263. Bình luận Nghị định số 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ “về kinh doanh khí”.

(ANVI) – Hà Nội 06-7-2016

 

1.          Về một số vấn đề chung: 

  • Quy định:

Khoản 11, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22-3-2016 của Chính phủ “Về kinh doanh khí” quy định, cơ sở kinh doanh khí bao gồm 8 loại nhóm sau đây:

  • Cơ sở sản xuất, chế biến khí;
  • Cảng xuất, nhập khí;
  • Kho tồn chứa khí, kho bảo quản chai LPG và LPG chai;
  • Cửa hàng bán LPG chai (bao gồm cửa hàng chuyên kinh doanh LPG chai);
  • Trạm nạp LPG vào chai;
  • Trạm nạp CNG, trạm nạp LNG, trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải;
  • Trạm cấp LPG, trạm cấp LNG, trạm cấp CNG;
  • Vận chuyển khí và cho thuê phương tiện vận chuyển khí.
  • Vấn đề:

Nghị định trên đã quy định thêm nhiều điều kiện kinh doanh và nhiều giấy phép hơn so với Nghị định số 107/2009/NĐ-CP, dẫn đến hầu hết các doanh nghiệp đang kinh doanh hoàn toàn bình thường, hợp pháp trong lĩnh vực này không đủ điều kiện để được tiếp tục kinh doanh.

Điều kiện quan trọng nhất đối với kinh doanh khí đã được đề cập đến tại Điều 6 về “An toàn, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP. Còn nhiều nhóm kinh doanh khí đòi hỏi những điều kiện kinh doanh rất khác nhau, trong đó có những điều kiện trái với quy định tại khoản 3, Điều 32, Hiến pháp năm 2013 cũng như quy định tại khoản 1 và 4, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014: Điều kiện đầu tư kinh doanh “phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, đồng thời “phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.”; trái với quy định tại khoản 2, Điều 7 về “Quyền của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014, quy định một trong các quyền của doanh nghiệp là “2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.”

Nghị định này đã được ban hành trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2006 “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, vì vậy có nhiều nội dung không phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc chỉ đạo dưới đây của Chính phủ đối với doanh nghiệp:

Mục tiêu “đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.”

Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cần bảo đảm các nguyên tắc sau”: “Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…”. “Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.” “Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện.”

Đặc biệt là không phù hợp các nguyên tắc sau của Nghị quyết số 35/NQ-CP: “Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh.”. “Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển” và “Các quy định về Điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với Điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.

  • Kiến nghị:

Cần xem xét sửa đổi Nghị định phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP theo hướng: Bỏ hoặc giảm tối đa các điều kiện về quy mô kinh doanh như cơ sở vật chất thuộc quyền sở hữu, số diện tích, dung tích, số lượng,… vì không cần thiết, không hợp lý, đồng thời trái với Hiến pháp và Luật. Việc này cần để doanh nghiệp tự quyết định liên quan đến năng lực và hiệu quả kinh doanh, mà không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn, sức khỏe.

2.          Về Điều kiện đối với thương nhân phân phối khí dầu mỏ hóa lỏng – PLG:

  • Quy định:

Điều 9 về “Điều kiện đối với thương nhân phân phối khí”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP quy định như sau:

“1. Thương nhân phân phối khí là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3 (ba trăm mét khối) đối với kinh doanh LPG chai; 100 m3 (một trăm mét khối) đối với kinh doanh LPG qua đường ống; 3.000 m3 (ba nghìn mét khối) đối với LNG; 10.000 Sm3 (mười nghìn mét khối tiêu chuẩn) đối với CNG thuộc sở hữu của thương nhân hoặc đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu một (01) năm của thương nhân kinh doanh khí.

  1. Đối với thương nhân phân phối LPG kinh doanh LPG chai ngoài Điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này phải có các Điều kiện sau:
  2. a) Có số lượng chai LPG các loại (không tính chai LPG mini) đủ Điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 L (hai triệu sáu trăm hai mươi nghìn lít);
  3. b) Có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu được cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoặc có hợp đồng thuê nạp LPG vào chai với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối khác.

Sau hai (02) năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG, phải có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu của thương nhân;

  1. c) Có hệ thống phân phối LPG, bao gồm: Cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm cấp LPG hoặc trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải được cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoặc khách hàng công nghiệp và có tối thiểu 20 (hai mươi) tổng đại lý hoặc đại lý kinh doanh LPG đáp ứng đủ Điều kiện quy định tại Nghị định này.”
  • Vấn đề:

Quy định điều kiện quy mô kinh doanh quá lớn, với quá nhiều điều kiện, như thương nhân phân phối LPG phải “có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3”; có số lượng chai LPG “thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 L”, “phải có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu của thương nhân”; có “cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm cấp LPG hoặc trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải”; “có tối thiểu 20 (hai mươi) tổng đại lý hoặc đại lý kinh doanh LPG”;…

Các điều kiện kinh doanh nêu trên dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư, hoạt động hợp pháp, có hiệu quả. Điều này sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế nói chung và cho khoảng 35 doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng đang kinh doanh gas. Nếu các doanh nghiệp này phải chấm dứt kinh doanh, thì sẽ có trên 1.000 lao động vùng sâu, vùng xa mất việt làm. Nếu các doanh nghiệp này muốn tiếp tục kinh doanh, thì phải đáp ứng được các điều kiện trên, tức là bình quân mỗi doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải chi thêm khoảng 25 – 30 tỷ đồng, để đầu tư vào hệ thống bồn chứa, bình gas chỉ với mục đích để được cấp lại giấy phép kinh doanh, mà không cần thiết để sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. Ước tính tổng số tiền mà các doanh nghiệp phải chỉ chỉ để xin lại và duy trì giấy phép lên tới 35 triệu USD.

Quy định trên đã vi phạm quy định tại khoản 2 về “Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”, khoản 4 về “Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.”, Điều 6 về “Các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước”, Luật Cạnh tranh năm 2004. Đồng thời việc này còn đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; ưu tiên cho phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh khó khăn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; khuyến khích sử dụng khí gas để hạn chế việc đun củi, phá rừng.

Ngoài ra, quy định trên còn có nguy cơ gián tiếp gây ra vi phạm quy định tại Điều 11 về “Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường”, Luật Cạnh tranh năm 2004, về “hạn chế cạnh tranh” và “cạnh tranh không lành mạnh”, do tạo ra một số ít các doanh nghiệp “thống lĩnh thị trường”, thậm chí dẫn đến “vị trí độc quyền” và “có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể” tại một địa bàn, nhất là ở các tỉnh miền núi, hải đảo khó khăn.

Như vậy, quy định về các điều kiện kinh doanh đối với thương nhân phân phối PLG nêu trên đã vi phạm Điều 32, Hiến pháp năm 2013; Điều 7, Luật Đầu tư năm 2014; Điều 7, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 6, Luật Cạnh tranh năm 2004.

  • Kiến nghị:

Cần xem xét sửa đổi Nghị định theo hướng: Bỏ hoặc giảm điều kiện về quy mô kinh doanh như, có dung tích bồn chứa tối thiểu, có trạm nạp gas, có số lượng đại lý tối thiểu và đặc biệt là điều kiện về số lượng bình gas tối thiểu đồng thời “thuộc sở hữu của thương nhân”. Trong trường hợp cần thiết, thì cần giảm khoảng một nửa, cụ thể giảm tổng dung tích bồn chứa tối thiểu từ 300 m3 xuống 150 m3; tổng dung tích chai LPG tối thiểu 2.620.000 lít xuống 1.310.000 lít.

3.          Về Điều kiện đối với kinh doanh trạm nạp, trạm cấp khí:

  • Quy định:

Điểm b, khoản 2, Điều 9 về “Điều kiện đối với thương nhân phân phối khí”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP quy định: Đối với thương nhân phân phối LPG kinh doanh LPG chai, sau 2 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG, “phải có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu của thương nhân”.

Khoản 4, Điều 9 về “Điều kiện đối với thương nhân phân phối khí”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP quy định: Đối với thương nhân phân phối LNG “phải có cơ sở vật chất phục vụ hệ thống phân phối LNG trực thuộc, bao gồm: Sở hữu trạm cấp LNG hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải…”.

Khoản 2, Điều 14 về “Điều kiện trạm nạp LPG vào chai, trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải, trạm cấp LPG”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP quy định: Trạm nạp LPG vào chai phải “Thuộc sở hữu của thương nhân là thương nhân kinh doanh LPG đầu mối”. (khác với quy định tại khoản 3 và 4, Điều 14, “trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải” và trạm cấp LPG, ngoài trường hợp phải thuộc sở hữu của “thương nhân kinh doanh LPG” hay “thương nhân kinh doanh LPG đầu mối”, còn có thể là thuộc sở hữu của “đại lý hoặc tổng đại lý”).

Khoản 1, Điều 15 về “Điều kiện trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải, trạm cấp LNG”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP cũng quy định: Trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải, trạm cấp LNG phải “Thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LNG đầu mối”.

  • Vấn đề:

Như vậy, trong các trường hợp trên, các thương nhân phân phối khí buộc phải “sở hữu” trạm cấp LNG, trạm nạp LNG hoặc trạm nạp LPG vào chai hoặc vào phương tiện vận tải. Quy định này, đồng nghĩa với việc, các thương nhân phân phối khí phải tự mình thực hiện hết các công đoạn kinh doanh phân phối khí và các cơ sở đang sở hữu các trạm nạp, trạm cấp khí đang kinh doanh hợp pháp, có nguy cơ phải đóng cửa hoặc buộc phải “bán mình” cho các thương nhân phân phối khí. Các doanh nghiệp đang ký hợp đồng dài hạn chiết thuê với các đối tác bị phá vỡ, sẽ phải chịu tổn thất nặng nề do phải chịu phạt và bồi thường thiệt hại vì chấm dứt hợp đồng.

Quy định trên đã trái với quy định tại khoản 2, Điều 7 về “Quyền của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014.

  • Kiến nghị:

Đề nghị xem xét sửa đối Nghị định theo hướng: Bỏ các quy định, buộc các doanh nghiệp phân phối gas (thương nhân phân phối khí) phải sở hữu các trạm nạp, trạm cấp gas, hay ngược lại, các trạm nạp, trạm cấp gas phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp phân phối gas.

4.          Về điều kiện đối với đại lý kinh doanh gas:

  • Quy định:

Khoản 2, Điều 11 về “Điều kiện đối với tổng đại lý kinh doanh LPG”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP quy định: Tổng đại lý kinh doanh LPG phải đáp ứng một trong các Điều kiện là:

“2. Có hệ thống phân phối LPG, bao gồm: Cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm cấp LPG hoặc trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải được cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện và có tối thiểu 10 (mười) đại lý đáp ứng đủ Điều kiện theo quy định của Nghị định này…”

  • Vấn đề:

Tổng đại lý hoàn toàn có thể chỉ kinh doanh bán buôn cho các đại lý, mà không nhất thiết phải có “cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm cấp LPG hoặc trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải”.

Cũng không có lý do hợp lý nào với quy định, tổng đại lý phải “có tối thiểu 10 (mười) đại lý”, chứ không phải là tối thiểu 7 hay 9 đại lý? Vì vậy, quy định này cũng trái với quy định tại Điều 174 về “Quyền của bên đại lý”, Luật Thương mại năm 2005; quy định tại khoản 2, Điều 7 về “Quyền của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014

  • Kiến nghị:

Đề nghị xem xét sửa đổi Nghị định theo hướng: Bỏ điều kiện Tổng đại lý kinh doanh gas phải có “cửa hàng bán LPG chai” và phải có tối thiểu 10 đại lý.

5.          Về điều kiện đối với đại lý kinh doanh gas:

  • Quy định:

Khoản 1, Điều 23 về “Quyền và nghĩa vụ của đại lý kinh doanh LPG”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP quy định một trong những quyền và nghĩa vụ của đại lý kinh doanh LPG là:

“1. Lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho 01 (một) tổng đại lý hoặc 03 (ba) thương nhân kinh doanh LPG đầu mối đáp ứng đủ Điều kiện quy định tại Nghị định này.”

  • Vấn đề:

Quy định về việc đại lý kinh doanh LPG chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho 1 tổng đại lý là phù hợp với quy định tại khoản 6, Điều 175 về “Nghĩa vụ của bên đại lý”, Luật Thương mại năm 2005: “7. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.” Tuy nhiên, việc hạn chế này là không cần thiết, trái với quy định tại khoản 1 và 4, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014.

Tuy nhiên, quy định về việc đại lý kinh doanh LPG chỉ được ký hợp đồng với 3 thương nhân kinh doanh LPG đầu mối là đã hạn chế quyền tự do kinh doanh của đại lý, trái với quy định tại Điều 169 về “Các hình thức đại lý” và Điều 174 về “Quyền của bên đại lý”, Luật Thương mại năm 2005; quy định tại khoản 2, Điều 7 về “Quyền của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014; quy định tại khoản 1 và 4, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014.

  • Kiến nghị:

Cần xem xét sửa đổi Nghị định theo hướng: Bỏ quy định về điều kiện kinh doanh chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho 1 tổng đại lý hoặc 3 doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối đối với đại lý kinh doanh gas (LPG). Trong trường hợp bắt buộc thì đề nghị mỗi đại lý được ký hợp đồng làm đại lý cho 3 tổng đại lý hoặc 3 doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối.

6.          Về thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nạp khí dầu mỏ hóa lỏng – PLG vào chai:

  • Quy định:

Nghị định số 19/2006/NĐ-CP quy định, trạm nạp gas không còn được kinh doanh độc lập, mà buộc phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp phân phối gas. Đồn thời, 2 hoạt động phân phối gas và nạp gas phải xin 2 loại Giấy phép khác nhau tại Bộ Công thương và Sở Công thương.

Khoản 2, Điều 9 về “Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nạp LPG vào chai”, Thông tư số 03/2016/TT-BCT ngày 10-5-2016 của Bộ trưởng Bộ Công thương “Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22-3-2016 của Chính phủ về kinh doanh khí”, quy định: Một trong các điều kiện để được cấp “Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nạp LPG vào chai” là phải có “Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG”.

Tuy nhiên, muốn có “Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG”, thì lại phải có “Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nạp LPG vào chai” (nếu không có “hợp đồng thuê nạp LPG vào chai”) theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 9 về “Điều kiện đối với thương nhân phân phối khí”, Nghị định số 19/2006/NĐ-CP và khoản 4, Điều 8 về “Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG/LNG/CNG”, Thông tư số 03/2016/TT-BCT.

  • Vấn đề:

Khác hoàn toàn với quy định tại Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26-11-2009 của Chính phủ trước đây “Về kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng”, các doanh nghiệp phân phối gas buộc phải sở hữu trạm nạp gas. Như vậy, một loạt doanh nghiệp trước đây chỉ hoạt động chiết, nạp gas hợp pháp, bình thường, mà không phân phối gas, thì sẽ buộc phải chấm dứt hoạt động. Không có lý do hợp lý nào để đặt ra quy định ngăn cản hoạt động độc lập của doanh nghiệp chiết, nạp gas.

Nếu như trước kia, mỗi doanh nghiệp phân phối gas chỉ phải xin 1 giấy phép tại Sở Công thương, thì hiện nay buộc phải xin 2 giấy phép. Thứ nhất là Giấy phép nạp gas tại Bộ Công thương và thứ hai là Giấy phép Phân phối gas tại Sở Công thương.

Ngoải ra, quy định về hồ sơ, thủ tục xin 2 loại Giấy phép trên có thể dẫn đến tình trạng, doanh nghiệp không thể xin được Giấy phép kinh doanh khí gas. Vì muốn xin Giấy phép phân phối ga, thì phải có Giấy phép nạp gas và ngược lại, muốn xin Giấy phép nạp gas, thì phải có Giấy phép phân phối gas.

  • Kiến nghị:

Cần xem xét sửa đổi Nghị định và Thông tư theo hướng: Thứ nhất, là cho phép doanh nghiệp chiết, nạp gas hoạt động độc lập, không bắt buộc phải thuộc doanh nghiệp phân phối gas, tức là buộc phải sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể doanh nghiệp.

Thứ hai, là bỏ điều kiện đối với thương nhân phân phối LPG bắt buộc phải có trạm nạp LPG. Đồng thời gộp 2 loại Giấy phép phân phối gas và nạp gas vào thành 1 Giấy phép, để doanh nghiệp phân phối gas chỉ phải xin 1 loại giấy phép là “Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối và chiết nạp LPG” tại Sở Công thương, mà không cần phải xin “Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhận phân phối LPG” tại Bộ Công thương.

7.          Về thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng – LPG

  • Quy định:

Khoản 2, Điều 11 về “Điều kiện đối với tổng đại lý kinh doanh LPG”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP quy định: Điều kiện để làm tổng đại lý kinh doanh LPG, là phải có ít nhất một trong 1 trong 3 điều kiện là, có “cửa hàng bán LPG chai” hoặc có “trạm cấp LPG” hoặc có “trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải”.

Theo đó, khoản 4, Điều 12 về “Hồ sơ đề  nghị cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG”, Thông tư số 03/2016/TT-BCT ngày 10-5-2016 của Bộ trưởng Bộ Công thương “Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22-3-2016 của Chính phủ về kinh doanh khí” cũng, quy định phải xuất trình ít nhất 1 trong 3 loại Giấy chứng nhận tương ứng với 3 điều kiện nói trên.

Tuy nhiên, khoản 1, Điều 13 về “Điều kiện đối với cửa hàng bán LPG chai”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP lại quy định: Cửa hàng bán LPG chai phải đáp ứng được một trong các điều kiện là “Thuộc sở hữu của thương nhân là đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân kinh doanh LPG đầu mối.”

Theo đó, khoản 3, Điều 14 về “Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai”, Thông tư số 03/2016/TT-BCT đã quy định một trong các điều kiện là “3. Bản sao Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG hoặc Giấy chứng nhận đủ Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG hoặc Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG”.

  • Vấn đề:

Như vậy, đã dẫn đến tình trạng luẩn quẩn: Muốn đáp ứng được “Điều kiện đối với tổng đại lý kinh doanh LPG”, thì phải có “Cửa hàng bán LPG chai”. Nhưng để đáp ứng được điều kiện về “Cửa hàng bán LPG chai”, thì lại phải có “Điều kiện đối với tổng đại lý kinh doanh LPG”.

  • Kiến nghị:

Cần xem xét sửa đổi Nghị định và Thông tư theo hướng: Bỏ điều kiện đối với tổng đại lý kinh doanh LPG bắt buộc phải có cửa hàng bán LPG chai.

8.          Về một số nội dung khác:

  • Về thời hạn cấp phép:

Khoản 3, Điều 43 về “Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP quy định thời hạn cấp Giấy chứng nhận đối với 8 loại điều kiện kinh doanh khí là 30 ngày làm việc (tức là khoảng 40 ngày lịch trở lên), kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Thời hạn này là quá dài.

Vì vậy, đề nghị xem xét giảm thời hạn cấp phép xuống mức 7 ngày làm việc như quy định trước đây tại Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26-11-2009 của Chính phủ về “Kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng”.

  • Về tên gọi của Nghị định:

Tên của Nghị định được đặt rất ngắn gọn là “Kinh doanh khí”, đúng với quy định tại Phụ lục 4, Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Luật Đầu tư năm 2014 (dòng 42). Khoản 1, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP giải thích “1. Khí quy định tại Nghị định này là khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên hóa lỏng và khí thiên nhiên nén.”

Tên Nghị định chỉ đề cập đến một chứ “khí” duy nhất, không thể xác định được là gì, dễ gây nhầm lẫn với không khí, khí trời, khí thải, khí độc, khí hoá lỏng hay các loại khí bất kỳ nào khác. Các đạo luật và nghị định khác không quy định một chữ “khí” như vậy. Khoản 3, Điều 3, Luật Dầu khí năm 1993 quy định “3. “Khí thiên nhiên” là toàn bộ hydrocarbon ở thể khí, khai thác từ giếng khoan, bao gồm cả khí ẩm, khí khô, khí đầu giếng khoan và khí còn lại sau khi chiết xuất hydrocarbon lỏng từ khí ẩm.” Phụ lục I, Danh mục hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện, ban hành kèm theo Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07-10-2008 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hoá chất quy định rõ, khí đó là “Khí hóa lỏng và các sản phẩm khí tự nhiên”.

Đề nghị xem xét sửa đổi cụm từ “Kinh doanh khí” tại Luật Đầu tư và tên Nghị định thành “Kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên hóa lỏng và khí thiên nhiên nén.”

  • Về căn cứ ban hành Nghị định:

Nghị định đã được ban hành căn cứ vào các Luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật Thương mại năm 2005; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật Giá 2012 và Luật Đầu tư năm 2014.

Nghị định đã không được căn cứ vào Luật Hoá chất năm 2007, trong đó quy định nhiều yêu cầu cụ thể đối với các loại hoá chất nguy hiểm độc hại, dễ nổ như đối với khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên hóa lỏng và khí thiên nhiên nén. Kinh doanh các loại khí nói trên cũng là một hoạt động hoá chất theo quy định tại khoản 7, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Hoá chất cũng như sau: “7. Hoạt động hóa chất là hoạt động đầu tư, sản xuất, sang chai, đóng gói, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng, nghiên cứu, thử nghiệm hóa chất, xử lý hóa chất thải bỏ, xử lý chất thải hóa chất.” Ngoài ra, nếu như Nghị định căn cứ vào cả Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, thì còn cần phải căn cứ vào cả Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001; Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Luật Đo lường năm 2011;,,,

Vì vậy, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung vào phần căn cứ của Nghị định Luật Hoá chất năm 2007.

  • Về việc sử dụng từ “chiết”:

Đề nghị sử dụng lại từ “chiết” gas như viết trong Nghị định số 107/2009/NĐ-CP đã trở thành quen thuộc, dễ hiểu và chính xác trước đây. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, đã giải thích nghĩa đầu tiên của tử “chiết” là “Rót bớt sang một đồ đựng khác”.

  • Về việc sử dụng từ “ký cược”:

Đề nghị xem xét thay thế khái niệm “ký cược chai LPG” tại Nghị định số 19/2016/NĐ-CP bằng khái niệm cầm cố, đặt cọc hoặc ký quỹ (nếu có sự tham gia của ngân hàng), để “bảo đảm nghĩa vụ trả chai LPG mượn”. Lý do, “ký cược” là biện pháp bảo đảm nghĩa vụ chỉ sử dụng duy nhất cho loại hợp đồng thuê tài sản theo quy định tại khoản 1, Điều 480 về “Hợp đồng thuê tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2005. Khoản 3, Điều 172 về “Quyền của bên giao đại lý”, Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định: Bên giao đại lý có một trong các quyền là “3. Yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật”.

  • Về việc xử phạt vi phạm chính:

Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh khí hiện nay bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 8 về “Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề”, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chỉnh phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19-11-2015).

Mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa các nội dung; thuê, mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh. Mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của thương nhân khác; kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; kinh doanh khi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã hết hiệu lực; tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Mức phạt như trên là thấp, không tương xứng với hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh LPG. Vì vậy, đề nghị tăng mức xử phạt vi phạm, nhất là các vi phạm về chiết nạp lậu, cắt tai, mài vỏ bình LPG.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,788