262. Tái cơ cấu ngân hàng: Không chỉ mua bán, sáp nhập

(TQ) – Thông điệp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là khuyến khích các tổ chức tín dụng tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập… Tuy nhiên, theo một chuyên gia, tái cơ cấu ngân hàng không có nghĩa là chỉ sáp nhập mà định hướng đầu tiên là phải có giải pháp làm sạch nợ xấu, trong đó tập trung vào những ngân hàng có nợ xấu vượt quá 5%.

Sáp nhập hai ngân hàng nhỏ chưa chắc đã mạnh

Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề tái cơ cấu ngân hàng lại được đồng thuận như bây giờ. Mọi quan điểm đều đi đến thống nhất rằng, đã đến lúc phải “thay máu” cho hệ thống ngân hàng thương mại. Điều này được minh chứng bằng hàng loạt động thái sáp nhập ngân hàng diễn ra gần đây.

Gần đây, Ngân hàng Gia Định đang xin ý kiến cổ đông đổi tên thành Ngân hàng Bản Việt sau khi được cổ đông mới bơm tiền để tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Cách đây không lâu, Ngân hàng Liên Việt cũng sáp nhập với Công ty Tiết kiệm Bưu điện, đổi tên thành Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, BIDV cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với hai ngân hàng được cho là thuộc dạng nhỏ: GP Bank và BacA Bank…

Trong khi dư luận đang dồn về phía các ngân hàng nhỏ thì nhiều chuyên gia tài chính lâu năm, nhất là những người có kinh nghiệm làm việc quốc tế, lại có cái nhìn khách quan hơn, thừa nhận Việt Nam đang có lượng ngân hàng lớn và cần phải tái cơ cấu để có một hệ thống mạnh hơn nhưng điều đó không đơn thuần là cắt bớt hoặc sáp nhập những ngân hàng nhỏ.

Sáp nhập hai ngân hàng nhỏ chưa chắc đã mạnh (Ảnh minh hoạ: T.Xuân)

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, tái cấu trúc không hẳn là nhắm vào các Ngân hàng thương mại nhỏ. Nhiều ngân hàng nhỏ nhưng vẫn khỏe vì bản thân các ngân hàng này có những phân khúc khách hàng của họ, do vậy những ngân hàng này không thể là đối tượng tái cơ cấu.

“Vấn đề không phải vì quy mô ngân hàng quá nhỏ mà là do chất lượng tài sản của các hệ thống ngân hàng yếu, đặc biệt là năng lực quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp kém. Nếu đặt ra tiêu chí chất lượng tài sản thì có rất nhiều ngân hàng có chất lượng tài sản ở mức cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc.”, ông Nghĩa nói.

Nhiều quan điểm cho rằng, một ngân hàng quy mô nhỏ sáp nhập với ngân hàng quy mô nhỏ khác sẽ trở thành một ngân hàng mạnh chỉ với điều kiện hai ngân hàng đó nhỏ chứ không yếu. Còn ngân hàng hoạt động yếu kém (do mất thanh khoản, nợ xấu cao) lại cộng với một ngân hàng tương tự thì kết quả sẽ thảm hại hơn nhiều.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Việc sáp nhập không phải cứ muốn là được bởi “có thể ngân hàng A muốn sáp nhập với ngân hàng B nhưng chưa chắc ngân hàng B đã muốn sáp nhập với ngân hàng A. Chẳng hạn, sẽ xảy ra trường hợp một số ngân hàng quy mô lớn không muốn phải sáp nhập với ngân hàng quy mô nhỏ bởi trong khi vẫn còn khó khăn trong giải quyết tình trạng nợ xấu của mình thì nay họ lại phải gồng gánh thêm nợ xấu của ngân hàng khác. Đó là chưa kể công nghệ, nhân lực, năng lực quản lý không đồng đều, đặc biệt là thông tin về tín dụng của mỗi ngân hàng chưa thật sự minh bạch”.

Đại diện ngân hàng, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI bày tỏ, không nên quan niệm rằng ngân hàng quy mô nhỏ là yếu kém.

“Thực tế có nhiều ngân hàng nhỏ nhưng hoạt động kinh doanh rất hiệu quả. Nếu được sống trong môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh thì những ngân hàng nhỏ này còn hiệu quả hơn”, ông Đức nói.

Ông Đức cũng chia sẻ quan điểm rằng, ngay cả đối với Maritime Bank, nếu bị sáp nhập với “ông” khác kém hơn mình sẽ thấy rất khó bởi tự dưng bị chia sẻ nhân sự, văn hóa, hệ thống công nghệ thông tin…Và nếu mọi việc không “khớp” thì quả thực sẽ rất rắc rối.

Quan trọng là làm sạch nợ xấu

Trước những băn khoăn trên, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khái niệm tái cơ cấu ngân hàng không chỉ tập trung ở vấn đề mua bán, sáp nhập ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn mà yếu tố quan trọng là phải làm sạch nợ xấu, trong đó tập trung vào những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu vượt quá 5%.

Theo ông Nghĩa, bên cạnh chất lượng tài sản và quản trị, các ngân hàng còn thể hiện sự yếu kém trong việc cân đối sử dụng nguồn vốn thiếu hợp lý, lãi suất huy động liên ngân hàng tăng cao, dư nợ bất động sản quá nhiều…Và ngay cả vấn đề trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng Việt Nam cũng không đủ để bù đắp rủi ro nói chung và rủi ro riêng cho từng dự án của một ngân hàng. Do vậy, định hướng đầu tiên là làm sạch nợ xấu các ngân hàng bằng phương pháp đơn giản nhất, cụ thể là xóa nợ với sự hỗ trợ nhất định của ngân sách.

“Tất cả bất cập trên khiến nợ xấu ngân hàng ngày càng gia tăng và luôn trong tình trạng khát vốn. Từ đó có thể thấy rằng, tái cấu trúc không hẳn là nhắm vào các ngân hàng thương mại nhỏ mà bản chất của nó là làm sạch nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Để giảm nhanh và triệt để nợ xấu, chỉ có cách xóa nợ; dùng thêm ngân sách hỗ trợ, giãn nợ, khoanh nợ, yêu cầu ngân hàng tăng vốn, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro. Đây cũng là việc mà nhiều quốc gia trên thế giới đã làm”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2011 của tám ngân hàng niêm yết cho thấy, tổng nợ xấu tính đến ngày 30/9/2011 lên tới gần 15.018 tỷ đồng, trong đó tổng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lên tới 8.293 tỷ đồng.

Cụ thể, VCB là ngân hàng có khối lượng nợ xấu nhiều nhất với 7.379,567 tỷ đồng. Tiếp đến là Vietinbank với tổng nợ xấu sau chín tháng đầu năm 2011 tăng 144%, từ mức 1.530,7 tỷ đồng lên 3.731,8 tỷ đồng.

Theo tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện có một số giải pháp để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được cơ quan này cân nhắc. Trong đó, sẽ siết chặt các biện pháp kỹ thuật bằng các công cụ sẵn có như trần lãi suất, dư nợ tín dụng năm 2012 không theo hướng cào bằng, tái cấp vốn có điều kiện, áp chuẩn mực kế toán quốc tế… Nếu ngân hàng nào không đáp ứng được các yêu cầu này có thể sẽ bị rút giấy phép.

Ngoài ra, sẽ  khuyến khích các ngân hàng tự nguyện mua bán cổ phần và sáp nhập với nhau. Nếu ngân hàng nào không tuân thủ sẽ đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Trong cuộc chơi này, chắc chắn các ngân hàng quốc doanh sẽ không đứng ngoài cuộc.

Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, cuộc “giải phẫu” lần này không thể để các ngân hàng quốc doanh đứng ngoài cuộc bởi nếu tái cấu trúc xong, thị trường chỉ còn lại số ít các ngân hàng lớn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bệnh tật thì coi như tái cấu trúc nửa vời. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp lo ngại nhất với thị trường ngân hàng chính là ngân hàng quốc doanh. Có ngân hàng đang có tổng tài sản lớn nhất thì nợ xấu triền miên và có thể cao nhất trên thị trường./.

Quỳnh Anh

————————————

Tổ quốc 09-11-2011:

http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Kinh-Te/Tai-Co-Cau-Ngan-Hang-Khong-Chi-Muabansap-Nhap.html

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.974. Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu...

Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng. (VOVGT) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,124