Bảo mật thật khó
(ANVI) – 272 – Càng sử dụng nhiều lao động thì bí mật công nghệ, bí kíp kinh doanh càng lắm khả năng phải quăng cho nhiều người và nguy cơ trông thấy là dễ bị tiết lộ, rò rỉ, cuỗm đi bất cứ khi nào.
Vì vậy, bên cạnh Nội quy lao động, rất cần thỏa thuận ràng buộc nghĩa vụ bảo mật của người lao động, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của cá nhân, pháp nhân thuê mướn nhân công.
Nếu như vấn đề bảo vệ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh chỉ được đề cập một cách gián tiếp trong Bộ luật Lao động 1994 bằng việc cho phép người sử dụng lao động có quyền sa thải lao động “tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh” thì Bộ luật Lao động 2012 đã trực tiếp cho phép các bên thỏa thuận điều khoản bảo mật. Quy định này được xem như một bước tiến quan trọng, là một trong số những điều khoản hiếm hoi bảo vệ giới chủ.
Tuy nhiên, việc khó ở chỗ, muốn bắt lỗi và đòi người lao động bồi thường thì phải chứng minh vi phạm cũng như mối quan hệ nhân quả giữa hành vi lộ mật và thiệt hại thực tế xảy ra. Nếu như áp dụng nguyên tắc chung để xử lý vi phạm cam kết bảo mật thì dễ trở thành hình thức, vô nghĩa trên thực tế.
Ngoài ra, thời hiệu khởi kiện vi phạm thoả thuận này cũng là một ẩn số: Được tính 1 năm từ khi chấm dứt hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động hay là 3 năm kể từ khi hết thời hạn thoả thuận bảo mật theo Bộ luật Dân sự?
Ngày 03-10-2018