261. Bình luận về điều kiện kinh doanh trái luật.

(ANVI) – Hội thảo VCCI – Tổ Công tác thi hành Luật DN & ĐT                               Hà Nội 14-6-2016    

 

Mỗi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014 tương ứng với một hoặc hàng chục điều kiện kinh doanh khác nhau. Hàng chục ngành, nghề kinh doanh và hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã trái, đang trái và sẽ tiếp tục đứng trước nguy cơ trái luật.

  1. Điều kiện kinh doanh đã trái luật suốt 16 năm qua:
  • Không cần phải chờ đến ngày 01-7-2016, tất cả hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang được quy định tại các thông tư trong khoảng thời gian 16 năm qua đều là trái luật. Lý do là, ngay từ khoản 5, Điều 7 về “Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ:

5. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

  • Trước đó, trên cơ sở quy định tại khoản 3, Điều 6 về “Ngành, nghề kinh doanh”, Luật Doanh nghiệp năm 1999, đoạn thứ 2, điểm b, khoản 1, Điều 4, về “Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện”, Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 03-02-2000 của Chính phủ “Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp” cũng đã quy định rõ:

“Các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành hoặc các cấp chính quyền địa phương ban hành mà không căn cứ vào luật, pháp lệnh, nghị định quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành, nghề đó đều không có hiệu lực thi hành.”

  • Đến khoản 3, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014 chỉ là nhắc lại quy định nêu trên: Điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong các luật, pháp lệnh và nghị định, không được quy định trong các thông tư của bộ, các văn bản của chính quyền địa phương và các cơ quan khác. Quy định mới của Luật Đầu tư năm 2014 chỉ có một điểm khác là, hiện nay Thủ tướng Chính phủ cũng không còn được phép ban hành điều kiện kinh doanh như trước đây.
  • Sau 16 năm, số giấy phép con, tức điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn không ngừng tăng vọt với con số lên đến khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh trái luật.
  • Đến nay, ngoài cuộc chiến tiếp diễn chống lại điều kiện kinh doanh do các thông tư ban hành trái luật, thì còn phải đối mặt thêm với các nghị định trái luật và ngay cả luật trái luật.
  1. Điều kiện kinh doanh ngoài 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là trái luật:
  • Điều 8 về “Sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định rõ: Muốn sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thì phải trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 7 của Luật Đầu tư.

Như vậy, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, dù đã được quy định trong các đạo luật khác, mà chưa được quy định trong Luật Đầu tư năm 2014 (kể cả sửa đổi, bổ sung), thì cũng là trái với Luật Đầu tư. Điều này chỉ được loại trừ đối với 4 đạo luật là Luật Chứng khoán (năm 2006 và 2010), Luật Các tổ chức tín dụng (năm 2010), Luật Kinh doanh bảo hiểm (năm 2006 và 2010) và Luật Dầu khí (năm 1993, 2000 và 2008) theo quy định tại khoản 2, Điều 4 về “Áp dụng Luật đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế”, Luật Đầu tư năm 2014.

  • Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014 quy định: Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4, gồm có 267 ngành, nghề. Tuy nhiên, tại thời điểm này, đã xuất hiện thêm ít nhất là ngành, nghề kinh doanh thứ 268 “Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn”, được quy định tại Điều 54 về “Bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư”, Luật Khí tượng thủy văn năm 2015.
  • Nếu vẫn không dứt khoát về quan điểm và tôn trọng quy định nêu trên của Luật Đầu tư, thi lại sẽ có nguy cơ không xác định được cụ thể 268++ bao nhiêu ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Chẳng hạn, “yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản” cũng chính là một điều kiện kinh doanh theo quy định điểm b, khoản 6, Điều 15 về “Phòng bệnh động vật”, Luật Thú y năm 2015. Tuy nhiên điều kiện kinh doanh này không có trong danh mục 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là trái với quy định nêu trên của Luật Đầu tư. Ngoài ra, điều luật này còn quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện kinh doanh này cũng trái với quy định của Luật Đầu tư.

Trong số 268 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014 không có “Hoạt động dịch vụ của tổ chức hoà giải thương mại”, trong khi lại có ngành, nghề tương tự là “Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại”. Vì vậy, nếu Chính phủ ban hành Nghị định về hoà giải thương mại trong lúc chưa bổ sung ngành, nghề “Hoạt động dịch vụ của tổ chức hoà giải thương mại”, thì sẽ trái với quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

Trước ngày 01-7-2016 mà không giải quyết được các các điều kiện kinh doanh sắp trái luật nêu trên, thì sẽ trở thành trái luật.

  1. Điều kiện kinh doanh thuộc 268 ngành, nghề kinh doanh sẽ trái luật:
  • Những điều kiện kinh doanh thuộc 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng chưa có quy định cụ thể hoặc mới chỉ được quy định trong các thông tư, mà không được Chính phủ ban hành bằng các Nghị định trước ngày 01-7-2016 thì sẽ vô hiệu vì vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 74 về “Điều khoản chuyển tiếp”, Luật Đầu tư năm 2014:

3. Điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành trái với quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.”

  • Việc ban hành các điều kiện kinh doanh không phải là văn bản “quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh”. Vì vậy, dù các điều kiện kinh doanh này có được ban hành đúng thẩm quyền ngay hôm nay, thì vẫn cứ trái luật, cụ thể là trái với quy định tại khoản 1, Điều 78 về “Thời điểm có hiệu lực và việc đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 như sau:

1. Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.”

  1. Điều kiện kinh doanh thuộc 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tiếp diễn nguy cơ trái luật:
  • Ngay cả trường hợp ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư năm 2014, nhưng nếu cứ chép lại điều kiện kinh doanh trong các thông tư vào nghị định hay cứ ban hành điều kiện kinh doanh không có cơ sở hợp lý, thì không nhưng gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh, mà cũng còn trái với quy định tại khoản 1, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014:

“1. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

  • Thậm chí việc đó còn vi Hiến, trái với Hiến pháp năm 2013, với quy định tại khoản 2, Điều 14: “ Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
  1. Điều kiện kinh doanh do luật định nhưng lại vẫn trái luật:
  • Điều kiện kinh doanh là các điều kiện đối với 3 nhóm hoạt động chính: Sản xuất, tiêu thụ và cung ứng dịch vụ, theo quy định tại khoản 16, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:

“16. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.”

  • Theo Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014, thì có khoảng trên 120 hoạt động cụ thể đã được sử dụng để chỉ các hoạt động kinh doanh như sau: Bán buôn, bán lẻ, bao gói, bảo dưỡng, bảo hành, bảo hiểm, bảo quản, bảo vệ, biểu diễn, bồi dưỡng, bù trừ, cai nghiện, cầm đồ, chế biến, chế tạo, cho thuê, chữa bệnh, chứng nhận, chứng thực, cung cấp, cung ứng, dạy nghề, đại diện, đánh bắt, đánh giá, đào tạo, đăng ký, đặt cược, đấu giá, điều trị, định giá, đo đạc, đòi nợ, đóng, đúc, đưa, gia công, giám định, giám sát, giết mổ, hành nghề, hiệu chuẩn, hoán cải, hoạt động, huấn luyện, in, khai thác, khám bệnh, khảo nghiệm, khảo sát, khoan nước, kiểm toán, lai dặt, làm, lập, lưu giữ, lưu kho, lưu ký, lưu trú, lưu trữ, môi giới, mua bán, nhập khẩu, nhượng quyền, nổ mìn, nuôi, nuôi trồng, phá dỡ, phát điện, phát sóng, phát thanh, phân loại, phân phối, phẫu thuật, phục hồi, quan trắc, quản lý, quảng cáo, sát hạch, sơ chế, sửa chữa, tái chế, tái xuất, tạm nhập, tập kết, thanh toán, thăm dò, thẩm định, thẩm tra, thi công, thiết kế, thiết lập, thoát nước, thu gom, thu hồi, thu sóng, thương mại, thử nghiệm, thử thuốc, thực hiện, tiêm chủng, tổ chức, trao đổi, trồng, truyền hình, truyền tải, tư vấn, ứng dụng, vận chuyển, vận hành, vận tải, xây dựng, xét nghiệm, xếp hạng, xoa bóp, xuất bản, xuất khẩu, xử lý,…

Nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đang được quy định với nghĩa rộng nhất là “Kinh doanh”, như “Kinh doanh thuỷ sản”, “Kinh doanh mũ bảo hiểm”,… là quá rộng. Vì vậy, cần phải được xác định lại, cụ thể hoá những hoạt động nào trong một ngành, nghề đầu tư kinh doanh mới cần có điều kiện.

  • Cần xem lại sự cần thiết đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện dưới đây, đã được liệt kê tại Phụ lục 4, Luật Đầu tư:
  • “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” (dòng 36);
  • “Nhượng quyền thương mại” (dòng 59);
  • “Dịch vụ tổ chức dạy thêm học thêm” (dòng 152);
  • “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” (dòng 81);
  • “Kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản” (dòng 154);
  • “Kinh doanh thuỷ sản” (dòng 155);
  • “Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã thông thường” (dòng 162);
  • “Kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi” (dòng 177);
  • “Kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ từ rừng tự nhiên trong nước” (dòng 182);
  • “Kinh doanh củi than từ gỗ hoặc củi có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên trong nước” (dòng 183);
  • “Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu” (dòng 188);
  • “Kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” (dòng 217);
  • “Kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh” (dòng 229).
  • Lý do không cần thiết quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể trên như sau:

Thứ nhất: Tất cả các ngành, nghề nói trên đều không thấy rõ điều kiện kinh doanh “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” theo quy định của Luật Đầu tư.

Thứ hai: Một số ngành, nghề kinh doanh chưa từng được quy định về điều kiện kinh doanh như “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô”, “Kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản”, “Kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ từ rừng tự nhiên trong nước”, “Kinh doanh củi than từ gỗ hoặc củi có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên trong nước”. Trong 6.000 điều kiện kinh doanh được ban hành một cách tràn lan, vô tội vạ và trái luật mà vẫn chưa có điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề đó, thì đến nay, không thấy lý do nào xác đáng để phải tạo thêm điều kiện kinh doanh mới.

Thứ ba: Còn một số lý do khác, như việc bảo đảm “quy chuẩn kỹ thuật” đối với sản xuất mũ bảo hiểm là đương nhiên, chứ mắc mớ gì phải quy định “Kinh doanh mũ bảo hiểm”, còn bao gồm cả việc mua bán mũ. Hay “Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu” cũng là ngành, nghề có điều kiện thì  nếu ậy thì phải đưa tất cả các loại dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng tương tự khác vào như đào tạo, bồi dưỡng luật sư, đấu gián, công chứng,…

  1. Điều kiện kinh doanh được luật giao cho bộ ban hành là trái luật:
  • Nghị định quy định điều kiện kinh doanh là đúng luật, nhưng nếu sau đó lại giao cho Bộ quy định chi tiết thi hành là trái với quy định về thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh.
  • Kể cả trường hợp Luật giao thẳng thẩm quyền cho Bộ hoặc Bộ trưởng quy định điều kiện kinh doanh cũng là trái với quy định tại khoản 3, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014:

“Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.”

Chẳng hạn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13-7-2015 “Quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp” là phù hợp với quy định tại khoản 4, Điều 19 về “Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp”, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2015 quy định như sau:

“4. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp.”

Nhưng quy định trên lại trái với quy định tại khoản 3, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014.

  1. “Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” có thể là điều kiện kinh doanh trái luật:
  • Theo quy định tại khoản 1 và 2, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, thì tiêu chuẩn do một tổ chức công bố để tự nguyện áp dụng. Còn quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.

“Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.”

  • Như vậy, “điều kiện kinh doanh” và “quy chuẩn kỹ thuật” đều có chung ít nhất 2 mục tiêu là để bảo đảm an ninh quốc gia và an toàn sức khoẻ. “Điều kiện kinh doanh” thì không thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, còn “Quy chuẩn kỹ thuật” thì lại chỉ thuộc thẩm quyền của các bộ.

Vì vậy, cần phải đặc biệt quan tâm xử lý để tránh tình trạng điều kiện kinh doanh trá hình kiểu ốc mượn hồn, biến “Điều kiện kinh doanh” thành “Quy chuẩn kỹ thuật” một cách trái luật.

  1. Điều kiện kinh doanh đang vướng luật:
  • Ngành, nghề kinh doanh “Kho bảo thuế”:

Điều 62 về “Điều kiện thành lập kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ”, Luật Hải quan năm 2014 quy định điều kiện kinh doanh đối với 3 hoạt động là kho ngoại quan, kho bảo thuế và địa điểm thu gom hàng. Nhưng danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014 lại chỉ liệt kê 2 ngành nghề là “Kinh doanh dịch vụ lưu kho ngoại quan” (dòng 21) và “Kinh doanh dịch vụ thu gom hàng lẻ ở nội địa (22), mà không đề cập đến “Kho bảo thuế”

Vậy, việc thành lập “Kho bảo thuế” có phải thực hiện theo các điều kiện quy định của Luật Hải quan hay không?

  • Ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đánh bạc:

Hoạt động kinh doanh dịch vụ đánh bạc không nằm trong sáu ngành, nghề bị cấm kinh doanh, đồng thời cũng nằm ngoài 4 nhóm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện liên quan là “Kinh doanh xổ số” (dòng 33), “Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài” (dòng 34), “Kinh doanh casino” (dòng 38) và “Kinh doanh dịch vụ đặt cược” (dòng 39) trong Phụ lục 4. Tuy nhiên nó lại bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng như Bộ luật Hình sự năm 2015.

  • Ngành, nghề “Kinh doanh thực phẩm”:

Phụ lục 4 của Luật Đẩu tư năm 2014 quy định 3 ngành, nghề hoàn toàn giống nhau là “Kinh doanh thực phẩm”, chỉ khác nhau ở chỗ là “thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành” của ba bộ: Bộ Công thương (dòng 54), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (dòng 175) và Bộ Y tế (dòng 203).

Như vậy, thì không hợp lý, cần phải xem lại để phân biệt sự khác nhau.

  • Ngành, nghề “Kinh doanh than” và khoáng sản:

Theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 thì than là một loại khoáng sản. Tuy nhiên, trong Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014, bên cạnh “Kinh doanh khoáng sản” (số 62) lại có “Kinh doanh than” (số 60).

Như vậy, hợp lý hơn, thì đưa “Kinh doanh than” vào trong “Kinh doanh khoáng sản”.

  • Ngành, nghề “Hoạt động dạy nghề” và “Hoạt động giáo dục nghề nghiệp”:

Phụ lục 4, Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định một trong các ngành, nghề có điều kiện là “Hoạt động dạy nghề” (dòng 68).

Tuy nhiên, Điều 19 về “Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp”, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2015 lại quy định về các điều kiện “Hoạt động giáo dục nghề nghiệp”.

  • Ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ cho thuê lại lao động”:

Khoản 2, Điều 53 về “Cho thuê lại lao động”, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

 “2. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định.”

Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2014 xác định là “Kinh doanh dịch vụ cho thuê lại lao động” (số 79). Như vậy, chỉ khi là kinh doanh hoạt động cho thuê lại lao động thì mới là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Còn hoạt động cho thuê lại lao động có tính chất hợp tác, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp, thì chỉ là “hoạt động cho thuê lại lao động” và không phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

  • Ngành, nghề “Kinh doanh thủy sản”:

Phụ lục 4, Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định 2 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là “Khai thác thủy sản” (dòng 153) và “Kinh doanh thức ăn thuỷ sản” (dòng 156), đồng thời lại quy định một một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chung chung là “Kinh doanh thủy sản” (dòng 155).

Tuy không có giải thích, nhưng có thể hiểu, “Kinh doanh thủy sản” là “hoạt động thủy sản” theo quy định tại khoản 2, Điều 2 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Thủy sản năm 2003 như sau: “2. Hoạt động thuỷ sản là việc tiến hành khai thác, nuôi trồng, vận chuyển thuỷ sản khai thác; bảo quản, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thuỷ sản; dịch vụ trong hoạt động thuỷ sản; điều tra, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.”

Nếu cứ theo đúng giải thích của Luật Thuỷ sản, thì việc mua bán thủy sản cũng là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Vì vậy thì cần sửa đổi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là “Kinh doanh thủy sản” trong Luật Đầu tư năm 2014 cho cụ thể, chính xác hơn (chỉ một vài công đoạn cần điều kiện kinh doanh, chứ không phải mọi công đoạn khai thác, nuôi đồng, vận chuyển, bảo quản, chế biến, mua bán, dịch vụ,…).

  • Ngành, nghề “Kinh doanh thuốc” và “Kinh doanh dược”:

Ngành, nghề “Kinh doanh thuốc” (dòng 195) được quy định trong Luật Đầu tư năm 2014, tương ứng với quy định trong Luật Dược năm 2005. Tuy nhiên, Luật Dược năm 2016 lại không còn quy định về “Kinh doanh thuốc” mà lại quy định ngành, nghề “Kinh doanh dược”.

Vậy ngành, nghề “Kinh doanh dược” không có trong danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014, thì liệu có sự khác nhau hay không?

  • Ngành, nghề kinh doanh vàng:

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 không quy định về điều kiện kinh doanh vàng đối với các doanh nghiệp, ngoài các tổ chức tín dụng. Như vậy, việc kinh doanh vàng của các doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2005.

Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014, không quy định ngành, nghề “Kinh doanh vàng”, mà chỉ đề cập đến 3 ngành, nghề liên quan đến vàng, bao gồm: “Kinh doanh mua, bán vàng miếng” (dòng 262), “Sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” (dòng 263) và “Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ” (dòng 264). Ngoài ra, còn “Hoạt động ngoại hối” (dòng 261), có thể liên quan đến vàng, đối với trường hợp vàng là ngoại hối. Ví dụ, như hoạt động kinh doanh sàn vàng liên quan đến nước ngoài.

Các hoạt động liên quan đến kinh doanh vàng được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03-4-2012 của Chính phủ “Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng”. Các hoạt động liên quan đến kinh doanh và hoạt động ngoại hối được quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013.

Do đó, doanh nghiệp chỉ phải tuân thủ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến vàng như nêu trên. Chẳng hạn, hoạt động vay vàng (có hoặc không trả lãi) của cá nhân hay pháp nhân khác để làm nguyên liệu gia công vàng trang sức hoặc để cầm cố vay vốn kinh doanh,… phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì không phải là hoạt động thuộc 3 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện liên quan đến vàng theo Luật Đầu tư năm 2014. Điều này cũng giống như việc các doanh nghiệp hoạt động “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ” (dòng 4) được phép tự do cho vay cầm đồ bằng vàng, mà không cần thêm bất cứ điều kiện nào khác ngoài điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ nói chung.

Nếu như việc cho vay cầm cố vàng và bán vàng để thu hồi nợ đối với “Dịch vụ cầm đồ” đã không bị coi là hoạt động “Kinh doanh vàng khác”, thì cũng không nên coi việc vay vàng để phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phi tổ chức tín dụng là hoạt động “Kinh doanh vàng khác”. Tương tự, việc dùng vàng để góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1, Điều 35 về “Tài sản góp vốn”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng không thể coi là một hoạt động “Kinh doanh vàng khác”.

Nếu coi hoạt động vay vàng, dịch vụ cầm đồ hay việc góp vốn bằng vàng của doanh nghiệp là “Hoạt động kinh doanh vàng khác” thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Nếu “Hoạt động kinh doanh vàng khác” không được cho phép, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền rất cao, từ 450 đến 500 triệu đồng theo quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 25 về “Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng”, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ “Quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”.

Cuối cùng, nếu cứ theo đúng câu chữ quy định về điều kiện kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2014, thì việc doanh nghiệp vay vàng không bị cấm, cũng như không thuộc vào bất cứ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nào theo luật định, kể cả trường hợp có thuộc hay không thuộc vào trường hợp “Kinh doanh vàng khác” theo quy định của Chính phủ.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,788