(ANVI) – Hội thảo Bộ luật Dân sự 2015 Bộ TP – Hà Nội 18-12-2015
- Quy định:
- Điều 122, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 122. Giao dịch dân sự vô hiệu
Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu.”
- Điều 117, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
- Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- a) Chủ thể có năng lực pháp luật, năng lực hành vi phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”
- Tổng hợp lại toàn bộ các điều luật liên quan, thì có các trường hợp giao dịch và hợp đồng vô hiệu như sau:
- Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ (Điều 59);
- Chủ thể không có năng lực pháp luật, năng lực hành vi phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập (Điều 117 và 122);
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự không hoàn toàn tự nguyện (Điều 117 và 122);
- Vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (Điều 117, 122 và 123);
- Giả tạo (Điều 124);
- Giao dịch do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi xác lập, thực hiện (Điều 125);
- Bị nhầm lẫn (Điều 126);
- Bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127);
- Người xác lập không nhận thức và làm chủ hành vi (Điều 128);
- Không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 117, 122 và 129).
- Giao dịch dân sự vô hiệu toàn bộ hoặc từng phần theo quy định tại Điều 130, Bộ luật Dân sự năm 2015. Và giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Bình luận:
Theo các quy định tại Điều 117 và 122 nêu trên, thì chỉ vi phạm ít nhất một trong bốn trường hợp nêu trên thì giao dịch dân sự nói chung, hợp đồng dân sự nói riêng mới bị vô hiệu. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp giao dịch vô hiệu, trong đó một số trường hợp theo các điều luật liên quan khác và kể cả các luật khác, như Luật Doanh nghiệp.
Giao dịch vô hiệu gây hậu quả thiệt hại cho một hoặc tất cả các bên tham gia. Vì vậy, một trong những yêu cầu quan trọng nhất cần phải giải quyết trong quá trình giao dịch của các chủ thể nói chung và doanh nghiệp nói riêng là tránh nguy cơ hợp đồng bị vô hiệu ngoài sự mong muốn.
- Về giao dịch vô hiệu giữa người giám hộ với người được giám hộ:
- Quy định:
Khoản 1, Điều 59, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 59. Quản lý tài sản của người được giám hộ
- Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.”
- Bình luận:
Điều luật chỉ quy định một trường hợp vô hiệu đối với các giao dịch giữa người giám hộ và người được giám hộ. Như vậy các trường hợp vi phạm nghĩa vụ khác của người giám hộ đối với giao dịch tài sản của người được giám hộ như dưới đây (đã được nêu tại Điều Luật trên) thì có bị vô hiệu hay không và khi nào thì vô hiệu, khi nào thì không vô hiệu?
Thứ nhất, là trường hợp người giám hộ thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ không vì lợi ích của người được giám hộ? Điều khó ở đây là việc xác định thế nào là “vì lợi ích của người được giám hộ”. Chẳng hạn như việc mang tài sản đi thế chấp vay vốn ngân hàng nhằm gửi tiết kiệm để lấy lãi cho người được giám hộ ăn học? Hay đơn giản hơn nhưng cũng khó xác định hơn là, ngân hàng khi nào thì cho hay không cho người giám hộ rút tiền gửi tiết kiệm của người được giám hộ gửi tại ngân hàng?
Thứ hai, là trường hợp người giám hộ bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ, mà không có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ?
Thứ ba, là trường hợp người giám hộ đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác, không có loại trừ.
- Khuyến nghị:
Giao dịch liên quan đến việc định đoạt tài sản của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự chứa đựng nguy cơ vô hiệu nhiều hơn so với các trường hợp khác.
Tuy điều luật chỉ quy định một trong số bốn trường hợp giao dịch nói trên bị vô hiệu, nhưng các trường hợp khác có thể được hiểu là cũng có thể bị vô hiệu do vi phạm điều cầm của pháp luật.
- Quy định:
Điều 133, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
- Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
- Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
- Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại, nếu có.”
- Bình luận:
Quy định tại khoản 2, Điều 133 “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.” là hợp lý và rất cần thiết để bảo đảm an toàn, ổn định pháp lý cho các giao dịch dân sự, tránh rủi ro “bất khả kháng” ngoài khả năng kiểm soát, giúp doanh nghiệp và người dân yên tâm khi giao dịch đối với các tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nội dung trêbn kế thừa toàn bộ quy định tại khoản 2, Điều 138, Bộ luật Dân sự năm 2005 hiện hành. Điều này cũng thống nhất với quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 106 về “Đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp”, Luật Đất đai năm 2013 là: Không thu hồi “Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai” nếu như “người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.”
Tuy nhiên, quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình nói trên, nhưng lại sẽ có nguy cơ gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu. Trong trường hợp này, thì vấn đề tiếp theo sẽ được giải quyết theo cơ chế kiện bồi thường thiệt hại đối với người có lỗi. Cái khó nhất trong trường hợp này là, phần lớn toàn bộ hoặc một phần lỗi thuộc về các cơ quan nhà nước, nhưng lại rất khó đòi bồi thường thiệt hại từ cơ quan nhà nước.
- Khuyến nghị:
Đối với tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng, người thứ ba ngay tình được pháp luật công nhận quyền sở hữu hợp pháp tài sản đã nhận được từ giao dịch (trừ trường hợp là hợp đồng không có đền bù), kể cả trong trường hợp giao dịch trước đó vô hiệu.
Đối với tài sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng, người thứ ba ngay tình chỉ được bảo vệ thoát khỏi giao dịch vô hiệu trong 2 trường hợp lầ: Nhận được tài sản thông qua bán đấu giá hoặc nhận được tài sản từ chủ sở hữu theo xác định của bản án, quyết định của cơ quan nhà nước, cho dù giao dịch chưa được đăng ký bắt buộc theo quy định hay sau đó bên chuyển giao không phải là chủ sở hữu tài sản.
- Quy định:
Điều 407, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 407. Hợp đồng vô hiệu
- Các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.
- Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
- Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thoả thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.
- Bình luận:
Nội dung trên trùng với quy định tại Điều 410 về “Hợp đồng dân sự vô hiệu”, Bộ luật Dân sự năm 2005. Rủi ro lớn nhất đối với quy định này là xác định thế nào là “trường hợp các bên thoả thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính”. Vì theo quy định tại khoản 4, Điều 402 của Bộ luật, thì “Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính”. Vậy, liệu có khi nào thì Hợp đồng phụ là một phần có thể hay “không thể tách rời của hợp đồng chính”?
- Khuyến nghị:
Không chỉ quan tâm đến sự vô hiệu của hợp đồng chính, mà còn cả hợp đồng phụ cũng sẽ bị chấm dứt kéo theo, trừ đối với các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự hoặc khi có thoả thuận khác. Hợp đồng phụ, nếu là một phàn không thể tách rời của hợp đồng chính, mà bị vô hiệu thì cũng làm chấm dứt hợp đồng chính.
- Quy định:
Điều 408, Bộ luật Dấn sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 408. Hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được
- Trong trường hợp ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu.
- Trong trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được, nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.
- Quy định tại khoản 2 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được, nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có giá trị.”
- Bình luận:
Khoản 1, Điều trên khác với quy định tại khoản 1, Điều 411, Bộ luật hiện hành ở chỗ, cứ thuộc trường hợp “đối tượng không thể thực hiện được” thì hợp đồng bị vô hiệu, chứ không cần kèm theo điều kiện “vì lý do khách quan”.
Quy định tại Điều này là hoàn toàn hợp lý và có tính chất đương nhiên, không thể khác. Việc gánh chịu và bồi thường thiệt hại được đặt ra đối với bên một hoặc cả hai bên tuỳ thuộc vào mức độ lỗi theo các quy định chung.
- Khuyến nghị:
Các bên có thể tự do thoả thuận về bất kỳ nội dung nào của hợp đồng nói chung, đối tượng của hợp đồng nói riêng, nhưng sẽ vô hiệu nếu đối tượng không thể thực hiện được từ thời điểm giao kết, bất kể lý do chủ quan hay khách quan.
- Về hợp đồng vô hiệu do không được Hội đồng thành viên chấp thuận:
- Quy định:
Điều 67, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:
“Điều 67. Hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận
- Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận:
- a) Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;
- b) Người có liên quan của những người quy định tại điểm a khoản này;
- c) Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ;
- d) Người có liên quan của người quy định tại điểm c khoản này.
- Người ký kết hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho các thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch dự định tiến hành. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác thì Hội đồng thành viên phải quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo; trong trường hợp này, hợp đồng, giao dịch được chấp thuận nếu có sự tán thành của số thành viên đại diện ít nhất 65% tổng số vốn có quyền biểu quyết. Thành viên có liên quan trong các hợp đồng, giao dịch không được tính vào việc biểu quyết.
- Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết không đúng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, gây thiệt hại cho công ty. Người ký kết hợp đồng, giao dịch, thành viên có liên quan và người có liên quan của thành viên đó phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch được ký kết không đúng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này hoặc gây thiệt hại cho công ty.”
- Bình luận:
Việc không thực hiện đúng các điều kiện ký kết hợp đồng hoàn toàn thuộc về lỗi của nội bộ doanh nghiệp có vi phạm. Nhưng quy định giao dịch đó bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật, tức là theo quy định của Bộ luật Dân sự, thì không hợp lý, không công bằng.
Điều này cũng dễ dẫn đến sự lạm dụng. Chẳng hạn một bến có thể cố tình ký hợp đồng mà chưa được Hội đồng thành viên thông qua. Nếu sau này có lợi cho họ thì cứ thế thực hiện hợp đồng, nếu bất lợi thì dễ dàng quay ra yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng để rũ bỏ trách nhiệm.
- Khuyến nghị:
Khi giao dịch với các Công ty TNHH, các doanh nghiệp phải kiểm tra, đánh giá các trường hợp, thủ tục và điều kiện mà hợp đồng phải được Hội đồng thành viên các bên chấp nhận, để tránh nguy cơ hợp đồng vô hiệu, dù lỗi hoàn toàn không thuộc về mình.
- Về hợp đồng vô hiệu do giao dịch giữa công ty với những người có liên quan:
- Quy định:
Điều 86, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:
“Điều 86. Hợp đồng, giao dịch của công ty với những người có liên quan
- Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, hợp đồng, giao dịch giữa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu với những người sau đây phải được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên xem xét quyết định:
- a) Chủ sở hữu công ty và người có liên quan của chủ sở hữu công ty;
- b) Thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;
- c) Người có liên quan của những người quy định tại điểm b khoản này;
- d) Người quản lý của chủ sở hữu công ty, người có thẩm quyền bổ nhiệm những người quản lý đó;
đ) Người có liên quan của những người quy định tại điểm d khoản này.
Người ký kết hợp đồng phải thông báo cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch đó.
- Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và Kiểm soát viên phải quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo theo nguyên tắc đa số, mỗi người có một phiếu biểu quyết; người có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết.
- Hợp đồng, giao dịch quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được chấp thuận khi có đủ các điều kiện sau đây:
- a) Các bên ký kết hợp đồng hoặc thực hiện giao dịch là những chủ thể pháp lý độc lập, có quyền, nghĩa vụ, tài sản và lợi ích riêng biệt;
- b) Giá sử dụng trong hợp đồng hoặc giao dịch là giá thị trường tại thời điểm hợp đồng được ký kết hoặc giao dịch được thực hiện;
- c) Chủ sở hữu công ty tuân thủ đúng nghĩa vụ quy định tại khoản 4 Điều 76 của Luật này.
- Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật nếu được ký kết không đúng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, gây thiệt hại cho công ty. Người ký hợp đồng và người có liên quan là các bên của hợp đồng liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại phát sinh và hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.
- Hợp đồng, giao dịch giữa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu với chủ sở hữu công ty hoặc người có liên quan của chủ sở hữu công ty phải được ghi chép lại và lưu giữ thành hồ sơ riêng của công ty.”
- Bình luận:
Cũng tương tự như quy định tại Điều 67, Luật Doanh nghiệp đã nêu trên, việc không thực hiện đúng các điều kiện ký kết hợp đồng hoàn toàn thuộc về lỗi của nội bộ doanh nghiệp. Như vậy, có thể nói, vi phạm, rủi ro của nội bộ doanh nghiệp đã bị đẩy ra bên ngoài cho các đối tác khác phải hứng chịu. Đây là điều khoản vô hiệu dễ bị lợi dụng.
- Khuyến nghị:
Khi giao dịch với các Công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu, các doanh nghiệp phải kiểm tra, đánh giá các trường hợp, thủ tục và điều kiện mà hợp đồng phải được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên các bên xem xét quyết định, để tránh nguy cơ hợp đồng vô hiệu, dù lỗi hoàn toàn không thuộc về mình.
- Về hợp đồng vô hiệu do không được Đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT chấp thuận:
- Quy định:
Điều 162, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:
“Điều 162. Hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận
- Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận:
- a) Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;
- b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;
- c) Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật này.
- Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo các thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết.
- Đại hội đồng cổ đông chấp thuận các hợp đồng và giao dịch khác ngoài các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trường hợp này, cổ đông có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết; hợp đồng hoặc giao dịch được chấp thuận khi có số cổ đông đại diện 65% tổng số phiếu biểu quyết còn lại tán thành, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.
- Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, gây thiệt hại cho công ty; người ký kết hợp đồng, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.”
- Bình luận:
Việc người đại diện của doanh nghiệp ký kết hợp đồng mà chưa được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận hoàn toàn là lỗi nội bộ của doanh nghiệp, vì vậy “người ký kết hợp đồng, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.” Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là hợp đồng đã ký trong trường hợp đó sẽ bị vô hiệu, nếu có yêu cầu và có khả năng gây thiệt hại cho đối tác ký kết.
- Khuyến nghị:
Khi giao dịch với các Công ty cổ phần, các doanh nghiệp phải kiểm tra, đánh giá các trường hợp, thủ tục và điều kiện mà hợp đồng phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị các bên chấp thuận, để tránh nguy cơ hợp đồng vô hiệu, dù lỗi hoàn toàn không thuộc về mình.
- Kết luận và kiến nghị:
- Vô hiệu là một hậu quả pháp lý rất nghiêm trọng, nằm ngoài mong muốn (trừ ngược lại) đối với hợp đồng, giao dịch của các chủ thể nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý để tránh cho hợp đồng, giao dịch rơi vào tình trạng vô hiệu, gây tổn hại đến tiền bạc, thời gian, công sức và danh tiếng ngoài sự kiểm soát.
- Các phần trên nêu 7 trường hợp giao dịch cụ thể đã được quy định rõ là bị vô hiệu trong 7 điều luật (4 điều của Bộ luật Dân sự năm 2015 và 3 điều trong Luật Doanh nghiệp năm 2014). Tuy nhiên, còn rất nhiều trường hợp khác, mặc dù điều luật không nhắc đến từ “vô hiệu”, nhưng vẫn luôn thường trực nguy cơ vô hiệu theo các quy định khác và quy định chung (như phần vượt quá trần lãi suất “không có hiệu lực”, hay vô hiệu do chủ thể không có đủ năng lực, không tự nguyện hay giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội).
Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý đến tất cả các trường hợp và khả năng dẫn đến tình trạng hợp đồng có thể bị vô hiệu.
- Vô hiệu có thể do lỗi khách quan hoặc chủ quan, có thể đến từ một trong nhiều phía tham gia hợp đồng, giao dịch.
Vì vậy, các doanh nghiệp không chỉ kiểm soát hạn chế và loại bỏ giao dịch vô hiệu đến từ phía mình, mà còn phải đặc biệt chú ý đến các nguyên nhân đến từ phía đối tác, thậm chí là từ người thứ ba.
- Các quy định về hợp đồng, giao dịch vô hiệu nêu trên của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 còn có những vấn đề chưa hợp lý và chưa rõ ràng. Tuy nhiên, Luật không giao thẩm quyền hướng dẫn các vấn đề này cho Chính phủ, nên có thể có nhiều cách hiểu khác nhau (ví dụ như chủ thể giao dịch không “hoàn toàn tự nguyện” theo Điều khoản 117.1.b của Bộ luật Dân sự, mà chỉ ở mức “tự nguyện” thôi thì có bị vô hiệu hay không?).
Vì vậy, các doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến tư vấn pháp luật của luật sư và các bản án, nhất là án lệ sau này, của Toà án để phòng ngừa và xử lý rủi ro vô hiệu.
—————————–
Luật sư Trương Thanh Đức
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070