(TT) – Đầu tháng 3-2013, ông Đào Việt Hưng và bà Dương Thị Dung (Hà Nội) tìm đến văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội phản ảnh về việc bỗng dưng bị ngân hàng bảo… nợ tiền tỉ, dù thực tế họ không vay một đồng nào.
Khoản nợ tiền tỉ từ trên trời rơi xuống không những khiến gia đình ông Hưng, bà Dung không thể vay được vốn mà còn gây nhiều hệ lụy khác về tinh thần, giao dịch làm ăn.
Trong khi đó, dù gõ cửa tất cả các đơn vị và cơ quan liên quan, ông Hưng và bà Dung vẫn không được giải quyết gỡ bỏ khoản nợ ma này.
Ông Đào Việt Hưng phản ảnh về việc bỗng dưng bị nợ ngân hàng tiền tỉ – Ảnh: Lê Thanh |
Đi vay tiền mới biết đang nợ quá hạn
Sẽ rút giấy phép hoạt động của Công ty chứng khoán Trường Sơn Ông Phạm Hồng Sơn cho biết Công ty chứng khoán Trường Sơn đã bị đình chỉ hoạt động từ tháng 10-2012 do không đáp ứng các điều kiện quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính. Đến tháng 4, SSC sẽ rút giấy phép hoạt động của công ty này nếu không khắc phục được sai phạm. |
Ông Hưng trình bày trong một lần tìm đến phòng giao dịch số 9 Ngân hàng BIDV làm thủ tục vay tiền mua nhà thì bất ngờ bị cán bộ tín dụng ngân hàng này từ chối với lý do ông đang có nợ quá hạn.
Theo vị cán bộ tín dụng này, qua tra cứu thông tin trên Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, BIDV phát hiện ông Hưng đang có nợ gốc quá hạn là 1,1 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa, nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Còn bà Dung than thở cũng bị buộc nợ với 1,650 tỉ đồng cũng từ ngân hàng này.
“Tá hỏa vì thông tin này, tôi cho rằng họ đã nhầm và đến thẳng SCB chi nhánh Hà Nội để khiếu nại. Tuy nhiên sau nhiều lần làm việc, SCB mới cung cấp cho tôi hồ sơ vay nợ, trong đó có quyết định vay dựa trên quyền thu tiền bán chứng khoán theo kết quả giao dịch ngày 14-9-2011 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM do Công ty chứng khoán Trường Sơn (TSS) cung cấp. Tôi không biết chơi chứng khoán là như thế nào, cũng chưa từng mở tài khoản và giao dịch chứng khoán tại TSS. Hồ sơ vay nợ mà SCB cung cấp hoàn toàn giả mạo vì chữ ký trong hồ sơ vay vốn cũng không phải là của tôi” – ông Hưng bức xúc.
Bà Dung cho biết ngày 8-12-2011, trả lời khiếu nại của bà, TSS có công văn khẳng định đây là do sai sót của nhân viên. Bà Dung không có vay nợ của Ngân hàng Tín Nghĩa (nay là SCB) qua thực hiện giao dịch chứng khoán. Và TSS đang làm việc với SCB để giải quyết về khoản nợ trên. TSS đảm bảo khoản nợ trên công ty đứng ra bảo lãnh thanh toán nợ đầy đủ cho SCB.
Có dấu hiệu lừa đảo
Ông Hưng cho biết đến nay, số tiền mà mình đang “nợ” SCB lên đến hơn 1,6 tỉ đồng tính cả gốc lẫn lãi, bà Dung cũng đang “nợ” 2,36 tỉ đồng. “Khoản nợ đã xếp vào nhóm có khả năng mất vốn, không thể đòi được nhưng suốt hai năm qua tôi chưa một lần nhận được giấy thu hồi nợ của SCB. Tuy nhiên, vì dư nợ quá hạn đang được Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước treo trên đó nên từ ngày xảy ra vụ việc đến nay đã bước sang năm thứ ba, tôi không thể vay vốn ở bất kỳ ngân hàng nào dù đã đến gõ cửa các cơ quan chức năng là Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán…” – bà Dung bức xúc.
Theo đơn khiếu nại của ông Hưng và bà Dung, chúng tôi đã liên hệ qua số điện thoại mà Công ty TSS đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) nhưng không liên hệ được. Còn tìm đến trụ sở của TSS (39 ngõ 76 đường An Dương, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng không thể tìm được đơn vị này. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hồng Sơn – vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh SSC – cho biết rất khó tìm được TSS do công ty này không còn hoạt động, hầu hết tài khoản giao dịch của khách hàng đã được tất toán.
Tại văn bản phúc đáp đơn khiếu nại của ông Hưng và bà Dung do phó tổng giám đốc Phạm Văn Phi ký ngày 27-2-2013 có nêu: năm 2011, Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa nay là SCB có ký hợp đồng hợp tác về việc cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán với TSS với hạn mức 50 tỉ đồng. SCB cũng khuyến nghị vụ việc có tính chất phức tạp, có dấu hiệu lừa đảo và đã đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan.
Giao dịch không có trên hệ thống
Ngày 28-1-2013, trong công văn trả lời ông Hưng và bà Dung, SSC cho biết theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, ngày 14-9-2011 hai tài khoản giao dịch chứng khoán số 098C000082 và số 098C000074 không có giao dịch trên hệ thống của hai sở này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Sơn cho rằng rất có thể TSS đã làm hồ sơ giả để vay vốn thông qua giao dịch chứng khoán. Nhưng thực tế trên hệ thống không có giao dịch này nên đây được gọi là khớp lệnh giả. Hiện SSC đang phối hợp với cơ quan công an xử lý một số trường hợp có hành vi tương tự.
Ông Sơn cũng khuyên ông Hưng và bà Dung nên tố cáo đến cơ quan công an về việc danh dự của mình bị xâm hại. “Dù bị đình chỉ hoạt động nhưng HĐQT của TSS vẫn còn đó và vẫn còn tư cách pháp nhân nên họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm mà họ gây ra” – ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Trương Ngọc Anh – chánh văn phòng Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước – cho biết vừa nhận được khiếu nại của ông Hưng và bà Dung. Cơ quan này sẽ làm hết trách nhiệm để xử lý vụ việc theo đúng thẩm quyền.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định vụ việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng là SSC và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ để có kết luận kịp thời giải oan cho người bị hại.
——————
Tuổi Trẻ 17-03-2013:
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/538399/bong-dung-bi–no-tien-ti.html
(57/1.222)