thấy, thời gian qua, ngành ngân hàng đang được phát triển theo chiều rộng mà chưa có sự tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng.

Điều lo lắng hơn là tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng so với thời điểm cuối năm 2010 đã gia tăng khá nhanh. Ví như cuối năm 2010, tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank là 0,7% thì đến tháng 9/2011 đã lên đến 1,4%. Thống kê tổng nợ xấu của tám ngân hàng (VietinBank, Vietcombank, ACB, Sacombank, Eximbank, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt) tại thời điểm 30/9/2011 đã lên tới hơn 15 nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể đến nếu xét ở nhóm nợ có khả năng mất vốn và ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro 100% thì tám ngân hàng trên có tỉ lệ nợ có khả năng mất vốn đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho hay, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tính đến hiện nay đúng là 6,67% như công bố của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương và chủ yếu nằm ở lĩnh vực bất động sản. Không chỉ có Agribank, nhiều ngân hàng khác cũng đang có mối lo tương tự khi tín dụng bất động sản bị thắt chặt như hiện nay.

Một vấn đề khác cũng đang làm cho nhiều ngân hàng “đau đầu” là rủi ro về thanh khoản.Thường các ngân hàng chỉ huy động được tiền gửi với kỳ hạn ngắn từ một đến ba tháng trong khi cho vay lại là các khoản trung và dài dạn, từ một năm trở lên. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng hàng loạt biện pháp cứng rắn như: áp trần lãi suất huy động 14%/năm, nâng lãi suất tái cấp vốn từ 14% lên 15%/năm, lãi suất cho vay qua đêm từ 14% lên 16%/năm… Sau loạt động thái này, giới phân tích cho rằng, rất dễ dàng nhận thấy khó khăn đối với thanh khoản của nhóm ngân hàng yếu kém đang dần lộ diện.

Không đợi ngân hàng tự nguyện        

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng, trước khi khủng hoảng tài chính thế giới thì vốn dĩ hệ thống tài chính Việt Nam vẫn coi là yếu. Bây giờ trên thế giới đang cơ cấu lại, đang tăng cường nâng cao năng lực hệ thống tài chính…Do vậy, nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam không tái cơ cấu kịp thời thì khoảng cách sẽ ngày càng xa hơn nữa.

Ông Ngoạn cũng cho biết, thực ra vấn đề tái cơ cấu được đặt ra khá lâu, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuẩn bị cho quá trình này và “đây là thời điểm tương đối chín muồi để có thể thực thi các giải pháp quyết liệt”.

Cùng chung quan điểm trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn, tái cơ cấu ngân hàng tại thời điểm này là một quyết định hết sức cần thiết bởi không còn thời gian để xem xét sự tự nguyện của từng ngân hàng nữa.

“Tâm lý ai cũng muốn mình độc lập tự chủ. Nhưng cần thấy rằng, khi Chính phủ phát hiện ra ngân hàng “bệnh” thì không nên để họ tự do nữa. Vì họ đã “bệnh” rồi nên chúng ta phải ép họ và đưa vào vòng điều trị để tránh lây lan. Đó là nguyên tắc”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng cho biết, thực ra năm 2001-2005, việc tái cơ cấu ngân hàng cũng đã được thực hiện và đã đưa nợ xấu từ 24,7% xuống còn 5%. Hiện tại, nợ xấu toàn ngành ngân hàng bình quân chỉ còn khoảng 3% và lần tái cơ cấu này sẽ tiếp tục đưa xuống dưới 2,5%.

Đại diện phía ngân hàng, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng là một xu hướng tất yếu và mang tính quy luật sau một quá trình phát triển. Đặc biệt trong bối cảnh hệ thống ngân hàng “đau yếu” như thế này thì việc tái cơ cấu càng cấp bách hơn bao giờ hết và cần phải xử lý sớm trước khi để “nó chết”.

Trước những khó khăn chồng chất, thời gian qua nhiều động thái mua bán, sáp nhập ngân hàng cũng đã diễn ra. Gần đây nhất, ngày 30/9/2011, Vietcombank đã chính thức ký hợp đồng bán cho Mizuho – một ngân hàng Nhật Bản – 15% vốn tính trên số cổ phiếu đã phát hành, đang lưu hành. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2011 đã diễn ra chín thương vụ mua bán, sáp nhập trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó có tám thương vụ trao đổi, mua bán giữa các ngân hàng trong nước với nước ngoài….Tất cả những động thái trên cho thấy, đã đến lúc cần có một cuộc “đại phẫu” để hệ thống ngân hàng có thể “sống khỏe”./.

Bài 2: Tái cơ cấu ngân hàng:Không chỉ mua,bán,sáp nhập

Quỳnh Anh

————————————–

Tổ Quốc 08-11-2011:

http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Kinh-Te/Khong-Doi-Ngan-Hang-Tu-Nguyen-Tai-Co-Cau.html

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

429. Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế...

Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. (Dự thảo Luật...

Phỏng vấn 

4.377. Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến...

Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến mới (*): Ứng phó cơn...

Trích dẫn 

3.894. Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn...

Thu thuế qua sàn thương mại điện tử còn nhiều băn khoăn. (VOV.VN) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 228,538