268. Bình ổn nhiều làm nảy sinh tình trạng hai giá

(ĐT) – Việc bổ sung danh mục để bình ổn giá, định giá mỗi khi thị trường có biến động sẽ hạn chế sự phát triển của các thành phần kinh tế và dẫn tới tình trạng hai giá.

Theo Dự thảo Luật Giá sẽ được thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng nay (18/11), Chính phủ sẽ quy định cụ thể Danh mục Hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và Danh mục Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Lý giải về việc nên giao Chính phủ ban hành Danh mục hàng  hoá, dịch vụ bình ổn giá và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, mặc dù hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá hay định giá đều là những loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, khi biến động sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự ổn định của nền kinh tế, nhưng do biến động của kinh tế – xã hội, sự ảnh hưởng của hàng hoá, dịch vụ thiết yếu đến đời sống và kinh tế – xã hội luôn có sự thay đổi, vì thế nên để Chính phủ ban hành danh mục mới phù hợp với thực tiễn cuộc sống trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận ở tổ, cũng như thảo luận tại Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Giá, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, để bảo đảm giá cả hàng hoá, dịch vụ vận hành đúng theo cơ chế thị trường, Luật Giá chỉ nên giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện các biện pháp định giá, ổn định giá, còn danh mục hàng hoá, dịch vụ ổn định giá, định giá cần phải được luật hoá. “Chỉ quy định cụ thể trong Luật Giá loại hàng hoá, dịch vụ nào thuộc diện bình ổn giá, định giá thì mới tránh được tình trạng cứ mỗi khi thị trường có diễn biến bất thường, các bộ, ngành, địa phương lại kiến nghị bổ sung danh mục định giá, bình ổn giá, dẫn đến… loạn thị trường”, ông Nguyễn Sinh Hùng phân tích.

Sự lo ngại của Chủ tịch Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội về việc Nhà nước dường như vẫn can thiệp quá sâu vào thị trường không phải là không có cơ sở. Cụ thể, theo Nghị định 170/2003/NĐ-CP, Nhà nước chỉ bình ổn giá đối với xăng dầu, khí hóa lỏng, xi măng, sắt thép, phân bón, lúa, gạo, muối… Nhưng trước sự biến động của thị trường, năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2008/NĐ-CP bổ sung thêm 6 nhóm hàng hoá, dịch vụ vào Danh mục bình ổn giá, gồm: sữa, đường ăn, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng và một số loại thức ăn chăn nuôi gia súc.

“Cứ mỗi khi giá cả thị trường có biến động bất thường, tạm thời ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội lại bổ sung danh mục để bình ổn giá, định giá, thì sẽ hạn chế sự phát triển của các thành phần kinh tế và lại dẫn tới tình trạng hai giá”, ông Nguyễn Sinh Hùng nói và cho rằng, Luật Giá phải hướng đến vừa quản lý được thị trường, vừa để thị trường vận hành theo đúng quy luật. “Xăng dầu, điện, thuốc chữa bệnh, học phí, viện phí… đều là những hàng hoá, dịch vụ quan trọng, nhưng nên để thị trường quyết định giá cả. Nhà nước nên sử dụng các biện pháp tài chính khác để hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng cần hỗ trợ, thay vì bao cấp tràn lan thông qua bình ổn giá, định giá”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phân tích.

Trong khi đó, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, một trong những biện pháp quản lý giá quan trọng nhất là Nhà nước bình ổn giá, định giá. Vì vậy, phải đưa toàn bộ Danh mục Hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá/định giá được quy định tại Nghị định 170/2003/NĐ-CP (trừ mặt hàng xăng dầu) vào Luật Giá, chứ không nên quy định chung chung như Dự thảo Luật.

Trước đó, khi góp ý vào Dự thảo Luật Giá, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng, trên thực tế, Nhà nước không thể và cũng không có đủ tiềm lực tài chính, cũng như nhân lực để can thiệp vào thị trường. Nhà nước cần phải giảm sự can thiệp vào thị trường, đặc biệt là can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính; giảm dần số lượng hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá, định giá.

Giám đốc Công ty Luật ANVI, ông Trương Thanh Đức đề nghị, khi Luật Giá có hiệu lực, cần xem lại chính sách áp đặt trần lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước, vì dịch vụ cung cấp tín dụng không thuộc loại hàng hoá, dịch vụ ổn định giá, định giá.

 

Mạnh Bôn

——————————-

Đầu tư 18-11-2011:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.974. Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu...

Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng. (VOVGT) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,124