Nguy an toàn mạng
(ANVI) – Luật An ninh mạng sắp sửa trình làng, sau một thời gian ngắn mang nặng đẻ đau, thi nhau nhấn nút, đừng mơ lặp lại chuyện mông má, sì tút vào phút 89 như với Bộ luật Hình sự 2015.
Luật nhằm bảo vệ không gian mạng, ngăn ngừa tấn công hệ thống mạng. Tuy chưa đi vào cuộc sống, nhưng nó đã được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là cư dân mạng sôi sục hừng hực. Vì nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, là quyền công dân, quyền con người đã được hiến định tại Điều 25, Hiến pháp 2013 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.
Đồng thời, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác cũng được xác định bảo vệ tại Điều 21, Hiến pháp và Điều 38 về “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”, Bộ luật Dân sự
Đặc biệt là, Điều 167, Bộ luật Hình sự còn quy định rõ về “Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân”.
Đôi khi chỉ mỗi con số 99 năm trong một dự luật mà còn tạo sóng phần phật, thì cả 1 đạo luật khó tránh khỏi những nguy cơ mơ hồ, mô lý, bất cập, gây tranh cãi trái chiều cũng là điều không lạ. Tất cả mong chờ ở hướng dẫn và thực thi!
Ngày 20-6-2018