(KTNT) – Các doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chiến lược đổi mới với mục đích tự “nâng cấp” mình, họ rất cần sự hỗ trợ chính sách từ phía Nhà nước.
Sản xuất giày xuất khẩu tại Cty TNHH Hóa dệt Hà Tây.
Khó khăn tiếp cận tài chính
Báo cáo nghiên cứu “Trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của DN” do Viện Nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Nhóm nghiên cứu kinh tế (DERG), Đại học Copenhagen (Đan Mạch) thực hiện cho thấy, cải tiến chất lượng sản phẩm chính là chiến lược đổi mới phổ biến nhất được hơn 80% DN tham gia khảo sát lựa chọn. Vấn đề mở rộng và tăng cường đa dạng hóa sản phẩm đã được trên 50% DN đánh giá là quan trọng và trên 30% DN cho rằng, việc cải tiến quy trình thực hiện cũng là vấn đề cần được quan tâm; chỉ có 2% DN xem xét việc chuyển đổi lĩnh vực hoạt động như là một phần của chiến lược đổi mới.
Về các vấn đề khó khăn mà DN đang đối mặt, theo kết quả khảo sát, có tới 81% DN cho biết đang gặp trở ngại khi thực hiện chiến lược nâng cấp DN, trong đó thiếu vốn hay khó khăn trong tiếp cận tài chính được coi là vấn đề nghiêm trọng nhất. Tiếp theo là những lo ngại về mức độ cạnh tranh, hạn chế về kỹ năng như thiếu lao động có tay nghề, thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản…
Gỡ khó từ chính sách
Báo cáo rà soát 16 luật liên quan đến DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo trong các quy định và văn bản hướng dẫn hiện hành. Điều này gây khó khăn, ách tắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Phó tổng thư ký VCCI, các quy định hiện hành đã tạo dựng một cơ sở pháp lý khá đầy đủ và đồng bộ cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh, gia nhập thị trường của các DN như quyền lựa chọn về hình thức đầu tư, thành lập DN… Các DN ngày càng tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn lực phục vụ cho các hoạt động kinh doanh như: đất đai, vốn, công nghệ, lao động… Đặc biệt, những rào cản và sự phân biệt đối xử trong chính sách giữa các thành phần kinh tế đã được dần xóa bỏ, tạo lập được một môi trường cạnh tranh bình đẳng, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, ông Huỳnh cũng đánh giá, vẫn còn nhiều quy định, thủ tục thiếu minh bạch hoặc không cần thiết, gây cản trở, khó khăn cho việc thành lập DN, triển khai dự án, đặc biệt là đối với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo nhiều chuyên gia, các điểm hạn chế, bất cập thường nằm ở những văn bản pháp luật chuyên ngành về đầu tư kinh doanh. Khi Luật DN và Luật Đầu tư “mở” thì các luật chuyên ngành lại “đóng” hoặc có tình trạng luật của Quốc hội, văn bản của Chính phủ thì rất “thoáng” nhưng văn bản của cơ quan cấp dưới lại siết chặt bằng những loại giấy phép con hoặc những thủ tục phiền hà không đáng có.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chỉ ra, từ năm 1999 đến nay, số ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh được quy định trong các luật và nghị định đã tăng lên hơn 5 lần. Ngoài ra, việc giấy phép con mới “sinh” và giấy phép con mới “lên đời” thành giấy phép to (giấy phép trong các thông tư được đẩy lên thành nghị định và luật) đang dẫn đến tình trạng “loạn” giấy phép.
Những bất cập kể trên đang làm hạn chế khả năng gia nhập thị trường của nhiều DN và đôi khi làm nản lòng các nhà đầu tư. Ông Phan Đức Hiếu (CIEM) cho biết, một số quy định liên quan đến thủ tục đăng ký đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư còn trùng lặp, phiền hà, chưa minh bạch và rõ ràng về mục tiêu quản lý của các thủ tục này. Nhiều quy định được ban hành thường có “tuổi thọ” ngắn, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung nên thiếu sự ổn định, nhất quán của cơ chế, chính sách… Vì vậy, sự thay đổi về chính sách sẽ là một trong những điều kiện quan trọng giúp DN phát triển.
Trần Trọng Triết
——————————-
Kinh tế nông thôn 30-11-2011:
http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/dndn/2011/11/31506.html