254. Vai trò doanh nhân trong Hiến pháp

(DĐDN) – Khi bàn về việc sửa đổi Hiến pháp 1992, doanh nhân cần được đề cập cả về hai giác độ: với tư cách là công dân và với tư cách là nhà kinh doanh.

Ông Đỗ Văn Vẻ – Đại biểu Quốc hội, Phó tổng giám đốc Cty cổ phần xuất nhập khẩu Hương Sen phát biểu tại nghị trường

Từ năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm làm “Ngày doanh nhân”. Tháng 4/2006, từ “doanh nhân” cũng lần đầu tiên được dùng trong văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng. Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị ra Nghi quyết số 09 về Doanh nhân. Đó là những mốc chính về tính chính danh của tầng lớp doanh nhân trong xã hội ta.

Quyền của doanh nhân – công dân

Quyền phúc quyết Hiến pháp. Theo lý luận kinh điển, Hiến pháp được coi là bản “Khế ước xã hội” – bản cam kết giữa dân với Nhà nước về những quyền và nghĩa vụ được phân định và của tất cả mọi người với nhau, qua đó ràng buộc Nhà nước và ràng buộc dân về các quyền và nghĩa vụ. Vì lẽ đó, dân là người thông qua, quyết định Hiến pháp, cũng tức là dân có quyền phúc quyết đối với Hiến pháp, chứ không phải là Quốc hội thông qua Hiến pháp rồi dân là người thực hiện. Là công dân, doanh nhân đương nhiên cần được bảo đảm quyền này. Do đó, cần sửa lại Điều 74 Dự thảo sửa Hiến pháp 1992 đã được công bố (dưới đây gọi tắt là Dự thảo): “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp” theo nguyên lý Hiến pháp là do dân làm ra và quyết định; dân là chủ thể của quyền lập hiến, việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp là cần thiết phải được thực hiện, không nên để Quốc hội quyết định.

Quyền con người, quyền công dân. Theo nhiều nhà nghiên cứu, quyền con người là những quyền cơ bản nhất mà con người được có một cách tự nhiên, liên quan đến sự sống còn và phẩm giá của con người và không ai có quyền xâm phạm các quyền ấy, đó là: quyền sống; quyền không bị tra tấn, bị đối xử tàn bạo, dùng nhục hình… Quyền công dân là quyền con người được xác định bằng luật pháp trong một quốc gia nhất định, đó là quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, biểu tình, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do tôn giáo, tự do đi lại, tự do kết hôn; quyền sở hữu; quyền tiếp cận thông tin; quyền bầu cử, bãi miễn những người đại diện trong các cơ quan quyền lực; quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền tự do kinh doanh; quyền được giáo dục, được chăm sóc sức khỏe; quyền có nhà ở… Trong các quyền nói trên, có những quyền mà con người đương nhiên được thụ hưởng và có những quyền được thực hiện từng bước tùy theo trình độ phát triển của nền kinh tế đất nước.

Dự thảo sửa Hiến pháp 1992 đã có Chương riêng về quyền con người, quyền công dân đặt ngay sau Chương một là một tiến bộ rất cần ghi nhận, song cần sửa Điều 15 theo hướng giới hạn về các quyền này ”phải do luật quy định”, chứ không nên để “theo quy định của pháp luật” rất dễ bị cơ quan nhà nước lạm dụng, xâm phạm các quyền con người, quyền công dân, làm mất giá trị tối thượng của Hiến pháp.

Quyền tham gia quản lý nhà nước. Điều 29 Dự thảo quy định “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”. Xin đề nghị thêm: cơ quan nhà nước thực hiện tranh luận công khai, bình đẳng và giải trình đầy đủ khi còn những ý kiến khác nhau, tránh áp đặt những quy định thuận tiện cho cơ quan quản lý, gây khó cho DN.

Quyền tự do kinh doanh

Thực tiễn của những năm đổi mới vừa qua đã cho thấy động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc; hơn nữa, doanh nhân đã trở thành một tầng lớp xã hội ngày càng có vị trí quan trọng. Vì vậy, trong Điều 2 Dự thảo, không nên quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” mà chỉ cần quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là đủ, thể hiện rõ hơn tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, tránh phân biệt đối xử.

Điều 54 Dự thảo quy định “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Quy định này có thể coi là một bước đột phá quan trọng, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Xin đề nghị: nên tiến thêm một bước, khẳng định kinh tế tư nhân là bộ phận chủ lực của nền kinh tế.

Quyền sở hữu và tự do kinh doanh. Điều 34 Dự thảo quy định “1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh.2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh” và Điều 56 Dự thảo quy định “1. Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.2. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. 3. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa …”. Điều 55 Dự thảo quy định “1. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường …” là một điểm mới rất quan trọng về chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường.

Đó là những quy định hợp lý, cần thiết rất đáng hoan nghênh. Đề nghị bổ sung “Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân trong sản xuất kinh doanh”; (ii) Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân công chức không thực hiện đúng các quy định này.

Để bảo đảm quyền tự do kinh doanh, Điều 31 Dự thảo đã quy định “1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”… Đề nghị bổ sung: Tòa án độc lập trong xét xử, chỉ tuân theo Hiến pháp và luật. Đồng thời, cần có quy định Nhà nước bảo đảm quyền của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nhân.

Điều 120 Dự thảo đã quy định thành lập Hội đồng Hiến pháp có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành. Tuy nhiên, cần quy định lại chức năng của Hội đồng này, để bảo đảm hiệu lực thực tế, không chỉ dừng lại ở chỗ “kiến nghị”, “yêu cầu” hoặc “đề nghị” sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật vi phạm Hiến pháp như Điều 120 Dự thảo đã quy định.

Theo LS Trương Thanh Đức – Phó tổng giám đốc Maritime Bank:
Cần có toà án Hiến pháp
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có toà án Hiến pháp. Việc tuân thủ Hiến pháp vẫn chưa có một cơ quan nào chính thức chịu trách nhiệm là một thiếu sót lớn. Khi những quyền cơ bản không được bảo vệ thì tính nghiêm minh của cả hệ thống pháp luật đều bị ảnh hưởng.Điều kiện tiên quyết để Hiến pháp của mọi người dân chính là xây dựng một toà án Hiến pháp. Mọi quốc gia đặt ra hiến pháp và pháp luật trong đó chứa đựng những quy tắc, quy định. Nhưng muốn những quy tắc, quy định đó được thực hiện thì phải có những chế tài, cùng những cơ quan thực thi, giám sát và xử lí nó. Pháp luật nào thì cũng có chế tài để buộc mọi cá nhân, tổ chức phải tuân theo, nếu vi phạm nhẹ thì xử lí hành chính nặng thì đưa ra toà án phán quyết. Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật quan trọng nhất trong mọi chế độ xã hội. Do đó, Hiến pháp cần được bảo vệ là điều đương nhiên. Vi phạm luật thì bị xử phạt, xử lí, không lẽ vi phạm Hiến pháp thì không cần? Hầu hết các quốc gia đều có Toà án Hiến pháp.

Đã có quy định, quy tắc thì thế nào cũng có vi phạm. Hiến pháp của Việt Nam cũng như của bất kỳ quốc gia nào cũng đều có thể bị vi phạm, vì nó mang tính quy luật. Nhưng từ trước đến nay, chưa có toà án Hiến pháp nên chưa cá nhân, tổ chức nào bị xử lí. Vậy đã đặt ra Hiến pháp thì cần phải có toà án Hiến pháp. Hiến pháp không thể là điều đặt ra cho vui mà đặt ra để thực hiện nó.

Toà án Hiến pháp được xây dựng thời gian đầu có thể chưa phát huy được hiệu quả vì chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, chỉ riêng việc thành lập toà án Hiến pháp đã mang yếu tố tích cực cho mọi cá nhân, tổ chức có ý thức hơn trong việc tuân thủ Hiến pháp.

Ông Lê Duy Bình – GĐ Cty Economica:
Thiếu cơ chế bảo hiến

Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất, là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản pháp luật của bất kỳ nước nào trên thế giới. Là một đạo luật gốc, Hiến pháp ghi nhận và tạo lập những nền tảng chính sách cho các đạo luật cụ thể. Để tạo ra sự thay đổi cơ bản trong cả hệ thống pháp luật, trước hết cần phải sửa đổi Hiến pháp. Tôi hi vọng Hiến pháp sẽ tạo cơ sở cho những thay đổi căn bản trong hệ thống các văn bản pháp luật kinh doanh hiện nay của VN.

Việc Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi sẽ gửi một thông điệp mới đến hàng trăm nghìn DN tư nhân, tạo ra niềm tin và kỳ vọng mới.

So với các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây, sửa đổi lần này ghi nhận một sự cởi mở và quyết tâm chính trị mới của Đảng và Nhà nước trong việc mở rộng quyền dân chủ, tham gia ý kiến của nhân dân. Tuy vậy, theo tôi, Đảng và Nhà nước cần mạnh dạn hơn một bước nữa. Đó là tiến tới không chỉ lấy ý kiến góp ý của người dân mà còn phải lấy biểu quyết của người dân về những nội dung trong bản hiến pháp. Lý do cơ bản là hiến pháp chính là văn kiện của người dân một nước trao quyền cho nhà nước.

Tuy vậy, theo tôi, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này còn thiếu một cơ chế “bảo hiến” thực sự.

Bá Tú ghi

Vũ Quốc Tuấn

——————

Diễn đàn Doanh nghiệp 24-02-2013:

http://dddn.com.vn/20130222041427972cat226/vai-tro-doanh-nhan-trong-hien-phap.htm

(384/2.149)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,141