261. Vay mua nhà giá rẻ “giật mình”: Không nhiều kỳ vọng!

(TBKD) – Nhiều chuyên gia cho rằng mục đích hỗ trợ vốn vay cho người thu nhập thấp mua nhà là tốt, nhưng sẽ không kích thích được nhiều. Bởi thực tế quy trình xét duyệt vốn vay của ngân hàng cũng không có gì thay đổi, nên không phải đối tượng nào cũng tiếp cận được nguồn vốn vay này. Ngoài ra, vấn đề thời hạn phân bổ vốn vay cũng là áp lực đối với người thu nhập thấp.

Trên thực tế, thị trường hiện nay đang đón nhận khá nhiều thông tin hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng vay mua nhà. Tuy nhiên, lượng giải ngân vẫn khá thấp do tâm lý người vay còn chờ đợi. Nhưng quan trọng hơn là vấn đề tài sản thế chấp.

Chật vật với nguồn vốn rẻ

Theo Dự thảo Thông tư Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến và dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/4/2013, 5 ngân hàng (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank và MHB) thực hiện cho vay với lãi suất thấp sẽ phải dành một lượng vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay các đối tượng cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng có thu nhập thấp… với lãi suất ưu đãi 6%/năm.

NHNN sẽ hỗ trợ một phần nguồn vốn để các ngân hàng cho vay, thông qua hình thức tái cấp vốn. Cụ thể, NHNN dành tối đa 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ các ngân hàng thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định; thời gian giải ngân tái cấp vốn đối với các ngân hàng được thực hiện kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành đến ngày 15/4/2016.

Người thu nhập thấp không dễ tiếp cận với vốn vay mua nhà

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn của NHNN đối với các ngân hàng cho mục tiêu cho vay hỗ trợ nhà ở thấp hơn lãi suất cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng là 1,5%/năm tại cùng thời điểm. Các ngân hàng có trách nhiệm trả lãi tái cấp vốn hàng tháng cho NHNN.

Cùng với đó, NHNN thực hiện tái cấp vốn ngắn hạn cho các ngân hàng và được gia hạn hàng năm đối với ngân hàng, thời hạn trả nợ cuối cùng là ngày 15/4/2023. Dư nợ còn lại của khách hàng ở ngân hàng ở thời điểm này được chuyển sang hình thức cho vay bằng nguồn vốn của ngân hàng.

Bình luận về Dự thảo Thông tư này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng thực tế NHNN không hỗ trợ vốn thì các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay mua nhà. Vấn đề khó ở đây chính là quy trình cho vay. Vì để bảo đảm khả năng thu hồi vốn, ngân hàng vẫn cần khách hàng vay phải có tài sản thế chấp để phòng ngừa trường hợp không trả nợ được.

“Thực tế, người mua nhà có thể lấy căn nhà đang mua để làm tài sản thế chấp. Tuy nhiên, với thủ tục lằng nhằng, giá trị thấp và khó chuyển nhượng như hiện nay thì rất ít ngân hàng giải ngân. Thường thì những trường hợp thế chấp được đều có sự liên kết giữa chủ đầu tư và ngân hàng. Do đó, chính sách này chỉ kích thích một phần nào đó nhu cầu vay vốn và khả năng giải ngân của các ngân hàng”, ông Đức bình luận.

Ông Đức còn lưu ý cần phải quy định rõ tiêu chí cho những đối tượng được vay mua nhà, nếu không thì phần lớn số vốn sẽ không chảy vào đúng đối tượng cần kích cầu.

Thời hạn vay quá ngắn

Bình luận về Dự thảo Thông tư, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vốn vay ưu đãi chỉ nên dành cho cá nhân, chứ không nên dành cho DN bất động sản. Sự ưu đãi này sẽ khiến cho nhiều DN ở các ngành khác, như: sản xuất, xuất nhập khẩu… thấy thiệt thòi, vì họ cũng đang rất khó khăn.

Quan trọng hơn là vấn đề thời hạn vay ưu đãi. Theo ông Hiếu, thời gian 10 năm là quá ngắn với người mua nhà, và nên nới ra là 20 năm hoặc 30 năm. Vì khoản tiền này phải phân bổ trong 30 năm thì người thu nhập thấp mới có khả năng trả nợ.

Ông Hiếu ví dụ: với giá nhà là 1 tỷ đồng và người đi vay được vay 700 triệu đồng. Nếu trả trong 10 năm thì mỗi năm, riêng tiền trả gốc đã là 70 triệu đồng, chưa tính đến lãi. Mức trả này là quá nặng so với người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, nếu trả trong 30 năm với lãi suất 6% thì người lao động chỉ phải trả cả gốc lẫn lãi là 5 triệu đồng/tháng. Mức trả này sẽ phù hợp với khả năng của người thu nhập thấp hơn.

Bên cạnh đó, sau 10 năm, khi NHNN thu hồi vốn vay, người vay phải trả lãi suất theo quy định của ngân hàng. Điều này cũng là áp lực không nhỏ với người lao động có thu nhập thấp, khiến người vay khó xây dựng được kế hoạch trả nợ.

Minh Huệ

——————

Thời báo Kinh doanh 15-3-2013:

http://thoibaokinhdoanh.vn/441/news-detail/435901/lang-kinh/vay-mua-nha-gia-re-giat-minh-khong-nhieu-ky-vong-.html

(253/952)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,688