264. Bình luận Dự thảo luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(ANVI) – VCCI – Hội thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ & vừa                                                Hà Nội 11-7-2016    

(DỰ THẢO NGÀY 07-7-2016)

 

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, điều khó nhất cần phải giải quyết là bên cạnh việc phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thì đồng thời lại phải thiết lập một số cơ chế pháp lý đặc thù cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

  1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
  • Dự thảo Luật chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp, bao gồm các công ty và doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, mà không điều chỉnh hộ kinh doanh. Với số lượng khoảng 4 – 4,5 triệu hộ kinh doanh đã, đang và sẽ hoạt động như các doanh nghiệp, nhưng đã không được coi trọng điều chỉnh bằng luật, đã bị luật bỏ rơi suốt mấy chục năm nay. Trong khi về pháp lý, thì hộ kinh doanh còn có thể phức tạp hơn nhiều doanh nghiệp tư nhân, vì doanh nghiệp tư nhân thì chỉ luôn luôn có 1 chủ duy nhất, còn hộ kinh doanh thì ngoài là 1 chủ cá nhân, còn có thể có hai hoặc nhiều hơn số lượng thành viên, có thể là vợ chồng, người trong gia đình hay bất kỳ ai. Thậm chí, công ty trách nhiệm hữu hạn, tối đa chỉ có 50 thành viên, nhưng hộ kinh doanh lại có thể nhiều hơn thế, vì pháp luật chỉ “buông” một câu, hộ kinh doanh có thể gồm “một nhóm người”.
  • Xét cả về bản chất pháp lý cũng như bản chất kinh tế, hộ kinh doanh chính là doanh nghiệp tư nhân. Điểm khác nhau lớn nhất là, doanh nghiệp tư nhân thì có thể không có, có 1 hoặc nhiều lao động, còn hộ kinh doanh thì chỉ được sử dụng thường xuyên không quá 10 lao động, theo quy định tại khoản 2, Điều 212 về “Hiệu lực thi hành”, Luật Doanh nghiệp năm 2014. Đây rõ ràng không phải là dấu hiệu pháp lý đặc trưng. Ngoài ra, giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân đã không còn sự phân biệt rất lớn về pháp lý trước kia, đó là doanh nghiệp thì có con dấu được thừa nhận cao về pháp lý, còn hộ kinh doanh không có con dấu pháp lý.
  • Xét theo một góc độ khác, thì cả 3 đạo luật Doanh nghiệp vào các năm 1999, 2005 và 2014 đều đã gián tiếp thừa nhận hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp, vì đều được đề cập đến trong luật, nhưng rồi lại chỉ dừng lại ở chỗ điểm danh, công nhận sự sự hiện diện, mà không quy định cho nó một danh phận pháp lý của doanh nghiệp. Vì vậy, đây là dịp phải sửa sai, phải chính thức thừa nhận hộ kinh doanh là loại hình doanh nghiệp tư nhân. Một vấn đề đặc biệt quan trọng là, nếu công nhận hộ kinh doanh là doanh nghiệp tư nhân, thì có thừa nhận doanh nghiệp tư nhân có nhiều hơn 1 chủ doanh nghiệp hay không? Còn nếu không thừa nhận điều này, thì cũng phải coi hộ kinh doanh là mô hình hợp tác kinh doanh doanh, chứ không thể để “lửng lơ” về đặc điểm pháp lý. Thậm chí, hộ kinh doanh còn thường xuyên bị gọi sai theo tên gọi cũ xa xưa là hộ kinh doanh cá thể trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 hay trong Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2006 của Chính phủ “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”.
  • Trường hợp không công nhận hộ kinh doanh là doanh nghiệp, thì cần xem xét quy định thêm cơ chế khuyến khích chuyển các Hộ kinh doanh thành các doanh nghiệp, một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển 1 triệu doanh nghiệp.
  1. Đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ:
  • Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 về “Đối tượng áp dụng”, Dự thảo Luật thì mọi “Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp” đều thuộc đối tượng được hỗ trợ. Theo số liệu của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì hiện nay có tới 97,5% tổng số doanh nghiệp là vừa và nhỏ. Việc quy định hỗ trợ cho quá nhiều doanh nghiệp là không hợp lý. Và càng bất hợp lý hơn khi đặt ra các hỗ trợ với mức cào bằng như nhau, không hề có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp có quy mô doanh thu gần 100 tỷ đồng với đa số doanh nghiệp còn lại chỉ có doanh thu 10 tỷ đồng, thậm chí ước tính vài chục phần trăm chỉ có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm.
  • Theo quy định tại khoản 1, Điều 5 về “Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Dự thảo Luật, cũng như tiêu chí phân loại doanh nghiệp hiện hành, dựa vào số lượng lao động, thì hộ kinh doanh chính là loại doanh nghiệp siêu nhỏ.
  • Do nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất vừa và nhỏ”, nên cũng cần thu hẹp phạm vi và đối tượng hỗ trợ, để bảo đảm hiệu quả, khả thi. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả hộ kinh doanh (với quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng doanh thu và hoặc từ 20 – 30 lao động trở xuống), vì đây là nhóm doanh nghiệp rất yếu thế, gặp nhièu khó khăn, lúng túng, vướng mắc. Có thể tham khảo một trong những quy định đã có với loại doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng, thì được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với các doanh nghiệp khác theo quy định tại Điều 10 về “Thuế suất”, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013).
  • Không nên hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp vừa hoặc chỉ hỗ trợ một phần nhỏ, ngoại trừ một số lĩnh vực hoặc trường hợp đặc biệt, vì là nhóm ở giữa, tương đối bình thường. Giữa doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, với doanh nghiệp vừa, có sự khác nhau rất lớn về năng lực và quy mô (có khi đến hàng trăm, hàng nghìn lần), nên không thể hỗ trợ cào bằng như nhau. Đồng thời cần xem xét loại trừ một số đối tượng không nên hỗ trợ, dù đó là doanh nghiệp vừa hay nhỏ, nếu như đã là công ty đại chúng (có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên và có từ 100 cổ đông trở lên), vì đã là những doanh nghiệp bài bản, có quy mô tương đối lớn. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc diện được hỗ trợ cũng cần loại trừ cả các công ty đại chúng. Dự thảo Luật mới chỉ loại trừ công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Điểm b, khoản 1, Điều 2 Dự thảo Luật quy định một nội dung mới so với Dự thảo trước đây, đó là không hỗ trợ doanh nghiệp “thuộc nhóm công ty theo quy định tại Luật Doanh nghiệp”. Tuy nhiên điều này chỉ đúng với các công ty thuộc tập đoàn, tổng công ty và công ty lớn (vì đã được dựa vào thế mạnh rất lớn của công ty mẹ và các công ty trong nhóm), mà không phù hợp với trường hợp công ty nhỏ là lại chỉ là công ty con của công ty nhỏ khác.
  • Một lý do nữa không nên hỗ trợ doanh nghiệp vừa, là sẽ dẫn đến tác dụng ngược, bất lợi cho sự phát triển của nền kinh tế, vì doanh nghiệp vừa thuộc loại lớn nhất cũng được hỗ trợ giống như nhóm doanh nghiệp nhỏ nhất, như Dự thảo Luật, trong đó có việc giảm thuế thu nhập so với doanh nghiệp lớn, thì sẽ đồng nghĩa với việc khuyến khích doanh nghiệp giữ nguyên ở quy mô doanh nghiệp vừa để hưởng nhiều ưu đãi, không phát triển được các doanh nghiệp lớn mạnh như Nghị quyết số 35//NQ-CP ngày 16-5-2006 của Chỉnh phủ “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, với mục tiêu xây dựng “các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.”
  1. Các đối tượng tham gia hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:
  • Các đối tượng tham gia hỗ trợ theo Dự thảo Luật:

Dự thảo Luật quy định rất nhiều đối tượng tham gia vào quá trình hỗ trợ doanh nghiệp như: Hội đồng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa quốc gia, Hội đồng thẩm định Danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (đã có), Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (đã có), Quỹ tương hỗ, Quỹ đầu tư khởi nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư phát triển hạ tầng, các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp hỗ trợ, tổ chức hỗ trợ, hệ thống chuỗi phân phối sản phẩm,…

Với số lượng doanh nghiệp hỗ trợ lên lên đến trên nửa triệu, và dự kiến khoảng 5 năm nữa lên đến 1 triệu doanh nghiệp, với khoảng trên 100 nội dung hỗ trợ. Vì vậy, cần phải thành lập 1 cơ quan chuyên trách cấp cục vụ ở Trung ương và cấp phòng mỗi tỉnh, thành để bảo đảm khả năng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

  • Doanh nghiệp tham gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:

Dù có nhiều quy định, với nhiều cá nhân, tổ chức cả chuyên trách và không chuyên trách tham gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như trên, nhưng vẫn rất khó khăn, dàn trải, rất khó đáp ứng được một cách hữu hiệu nhu cầu của quá nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm quy định  cụ thể và tập trung vào việc hỗ trợ nhóm doanh nghiệp mà toàn bộ hoạt động hoặc một phần nhất định hoạt động nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong đó cần xem xét đưa thêm nhóm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng có thể là một trong các mục tiêu của doanh nghiệp xã hội theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Hiện nay, doanh nghiệp xã hội chỉ có “Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng” theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 10 về “Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội”, Luật Doanh nghiệp năm 2014.

  1. Bảo đảm sự bình đẳng pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa:
  • Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là bảo đảm sự bình đẳng giữa tất cả các loại hình, sở hữu và quy mô doanh nghiệp, không để họ mất cơ hội và quyền lợi đang ra được hưởng so với doanh nghiệp lớn. Vì vậy, khoản 2, Điều 9 về “Cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính”, Dự thảo Luật đã quy định, nghiêm cấm cơ quan, tổ chức “Ban hành quy định phân biệt đối xử về điều kiện kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn lực dựa trên các tiêu chí về quy mô kinh doanh, trừ khi các quy định này được luật quy định” hay “Có hành vi phân biệt đối xử, sách nhiễu, gây khó khăn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc không thực thi công vụ theo quy định của pháp luật.” Đây là những quy định hết sức hợp lý và cần thiết.
  • Vì vậy, các quy định đã ban hành tại các Nghị định về điều kiện kinh doanh dựa vào quy mô trái với quy định trên như kinh doanh xuất khẩu gạo, vận tài taxi, phân phối gas và các quy định tương tự dưới đây cần phải được bãi bỏ ngay mà không cần chờ đến khi Luật có hiệu lực:
  • Doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất 01 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; 01 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; và kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo, được quy định tại Điều 4 về “Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo”, Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04-11-2010 của Chính phủ về “Kinh doanh xuất khẩu gạo”;
  • Doanh nghiệp, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có tối thiểu là 10 xe; riêng đối với Hà Nội, Sài Gòn phải có tối thiểu là 50 xe; được quy định tại khoản 7, Điều 17 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về “Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tài bằng xe ô tô”;
  • Doanh nghiệp phân phối bình gas (Khí dầu mỏ hóa lỏng – LPG) phải có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3, có số lượng bình ga các loại (không tính bình mini) thuộc sở hữu của doanh nghiệp với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít;… được quy định tại Điều 9 về “Điều kiện đối với thương nhân phân phối khí”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22-3-2016 của Chính phủ về “Kinh doanh khí”;
  • Thậm chí cả việc quy định về mức vốn pháp định cũng cần phải xem lại đối với nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp có vốn lớn thì dương nhiên có cơ hội kinh doanh bất động sản tốt hơn. Nhưng doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 20 tỷ đồng thì cũng vẫn hoàn toàn có nhiều cơ hội kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ với quy mô vài chục tỷ đồng, thậm chí vài trăm tỷ đồng.
  1. Hỗ trợ tiếp cận tín dụng:
  • Điều 10 về “Hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại ngân hàng thương mại”, Dự thảo Luật quy định một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có việc hỗ trợ thông qua “Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” và “Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Các định chế tài chính này đang được vận hành trên thực tế, nhưng còn rất hạn chế tác dụng.
  • Cái khó của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, không vay được vốn hoặc phải vay với lãi suất cao là do chưa có thị trường, chưa có tín nhiệm, chưa có thương hiệu, chưa có kinh nghiệm, chưa có hiệu quả, chưa có tài sản bảo đảm,… Cho nên đương nhiên sẽ khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay giá rẻ. Vì vậy, Nhà nước đã tạo ra một số cơ chế hỗ trợ tín dụng và đã được ghi nhận tại của Dự thảo Luật, trong đó có việc được Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho vay vốn; được các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng thương mại; được vay vốn của các tổ chức tín dụng vi mô;…. Tuy nhiên trên thực tế hàng chục năm nay, các Quỹ này và các tổ chức tín dụng vi mô không có đủ nguồn vốn, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, nên rất khó hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với những quy định về điều kiện được cấp tín dụng còn chặt hơn cả với ngân hàng, do đó nếu doanh nghiệp đã không đủ điểu để vay vốn ngân hàng, thì cũng không đủ điều kiện để được các quỹ cho vay vốn hay bảo lãnh. Vì vậy doanh nghiệp nhỏ thường phải đi vay vốn bên ngoài với lãi suất cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng.
  • Do đó, một trong những cơ chế cần xem xét quy định, là cho phép doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được hạch hoán vào chi phí hợp pháp, hợp lệ lãi suất vay vốn vượt trần quy định của pháp luật (hiện nay là 13,5%/năm và từ năm 2017 trở đi là 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015). Hiện nay Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không cho phép hạch toán phần lãi vay thực tế vượt quá 13,5%/năm.
  1. Hỗ trợ mặt bằng sản x­uất kinh doanh:
  • Điều 15 về “Hỗ trợ mặt bằng sản x­uất kinh doanh”, Dự thảo Luật đã quy định một số biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó cần có quy định hoặc về các chính sách hỗ trợ mặt bằng và dịch vụ thiết thực, phù hợp với thực tế, nhưng lại vướng Luật khác như dưới đây.
  • Đó là hỗ trợ việc thiết lập và quản lý sử dụng cơ sở hạ tầng và dịch vụ sử dụng chung đối với doanh nghiệp nhỏ. Đây là một nhu cầu đặc biệt cần thiết và rất có hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ. Chẳng hạn hình thành mô hình tòa nhà thương mại, cho thuê văn phòng sử dụng chung cơ sở vật chất như phòng họp, phòng đào tạo, phòng tiếp khách, kho tàng, máy photocopy, máy in, máy scan,… Cho phép được sử dụng nhà chung cư thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, thành viên hoặc cổ đông, ví dụ khi sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của công ty TNHH và công ty cổ phần được phép sử dụng nhà ở với mục đích hỗn hợp vừa để ở, vừa để đặt trụ sở chính, chi nhánh và văn phòng đại diện của công ty. Nhất là trên thị trường (Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng,…) đã xuất hiện loại hình như của thế giới là loại căn hộ thương mại (Shophouse – căn hộ vừa làm nhà ở vừa là nơi bán hàng) và căn hộ văn phòng (Officetel – căn hộ vừa là nhà ở vừa là văn phòng làm việc). Trong khi đó, khoản 11, Điều 6 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”, Luật Nhà ở năm 2014 đang quy định một trong các hành vi bị cấm là “Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”. Tuy Luật Nhà ở năm 2014 có đề cập đến loại “nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh”, nhưng để chỉ loại nhà có các căn hộ để ở và các gian, tầng để kinh doanh khác nhau.
  1. Một số hỗ trợ đặc thù khác:
  • Cần xem xét quy định được trả mức lương tối thiểu bằng với mức lương cơ sở do Nhà nước trả cho cán bộ, công chức (hiện nay là 1.210 đồng), thay vì phải trả mức lương tối thiếu mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động (hiện nay là 2.400.000 – 3.500.000 đồng tuỳ khu vực) trong giai đoạn khởi nghiệp (5 năm đầu).
  • Cần xem xét quy định không phải đóng kinh phí công đoàn “bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động” theo quy định tại khoản 2, Điều 26 về “Tài chính công đoàn”, Luật Công đoàn năm 2012, trong giai đoạn khởi nghiệp.
  • Cần xem xét quy định không nhất thiết phải có “ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị” theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 13 về “Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần”, Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong trường hợp công ty cổ phần nhỏ có từ 11 cổ đông trở lên lựa chọn mô hình quản trị công ty không có Ban kiểm soát.
  • Cần xem xét quy định không nhất thiết phải có tối thiểu 3 thành viên Ban kiểm soát, không nhất thiết “phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam” và không nhất thiết “Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty”, theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 163 về “Ban kiểm soát”, Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong trường hợp công ty cổ phần nhỏ có từ 11 cổ đông trở lên lựa chọn mô hình quản trị có Ban kiểm soát.
  • Cần xem xét quy định không bị hạn chế theo quy định về “Doanh nghiệp có vị trí độc quyền”, “Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm” theo quy định tại Điều 12 và Điều 13, Luật Cạnh tranh năm 2004, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

—————————–

 

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,852