261. Thuế thu nhập cá nhân quá cao

(TT) – Tại buổi lấy ý kiến để sửa Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) do Bộ Tài chính tổ chức ngày 8-11, nhiều ý kiến cho rằng người nộp thuế phải được trừ tất cả những chi phí hợp lý như y tế, giáo dục, ăn ở… trước khi tính thuế.

Ở nhiều nước đều trừ 40% thu nhập của người nộp thuế trước khi tính mức nộp thuế. Trong ảnh: người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại siêu thị BigC Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: M.ĐỨC

Báo cáo đánh giá Luật thuế TNCN hiện tại, Hội Tư vấn thuế nêu thực tế Nhà nước thu được từ thuế TNCN ngày càng tăng: năm 2007 khoảng 7.000 tỉ đồng thì năm 2009 đã lên gấp đôi, tới 14.300 tỉ đồng (dù đã miễn thuế sáu tháng đầu năm do suy giảm kinh tế). Đến năm 2010, số thuế Nhà nước thu được cũng tăng gần gấp đôi, lên gần 25.000 tỉ đồng. Hội Tư vấn thuế cũng chỉ rõ thực tế hiện Nhà nước chỉ thu được thuế TNCN của những người làm công ăn lương. Nhiều đối tượng khác không kiểm soát được thu nhập, dẫn đến sự không công bằng.

Mức giảm trừ quá thấp

Theo bà Đỗ Thị Thìn – phó chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nguyên tắc là bất cứ thu nhập nào cũng phải trừ chi phí trước khi tính thuế. Doanh nghiệp được trừ chi phí hợp lý trước khi tính thuế nên với thuế TNCN cũng cần như vậy. Bà Thìn dẫn chứng hiện các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều trừ cho cá nhân nộp thuế 40% thu nhập để người dân lo các chi phí như y tế, giáo dục, ăn ở…, sau đó mới cộng với mức giảm trừ gia cảnh để tính mức nộp thuế. VN giảm trừ cho bản thân người nộp thuế 4 triệu đồng/tháng, theo bà Thìn, là quá thấp. Ít nhất cũng cần nâng lên 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, theo bà Thìn, cần quy định rõ trong mức 5 triệu đồng/tháng, bao nhiêu là trừ chi phí cần thiết để sống, mục đích là khi giá cả tăng, Nhà nước sẽ tăng chi phí này cho người dân.

Về mức thu thuế, bà Thìn cho rằng Luật thuế TNCN của VN có bậc thuế quá gần nhau nên dẫn đến mức huy động cao. Báo cáo của Hội Tư vấn thuế VN cũng cho rằng với mức thuế của VN, nhiều người nước ngoài phải chịu mức thuế rất cao so với nước họ. Vì vậy, nhiều người khi chấp nhận làm việc tại VN đã yêu cầu phía VN phải đóng thuế.

TS Vương Thị Thu Hiền, trưởng bộ môn thuế Học viện Tài chính, cũng đồng tình khi cho rằng mức thuế cao nhất của thuế TNCN ở các nước thường cũng chỉ cao bằng mức thuế cao nhất của thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện ở VN là 25%) để tránh tình trạng lập doanh nghiệp nhằm tránh thuế TNCN. Trong khi đó mức thuế TNCN tối đa ở VN lên đến 35%, theo bà Hiền, là gây mất công bằng trong phân phối thu nhập, gây hiệu ứng không tốt.

Sớm giảm thuế TNDN xuống 20%

Góp ý sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), luật sư Trương Thanh Đức cho rằng với mức thuế TNDN 25% hiện nay không phải là cao nhưng “cao thật hay không lại phụ thuộc vào các điều kiện khác mà ngành tài chính quy định”. Theo ông Đức, nhiều khoản chi phí hợp lý, hợp pháp của doanh nghiệp nhưng lại không được tính vào chi phí hợp lý để trừ đi trước khi xác định thuế TNDN.

Chiến lược thuế VN dự tính đến năm 2020 sẽ giảm thuế TNDN xuống 20%. Bà Nguyễn Thị Giang, Tổng công ty Hàng không VN, cho rằng nên giảm ngay bởi trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nếu nộp thuế 25% thì khả năng thu hồi, tái đầu tư rất khó khăn. Ông Vũ Đình Cự, trưởng ban tài chính kế toán Tập đoàn Viễn thông quân đội, cũng đồng tình: “Cần đẩy nhanh tiến trình giảm thuế TNDN để doanh nghiệp có vốn đầu tư. Cứ thu cao như thế này, Nhà nước được nhưng doanh nghiệp khổ”.

Cần linh động mức giảm trừ gia cảnh

Hiện tại, người VN cho con học trường quốc tế phải trả chi phí 40-50 triệu đồng/tháng sẽ không được cho là chi phí hợp lý để trừ trước khi đóng thuế TNCN. Nhưng nếu là người nước ngoài lại được miễn khoản tiền đóng học phí cho con.

Với mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cho người phụ thuộc, nếu nhận người ngoài về nuôi, người này không có thu nhập thì được Nhà nước cho giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu bố mẹ đẻ chỉ cần có thu nhập quá 500.000 đồng/tháng lại không được giảm trừ. Theo TS Lý Phương Duyên – Học viện Tài chính, các nước đều cho người dân mức giảm trừ gia cảnh nhưng thường áp dụng khoảng ba năm là điều chỉnh. Mức giảm trừ ở VN cần linh động hơn và nên giao Bộ Tài chính thay đổi theo biến động giá cả thay vì áp cố định trong luật.

Đẩy khó cho dân

Luật sư Trương Thanh Đức, Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng trong Luật thuế TNCN hiện nay còn rất nhiều bất hợp lý, không công bằng. Luật vẫn gây bức xúc cho người dân vì cách thu hiện đơn giản cho ngành thuế, đẩy cái khó cho dân. “Có tình trạng thà thu nhầm còn hơn bỏ sót” nên ông Đức đề nghị ngành thuế phải thay đổi.

Phân tích các bậc thuế “sát nút” nhau, ông Đức cho rằng ngành thuế đã áp dụng “kỹ xảo” để lấy tiếng thu thuế thấp. Ông Đức dẫn chứng: ngành thuế giảm bậc thuế TNCN thấp nhất từ 10% xuống 5%; thực chất người dân hiện chỉ được hưởng một khoảng quá ngắn, từ 4-5 triệu đồng. “Đề nghị kéo giãn ra, người có thu nhập từ 4-10 triệu sẽ được hưởng mức thuế 5% mới thật có ý nghĩa” – ông Đức nói. Theo ông Đức, cũng cần giảm mức thuế cho người có thu nhập rất cao để khuyến khích người tài. Để tăng thu, ông Đức đề nghị thu thuế TNCN của những người có số tiền lớn gửi ngân hàng lấy lãi vì “gửi 1 tỉ đồng trở lên thì đây là khoản đầu tư chứ không phải gửi để sống nữa”.

CẦM VĂN KÌNH

——————————–

Tuổi Trẻ 09-11-2011:

http://tuoitre.vn/Kinh-te/464205/Thue-thu-nhap-ca-nhan-qua-cao.html

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.974. Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu...

Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng. (VOVGT) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,124