269. Mua CP quỹ: Cứu giá hay lạm dụng?

(ĐTTC) – Theo nguyên tắc việc mua cổ phiếu (CP) quỹ không nằm ngoài mục đích doanh nghiệp (DN) cứu giá cho CP của mình khi thị trường chứng khoán (TTCK) sụt giảm. Tuy nhiên, việc mua CP quỹ của nhiều DN hiện nay đang bị méo mó và các cổ đông luôn là người phải chịu thiệt thòi.

Mua CP quỹ để cứu giá?

Theo quy định, CP quỹ do DN phát hành và được mua lại bởi chính DN đó. CP quỹ không được hưởng cổ tức, người nắm giữ CP quỹ không có quyền tham gia biểu quyết và phân chia tài sản khi DN giải thể. Về mặt kế toán, khi DN bỏ tiền mua CP quỹ, tài sản (tiền mặt) sẽ giảm và vốn chủ sở hữu cũng được ghi số âm một khoản tương ứng.

Khi CP đang bị sụt giảm mạnh, dưới giá trị thực, DN mua vào CP quỹ sẽ có tác dụng tăng lực cầu cho CP, từ đó hỗ trợ thị giá tốt hơn, đảm bảo cho cổ đông yên tâm giữ CP.

Theo đó, số lượng CP lưu hành cũng sẽ giảm sau khi DN mua vào CP quỹ, từ đây EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) cũng tăng lên và cổ đông được hưởng lợi. Mục đích nữa của việc mua CP quỹ là đầu tư kiếm lời, nhưng các DN rất ngại nói ra do “tự mình kinh doanh CP của mình” là vấn đề nhạy cảm.

Với diễn biến của TTCK trong khoảng 2 năm qua, việc mua CP quỹ hay lắm là đạt mức hòa vốn, bởi phần lớn sau khi mua xong giá lại xuống tiếp. Rất khó để tìm được DN nào mua CP quỹ hiệu quả. Bởi lẽ, về lý thuyết mua CP quỹ giúp cho EPS của CP tăng, nhưng nếu DN không dồi dào về tiền bạc tỷ lệ chia cổ tức cũng khó lòng tăng theo. Và EPS tăng cũng không đồng nghĩa với việc giá CP sẽ tăng do bị chi phối quá nhiều bởi các yếu tố khác như xu hướng chung, đầu cơ…

Ông HOÀNG THẠCH LÂN,
Giám đốc Môi giới CTCK MHBs

Từ năm 2008 đến nay, tại những thời điểm TTCK sụt giảm, đã có những “phong trào” DN mua CP quỹ để cứu giá, nhưng biện pháp này hiện nay đang giảm tác dụng bởi 2 nguyên nhân: Thứ nhất, với đặc thù của TTCK Việt Nam, khi thị trường đồng loạt bán ra, DN có nỗ lực cứu giá CP cũng giảm mạnh. Thứ hai, cách thức mua CP quỹ của các DN ngày càng bị méo mó và thiếu thực chất.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, chỉ ra vấn đề: DN thường tuyên bố mua CP quỹ từ các nguồn như thặng dư vốn, lợi nhuận giữ lại, quỹ khen thưởng, phúc lợi chưa sử dụng đến. Nhưng trong thực tế, DN có tiền thực để mua hay không và tiền cụ thể từ đâu lại không có giải trình rõ ràng. Điều này rất dễ gây ngộ nhận DN có tiền mua CP quỹ tức là còn tiền mặt và tình hình tài chính vẫn ổn.

Nhưng thực chất DN đang “kẹt” tiền và việc đăng ký mua CP quỹ chỉ là cách che mắt cổ đông. Bởi lẽ trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay DN đảm bảo được tiền mặt để trả cổ tức đã là rất giỏi, nói chi đến việc có tiền nhàn rỗi.

CP quỹ đang bị lạm dụng

Một chuyên gia kế toán – kiểm toán cho biết việc kiểm soát nguồn tiền của DN có thể làm như sau: Thí dụ số CP DN đăng ký mua vào có giá trị 20 tỷ đồng, DN phải gửi đến các cơ quan quản lý TTCK những chứng từ xác nhận có số tiền như vậy từ ngân hàng, hoặc những khoản công nợ sắp thu hồi được…

Nhưng DN sẽ có nhiều cách lách. Chẳng hạn DN có 20 tỷ đồng nhàn rỗi vào thời điểm báo cáo, nhưng hôm sau có thể dùng số tiền này mua nguyên vật liệu, trong khi vẫn đăng ký mua CP 20 tỷ đồng.

Trong nhiều trường hợp, việc DN công bố mua CP của chính mình có khi còn nguy hiểm hơn họ đem tiền đi đầu tư nơi khác. Bởi lẽ, đầu tư vào DN khác, NĐT có thể dễ dàng suy tính hơn, lời lãi dễ thể hiện hơn. Trong khi mua CP quỹ nếu thua lỗ, coi như lãng phí của cổ đông, nếu công bố mà không mua uy tín lại sụt giảm, lúc này CP có thể giảm và cổ đông luôn bị thiệt hại.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC,
Giám đốc Công ty Luật ANVI

Ngày 19-10-2011, Tổng CTCP Đầu tư – Phát triển xây dựng (DIG) chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản về việc trả cổ tức bằng tiền mặt đợt 2 năm 2010, trả cổ tức bằng CP và thưởng CP.

Với cách nhìn của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, ngoài việc trả cổ tức bằng tiền mặt, DIG cũng chuẩn bị “in” thêm CP để phát cho cổ đông, điều này tạo ra suy nghĩ DIG không dư dả về tiền mặt.

Tuy nhiên, cuối tháng 10-2011, DIG lại đăng ký mua 5 triệu CP quỹ, với số tiền bỏ ra trên 60 tỷ đồng. Số tiền này không quá lớn đối với “đại gia” trong ngành bất động sản có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng như DIG.

Tuy nhiên, đây là thời điểm khó khăn nên việc mua CP, hay thậm chí mua vào bán ra sẽ rất mạo hiểm. Chưa chắc DIG mua CP quỹ mà cổ đông đã thấy mừng.

Ngay chính DIG hồi đầu năm nay cũng thừa nhận khi triển khai những dự án lớn cơ cấu vốn của công ty sẽ thay đổi, nhu cầu huy động vốn lớn, trong trường hợp có sự biến động về lãi suất vay vốn sẽ làm tăng chi phí lãi vay, có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Vậy nếu có nhu cầu vốn lớn, tại sao DIG không biết “chắt chiu” dòng tiền của mình?

Một trường hợp khác là cách đây không lâu, Sacombank (STB) mới tiến hành chốt danh sách cổ đông để phát hành thêm CP. Nhưng mới đây STB lại công bố mua 100 triệu CP quỹ. Không bàn nhiều tới các mục đích khác nhau nhưng có thể thấy nếu với mục đích đưa CP về giá trị thực, một định chế tài chính lớn như STB phải hiểu sẽ không nên phát hành CP, nhất là trong lúc thị trường không tốt như hiện nay. Tăng vốn (bằng cách phát hành) sau đó lại giảm vốn (mua lại) bằng CP quỹ chỉ trong thời gian ngắn, trường hợp của STB rất khó hiểu.

Hồi cuối tháng 3, tại đại hội cổ đông của CTCP Cơ điện lạnh (REE), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã cam kết giữ CP không xuống dưới giá 1.4.

Một trong những động thái NĐT có thể thấy được từ cam kết của bà Mai Thanh là việc REE đã đăng ký mua lại 5 triệu CP quỹ từ ngày 1-6 đến 1-9 và đã hoàn tất. Trong thời gian REE mua vào CP quỹ, giá CP này trên thị trường dao động trong khoảng 10.500-12.500 đồng/CP. So với mức giá của REE hiện nay vào khoảng trên 1.1 thì mức giá trung bình của CP quỹ mà REE mua vào không chênh lệch nhiều.

Như vậy REE không bị lỗ chi phí mua CP quỹ nhưng lời hứa giữ giá CP của bà Mai Thanh vẫn chưa trở thành hiện thực. Cũng có ý kiến cho rằng việc mua 5 triệu CP quỹ với số tiền ước tính khoảng 55-60 tỷ đồng là hơi thừa thãi.

REE vẫn làm ăn có lãi, đây cũng là một CP lâu năm trên thị trường được xếp vào hạng blue chips, được nhiều người ưa chuộng bởi tính minh bạch, nền tảng kinh doanh khá tốt, vì vậy khó có chuyện CP này giảm xuống dưới mệnh giá 1.0 để phải đi mua CP quỹ.

Thiếu chế tài, cổ đông nhỏ thiệt hại

Độ uy tín trong những công bố mua CP quỹ của DN cũng rất đáng báo động. Hồi đầu tháng 10, UBCKNN đã quyết định xử phạt hành chính đối với CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha (ASP) với lý do ASP đã không đặt bất cứ lệnh nào để mua CP quỹ.

Thực chất, việc công bố mua CP quỹ rồi sau đó không mua không phải chuyện hiếm. Tuy nhiên, trường hợp của ASP là quá coi thường cổ đông, NĐT và các cơ quan quản lý. Thật ra nếu muốn mua CP quỹ cho có lệ, chỉ cần hôm nào thị trường giảm sàn DN không đặt lệnh, hôm nào giá tham chiếu hoặc giá trần sẽ đặt mua giá sàn, như vậy lệnh sẽ không khớp nhưng DN vẫn có thể nói mình có mua. Tuy nhiên, mức phạt UBCKNN dành cho ASP chỉ là 30 triệu đồng liệu có đủ mức răn đe?

Ảnh minh họa

Theo quy định, DN không được mua CP quỹ từ các nguồn sau đây: người quản lý công ty và người thân, cổ đông có cổ phần chi phối. Mặc dù đến nay chưa phát hiện vi phạm nào liên quan đến quy định trên, nhưng trong thực tế những cổ đông nội bộ đã biến việc mua CP quỹ của DN thành “nguồn lợi” cho mình.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CTCK Quốc Tế, chỉ ra một thực trạng: Khi DN tăng vốn, trong khi cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài thường sử dụng vốn tự có để mua thì cổ đông nội bộ, cổ đông lớn có thể đi vay để phục vụ cho đợt tăng vốn. Thí dụ phổ biến DN phát hành CP với giá 1.0, cổ đông lớn vay tiền mua, tất nhiên sẽ sử dụng những tài khoản “chân gỗ”. Sau một thời gian nếu giá CP vẫn trên mức 1.0, chẳng hạn 1.2-1.5.

Lúc này HĐQT của công ty quyết định mua CP quỹ. Thay vì mua ngay trên thị trường với mức giá 1.2-1.5, DN lại mua CP thỏa thuận từ những tài khoản “chân gỗ”. Những tài khoản này đương nhiên có lãi, bởi lẽ mua với giá 1.0 còn được vay và bán với giá 1.2-1.5. Trong khi đó, NĐT nghe DN mua CP quỹ, đem CP ra bán chưa chắc bán được. Như vậy tiền của cổ đông nhỏ đã bị trục lợi và vào túi cổ đông lớn.

Trường hợp ngược lại, nếu giá CP giảm về 0.7-0.8, DN quyết định mua CP, nhưng cũng mua từ những tài khoản “chân gỗ” sẽ khiến cho những NĐT không cắt lỗ được và thiệt hại. Trong khi cổ đông lớn lại bán được và đem tiền trả ngân hàng.

Những chiêu trò vừa nêu không phải mới. Tuy nhiên các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh biện pháp giám sát, khắc phục, nếu không dòng tiền của những NĐT cá nhân nhỏ lẻ sẽ tiếp tục bị kiệt quệ, ảnh hưởng chung đến toàn TTCK.

THÁI CA

———————————-

Sài Gòn Đầu tư Tài chính 21-11-2011:

http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20111121/Cuu-gia-hay-lam-dung.aspx

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.974. Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu...

Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng. (VOVGT) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,124