Phòng, chống rượu bia
(ANVI) – Hàng nghìn năm nay, rượu bia luôn đồng hành với truyền thống cúng bái cha ông, tổ tiên; cho cuộc sống vui, buồn, sướng khổ; cho hiếu hỉ, nghi lễ từ lạc hậu, u mê đến hội nhập ngoại giao quốc tế cực kỳ văn minh và nó đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống nhân loại với hai mặt lợi hại song hành, mà vốn dĩ cái gì cũng thế.
Tuy nhiên, lạm dụng rượu bia là rất nguy hại, cần phải quản lý chặt chẽ và hạn chế đúng mức. Do đó nhiều nước có luật kiểm soát rượu bia nói riêng và đồ uống có cồn nói chung. Nước Nam cũng đã có nhiều quy định nhằm hạn chế rượu bia như đánh mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt rượu, bia với thuế suất cao nhất lên đến 65% (Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 – 2014);
Cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên (Luật Quảng cáo 2012); liệt vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện (Luật Đầu tư 2014 – 2016 và Nghị định 105/2017/NĐ-CP); không được bán hoặc uống rượu trong phòng karaoke (Nghị định số 103/2009/NĐ-CP); không được khuyến mại bằng rượu (Nghị định số 81/2018/NĐ-CP) và các quy định về xử phạt liên quan đến rượu, bia như say rượu, bia gây mất trật tự công cộng (Nghị định số 167/2013/NĐ-CP);…
Nhưng bỗng dưng Dự luật sắp trình Quốc hội lại áp đặt tên là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia”, thì đã “phong thần” rượu bia chung bảng với 10 đạo luật khác có từ khóa tên tuổi “phòng, chống” cần phải đánh đuổi, bài xích triệt để kể như kẻ thù, đó là ma tuý, mại dâm, buôn người, tham nhũng, si-da, rửa tiền, thiên tai, khủng bố,…
Ngày 05-9-2018