(ANVI) – Theo yêu cầu của VCCI Hà Nội 28-02-2016
Dự thảo này không chỉ là một Nghị định quy định chi tiết thi hành luật làm cơ sở để ban hành toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, mà còn có vai trò như văn bản làm mẫu cho tất cả các Nghị định khác, vì vậy cần được thể hiện một cách hết sức chuẩn mực, chính xác và kỹ lưỡng. Do đó, còn rất nhiều vấn đề trong Dự thảo cần tiếp tục được xem xét thay đổi, chỉnh sửa và hoàn thiện.
Dự thảo có tên gọi là “Nghị định Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
1.2. Vấn đề:
Đến nay đã có 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, vì vậy cần ghi rõ quy định chi tiết luật nào.
1.3. Kiến nghị:
Sửa tên Dự thảo thành “Nghị định Quy định chi tiết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015”.
2. Căn cứ ban hành Nghị định
2.1. Nội dung:
Dự thảo viết:
“Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 26 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;”
2.2. Vấn đề:
Dự thảo không ghi đầy đủ số và ký hiệu của luật làm căn cứ, giống như thời kỳ chưa đánh số luật. Và cũng không chỉ ghi năm (không ghi ngày tháng) như trong nhiều văn bản khác.
Ngoài ra viết in nghiêng và không gạch đầu dòng như quy định hiện hành.
2.3. Kiến nghị:
Ghi rõ đầy đủ các yếu tố hoặc chỉ năm ban hành, vì không bao giờ có 2 đạo luật về cùng một nội dung (nếu có, thì luật sau đã gọi là Luật sửa đổi, bổ sung).
Quan trọng hơn là phải quy định rõ và thống nhất ở các điều dưới về cách viện dẫn tên Luật nói riêng và tên văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 60 về “Phần mở đầu văn bản”, Dự thảo Nghị định.
Không có lý do gì in nghiêng các dòng chữ căn cứ này. Đồng thời cần quy định gạch đầu dòng để thể hiện rõ tính chất liệt kê, đánh dấu giống với lô gic bố cục chung của văn bản và cũng dễ nhận biết hơn.
3. Cách trình bày phần mở đầu:
3.1. Nội dung:
Dự thảo trình bày như sau:
“NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết……………………….
CHÍNH PHỦ
Căn cứ…………………………………………………………………………………………………………………
Theo đề nghị của…………………………………………………………………………………………………..
Chính phủ ban hành Nghị định………………………………………………………………………………. .
CHƯƠNG I”
3.2. Vấn đề:
Đây là cách trình bày không hợp lý: Chính phủ – Căn cứ… – Theo đề nghị của… – Chính phủ ban hành Nghị định…”. Tức là khái quát thành: Chính phủ rồi lại Chính phủ ban hành.
3.3. Kiến nghị:
Hoặc là bỏ dòng chữ “Chính phủ” đầu tiên, để thành giống như cách trình bày các Nghị định, thông tư hiện hành.
Hoặc là hợp lý nhất là bỏ dòng chữ “Chính phủ ban hành Nghị định” đồng thời thay thế bằng dòng chữ in hoa “Nghị định”, giống với cách trình bày trước năm 2012 (tức là Chính phủ – Căn cứ – Theo đề nghị – Nghị định”.
4. Bố cục Chương:
4.1. Nội dung:
Dự thảo có nhiều chương và viết tên Chương I là “Những quy định chung”
3.4. Vấn đề:
Rất nhiều Nghị định chỉ có 3 chương “Quy định chung”, “Quy định cụ thể” và “Điều khoản thi hành” tên Chương I là “Quy định chung”, nhất là do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo.
3.5. Kiến nghị:
Cần quy định rõ Nghị định, thông tư, hoặc là không đặt chương, hoặc đã đặt chương thì phải có ít nhất 4 chương, vì bố cục 3 chương là rất phi lô gic, không có sự phân biệt vấn đề, rất hình thức
Đồng thời cần quy định thống nhất viết là “Những quy định chung” thay vì “Quy định chung”.
5. Bố cục điều:
5.1. Nội dung:
Dự thảo viết:
“Điều 36 Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật
Trong quá trình soạn thảo dự án, dự thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể huy động sự tham gia của viện nghiên cứu, trường đại học, hội, hiệp hội, tổ chức khác có liên quan hoặc các chuyên gia, nhà khoa học có đủ điều kiện và năng lực vào các hoạt động sau đây:
- Tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành;
- Khảo sát, điều tra xã hội học; đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến dự án, dự thảo;
…”
5.2. Vấn đề:
Đoạn văn “Trong quá trình soạn thảo dự án,…” không thuộc bố cục khoản nào trong một điều luật được bố cục theo khoản, điểm.
Cách trình bày này vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 8 về “Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: “3. Tùy theo nội dung, văn bản quy phạm pháp luật có thể được bố cục theo phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm”.
5.3. Kiến nghị:
Trong mọi trường hợp, cần phải xoá bỏ cách trình bày đoạn văn lơ lửng như trên và quy định rõ trong Nghị định về việc này. Việc cắt bỏ các đoạn trên có thể được thực hiện bằng một trong 3 cách thức cơ bản như sau:
– Cách thứ nhất: Bỏ đoạn văn dẫn dắt không thuộc khoản nào, đồng thời giữ nguyên các nội dung khác;
– Cách thứ hai: Bỏ đoạn văn dẫn dắt không thuộc khoản nào, đồng thời đổi tên điều cho phù hợp;
– Cách thứ ba: Chuyển đoạn văn dẫn dắt không thuộc khoản nào thành một khoản chung, các khoản còn lại sẽ trở thành một hoặc một số khoản quy định cụ thể.
Ví dụ, quy định tại Dự thảo như sau:
“Điều 46. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo trong việc thẩm định dự án, dự thảo
Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo dự án, dự thảo có trách nhiệm:”
Thì hoàn toàn có thể bỏ hẳn đoạn văn trên để viết thẳng các khoản liệt kê trách nhiệm.
6. Tên gọi các bố cục:
6.1. Nội dung:
Tiểu mục 3TRÌNH BÀY PHẦN KẾT THÚC VĂN BẢN”. Trong tiểu mục này có nhiều điều, trong đó có Điều 69 về “Trình bày phần kết thúc của văn bản” có tên gọi trùng với (khác tên tiểu mục chữ “của” chỉ là do viết không thống nhất).
Mục 2, Chương V có tên gọi là “NIÊM YẾT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT”, gồm có nhiều điều khác nhau. Trong mục này có nhiều, trong đó có Điều 104 về “Niêm yết văn bản quy phạm pháp luật”.
6.2. Vấn đề:
Các tên điều luật nói trên trùng với tên tiểu mục, mục trong đó có nhiều điều. Không thể đặt tên điều trùng với tên chương tiểu mục, mục, tương tự là tên tiểu mục, mục trùng với trên chương,… trừ trường hợp tiểu mục, mục, chương chỉ có 1 điều thì lại buộc phải trùng thì mới bảo đảm tính lo gic.
6.3. Kiến nghị:
Thay đổi tên điều hoặc tiểu mục, mục để bảo đảm không trùng nhau, đồng thời có những quy định về vấn đề này.
7.1. Nội dung:
Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh” quy định “Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Luật) về lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật; công báo và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật; dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.”
7.2. Vấn đề:
Theo quy định tại khoản 4, Điều 8 về “Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì “Chính phủ quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, người có thẩm quyền khác được quy định trong Luật này.” Còn “Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.”
Quy định tại Điều 1 đã không loại trừ vấn đề trên, cũng như quy định trong toàn bộ văn bản đã gần như không thể phân biệt được nội dung nào thì quy định chung, phần nào thì không áp dụng đối với các “văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.”
Liên quan đến “Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật” tại khoản 4, Điều 8, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thì trong toàn bộ Dự thảo Nghị định có các nội dung sau: Điều 74 về “Sử dụng ngôn ngữ trong văn bản”; Điều 77 về “Sử dụng ngôn ngữ, ký hiệu toán học và trình bày công thức toán học trong văn bản”; Mục 2 về “Kỹ thuật trình bày nội dung văn bản” tại Chương IV về “Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật”.
Như vậy thì “thể thức” trình bày văn bản trong Nghị định này có hiệu lực đối với Luật, Pháp lệnh hay không?
7.3. Kiến nghị:
Quy định rõ những nội dung nào không áp dụng đối với “văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.”
8. Trình bày Quốc hiệu và tiêu ngữ:
8.1. Nội dung:
Khoản 1 và 2, Điều 61 về “Điều 1. Quốc hiệu và Tiêu ngữ” viết:
“Quốc hiệu được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ từ 12 đến 13,…”
“Tiêu ngữ được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ từ 13 đến 14,…”
8.2. Vấn đề:
Như vậy thì không bảo đảm thống nhất về cỡ chữ và không theo nguyên tắc nào, chỉ có 2 dòng đầu tiên mà đã có 3 cỡ chữ. Chữ thông thường sử dụng trong khoảng cỡ 12 – 14, nhưng chọn cỡ 14 thì hơi lớn, tốn giấy và nhiều trường hợp không đủ khoảng cách.
8.3. Kiến nghị:
Quy định rõ cỡ chữ 13 chung cho toàn bộ văn bản và thống nhất với cỡ chữ tên cơ quan ban hành, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt thì mới được viết to hoặc nhỏ hơn, như không đủ khoảng cách để trình bày tên cơ quan ban hành, thì mới được giảm xuống cỡ 12.
Đồng thời cần quy định cơ chữ Quốc hiệu, tiêu ngữ và tên cơ quan ban hành phải bằng nhau (1 chuẩn gốc và ngoại tệ thì phải cùng tăng hoặc giảm).
9. Tên cơ quan ban hành văn bản:
9.1. Nội dung:
Điều 62 về “Tên cơ quan ban hành văn bản” chỉ đề cập đến cơ quan ban hành văn bản giống như quy định của Luật.
9.2. Vấn đề:
Thiếu nội dung trình bày văn bản của Chủ tịch nước, là người có thẩm quyền ban hành 2 loại văn bản quy phạm pháp luật là lệnh và quyết định theo quy định tại khoản 4, Điều 4 về “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trong khi Chủ tịch nước không phải là một cơ quan, mà “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại” theo quy định tại Điều 86, Hiến pháp năm 2013.
Thậm chí các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều quy định sai lầm lớn là Thông tư của Bộ trưởng thay vì đúng ra là phải là Thông tư của Bộ và đương nhiên Bộ trưởng là người có thẩm quyền ký chính thức, thứ trưởng ký thay.
9.3. Kiến nghị:
Ngoài việc quy định về cơ quan ban hành, cần quy định về cá nhân ban hành, tương tự như Nghị định về Quản lý và sử dụng con dấu quy định về con dấu của các cơ quan và chức danh nhà nước. Nhất là ngay tại khoản 3, Điều 63 về “Số, ký hiệu văn bản” ở dưới lại quy định về ký hiệu của “cơ quan hoặc chức danh nhà nước”.
10. Số, ký hiệu văn bản:
10.1. Nội dung:
Khoản 2, Điều 63 về “Số, ký hiệu văn bản”, quy định số của văn bản “được đánh theo từng loại văn bản do cơ quan ban hành trong một năm và năm ban hành văn bản đó; bắt đầu liên tiếp từ số 01 vào ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hàng năm.”
Khoản 3, Điều 63 về “Số, ký hiệu văn bản”, quy định “ký hiệu của văn bản gồm chữ viết tắt tên loại văn bản và chữ viết tắt tên cơ quan hoặc chức danh nhà nước của người có thẩm quyền ban hành văn bản.”
10.2. Vấn đề:
Quy định trên ở trong mục “Thể thức văn bản”, là không đúng và không hợp lý đối với số các đạo luật của Quốc hội và pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, được đánh số theo cả nhiệm kỳ. Và không đúng với việc ký hiệu cơ quan ban hành là Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội không có số nhiệm kỳ Quốc hội.
10.3. Kiến nghị:
Cần quy định việc đánh số liên tục theo nhiệm kỳ đối với Luật và pháp lệnh, vì Luật và Pháp lệnh có tuổi thọ dài, mỗi năm ban hành ít, nếu đánh theo năm thì dẫn đến số lặp lại quá nhiều, gây nhầm lẫn. Đặc biệt việc tránh việc thay đổi về văn bản nói chung, về đánh số nói riêng quá nhiều, gây khó khăn cho việc quản lý, nắm bắt và sử dụng. Nếu không thì phải quy định rõ là mục này không áp dụng đối với văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
11. Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản:
11.1. Nội dung:
Khoản 3, Điều 64 về “Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản” quy định “địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản” cũng có “cỡ chữ từ 13 đến 14”.
11.2. Vấn đề:
Cỡ chữ 14 tạo ra sự không thống nhất trong văn bản một cách hoàn toàn không cần thiết, gây rắc rối vấn đề.
11.3. Kiến nghị:
Cần quy định “địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản” cũng có “cỡ chữ 13 như chuẩn chung, trừ trường hợp nhỏ hơn bằng với cỡ chữ của Quốc hiệu và tiêu ngữ.
12. Tên văn bản:
12.1. Nội dung:
Khoản 4, Điều 65 về “Tên văn bản” quy định tên văn bản có cỡ chữ 14.
12.2. Vấn đề:
Cũng như đối với địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản, cỡ chữ như vậy tạo ra sự không thống nhất trong văn bản một cách hoàn toàn không cần thiết, gây rắc rối vấn đề.
12.3. Kiến nghị:
Chỉ cần quy định cỡ chữ bình thường, tức là như quy định chung, vì tuy tên văn bản cần được nhấn mạnh trong văn bản, nhưng đã quy định tên loại chữ in hoa, đậm và trích yếu in đậm là đã bảo đảm yếu tố này.
13. Căn cứ ban hành văn bản:
13.1. Nội dung:
Khoản 1, Điều 66 về “Căn cứ ban hành văn bản” quy định “Căn cứ ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được công bố/ký ban hành chưa có hiệu lực nhưng phải có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành.”
Khoản 3, Điều này quy định “Căn cứ ban hành văn bản được thể hiện bằng chữ in thường, kiểu chữ nghiêng, cỡ chữ 14”.
13.2. Vấn đề:
“công bố/ký ban hành” đã sử dụng dấu / thay vì. Đây là cách viết không hợp lý, không cần thiết, không phải thay thế cho “và hoặc”.
Căn cứ ban hành văn bản in nghiêng, cỡ chữ 14 là không hợp lý.
13.3. Kiến nghị:
Trong trường hợp này cần sử dụng từ hoặc và nói chung chỉ nên sử dụng một trong 3 cách viết là “và”, “hoặc”, “và hoặc”.
Căn cứ ban hành văn bản in thẳng và cỡ chữ 13 bình thường.
14. Bố cục của văn bản:
14.1. Nội dung:
Khoản 2, Điều 67 về “Bố cục của văn bản” quy định 3 cấp bố cục nhỏ nhất là “điều, khoản, điểm” và điểm không được sử dụng “không sử dụng các ký hiệu khác (xuống dòng, dấu gạch ngang (-), dấu cộng (+), dấu sao (*)… đầu dòng kế tiếp để thể hiện các ý trong một điểm)”.
Khoản 4, Điều 67 về “Bố cục của văn bản” quy định, phần nội dung “cỡ chữ từ 13 đến 14; khi xuống dòng, chữ đầu dòng có thể lùi vào từ 1 cm đến 1,27cm (1 default tab); khoảng cách giữa các đoạn văn (paragraph) đặt tối thiểu là 6pt; khoảng cách giữa các dòng hay cách dòng (line spacing) chọn tối thiểu từ cách dòng đơn (single line spacing) hoặc từ 15pt (exactly line spacing) trở lên.”
Và “thứ tự các điểm trong mỗi khoản dùng các chữ cái tiếng Việt theo thứ tự abc”.
13.4. Vấn đề:
Quy định như khoản 2, thì vẫn có thể dẫn đến thực tế khá phổ biến là dùng bố cục tiểu khoản 1.1, 1.2,.. và tiểu điểm a1, a2,…
Quy định như khoản 3 về “cỡ chữ từ 13 đến 14, chữ đầu dòng có thể lùi vào từ 1 cm đến 1,27cm, khoảng cách giữa các đoạn văn đặt tối thiểu là 6pt; khoảng cách giữa các dòng tối thiểu từ cách dòng đơn hoặc từ 15pt trở lên và nhiều nội dung tương tự, thì dẫn đến sự tùy tiện, không thống nhất, ngay trong một cơ quan, thậm chí ngay trong một văn bản. Chẳng hạn giãn đoạn có thể 60 pt hay giãn dòng có thể 150 pt vẫn đúng quy định.
Thứ tự các điểm bằng tiếng Việt, thì sẽ không đặt được chế độ đánh điểm tự động (bảng chữ cái tiếng Anh).
13.5. Kiến nghị:
Cần quy định rõ, chỉ sử dụng khoản, điểm, không được sử dụng các bố cục dưới đó. Và quy quy định chuẩn cỡ chữ 13, lùi đầu dòng 1,27 cm, giãn đoạn 6pt, giãn dòng đơn. Đồng thời cần đưa vào một quy định chung là thay đổi trong trường hợp cần thiết để bảo đảm tính hợp lý, cân đối của tổng thể cũng như từng phần văn bản.
Cần quy định cho phép sử dụng tiện ích máy tính rất tốt là đánh thứ tự theo chế độ tự động, tức là chấp nhận các chữ cái j, z, w tương tự như Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã phải chấp nhận trong việc đặt tên doanh nghiệp (Luật 2005 không cho phép).
15. Nơi nhận:
15.1. Nội dung
Điều 72 về “Nơi nhận” quy định, từ “nơi nhận” cỡ chữ 12, phần liệt kê cỡ chữ 11:
12.4. Vấn đề:
Cùng một phần nội dung văn bản nhưng lại quy định 2 cỡ chữ, vô nghĩa, rắc rối không cần thiết.
12.5. Kiến nghị:
Cần quy định 1 cỡ chữ 11 hoặc 12, vì cũng như toàn bộ văn bản, càng đơn giản và thống nhất càng tốt. Giống như Dự thảo quy định lề văn bản 2 – 2 – 3 – 2 cm thay vì rắc rối vô lý 2,5 – 2 – 3 – 2 cm.
16. Giá trị pháp lý của văn bản đăng trên Công báo:
16.1. Nội dung:
“Điều 82. Kỹ thuật viện dẫn văn bản
- Khi viện dẫn văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên văn bản, số, ký hiệu văn bản; tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
- Trong trường hợp viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục của một văn bản quy phạm pháp luật thì phải xác định cụ thể phần, chương, mục, tiểu mục của văn bản đó.
- Trong trường hợp viện dẫn đến điều, khoản, điểm thì không phải xác định rõ đơn vị bố cục phần, chương, mục có chứa điều, khoản, điểm đó.
- Trong trường hợp viện dẫn đến phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản quy phạm pháp luật thì phải viện dẫn theo thứ tự từ nhỏ đến lớn và tên của văn bản; nếu viện dẫn từ khoản, điểm này đến khoản, điểm khác trong cùng một điều hoặc từ mục, điều này đến mục, điều khác trong cùng một chương của cùng một văn bản thì không phải xác định tên của văn bản nhưng phải viện dẫn cụ thể.”
16.2. Vấn đề:
Đó là những quy định mới, tốt, tương đối hợp lý. Tuy nhiên cần quy định rõ hơn, khi viện dẫn Luật thì có cần ghi số, ký hiệu không (chính Dự thảo không ghi). Không thấy nêu ngày của văn bản.
Dự thảo không không quy định phải viện dẫn tên điều.
16.3. Kiến nghị:
Bổ sung quy định, khi viện dẫn văn bản, cần viện dẫn cả số và ngày của văn bản. Riêng Luật thì cần xem và thống nhất lại cũng viện dẫn như văn bản khác hay lược bớt.
Cần quy định viện dẫn rõ tên điều, vì đó là một bố cục cơ bản, quan trọng, duy nhất và luôn luôn có ở tất cả các văn bản quy phạm pháp luật. Việc này vừa tránh sai sót trong soạn thảo, thuận lợi, chính xác trong đọc trích dẫn và thực hiện.
Tất nhiên không phải viện dẫn trong trường hợp không có số hoặc tên điều (như các luật mấy chục năm trước không có số và Hiến pháp không có tên điều).
17. Cách viết phần mở đầu:
17.1. Nội dung:
Điều 91 về “Nguyên tắc đăng văn bản trên Công báo” quy định 3 nguyên tắc.
17.2. Vấn đề:
Không trường hợp chưa đăng Công báo điện tử thì xử lý thế nào.
Không có quy định về việc đăng bản word và gần đây có xu hướng không đăng bản word.
17.3. Kiến nghị:
Cần quy định rõ chưa đăng Công báo điện tử thì chưa có hiệu lực đối với các đối tượng ngoài các cơ quan nhà nước.
Cần quy định phải đăng bản word để tạo thuận lợi cho việc tra cứu tự động và copy trích dẫn.
Những việc này có giá trị đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp và công dân. Không thể tiếp tục duy trì cách làm cũ trong thời đại công nghệ thông tin, số hóa, chính phủ điện tử như hiện nay.
18. Mục lục văn bản:
18.1. Vấn đề:
Không có quy định về việc phải lập mục lục văn bản quy phạm pháp luật.
18.2. Kiến nghị:
Cần quy định bắt buộc phải tạo mục lục văn bản (tự động) có có độ dài nhất định (ví dụ trên 10 điều hoặc từ 3 trang trở lên) để thuận tiện cho việc tra cứu, sử dụng.
19. Chữ hàng và hằng:
19.1. Vấn đề:
Dự thảo có 1 lần viết từ “hàng ngày”, 2 lần viết từ “hàng tháng” và 32 lần viết từ “hàng năm”.
19.2. Kiến nghị:
Cần sửa lại đúng là “hằng ngày”, “hằng tháng” và “hằng năm”.
20. Mối quan hệ giữa Luật, Nghị định, Thông tư:
20.1. Vấn đề:
Nghị định không được trái với Luật mà nó quy định chi tiết, nhưng có được trái với các Luật khác không? Tương tự là thông tư.
Nghị định đã quy định chi tiết Luật, thì Thông tư có được tiếp tục quy định chi tiết thi hành Nghị định về cùng một vấn đề không? Đó là vấn đề nổi cộm về điều kiện kinh doanh đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 trước đây và hiện nay là Luật Đầu tư năm 2014.
20.2. Kiến nghị:
Cần cấm 2 điều trên, thì mới giảm thiểu tình trạng hệ thống văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo không lối thoát
—————————–
Luật sư Trương Thanh Đức
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070