265. Bình luận sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2014.

(ANVI) – Hội thảo Sửa đổi các Luật về Đầu tư, KD – VCCI & VPCP                         Hà Nội 22-7-2016    

 

Bên cạnh rất nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ và hợp lý, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng còn một số hạn chế, bất cập cần được xem xét sửa đổi, bố sung để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng và an toàn cho hoạt động của doanh nghiệp.

1.          Về việc đăng ký kinh doanh:

1.1.     Quy định:

Điều 3 về “Áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:

“Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó.”

1.2.     Vấn đề:

Hiện nay, hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá, giám định, giáo dục, đào tạo, trọng tài thương mại,… cũng đã được xác định rõ là các ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên các ngành, nghề này lại không được đăng ký kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, mà chỉ được thực hiện việc cấp giấy phép và đăng ký hoạt động riêng theo Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Trọng tài thương mại,… Hậu quả là nhiều công ty như công ty luật và pháp nhân khác hoạt động như một doanh nghiệp, nhưng lại hoàn toàn không có thông tin trên “Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” theo quy định tại khoản 6, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Lâu nay, ngân hàng thương mại, công ty tài chính thì đăng ký doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác, trong khi Công ty bảo hiểm, là một doanh nghiệp điển hình, thì lại không thực hiện thủ tục này. Vì đoạn 2, Điều 65 về “Thời hạn cấp giấy phép”, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010) quy định: “Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trong khi đó, hộ kinh doanh hay hợp tác xã, tuy không được xác định là doanh nghiệp theo theo quy định của Luật Doanh nghiệp hay Luật Hợp tác xã năm 2012, nhưng vẫn thực hiện việc đăng ký kinh doanh như đối với doanh nghiệp

1.3.     Sửa đổi:

Đề nghị xem xét quy định tại Luật này hoặc Luật Đầu tư yêu cầu thống nhất đăng ký kinh doanh tập trung đối với tất cả các công ty và pháp nhân có hoạt động kinh doanh.

2.          Về việc báo cáo nội dung thay đổi:

2.1.     Quy định:

Điều 12 về “Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:

“Doanh nghiệp phải báo cáo Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có thay đổi thông tin về họ, tên, địa chỉ liên lạc,quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của những người sau đây:

  1. Thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần;
  2. Thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên;
  3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.”

2.2.     Vấn đề:

Hiện nay quy định 3 thủ tục: Đăng ký, thông báo và báo cáo. Phải đăng ký khi thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Phải thông báo khi thay đổi nội dung Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Và phải báo cáo đối với một số trường hợp khác.

Các nội dung trên không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (trừ trường hợp Giám đốc hoặc Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật), vì vậy việc báo cáo là vô lý và không cần thiết.

2.3.     Sửa đổi:

Đề nghị xem xét bỏ điều luật trên và chỉ phải báo cáo một số nội dung thật sự cần thiết, có ý nghĩa trong việc theo dõi, quản lý nhà nước.

3.          Về trách nhiệm của Người đại diện theo pháp luật:

3.1.     Quy định:

Khoản 2, Điều 13 về “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:

“2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.”

3.2.     Vấn đề:

Công ty có thể tìm cách trốn tránh trách nhiệm trong các trường hợp bất lợi. Đồng thời gây khó khăn và rủi ro rất lớn cho đối tác giao dịch với công ty, vì không phải lúc nào cũng tiếp cận được Điều lệ và không bảo đảm việc xác định được chính xác nội dung phân quyền cũng như bản Điều lệ nào có hiệu lực thật sự.

3.3.     Sửa đổi:

Đề nghị xem xét quy định: Công ty hợp danh có nhiều người đại diện theo pháp luật. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật có quyền, nghĩa vụ như nhau và Điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng và chức danh quản lý của các đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và phải đăng ký với Cơ quan đăng ký doanh nghiệp.

4.          Về việc đăng ký ngành, nghề kinh doanh:

4.1.     Quy định:

Khoản 3, Điều 24 về “Nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định một trong các nội dung phải có là “3. Ngành, nghề kinh doanh.” Sau đó khoản 2, Điều 7 về “Ghi ngành, nghề kinh doanh”, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ “Về đăng ký kinh doanh” đã quy định như sau:

“2. Nội dung cụ thể của ngành kinh tế cấp bốn quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.”

4.2.     Vấn đề:

Quy định phải ghi ngành, nghề kinh doanh mà ngành cấp 4 trên Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và sau đó là thi có sự thay đổi, về thực chất không khác gì cách ghi ngành, nghề kinh doanh như trước đây, trái với nguyên tắc tự do kinh doanh, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, không có ý nghĩa pháp lý và thực tế (rất khó theo dõi, không có tác dụng trong việc thống kê), không cần thiết (doanh nghiệp có thể ghi cả mấy nghìn ngành, nghề kinh doanh).

4.3.     Sửa đổi:

Đề nghị xem xết bỏ quy định phải ghi nhận ngành, nghề kinh doanh, trừ trường ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

5.          Về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp:

5.1.     Quy định:

Điểm b, khoản a, Điều 32 về “Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi về một số nội dung, trong đó việc:

“b) Thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần”

Điểm b, khoản 1, Điều 33 về “Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Doanh nghiệp phải công bố các thông tin, trong đó có “Danh sách cổ đông sáng lập”.

5.2.     Vấn đề:

Thông tin về “Danh sách cổ đông sáng lập” không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, vì vậy yêu cầu phải thông báo khi có thay đổi và phải công bố thông tin là không hợp lý.

5.3.     Sửa đổi:

Đề nghị xem xét bỏ yêu cầu về việc phải thông báo thay đổi và phải công bố thông tin về cổ đông sáng lập.

6.          Về việc quản lý, sử dụng con dấu doanh nghiệp:

6.1.     Quy định:

Khoản 3 và 4, Điều 44 về “Con dấu của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:

“3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.

  1. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.”

Khoản 3, Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng”, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19-10-2015 “Quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp” đã quy định không áp dụng quy định của Điều luật trên đối với 6 đạo luật, gồm Luật Công chứng, Luật Luật sư, Luật Giám định tư pháp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán và Luật Hợp tác xã, là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Đồng thời không hợp lý giữa các loại hình doanh nghiệp, như ngân hàng thương mại thì được quyển quyết định về con dấu, trong khi công ty chứng khoán thì không.

6.2.     Vấn đề:

Doanh nghiệp tư nhân không bao giờ có Điều lệ, vì vậy quy định tại khoản 3 là không hợp lý. Đồng thời, khoản 1, Điều 25 về “Điều lệ công ty”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng không quy định việc quản lý, sử dụng con dấu là những nội dung bắt buộc phải có trong Điều lệ .

Việc “lưu giữ” con dấu cũng chính là một nội dung “quản lý” con dấu, không cần phải quy định. Chính vì vậy, Điều 12 về “Số lượng, hình thức, nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp”, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP chỉ sử dụng 2 từ quản lý, sử dụng, bỏ từ “lưu giữ” con dấu (trái luật như hợp lý).

Quy định “con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật” gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, các bên giao dịch và các cơ quan nhà nước. Đa số các trường hợp pháp luật quy định phải đóng dấu cũng chỉ là về kỹ thuật soạn thảo, chứ không phải là bắt buộc phải có so với các trường hợp khác.

Theo quy định tại Điều 1, Nghị định 58/2001/NĐ-CP ngày 24-8-2001 của Chính phủ “Về quản lý và sử dụng con dấu”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 31/2009/NĐ-CP ngày 01-4-2009, quy định việc đóng dấu của các doanh nghiệp là nhằm “thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ”. Vậy, giá trị pháp lý như thế nào đối với trường hợp bắt buộc phải đóng dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp?

6.3.     Sửa đổi:

Đề nghị xem xét quy định, việc quản lý, sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Điều lệ hoặc văn bản của công ty.

Đề nghị xem xét quy định theo hướng, bỏ hẳn việc bắt buộc phải đóng dấu theo một trong 2 cách sau: Thứ nhất, quy định không bắt buộc phải đóng dấu trong mọi trường hợp. Thứ hai, sau 3 năm, chỉ phải đóng dấu trong trong trường hợp có quy định của Luật, đồng thời các nghị định, thông tư không được quy định mới về việc bắt buộc phải đóng dấu.

Trong trường hợp thứ 2, đồng thời cần quy định rõ việc đóng dấu không nhằm “thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ”.

7.          Về tỷ lệ dự họp và biểu quyết của Hội đồng thành viên:

7.1.     Quy định:

Khoản 1, Điều 59 về “Điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên” (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên), Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:

“1. Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.”

7.2.     Vấn đề:

Quy định trên đang được hiểu theo hướng, Điều lệ công ty có thể quy định một tỷ lệ tối thiểu cao hơn, bằng hoặc thấp hơn 65%. Tuy nhiên, hiểu theo hướng thấp hơn 65% là không hợp lý. Do đó yêu cầu tỷ lệ tối thiểu 65% là quá cao, không hợp lý. Nhất là vấn đề cũng tương tự như nhau, nhưng Luật lại quy định đối với Đại hội đồng cổ đông chỉ cần tỷ lệ tối thiểu 51%.

7.3.     Sửa đổi:

Đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng: Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 51% vốn điều lệ; trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác cao hơn.

8.          Về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần:

8.1.     Quy định:

Khoản 1, Điều 126 về “Chuyển nhượng cổ phần”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:

“1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.”

8.2.     Vấn đề:

Khoản 1, Điều 120 về “Cổ phiếu”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “1. Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.”.  Vì vậy, quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần “được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.” thì chỉ phù hợp với trường hợp cổ phiếu là chứng chỉ, không phù hợp với trường hợp là bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.

Quy định này dẫn đến việc gây rủi ro lớn cho người nhận chuyển nhượng, vì không thể biết được cổ phần có bị hạn chế chuyển nhượng hay không. Do cổ phần được tự do chuyển nhượng, nên sau khi giao dịch xong, khi tiến hành làm thủ tục đăng ký vào sổ cổ đông thì mới biết bị hạn chế chuyển nhượng.

Quy định này không có trong Luật Doanh nghiệp năm 2005.

8.3.     Sửa đổi:

Đề nghị xem xét bỏ quy định này hoặc nếu để thì cần ghi thêm nội dung sau: Trường hợp chỉ ghi việc hạn chế việc chuyển nhượng trên cổ phiếu bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử thì không có giá trị pháp lý.

9.          Về thời điểm chốt danh sách chia cổ tức:

9.1.     Quy định:

Khoản 4, Điều 132 về “Trả cổ tức”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, “Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.”

9.2.     Vấn đề:

Quy định khoảng cách 30 ngày giữa ngày chốt danh sách cổ đông với ngày chia cổ tức là để bảo vệ quyền lợi của những người liên quan, đặc biệt là của cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần.

Tuy nhiên, đây là quy định nhầm lẫn, ngược đời (giống như Luật Doanh nghiệp vào các năm 1999, 2005) về việc, chốt danh sách trả cổ tức trước và thông báo trả cổ tức sau. Vì như vậy, thì có thể lập danh sách chia cổ tức trước 30 ngày, thậm chí 300 ngày hoặc dài hơn mà vẫn đúng luật. Việc này đã , đã dẫn đến rất nhiều trường hợp thực tế gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người nhận chuyển nhượng cổ phần sau ngày lập danh sách chia cổ tức mà không được nhận cổ tức (vì không thể biết chính xác ngày chốt danh sách chia tổ chức).

9.3.     Sửa đổi:

Đề nghị xem xét chỉ cần yêu cầu phải thông báo trước ít nhất 15 hoặc 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức (để người nhận chuyển nhượng cổ phần biết rằng họ sẽ không được hưởng cổ tức), còn danh sách cổ đông được nhận cổ tức thì phải lập sau ngày đã thông báo về việc chia cổ tức và càng gần ngày chia cổ tức càng hợp lý (giống như ngày chốt quyền của công ty niêm yết).

10.       Về giá trị giao dịch phải thông qua Đại hội đồng cổ đông:

10.1.  Quy định:

Điểm d, khoản 2, Điều 135 về “Đại hội đồng cổ đông”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định một trong những quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông là:

“d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác;”

10.2.  Vấn đề:

Quy định trên hoàn toàn có thể dẫn đến cách hiểu trái với tinh thần của Luật: Đó là Điều lệ công ty liệu có thể quy định rằng Đại hội đồng cổ đông có thể chỉ cần thông qua quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ trên 35%, mà không buộc phải thông qua các quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% trở lên.

10.3.  Sửa đổi:

Đề nghị xem xét xem xét sửa đổi “nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn hoặc một giá trị khác nhỏ hơn”.

11.       Về việc bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát:

11.1.  Quy định:

Khoản 3, Điều 144 về “Điều kiện để nghị quyết được thông qua” quy định như sau:

“3. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu…”.

11.2.  Vấn đề:

Luật Doanh nghiệp năm 2014 không còn quy định việc bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, mà có thể chọn phương thức bầu bình thường.

Việc thay đổi này xuất phát từ nhận định tại Mục 9, “Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)” số 1896/BC-UBKT13 ngày 23-5-2014 của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội như sau: Một số ý kiến không tán thành với việc quy định bắt buộc bầu dồn phiếu, vì có thể dẫn đến tình trạng các cổ đông lớn của công ty lợi dụng để lựa chọn phương án có lợi cho mình thay vì lợi ích chung của công ty.  Đây là một nhận định sai hoàn toàn về bản chất và thực tế vấn đề, tước bỏ một công cụ quan trọng để bảo vệ nhóm cổ đông thiểu số.

11.3.  Sửa đổi:

Đề nghị xem xét quy định việc bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát bắt buộc phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu như quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Đồng thời việc bầu thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải được tiến hành đồng thời với bầu các thành viên khác.

12.       Về nhiệm kỳ Hội đồng quản trị:

12.1.  Quy định:

Điều 150 về “Nhiệm kỳ và số lượng thành viên Hội đồng quản trị”, Luật Doanh nghiệp năm 2014, đã bỏ quy định về nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị, mà chỉ còn quy định về nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị.

Khoản 3, Điều 114 về “Quyền của cổ đông phổ thông”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định một trong các trường hợp cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông nếu “Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị đã vượt quá 06 tháng mà Hội đồng quản trị mới chưa được bầu thay thế”.

Khoản 1, Điều 153 về “Cuộc họp Hội đồng quản trị”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ được bầu trong cuộc họp đầu tiên của nhiệm kỳ Hội đồng quản trị trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc bầu cử Hội đồng quản trị nhiệm kỳ đó.”

12.2.  Vấn đề:

Việc bỏ quy định về nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 là một điểm khác so với Luật Doanh nghiệp năm 1999 và 2005. Tuy nhiên, 2 điều 114 và 153 lại vẫn nhắc đến nhiệm kỳ Hội đồng quản trị. Đây là quy định thiếu thống nhất, dẫn đến mâu thuẫn, vướng mắc.

12.3.  Sửa đổi:

Đề nghị xem xét bỏ việc quy định liên quan đến nhiệm kỳ Hội đồng quản trị tại các Điều 114 và 153 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

13.       Về thành viên điều hành của Hội đồng quản trị:

13.1.  Quy định:

Điểm c, khoản 4, Điều 153 về “Cuộc họp Hội đồng quản trị”, Luật Doanh nghiệp quy định một trong các trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Hội đồng quản trị là khi “c) Có đề nghị của ít nhất 02 thành viên điều hành của Hội đồng quản trị”.

13.2.  Vấn đề:

Vậy “thành viên điều hành của Hội đồng quản trị” khác với “thành viên Hội đồng quản trị” thế nào? Công việc điều hành được hiểu là của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Không có quy định nào giải thích thế nào là thành viên điều hành của Hội đồng quản trị. Điều này dẫn đến không xác định được thành viên nào của Hội đồng quản trị có quyền yêu cầu trị triệu họp Hội đồng quản trị.

Trên cơ sở quy định này, điểm l, khoản 3, Điều 34 về “Chủ tịch Hội đồng quản trị”, Phụ lục XI, Mẫu Điều lệ công ty chứng khoán, ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BTC ngày 18-01-2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30-11-2012 “Hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán” cũng để cập đến các cụm từ tương tự là “thành viên kiêm điều hành và các thành viên không điều hành”, nhưng cũng không được giải thích.

13.3.  Sửa đổi:

Đề nghị xem xét thay quy định trên bằng quy định có ít nhất 2 thành viên Hội đồng quản trị như Luật Doanh nghiệp năm 2005.

14.       Về điều kiện đối với Trưởng Ban kiểm soát:

14.1.  Quy định:

Câu cuối của khoản 2, Điều 163 về “Ban kiểm soát”, Luật Doanh nghiệp quy định: “Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.”

14.2.  Vấn đề:

Đây là quy định không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trưởng Ban kiểm soát không nhất thiết phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và càng không phải làm việc chuyên trách.

14.3.  Sửa đổi:

Đề nghị xem xét chỉ quy định Ban kiểm soát phải có ít nhất 1 thành viên là kế toán viên hoặc kiểm toán viên. Đồng thời không yêu cầu Trưởng ban phải làm việc chuyên trách tại công ty.

15.       Về hộ kinh doanh:

15.1.  Quy định:

Khoản 2, Điều 212 về “Hiệu lực thi hành”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:

“2. Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật này. Hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ.”

Luật Thương mại năm 2005 gọi là cá nhân “hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2014) thì gọi là “cá nhân kinh doanh”.

15.2.  Vấn đề:

Với quy định trên, thì hộ kinh doanh không được phép sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên, nhưng lại có thể gồm 10 hoặc nhiều thành viên hơn.

Nếu xét về bản chất pháp lý và kinh tế, có thể coi hộ kinh doanh tương tự với loại doanh nghiệp tư nhân loại nhỏ hoặc siêu nhỏ.

Cần phải được quy định chính thức, rõ ràng, cụ thể trong Luật thay vì chỉ trong Nghị định.

15.3.  Sửa đổi:

Đề nghị xem xét bỏ khái niệm hộ kinh doanh, thay bằng gọi đó là doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời mở rộng khái niệm, ngoài doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ như hiện nay, còn doanh nghiệp tư nhân do một số cá nhân làm chủ.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,755