256. Bình luận dự thảo Nghị định về điều kiện mua bán nợ.

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, góp ý theo yêu cầu của Phó Thống đốc NHNN.

Hà Nội 06-11-2015    

 

1.  Bình luận chung:

Quy định về các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ trong Dự thảo Nghị định quá chặt chẽ, không phù hợp đối với các doanh nghiệp nói chung, mà chỉ phù hợp với hoạt động mua bán nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) và do các TCTD thực hiện: Vốn điều lệ rất lớn, tiêu chuẩn quản lý rất cao, việc giám sát rất chặt chẽ.

2.  Về tên gọi của Nghị định:

2.1. Dự thảo Nghị định có tên gọi là “Nghị định Về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ”, với lý do bám sát yêu cầu của Luật Đầu tư năm 2014 chỉ quy định về điều kiện kinh doanh. Việc xác định tên gọi như vậy là không hợp lý.

2.2. Đề nghị sửa lại tên gọi là “Nghị định Về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” này cho đúng với thực tế là Dự thảo Nghị định không chỉ điều chỉnh về “điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” mà điều chỉnh toàn bộ các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Ví dụ, Điều 4 về “Nguyên tắc mua bán nợ”, Điều 5 về “Phương thức mua bán nợ”,… Việc mở rộng về nội dung và thay đổi tên gọi của Nghị định cho phù hợp hơn là không trái với Luật Đầu tư, đồng thời cũng bảo đảm sự thống nhất với các lĩnh vực tương tự khác. Trường hợp chỉ quy định riêng về điều kiện kinh doanh thì mới đặt tên như Dự thảo.

3. Về Phạm vi điều chỉnh (Điều 1):

3.1. Khoản 2, Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh” của Dự thảo quy định:

“2. Nghị định này không áp dụng đối với các hoạt động mua bán nợ sau đây:

a) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện mua bán nợ theo quy định của Luật các TCTD và các quy định của pháp luật có liên quan.

b) Việc mua, bán nợ của tổ chức, cá nhân không phải là hoạt động kinh doanh thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự.

c) Việc mua, bán các khoản nợ là trái phiếu của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

d) Việc mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam.”

3.2.     Đề nghị xem lại quy định trên vì những lý do sau đây:

–  Điểm a: Nếu không điều chỉnh hoạt động của “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, thì cũng không căn cứ vào Luật Các TCTD. Còn nếu đã căn cứ vào Luật Các TCTD, thì cần điều chỉnh chung, trong đó có quy định cái nào có quy định riêng thì theo quy định riêng, tương tự như mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp với Luật Các TCTD;

–  Điểm b: Tương tự, “Việc mua, bán nợ của tổ chức, cá nhân không phải là hoạt động kinh doanh thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.”, nhưng cũng cần được xác định lại theo cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, vì hoạt động này không chỉ theo quy định của Bộ luật Dân sự, mà còn liên quan đến Luật Thương mại và nhiều Luật khác nữa, chẳng hạn liên quan đến đất đai, nhà ở, đầu tư xây dựng,… thì phải thực hiện theo các quy định tương ứng. Đồng thời cần chỉ rõ, những nội dung nào được thực hiện theo Nghị định này, thì mới bảo đảm hành lang pháp lý điều chỉnh chung hoạt động mua bán nợ

–  Điểm c: “Việc mua, bán các khoản nợ là trái phiếu của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.” Việc mua bán trái phiếu, là giấy tờ có giá, thì không phải là mua bán nợ, còn việc mua bán nợ gắn với trái phiếu thì cũng giống như việc mua bán nợ gắn với cổ phần hay bất động sản hoặc tài sản khác. Đồng thời, điều này cũng không đúng với khái niệm “Nợ là nghĩa vụ về tài sản được thể hiện trong hợp đồng/thỏa thuận dân sự mà bên nợ phải trả cho chủ nợ.” quy định quy định tại Điều 3 của Dự thảo. Vì vậy cần loại bỏ quy định này khỏi Dự thảo Nghị định hoặc muốn để lại thì phải thể hiện khác đi

–  Điểm d: “Việc mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam.” Cũng giống như trên, Nghị định này nên là một Nghị định chung điều chỉnh tất cả các hoạt động mua bán nợ, trong đó đặt ra nguyên tắc ưu tiên áp dụng theo quy định riêng về mua bán nợ của các TCTD, của VAMC và DATC;

–  Điểm c, khoản 17, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ” của Dự thảo lại quy định, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ bao gồm: “c) Doanh nghiệp mua, bán nợ do Thủ tướng Chính phủ thành lập, trong đó bao gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam.” Như vậy thì DATC và VAMC đã bị loại trừ ở Điều 1, nhưng lại được quy định tại Điều 3.

3.3. Vì vậy, cần quy định chung điều chỉnh tất cả các hoạt động mua bán nợ, trong đó có một số quy định riêng (như đặt ra nguyên tắc ưu tiên áp dụng theo quy định riêng) về: Mua bán nợ của các TCTD, của VAMC và DATC; mua bán nợ của các cá nhân và pháp nhân khác. Đây cũng là cơ sở để tiến tới xây dựng một đạo luật về mua bán nợ điều chỉnh mọi hoạt động về mua bán nợ trong nền kinh tế.

4.  Về “Giải thích từ ngữ” (Điều 3):

4.1. Khoản 3, Điều 3 quy định “3. Chủ nợ là tổ chức kinh tế, cá nhân, chủ thể giao dịch dân sự khác có quyền đòi nợ.” Bản giải trình viết: “Nợ là nghĩa vụ về tài sản được thể hiện trong hợp đồng/thỏa thuận dân sự mà bên nợ phải trả cho chủ nợ.  Trong đó, chủ nợ là tổ chức kinh tế, cá nhân, chủ thể giao dịch dân sự khác có quyền đòi nợ và Bên nợ là tổ chức kinh tế, cá nhân, chủ thể giao dịch dân sự khác có nghĩa vụ trả nợ được quy định tại hợp đồng giao dịch phát sinh nghĩa vụ nợ. Như vậy, khái niệm khoản nợ được quy định tại Nghị định đã loại trừ các khoản nợ mà chủ nợ hoặc bên nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân;…”.

Câu văn như trên là chưa thể hiện chính xác nội dung cần diễn đạt, vì theo quy định tại Điều 1 về “Nhiệm vụ và phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự”, Điều 100 về “Các loại pháp nhân” và các Điều liên quan khác của Bộ luật Dân sự năm 2005, thì “chủ thể giao dịch dân sự khác có quyền đòi nợ” bao gồm cả “tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, vì đó cũng đều là các pháp nhân và các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Đó đó, nếu muốn loại trừ nợ của các pháp nhân là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và của Nhà nước thì cần phải ghi rõ điều này.

4.2. Khoản 5, Điều 3 quy định: “5. Mua, bán nợ là việc bên bán nợ chuyển giao quyền chủ nợ của khoản nợ cho bên mua nợ và nhận thanh toán bằng tiền từ bên mua nợ.”

Đề nghị xem lại, không bắt buộc việc thanh toán phải bằng tiền, vì như vậy là hạn chế quyền của các chủ thể giao dịch. Các bên có thể thoả thuận thanh toán bằng tài sản khác hoặc trao đổi tài sản hay có thể quy đổi thành tiền, nhưng không nhất thiết phải là “bằng tiền”.

4.3. Điểm a, khoản 7 quy định một trong những hoạt động mua, bán nợ không phải là hoạt động kinh doanh, đó là “c) Các hoạt động mua bán nợ khác không thường xuyên, không nhằm mục đích sinh lợi.

Hoạt động mua bán nợ khác không thường xuyên, không nhằm mục đích sinh lợi là một dấu hiệu rất quan trọng để phân biệt giữa hoạt động kinh doanh và không phải là kinh doanh mua bán nợ (bị điều chỉnh theo những điều kiện vô cùng khác nhau). Nhưng, quy định như trên rất dễ bị hiểu là phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện là “không thường xuyên” “không nhằm mục đích sinh lợi.” Vì vậy đề nghị thêm chữ “hoặc” vào giữa hai cụm từ này để bảo đảm việc hiểu rõ ràng theo nghĩa sau: Hoặc là không thường xuyên, nhưng có thể sinh lời hoặc không sinh lời. Hoặc là thường xuyên nhưng không nhằm sinh lời.

4.4. Khoản 18 quy định: “18. Người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.”

Nội dung này giống với quy định tại khoản 18, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Doanh nghiệp năm 2014, vì vậy không nên nhắc lại, mà viện dẫn đến Luật để tránh trùng lặp, nhất là phần căn cứ của Nghị định cũng đã viện dẫn Luật này.

5. Về “Nguyên tắc mua bán nợ” (Điều 4):

5.1. Khoản 1, Điều 4 quy định “1. Một khoản nợ có thể được bán một phần hoặc toàn bộ, bán cho nhiều bên mua nợ và có thể được mua, bán nhiều lần. Trường hợp khoản nợ có tài sản bảo đảm được bán một phần, các bên được thỏa thuận về tỷ lệ phân chia tài sản bảo đảm của khoản nợ.” Quy định này chưa bao quát hết phạm vi bảo đảm nghĩa vụ nợ  có thể bao gồm cả biện pháp bảo lãnh và biện pháp bảo đảm khác mà nghĩa vụ không được bảo đảm bằng tài sản bảo đảm.

5.2. Vì vậy, cần sửa theo hướng, trường hợp khoản nợ có tài sản và biện pháp bảo đảm được bán một phần, các bên được thỏa thuận về tỷ lệ phân chia tài sản và biện pháp bảo đảm của khoản nợ. Nội dung này cũng nhằm bảo đảm sự thống nhất với quy định tại khoản 2, Điều 4, về việc chuyển giao “quyền, nghĩa vụ đối với biện pháp bảo đảm (nếu có) từ bên bán nợ sang bên mua nợ”.

6. Về “Sử dụng ngôn ngữ”(Điều 6):

6.1. Điều 6 quy định: “Các bên liên quan được thỏa thuận sử dụng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài trong các văn bản liên quan đến giao dịch mua, bán nợ. Trường hợp sử dụng tiếng nước ngoài, các văn bản phải được dịch sang tiếng Việt có chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định về chứng thực của pháp luật Việt Nam để phục vụ công tác quản lý nhà nước.” Nội dung này là hoàn toàn khớp đúng với quy định của Luật Công chứng năm 2006 và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 của Chính phủ “Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký” (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20-01-2012 và Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02-02-2012 của Chính phủ). Tuy nhiên lại không phù hợp với quy định mới về thẩm quyền “chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội” của Công chứng viên tại Điều 61 về “Công chứng bản dịch”, Luật Công chứng năm 2014.

6.2. Vì vậy, đề nghị sửa lại theo hướng: Trường hợp sử dụng tiếng nước ngoài, các văn bản phải được dịch sang tiếng Việt có chứng nhận hoặc chứng thực theo quy định về công chứng, chứng thực của pháp luật Việt Nam.

7. Về Điều kiện về vốn pháp định”(Điều 9):

7.1. Khoản 1, Điều 9 quy định như sau:

“1. Mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ như sau:

a) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ kinh doanh hoạt động mua bán nợ phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 100 tỷ đồng.

b) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 1.000 tỷ đồng.

c) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ kinh doanh các dịch vụ khác phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 10 tỷ đồng.”

Mức vốn pháp định như trên là quá cao, không cần thiết và không khả thi, không khuyến khích phát triển thị trường mua bán nợ. Đặc biệt là không tương xứng với mức vốn pháp định đối với một loạt hoạt động kinh doanh khác như: Kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa là 200 – 500 tỷ đồng, bảo lãnh phát hành chứng khoán là 165 tỷ đồng, công ty cho thuê tài chính là 150 tỷ đồng, sở giao dịch hàng hóa là 150 tỷ đồng, kinh doanh bất động sản là 20 tỷ đồng, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng,…

7.2. Vì vậy đề nghị xem lại giảm thấp mức vốn pháp định xuống tương ứng với 3 trường hợp nói trên, có thể là 10, 50 tỷ đồng và không cần quy định mức vốn pháp định. Riêng điều kiện này đối với AMC của các TCTD thì có cần mức cao hơn. Ngoài ra cần sửa lại cụm từ “mức vốn pháp định tối thiểu” tại khoản 2 thành “mức vốn pháp định”, vì cụm từ này đã bao hàm nghĩa tối thiểu.

8.  Về “Điều kiện về người quản lý” (Điều 10):

8.1. Khoản 3 và 4, Điều 10 quy định 2 trong số 4 điều kiện của Người quản lý doanh nghiệp là:

“3. Có ít nhất 03 năm làm người điều hành hoặc có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, định giá tài sản hoặc mua bán nợ.

4. Những người đã làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ khác đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thoả mãn thêm điều kiện: trong ba năm trước liền kề, không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.”

Quy định điều kiện như trên là quá chặt chẽ, tương đương với tiêu chuẩn của Phó Tổng giám đốc và Giám đốc chi nhánh ngân hàng. Và chặt chẽ hơn so với quy định tại khoản 3, Điều 130 về “Cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản”, Luật Phá sản năm 2014, chỉ hạn chế việc trong 3 năm không được thành lập và làm người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp người quản lý “cố ý vi phạm” một số quy định của Luật.

8.2. Vì vậy, đề nghị xem xét nới lỏng điều kiện đối với người quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Chẳng hạn chỉ cần đáp ứng quy định tại khoản 2 là “2. Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận.”, mà không nhất thiết phải cần thêm điều kiện tại khoản 3. Và không nên hạn chế trong thời hạn 3 năm đối với tất cả mọi người quản lý trong doanh nghiệp đã đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

9.  Về “Điều kiện về cơ sở, vật chất kỹ thuật” (Điều 11):

9.1.  Điều 11 quy định, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở, vật chất sau đây:

“1. Có hệ thống công nghệ thông tin để theo dõi, quản lý, đôn đốc và thu hồi nợ.

2. Có quy định nội bộ về việc theo dõi, quản lý, đôn đốc và thu hồi nợ phù hợp với quy định của pháp luật và phân định rõ quyền, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan.”

Đó là những quy định quá chặt chẽ, quá mức cần thiết, giống với yêu cầu đối với hoạt động của ngân hàng, dường như nhằm chống sự gian lận, giả tạo trong hoạt động mua bán nợ.

9.2. Vì vậy, đề nghị bỏ hết những quy định trên, để cho doanh nghiệp chủ động quyết định và tự chịu trách nhiệm.

10.  Về “Điều kiện thực hiện mua bán nợ”(Điều 12):

10.1. Khoản 1 và khoản 3, Điều 12 quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chỉ được thực hiện đối với các khoản nợ có các yếu tố sau đây:

“a) Là khoản nợ có đầy đủ hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có liên quan, trong đó quyền và nghĩa vụ của chủ nợ và bên nợ được quy định cụ thể, rõ ràng bằng văn bản.”;

“d) Khoản nợ mà bên mua nợ, bên bán nợ và bên nợ không phải là người có liên quan theo quy định của Luật Doanh nghiệp.”;

“3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ không được vay vốn của TCTD, chi nhánh ngân hàng để mua nợ có nguồn gốc hình thành từ quan hệ cấp tín dụng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”

Các điều kiện trên chỉ hợp lý đối việc mua bán nợ của các TCTD, mà không hợp lý đối với nợ của cá nhân, pháp nhân khác và thậm chí là trái với quyền tự do kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp về giao dịch với người có liên quan (được phép giao dịch có điều kiện), trong Luật Đầu tư về việc vay vốn của TCTD để hoạt động kinh doanh.

10.2. Vì vậy, đề nghị chỉ quy định đối với các AMC của TCTD, mà không áp dụng đối với các công ty kinh doanh dịch vụ mua bán nợ nói chung.

11. Về “Công khai, minh bạch” (Điều 13):

11.1. Khoản 1, Điều 13 quy định: “1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải công bố trên phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của doanh nghiệp ít nhất mười (10) ngày làm việc trước ngày dự kiến khai trương hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ với các thông tin cơ bản sau đây:...” Đây là quy định tương tự với khoản 2, Điều 35 về “Trụ sở chính của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2005: “2. Doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.” Tuy nhiên nội dung này là không cần thiết và đã không còn được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014.

11.2.  Vì vậy, đề nghị bỏ quy định nói trên trong Dự thảo Nghị định.

12. Về bố cục và kỹ thuật soạn thảo văn bản:

12.1. Về Bố cục Nghị định:

Dự thảo Nghị định được chia thành 3 chương, 23 điều gồm: “Chương 1. Quy định chung”, “Chương II. Điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ” và “Chương III. Tổ chức thực hiện” là không hợp lý, không có ý nghĩa cả về khoa học cũng như trên thực tế. Vì Chương I và III luôn là các chương mang tính công thức, thủ tục mở đầu và kết thúc của một mẫu Nghị định. Chương còn lại đương nhiên là gồm toàn bộ nội dung chính của Nghị định. Phân chia Chương như vậy, tên Chương II lại trùng lặp hoàn toàn với tên Nghị định là không hợp lý. Đồng thời gần như không thể phân biệt được giữa các điều khoản trong Chương “Quy định chung” và Chương “Điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ” (hàm ý là quy định cụ thể như nhiều văn bản khác do NHNN soạn thảo) khác nhau như thế nào. Hay nói cách khác, không thế xác định được một điều cụ thể tại sao lại đặt ở Chương “Quy định chung” mà không phải là ở Chương “Điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ” và ngược lại. Ví dụ các điều sau đang ở Chương “Quy định chung” thì hoàn toàn có thể chuyển sang Chương “Điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ”: Điều 4 về “Nguyên tắc mua bán nợ”, Điều 5 về “Phương thức mua bán nợ”, Điều 6 về “Sử dụng ngôn ngữ”, Điều 7 về “Đồng tiền giao dịch”.

Và ngược lại, Điều 8 về “Thành lập doanh nghiệp” hay Điều 14 về “Thực hiện nghĩa vụ thuế” đang ở Chương “Điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ” thì lại hoàn toàn có thể chuyển sang Chương “Quy định chung”. Do đó, không thế chấp nhận bố cục Nghị định chỉ có 3 Chương trong mọi trường hợp.

Vì vậy, đề nghị hoặc là cần phải bỏ hẳn các Chương, chỉ có bố cục Điều, nhất là nội dung Dự thảo tương đối ngắn gọn với 23 điều. Hoặc là cần phải bố cục ít nhất thành 4 Chương, trong đó ngoài 2 Chương “Những quy định chung” và “Tổ  chức thực hiện” (riêng Chương này có thể tách thành 1 Chương nữa là “Điều khoản thi hành”), thì cần tách các nội dung chính còn lại thành ít nhất 2 Chương.

12.1. Về bố cục Điều 10 về “Điều kiện về người quản lý”:

Dự thảo đang quy định một đoạn văn “Người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải đáp ứng điều kiện sau đây:” không thuộc bất kỳ khoản, điểm nào trong một điều được bố cục theo kho n điểm. Điều này vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 5 về “Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008: “3. Văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng thì tùy theo nội dung có thể được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm; đối với văn bản có phạm vi điều chỉnh hẹp thì bố cục theo các điều, khoản, điểm.”

Vì vậy đề nghị bỏ đoạn văn dẫn dắt không thuộc khoản nào nói trên, đồng thời đổi tên điều cho phù hợp thành “Điều kiện về người quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ”. Hoặc là chuyển đoạn văn dẫn dắt nói trên thành khoản 1, các nội dung còn lại thành khoản 2, tương tự như một điều trong Dự thảo Nghị định:

Điều 5. Phương thức mua bán nợ

1. Bên mua nợ và bên bán nợ được thỏa thuận lựa chọn một trong các phương thức mua, bán nợ quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các phương thức mua bán nợ:

a) Phương thức mua, bán nợ thông qua đàm phán trực tiếp giữa bên bán nợ và bên mua nợ hoặc gián tiếp thông qua môi giới.

b) Phương thức mua, bán nợ thông qua đấu giá các khoản nợ thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

c) Phương thức mua, bán nợ thông qua sàn giao dịch nợ.”

12.2.  Về từ ngữ trong Điều 22 về “Điều khoản chuyển tiếp”

Điều 22 viết “Trong thời gian tối đa 06 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành,…

Đề nghị sửa lại thành “Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành,…”.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

[1]   Bình luận theo đề nghị của Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,803