274. Bình luận về một số vướng mắc pháp lý trong việc giải quyết nợ xấu thông qua thương lượng, hoà giải, trọng tài, toà án và thi hành án.

(ANVI) – Hội thảo NHNN                                                                                            Hà Nội 09-12-2016    

 

Đã, đang và sẽ còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc pháp lý trong quá trình xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng. Dưới đây chỉ là một số vấn đề khó khăn, vướng mắc pháp lý điển hình hoặc mới xuất hiện trong việc giải quyết nợ xấu thông qua thương lượng, hoà giải, trọng tài, toà án và thi hành án.[1]

1.  Những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng:

1.1.     Thoả thuận bán tài sản vướng luật:

Nợ xấu xảy ra thường là do khách hàng vay vốn không có khả năng trả nợ. Vì vậy, một trong các yêu cầu quan trọng trong việc xử lý nợ xấu là cần tập trung vào việc bán nợ và bán tài sản bảo đảm, trong đó phần lớn tài sản bảo đảm là nhà đất.

Tuy nhiên khi bán tài sản bảo đảm là nhà đất thì doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình lại không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (mua đất) trong nhiều trường hợp theo quy định tại Điều 191 về “Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất”, Luật Đất đai năm 2013. Chẳng hạn như “Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa,…”. “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.”

Hay doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (mua đất) là đất ở, muốn được cấp “Sổ đỏ” thì lại phải chuyển mục đích sử dụng đất ở sang đất sản xuất kinh doanh, tức là chuyển từ loại đất có giá trị sử dụng cao nhất thành loại đất có giá trị thấp nhất. Sau này muốn tăng giá trị khi chuyển nhượng thì lại phải mất những khoản chi phí rất lớn để chuyển đổi mục đích sử dụng đất quay trở lại đất ở.

1.2.     Thoả thuận bán nợ cũng vướng luật:

Một trong các biện pháp xử lý nợ hữu hiệu của chủ nợ là bán nợ (bán quyền đòi nợ) cho cá nhân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Tuy nhiên, ngoài yếu tố cung cầu thị trường, thì quy định của pháp luật hiện hành dường như đã dựng hàng rào chặn hoạt động của thị trường mua bán nợ.

Hiện nay có 3 nhóm công ty mua bán nợ gồm: Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thuộc Bộ Tài chính, chủ yếu mua nợ của các doanh nghiệp nhà nước, mua nợ không nhiều, với giá cả khá thấp; Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thuộc Ngân hàng Nhà nước, chủ yếu mua bán nợ về mặt “kỹ thuật”, chứ không phải mua bán thật; và một số công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại (AMC), chủ yếu xử lý nợ nội bộ. Hai công ty đầu được thành lập và hoạt động theo Nghị định của Chính phủ. Các công ty còn lại được thành lập và hoạt động theo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước. Ngoải ra, có rất ít công ty kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, vì trong nhiều năm qua, tuy không bị cấm, nhưng gần như cũng không được các Phòng đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, vì lý do thiếu quy định rõ ràng của pháp luật.

Vừa qua, mới có quy định về hoạt động mua bán nợ theo Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 của Chính phủ về “Điều kiện kinh doanh mua bán nợ”. Tuy nhiên, không hy vọng nhiều vào sự phát triển của các doanh nghiệp này, vì điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đòi hỏi quá cao, như phải có các mức vốn pháp định 5 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ; 100 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ và 500 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ.

Và dù là doanh nghiệp bất kỳ nào khác có nhu cầu mua một vài khoản nợ hay là công ty chuyên kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thì cũng dễ vướng vào Luật Đất đai. Theo quy định về giao dịch bảo đảm của Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015, khi doanh nghiệp mua nợ của tổ chức tín dụng kèm theo tài sản thế chấp là nhà đất, thì sẽ thay thế tổ chức tín dụng để trở thành bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi đó sẽ vi phạm quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 174 về “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê”, Luật Đất đai năm 2013: “Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê” chỉ được phép “Thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;” Tức là trong trường hợp này, quyền sử dụng đất đã được thế chấp tại các tổ chức tin dụng, nếu cứ theo đúng quy định thì sẽ không được phép chuyển sang thế chấp tại các tổ chức kinh tế.

Các pháp nhân nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì còn bị hạn chế hơn nữa và càng lo sợ trước nguy cơ trái luật này sẽ dẫn đến hợp đồng mua bán nợ và hợp đồng thế chấp vô hiệu.

2.          Những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp bằng hoà giải:

2.1.     Quy định về giải quyết tranh chấp bằng hòa giải:

Cũng như các loại tranh chấp khác, tranh chấp hợp đồng tín dụng trong việc xử lý, thu hồi nợ có thể được giải quyết thông qua phương thức hòa giải. Việc hòa giải thương mại đã được quy định trong tại khoản 2, Điều 317 về “Hình thức giải quyết tranh chấp”, Luật Thương mại năm 2005 như sau: “2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.”

Khoản 5, Điều 28 về “Quyền và nghĩa vụ của Trung tâm trọng tài”, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, quy định Trọng tài thương mại được “Cung cấp dịch vụ trọng tài, hoà giải và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại khác theo quy định của pháp luật.”[2]

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, trong đó có một Mục, với 5 điều quy định về hoà giải gồm Điều 33 về “Hòa giải”, Điều 34 về “Nguyên tắc thực hiện hòa giải”, Điều 35 về “Tổ chức hòa giải”, Điều 36 về “Biên bản hòa giải”, Điều 37 về “Thực hiện kết quả hòa giải thành”.

Có hàng chục đạo luật khác quy định về việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải hòa, như Luật Đầu tư năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014,…

2.2.     Chưa có cơ chế pháp lý về hoà giải thương mại:

Tuy nhiên, khác với hoà giải những vấn đề tranh chấp trong cộng đồng dân cư thì đã có Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Tranh chấp trong quá trình giải quyết tranh chấp thì đã có Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tranh chấp thương mại chưa có quy định cụ thể của pháp luật về hòa giải (trừ tranh chấp về quyền lợi của người tiêu dùng).

Dự thảo Nghị định về hoà giải thương mại đã được trình Chính phủ từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Đặc biệt, theo Dự thảo, nếu các bên không thực hiện quyết định hoà giải, thì cũng không có hiệu lực bắt buộc, không thể cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên nếu có được ban hành, thì cũng có rất ít tác dụng thực tế, vì giá trị pháp lý của Nghị định quá thấp, không bảo đảm cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, còn chưa đủ cơ sở pháp lý để ban hành Nghị định, vì hòa giải thương mại không nằm trong danh mục 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, trong khi lại có ngành, nghề Trọng tài thương mại.

2.3.     Không còn được quyền thu giữ tài sản bảo đảm:

Thương lượng không được, hoà giải không xong thì các tổ chức tín dụng có quyền đưa vụ việc ra giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án. Tuy nhiên, trước đó thì vẫn còn một cách nữa là được quyền thu giữ tài sản thế chấp để chủ động xử lý thu hồi nợ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2016 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm.

Tuy nhiên, kể từ ngày 01-01-2017 sắp tới, việc này đã thay đổi hoàn toàn theo quy định tại Điều 301 về “Giao tài sản bảo đảm để xử lý”, Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, bên nhận bảo đảm vẫn có quyền xử lý tài sản bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm vẫn có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý. Tuy nhiên “Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”, tức là tổ chức tin dụng nói riêng, bên nhận bảo đảm nói chung, kể cả VAMC, sẽ không còn quyền thu giữ tài sản như quy định trước đây.

3.          Những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại:

3.1.     Quy định về giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại:

Trong hoạt động kinh doanh, nhiều vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các bên cần phải có cơ quan tài phán giải quyết. Các trung tâm Trọng tài thương mại là một cơ chế thích hợp nhất để làm việc đó, vì nó nhanh chóng, bí mật, linh hoạt, ít tốn kém,… Trung tâm Trọng tài thương mại chỉ là một định chế phi chính phủ, nhưng có chức năng như Tòa án, thay mặt nhà nước phân xử đúng sai tương tự như Tòa án.

Cũng như hòa giải thương mại, cũng có hàng chục đạo luật khác quy định về việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài như Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Bộ luật Hàng hải năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015 (các Bộ luật cũ 2005),…

Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã mở rộng và xác định rõ phạm vi thẩm quyền của Trọng tài thương mại trong nhiều loại tranh chấp liên quan đến kinh doanh (gồm tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài thương mại, như tranh chấp hợp đồng vay vốn với mục đích tiêu dùng).

Nếu các bên chỉ thoả thuận việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại thì phải đưa tranh chấp ra trọng tài giải quyết. Nếu các bên thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng cả Trọng tài và Toà án thì có thể lựa chọn một trong hai cơ quan giải quyết tranh chấp.

Các Trung tâm Trọng tài thương mại không chỉ giúp các doanh nghiệp, mà còn giúp cả Nhà nước trong việc vận hành có hiệu quả nền kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay, Trọng tài thương mại mới chỉ chia sẻ được một phần rất ít hỏi “gánh nặng” với Toà án trong việc giải quyết tranh chấp thương mại.

3.2.     Hạn chế của Trọng tài thương mại trong việc tham gia giải quyết tranh chấp:

Một trong những vướng mắc lớn nhất là Trọng tài thương mại chỉ giải quyết tranh chấp khi có thỏa thuận của các bên; do đó nếu vụ việc tranh chấp có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người thứ 3, thì không triệu tập và ra phán quyết được về phần đó. Các hợp đồng tín dụng thường xuyên xuất hiện bên thế chấp, bảo lãnh là người thứ 3 trong một hợp đồng riêng, do đó Trọng tài thương mại chỉ giải quyết được phần thế chấp, bảo lãnh kèm theo hợp đồng tín dụng nếu các bên ký hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp, bảo lãnh đều thoả thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại một Trung tâm Trọng tài thương mại.

Với quy định hiện hành, còn tiềm ẩn nguy cơ Toà án huỷ phán quyết Trọng tài thương mại vì những lý do không xác đáng. Đặc biệt, là bản án huỷ phán quyết Trọng tài là chung thẩm, không được xem xét lại theo trình tự phúc thẩm như đối với bản án, quyết định khác của Toà án. Và sau khi phán quyết Trọng tài thương mại bị huỷ, lại không buộc phải giải quyết tiếp bằng tố tụng trọng tài, mà lại cho phép đương sự quay sang giải quyết tranh chấp tại Toà án.

4.          Những khó khăn, vướng mắc trong việc viải quyết tranh chấp bằng Toà án:

4.1.     Thay đổi quá nhiều và tù mù về thời hiệu khởi kiện:

Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp nói chung, tranh chấp đòi nợ theo hợp đồng tín dụng nói riêng đã quá nhiều thay đổi và rất khó theo dõi, thực hiện. Đó là từ thời hiệu không có thời hiệu (không hạn chế thời hiệu khởi kiện) cho đến 2 năm, không có, rồi lại 2 năm và chuẩn bị 3 năm. Cụ thể như sau:

–        Từ ngày 01-7-1996 đến ngày 31-12-2005: Thời hiệu khởi kiện đòi nợ được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 là vô thời hạn, vì không có quy định cụ thể; [3]

–        Từ ngày 01-01-2006 đến hết ngày 31-12-2011: Thời hiệu khởi kiện đòi nợ là 2 năm, theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 159 về “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004: “a) Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm”; Điều 427 về “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng quy định “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.”; Điều 319 về “Thời hiệu khởi kiện”, Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm…”;

–        Từ ngày 01-01-2012 đến ngày 30-6-2016: Thời hiệu khởi kiện đòi nợ là vô thời hạn theo quy định tại Điều 159 của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 như sau: “a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện”;

–        Từ ngày 01-7-2016 đến ngày 31-12-2016: Thời hiệu khởi kiện đòi nợ là 2 năm theo quy định tại Điều 185 về “Áp dụng quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau: “Các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự.” (tức là theo quy định tại Điều 427, Bộ luật Dân sự năm 2005);

–        Từ ngày 01-01-2017 trở đi: Thời hiệu khởi kiện đòi nợ là 3 năm (giống giai đoạn từ 01-7-1991 đến 30-6-1996 theo Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991) theo quy định tại Điều 429 về “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng”, Bộ luật Dân sự năm 2015: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.” Cũng có quan điểm cho rằng, từ năm 2017 trở đi, thời hiệu khởi kiện đòi nợ vẫn là vô thời hạn theo quy định tại khoản 2, Điều 155 về “Không áp dụng thời hiệu khởi kiện”, Bộ luật Dân sự năm 2015 với quy định một trong 4 trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện là: “2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Cách hiểu này là không hợp lý, vì bên cho vay đã không còn là chủ sở hữu đối với số tiền vay, nên không thể áp dụng quy định”bảo vệ quyền sở hữu” theo quy định tại Điều 464 về “Quyền sở hữu đối với tài sản vay” Bộ luật Dân sự năm 2015 “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.” Tuy nhiên, rất có thể Tòa án nhân dân tối cao lại có hướng dẫn về việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện đòi nợ vay, như đã từng hướng dẫn vào nửa đầu thập kỷ 1990.

Ngoài ra, kể cả trong trường hợp thời hiệu khởi kiện đòi nợ là vô thời hạn thì cũng còn rất mập mờ trong việc xác định có hay không được quyền đòi tiền lãi và xử lý tài sản bảo đảm. Nếu xác định đó là tranh chấp hợp đồng nói chung, thì việc hết thời hiệu khởi kiện sẽ đồng nghĩa với việc bên cho vay sẽ mất quyền đòi nợ lãi và xử lý tài sản bảo đảm, nhất là tài sản thế chấp của người thứ 3.

4.2.     Khó khăn trong việc khởi kiện và giải quyết tranh chấp ở Toà án:

Khi nộp Đơn khởi kiện, dù đã ghi đầy đủ các nội dung của Đơn khởi kiện và nộp đầy đủ hồ sơ liên quan trực tiếp đến khoản nợ như hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, khế ước nhận nợ,… theo đúng quy định tại Điều 189 về “Hình thức, nội dung đơn khởi kiện”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nhưng trên thực tế thì lại thường bị Toà án yêu cầu kèm theo nhiều các giấy tờ pháp lý của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân của bị đơn là cá nhân; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Điều lệ của bị đơn là doanh nghiệp,… Những tài liệu này không hề được đề cập đến trong các quy định nêu trên, cũng như trong Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao “Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng Dân sự, đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự”, kể cả mẫu Đơn khởi kiện được ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Trong nhiều năm qua, đã có quá nhiều Đơn khởi kiện không được Tòa án thụ lý hoặc bị đình chỉ vì lý do không xác định được địa chỉ của bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (kể cả đã làm thủ tục thông báo vắng mặt). Khi đó, vụ án sẽ bị kéo dài vô thời hạn vì đương sự đã dễ dàng vô hiệu hoá pháp luật, qua mặt cơ quan tư pháp, khinh thường Toà án, chống đối công lý, chỉ bằng cách thức rất đơn giản là thay đổi địa chỉ hay phớt lờ lệnh của Toà.

Một trong những vướng mắc thường gặp phải trong quá trình khởi kiện ra Tòa án là các tổ chức tín dụng bị Tòa án trả lại Đơn khởi kiện hoặc Quyết định tạm đình chỉ vụ án vì lý do “không ghi đúng địa chỉ của bị đơn” hay “chưa tìm được địa chỉ của bị đơn” (lý do không đúng luật), do bị đơn thay đổi địa chỉ hoặc cố tình không phản hồi các yêu cầu phát sinh trong quá trình tố tụng.

Điểm d, khoản 1, Điều 192 về “Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định: “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.” Nội dung này đã được hướng dẫn tương tự tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 và Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao “Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự”. Tuy nhiên, việc này vẫn thường bị vướng mắc và bế tắc trên thực tế.

4.3.     Nguy cơ hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu một cách sai trái:

Rất nhiều tình huống đã, đang và sẽ dẫn đến việc hợp đồng thế chấp tài sản đã được cấp “Sổ đỏ” hợp pháp và đã được công chứng, đăng ký thế chấp hoàn toàn hợp pháp, nhưng lại bị Toà án tuyên vô hiệu một cách sai pháp luật, trái với ý chí thỏa thuận tự nguyện của các bên. Chẳng hạn như hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu trong trường hợp một người đại diện cho 2 bên vay vốn và bên thế chấp ký hợp đồng thế chấp với ngân hàng, dù không hề xảy ra việc xung đột lợi ích và không vi phạm vào các yếu tố dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu.

Hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu, do không đủ số thành viên hộ gia đình ký hợp đồng thế chấp tài sản liên quan đến hộ gia đình, cho dù hợp đồng đã được công chứng và đăng ký thế chấp hợp pháp, hợp lệ. Lý do có thể là không thể nào xác định được chính xác số thành viên của hộ gia đình. Hay tài sản hoàn toàn không phải là của hộ gia đình, nhưng do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chót máy móc in sai, ghi thừa theo mẫu cụm từ “hộ gia đình”.

Hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất bị tuyên vô hiệu, do hiểu sai quy định của pháp luật và quyết định sai lầm. Đó là việc không thừa nhận hợp đồng thế chấp tài sản của người thứ 3 là đúng quy định của pháp luật, mà lại yêu cầu sai luật, phải ghi là hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất nói riêng, bằng bất động sản nói chung.

Hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu, do không thừa nhận giá trị của một hợp đồng thế chấp để bảo đảm cho các khoản vay khác nhau theo hợp đồng tín dụng hạn mức. Ví dụ như một số vụ án đòi nợ của Vietinbank và Vietcombank được xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong nửa đầu năm 2016.

Hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu do tài sản thế chấp được mua bán, sang tên theo hợp đồng mua bán trước đó bị bị tuyên vô hiệu đó,. Lý do là trước đó, đã mua bán bất hợp pháp (không làm đúng thủ tục và chưa sang tên) hay đã mua bán hợp pháp, nhưng bên mua chưa trả hết tiền mua nhà đất. Và những khoản nợ hàng chục tỷ đồng đang từ chỗ có tài sản bảo đảm đầy đủ bỗng dưng trở thành mất trắng, không có khả năng thu hồi. Ví dụ như một Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào tháng 4-2016 tuyên hợp đồng thế chấp bảo đảm cho khoản vay 68 tỳ đồng tại Ngân hàng O. vô hiệu. Tương tự là Bản án sơ thẩm số 91/2016/DS-ST ngày 10-8-2016 cuarTAND Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai và TAND tỉnh Phú Thọ, TAND Tối cao,…

Đó là nguy cơ Toà án tuyên các hợp đồng thế chấp quyền tài sản liên quan đến nhà ở là vô hiệu, do Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015 thì cho phép, nhưng Luật Nhà ở năm 2014 thì lại “cấm” bằng quy định tại khoản 2, Điều 148 về “Điều kiện thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai”:

“2. Việc thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được thực hiện theo quy định tại Luật này; các trường hợp thế chấp tài sản là dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai không đúng với quy định tại Luật này thì không có giá trị pháp lý.”

5.          Những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án dân sự:

5.1.     Phải giải quyết chỗ ở cho người thế chấp nhà ở:

Khoản 5, Điều 115 về “Cưỡng chế trả nhà, giao nhà”, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định như sau:

5. Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật này.”

Như vậy, tổ chức tín dụng (bên cấp tín dụng) lại phải đảm nhận trách nhiệm lo cho nơi ăn chốn ở của bên có nghĩa vụ trả nợ (bên thế chấp). Nếu phát mại nhà ở có giá trị thấp mà lại phải thuê nhà 1 năm, thì đồng nghĩa với việc gần như không thu hồi được vốn. Trong khi đúng ra, trách nhiệm này phải thuộc về Nhà nước.

5.2.     Phải nộp nhiều loại thuế và phí như hoạt động kinh doanh:

Trong khi cá nhân, tổ chức nếu phải bán tài sản bảo đảm để trả nợ, thì dù không đủ tiền để trả nợ gốc, nhưng nhà nước lại vẫn cứ thu đủ và thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (nếu  cá nhân hoặc doanh nghiệp tự bán) và lệ phí trước bạ.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng hay bất kỳ ai khác là người được quyền thu nợ thông qua thi hành án luôn phải chịu một khoản phí thi hành án là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận (mức phí thấp hơn đối với số tiền trên 5 tỷ đồng) theo quy định tại Điều 60 về “Phí thi hành án dân sự”, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Điều 46 về “Mức phí, thủ tục thu nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án”, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự”.

Như vậy, việc thu nợ từ việc xử lý tài sản hầu như sẽ bị thiếu hụt đi từ một đến vài chục phần trăm. Ví dụ như nếu bán tài sản thế chấp là một tòa nhà tại phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội để thu hồi nợ, khắc phục hậu quả phạm tội trong vụ án hình sự xảy ra tại Ngân hàng G., thì có thể phải nộp số tiền thuế các loại tổng cộng lên đến vài chục phần trăm giá trị tài sản.

Các loại thuế, phí, lệ phí nêu trên, dù là do bên bán hay bên mua tài sản phải nộp, thực chất đều là khoản tiền phải giảm bớt đi trong số tiền thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng từ xử lý tài sản bảo đảm.

5.3.     Một số khó khăn, vướng mắc khác trong thi hành án trả nợ:

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc bế tắc hoặc chậm trễ kéo dài trong việc thi hành án, với 3 nhóm lý do chính là do quy định của pháp luật, do năng lực của cơ quan thi hành án, và do người phải thi hành án chây ỳ, chống đối.

Ví dụ, đối với trường hợp tài sản thế chấp ở các quận, huyện khác nhau thì đang phải theo trình tự lần lượt, xử lý xong tài sản thế chấp ở nơi này, mới uỷ thác để xử lý tài sản thế chấp ở nơi khác. Hay người phải thi hành án là nhà đất cố tình tạo ra những tình huống giả tạo về tranh chấp, việc thuê, sử dụng nhà đất,…

6.          Kết luận và kiến nghị về việc xử lý nợ xấu:

6.1.     Nợ xấu và yêu cầu xử lý nợ xấu:

Nợ xấu là kết quả của nền kinh tế, chủ yều là do nguyên nhân các doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, không có khả năng trả nợ, mà ngân hàng chủ yếu là nạn nhân, chứ không phải là thủ phạm.

Yêu cầu cấp bách cũng như lâu dài là phải tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu. Nếu để tình trạng nợ xấu kéo dài hoặc chỉ xử lý về hình thức con số trên sổ sách, thì môi trường kinh doanh sẽ còn tiếp tục khó khăn, bất ổn, lãi suất sẽ vẫn cao, hiệu quả sẽ rất kém, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Trọng tài thương mại, Toà án và thi hành án có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại trong nền kinh tế nói chung và việc đòi nợ, xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng nói riêng.

6.2.     Kiến nghị giải pháp xử lý nợ xấu:

Cần có văn bản quy định, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc về cơ chế, thủ tục, không chỉ xét xử vắng mặt đương sự như lâu nay, mà chấp nhận cả việc hoàn toán vắng mặt đương sự trong cả quá trình tiến hành tố tụng, từ khi bắt đầu thụ lý, chuẩn bị xét xử cho đến khi mở phiên tòa xét xử vụ án.

Nhà nước cần tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu bằng chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, phí trước bạ, phí thi hành án, chi phí bố trí nơi ở cho người có nghĩa vụ trả nợ. Chẳng hạn quy định chỉ số tiền bán tài sản vượt quá số tiền thu nợ thì mới phải nộp thuế. Đặc biệt, cần phải bỏ phí thi hành án hoặc ít nhất là bỏ việc thu phí thi hành án đối với số tiền thu nợ gốc, chỉ thu phí đối với số nợ lãi.

Một số dạng vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp, việc mua bán, chuyển nhượng tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu kể trên, chủ yếu do quy định và áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Phí và lệ phí, Luật thi hành án dân sự, Nghị định về kinh doanh mua bán nợ,… Tỷ lệ nợ xấu thật sự theo đúng chuẩn hiện nay khó có thể tin rằng chỉ là 1 con số, do đó vẫn đang là một nguy cơ lớn. Vì vậy nếu không có một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt để xử lý, thì sẽ có nguy cơ kéo dài số năm giải quyết với trên 1 con số. Vì vậy, bảo bối để sớm thoát hiểm nợ xấu đang nằm trong tay Toà án, cơ quan thi hành án, Chính phủ và Quốc hội.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1]   Những khó khăn, vướng mắc khác, xin tham khảo bài “Cản trở pháp lý đối với việc xử lý nợ xấu” – Luật sư Trương Thanh Đức – Tham luận tại Hội thảo “Giảm trừ và giải quyết nợ xấu 2015  dưới góc nhìn pháp lý”, do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 12-6-2015

[2]   Việc hoà giải quy định tại Điều 28 khác với hoà giải quy định tại Điều 9 về “Thương lượng, hoà giải trong tố tụng trọng tài” và Điều 58 về “Hoà giải, công nhận hòa giải thành”.

[3]   Trước đó, từ ngày 01-7-1991 đến hết ngày 30-6-1991: Thời hiệu khởi kiện đòi nợ đối với tranh chấp dân sự là 3 năm theo quy định tại khoản 1, Điều 56 về “Thời hiệu khởi kiện”, Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991: “1. Trong thời hạn ba năm, kể từ thời điểm xẩy ra vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền khởi kiện trước Toà án, nếu pháp luật không có quy định khác. Quá thời hạn này, bên bị vi phạm mất quyền khởi kiện.”

Từ ngày 01-7-1994 đến hết ngày 30-6-1996: Thời hiệu khởi kiện đòi nợ đối với tranh chấp kinh tế là 6 tháng, theo quy định tại khoản 1, Điều 31 về “Khởi kiện vụ án”, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994: “1. Người khởi kiện phải làm đơn yêu cầu Toà án giải quyết vụ án kinh tế trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày phát sinh tranh chấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,984