Tiền di động, sự đột phá trong thanh toán.
(TBKTSG) – Một trong những nội dung mới được quan tâm đặc biệt trong dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt là “tiền di động”.
Khái niệm tiền di động
Dự thảo nghị định này giải thích “Tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động”.
Tiền di động được xác định là một phương tiện thanh toán, một loại dịch vụ trung gian thanh toán, không phải do Ngân hàng Nhà nước hay các ngân hàng thương mại, mà là do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng và phát hành dưới dạng tiền điện tử (ngoài hình thức ví điện tử trước đây).
Việc thừa nhận và khuyến khích phát triển dịch vụ thanh toán tiền di động là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phải xem lại khái niệm “tiền di động”. Hiểu một cách đơn giản, tiền di động gồm ba yếu tố kết hợp là đồng tiền, thể hiện dưới dạng điện tử và thông qua dịch vụ điện thoại di động.
Tuy nhiên, đó không phải là một thuật ngữ chuyên môn, kỹ thuật, sử dụng trong phạm vi hẹp, mà là khái niệm phổ thông, sử dụng rộng rãi cho tất cả công chúng. Vì vậy, việc đặt tên gọi “tiền di động” là quá bất hợp lý, sai bản chất và gây nhầm lẫn. Từ “di động” là để phân biệt với cố định, như mục tiêu di động, điện thoại di động. Trong khi tiền di động không có bất cứ hàm ý gì để phân biệt với tiền cố định.
Chỉ có tiền bị đóng băng ở đâu đó thì mới không phải là di động, chứ đã đưa vào lưu thông, đã mang theo người, nhất là đã điện tử hóa thì đương nhiên đều là di động. Vì vậy cần phải thay đổi khái niệm này, ví dụ có thể gọi là tiền điện tử viễn thông.
Xa hơn nữa, ngoài Luật các công cụ chuyển nhượng đã có, cũng cần nhanh chóng xây dựng Luật Thanh toán, thay vì chỉ được quy định trong nghị định và lại là hai văn bản khác nhau về cùng một lĩnh vực như hiện nay. Luật Thanh toán sẽ điều chỉnh nhiều vấn đề hết sức quan trọng về chứng từ thanh toán, công cụ thanh toán, dịch vụ thanh toán, đại lý thanh toán, giám sát thanh toán, phương tiện thanh toán, tài khoản thanh toán, trung gian thanh toán, thanh toán quốc tế…, trong đó có cả thanh toán bằng và không bằng tiền mặt, đang được quy định tản mát trong nhiều văn bản khác nhau.
Đặc biệt là ít nhất có 16 nhóm hành vi cấm cá nhân, pháp nhân, lại có liên quan nhiều đến nước ngoài trong dự thảo nghị định nêu trên phải được luật hóa thì mới bảo đảm hiệu lực pháp lý.
Tương lai tiền di động
Không lâu nữa, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, ngoài bảy phương tiện hiện hành gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và ví điện tử, sẽ chuẩn bị có thêm phương tiện thanh toán thứ tám là “tiền điện tử”. Thực ra, tiền di động đã xuất hiện trên thực tế nhiều năm nay, nhưng chưa được hợp pháp hóa chính thức, TBKTSG đã đưa ra trong bài Những thách thức pháp lý khi thí điểm thanh toán qua di động.
Tiền di động chắc chắn sẽ cạnh tranh với dịch vụ thanh toán của ví điện tử và ngân hàng. Tuy nhiên, việc sử dụng tiền di động thông qua kết nối với ví điện tử và tài khoản ngân hàng không gây thêm khó khăn, mà chỉ tăng thêm sự an toàn và tiện lợi. |
Mấy chục triệu người sử dụng điện thoại di động thông minh, từ các khu vực phát triển cho đến vùng sâu, vùng xa, đã có hay chưa có tài khoản thanh toán ở ngân hàng, đều có thể tham gia thanh toán điện tử và có thể nộp, rút tiền qua các đại lý thanh toán.
Với ưu thế đơn giản, tiện lợi nổi trội, không phải kết nối với tài khoản ngân hàng, phương tiện thanh toán qua điện thoại di động đã phát triển khá mạnh trên thực tế mấy năm qua, cho dù chưa có hành lang pháp lý, chưa được công nhận. Sau khi quy định trên được chính thức ban hành thì việc thanh toán qua điện thoại di động sẽ tăng trưởng mạnh so với ví điện tử và thẻ ngân hàng.
Một trong những cơ sở góp phần dự đoán khả năng phát triển nhanh chóng dịch vụ thanh toán tiền di động là quy định mới cho phép các đại lý thanh toán thực hiện một phần các dịch vụ thanh toán nói chung, thanh toán tiền di động nói riêng, như việc nộp, rút tiền mặt vào, ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ,… vốn dĩ chỉ thuộc công việc của các ngân hàng và của bên cung ứng dịch vụ thanh toán.
Đặc biệt, trên thực tế, rất nhiều người đã và sẽ sẵn sàng thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng tiền ví điện tử hay tiền di động thay vì thông qua thẻ hay chuyển khoản qua ngân hàng, nhất là đối với những giao dịch thanh toán lặt vặt nhưng có số lượng vô cùng lớn với các chủ thể hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ.
Pháp lý tiền di động
Do là một phương tiện thanh toán tiện lợi, đơn giản, nên thanh toán tiền di động cũng dễ xảy ra rủi ro hơn so với việc thanh toán qua ví điện tử. Vì vậy, ngoài các rủi ro đối với giao dịch điện thoại và thanh toán nói chung như tính hợp pháp, việc bảo vệ điện thoại, bảo mật thông tin, mật khẩu, thì người sử dụng tiền di động cần quan tâm thêm đến các rủi ro pháp lý khác.
Một số vấn đề cần lưu ý khi giao dịch với các đại lý thanh toán không phải là ngân hàng hoặc quỹ tín dụng như sau:
– Dễ dàng trở thành đại lý thanh toán, vì pháp luật không đòi hỏi điều kiện gì đáng kể. Tuy nhiên, chỉ có đại lý thanh toán là tổ chức, chứ không có đại lý thanh toán là cá nhân;
– Mỗi đại lý thanh toán chỉ được làm đại lý cho một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (trừ được bên giao đại lý cho phép);
– Đại lý thanh toán phải ký hợp đồng trực tiếp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chứ không được phép nhận đại lý thông qua đại lý khác;
– Đại lý thanh toán chỉ được thực hiện một phần quy trình mở tài khoản thanh toán, cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý;
– Đại lý thanh toán không được giao dịch vượt quá hạn mức được phép. Dự thảo nghị định quy định đối với mỗi khách hàng cá nhân, hạn mức tối đa rút tiền mặt là 20 triệu và thanh toán hoặc chuyển tiền là 50 triệu đồng/ngày.
Một trong những cách phòng tránh rủi ro pháp lý rõ ràng nhất là không vi phạm những điều cấm quy định trong dự thảo nghị định như tiết lộ thông tin, làm lộ bí mật, mở tài khoản thanh toán mạo danh; cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán; thực hiện giao dịch khống (giao dịch hàng hóa, dịch vụ không phát sinh); sử dụng tài khoản vào mục đích đánh bạc, lừa đảo, gian lận, giả mạo, rửa tiền, tài trợ khủng bố, kinh doanh trái pháp luật hoặc các hành vi phạm pháp khác.
Ngoài ra, tiền di động là một dịch vụ tăng thêm của dịch vụ di động. Người sử dụng tiền di động phải mở tài khoản điện thoại di động với tên tuổi, địa chỉ, căn cước rõ ràng, chính xác theo quy định về quản lý điện thoại di động thì mới bảo vệ được quyền lợi khi xảy ra rủi ro.
Cuối cùng tiền di động chắc chắn sẽ cạnh tranh với dịch vụ thanh toán của ví điện tử và ngân hàng. Tuy nhiên, việc sử dụng tiền di động thông qua kết nối với ví điện tử và tài khoản ngân hàng không gây thêm khó khăn, mà chỉ tăng thêm sự an toàn và tiện lợi.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC
——————
Thời báo Kinh tế SG (Tiền tệ) 20-02-2020:
https://www.thesaigontimes.vn/300327/tien-di-dong-su-dot-pha-trong-thanh-toan-.html
(1.529)