270a. Thất thiệt thiện nguyện!

(ANVI) – Nếu cá nhân nhận tiền thiện nguyện của thiên hạ mà gặp hoạ vi phạm cái Nghị định cứu trợ số 64/2008/NĐ-CP, thì việc nhận xiền của bố mẹ, bạn bè, đồng nghiệp nội bộ mang vô miền Trung, trực tiếp cho không, biếu không, mà chẳng quẳng nó vào Ban cứu trợ, thì sợ cũng y trang cả làng phạm pháp.

Sáng hôm kia, tôi đã phát sóng “Tổn hại vĩ đại!” trên Facebook. Có người không ưng cái bụng vì chúng vẫn còn chung chung quá. Vậy thì lại phải tán kỹ dài dòng về cái Nghị định hết sức tù mù:

1.  Điều 19, Hiến pháp năm 1980 quá đát: “… các xí nghiệp công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp quốc doanh; ngân hàng và tổ chức bảo hiểm;… đều thuộc sở hữu toàn dân.” Thiết nghĩ, Nhà nước độc quyền thu thuế, tử hình, kinh doanh,… dẫu thêm cả độc quyền từ thiện thì cũng đúng thôi trong bối cảnh ý!

2. Điều khoản 14.2, Hiến pháp năm 2013 live show: “ Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” Nghị định nào hạn chế quyền của dân là vô giá trị kể từ khi đã Hiến định. Kể cả Luật hạn chế việc thiện nguyện của dân thì cũng là vi Hiến.

3. Điều khoản 2.7, Nghị định 64 là nguyên tắc sau: “ Nguồn kinh phí phục vụ cho việc vận động, tiếp nhận, vận chuyển tiền, hàng cứu trợ; chi phí cho việc vận động, đóng góp, giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước và quy định tại Nghị định này.” Tức là, ai không sài 15 từ “kinh phí” thuộc Ngân sách trong Nghị định, thì cứ thoải mái tách khỏi cái sự trói buộc 64.

4. Điều 3, Nghị định 64: Có 3 đoạn nghiêm cấm: Thứ nhất là “Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo.” Thứ hai là “Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp.”. Thứ 3 là “Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.” Tức là cấm kẻ nào cản trở cá nhân và doanh nghiệp cứu trợ. Còn nói điêu, gian lận, chiếm đoạt, lợi dụng vụ lợi,… khi thực thi “công vụ” thì là nguyên tắc a bờ cờ phổ quát từ làng, xã cho đến cả thế giới loài người, có luật nào dở hơi khuyến khích?

5. Điều khoản 9.5, Nghị định 64: “ Các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn cần phối hợp với chính quyền địa phương hoặc thông báo cho chính quyền địa phương biết các khoản đã hỗ trợ cho từng hộ gia đình, cá nhân để địa phương có chính sách, phương án cân đối mức hỗ trợ hợp lý cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn trên địa bàn từ nguồn tiền, hàng cứu trợ của địa phương cho phù hợp.” Như vậy là tự mình cứ thoải mái cứu trợ trực tiếp. Mẹ cha, gia đình, dân tình phó thác đích danh mình trao tặng hộ, thì cứ phải nói không để thành công dân tốt hả? Và Nghị định không viết “phải”, mà là “cần phối hợp” thì tốt hơn, dưngmà không bắt buộc nhớ các cậu mợ ợ!

6. Có một số người vẫn còn sợ sai Nghị định trên chắc vì suy nghĩ “Trong vương quốc của những hình vuông, tất cả những hình tròn đều có tội.” (V.Zemchuznicôp). Khi đồng bào gặp hoạn nạn, thì các bạn nên hành động theo cảm xúc: “Khi pháp luật đã tốt rồi, thì chả cần các công dân phải là tốt” (B.Bret). Còn vẫn cứ muốn nói luật, thì hãy đi tới cùng: “Không ít trường hợp phải thực hiện sai những quy định cụ thể của pháp luật, thì mới đúng với nguyên tắc của luật pháp” (tôi đã viết câu này trên Tạp chí Ngân hàng số 5, tháng 3-2008).

7. Cuối cùng, chối lắm rồi, thôi ứ thèm nói luật pháp nữa. “Trên đời này chỉ một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục – đấy là thiên tài và chỉ có một thứ mà ta phải quỳ gối tôn trọng – đấy là lòng tốt.” (V. Huy-gô). Và Trong chế độ Nhà nước tồi tệ thì một con người tốt trở thành một công dân xấu, còn trong một chế độ đúng đắn thì khái niệm “người tốt” và “công dân tốt” trùng hợp với nhau.” (A-ri-xtốt). Thưa cụ Huy-gô, con muốn tin rằng, không phải chữ tài đi với chữ tai một vần, không thể lòng tốt thì phải quỳ gối tôn trọng điều quái gở. Cuối cùng con rất tin rằng, không có chuyện dân mình biến tốt thành xấu, yêu dấu nhầm lẫn!

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

3.841. Nhà ở xã hội đang rơi vào tay ai?

Nhà ở xã hội đang rơi vào tay ai? (HTV1) - Trên các diễn đàn, nhiều người chia sẻ...

Trích dẫn 

3.841. Hóa giải ‘ma trận’ sở hữu chéo ngân hàng

(KTSG) Hóa giải ‘ma trận’ sở hữu chéo ngân hàng (KTSG) – Muốn xử...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 222,137