Bản quyền phiền toái
(ANVI) – Nghèo đói, kém cỏi mấy khi đòi hỏi những quyền cao siêu, diệu vợi, xa xôi. Thế rồi thành thói quen xài chùa miễn phí bản quyền từ dân chúng, doanh nghiệp cho đến nhà nước.
Bản quyền là tiền bạc gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ, liệt kê trong 3 đầu mục lớn: Thứ nhất là quyền tác giả và liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng,… Thứ hai là quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh,… Thứ ba là quyền đối với giống cây trồng do chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển.
Điều khoản 4.10, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: Sao chép là việc tạo ra 1 hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử. Chỉ có 2 trường hợp sao chép hợp pháp mà không phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao là: Tự sao chép 1 bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại và sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.
Nếu cứ bám chặt luật trên, thì pháp nhân làm gì cũng phạm luật, Còn cá nhân thì chỉ phô tô, chụp, tải, cóp nhái 1 câu về facebook của mình hay in 1 bức ảnh khỏa thân để thưởng thức đều có thể là sao chép trái phép.
Luật chặt chém thế thì vi phạm sao chép bản quyền tất yếu trở thành mặc nhiên, triền miên, thường xuyên, phổ biến khắp thiên hạ.
Ngày 06-6-2018