276. Mắc võng “bắt” nợ doanh nghiệp

(KTĐT) – Vạ vật căng lều, mắc võng canh chừng tài sản thế chấp trước cửa nhiều doanh nghiệp (DN) – đó là tình cảnh dở khóc dở cười của nhiều ngân hàng hiện nay.

Qua rồi thời “phất” như diều gặp gió, bộ phận tín dụng của không ít ngân hàng hiện đang phải trầy trật với công cuộc đòi nợ. Nhiều ngân hàng phải cử cán bộ “ăn chực, nằm chờ” canh giữ khối tài sản thế chấp của “con nợ” với tâm lý… vớt vát được chừng nào hay chừng đó.
Vạ vật “canh” tài sản thế chấp
Từ đầu tháng 5 đến nay, Khu công nghiệp Quất Động (xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội) bỗng dưng được “đánh thức” bởi rất đông người và xe tập trung trước cửa kho hàng Công ty CP XNK và sản xuất thương mại Âu Mỹ (Công ty Âu Mỹ) – kinh doanh, buôn bán gang, sắt và thép, niken và các sản phẩm bằng niken, dịch vụ quản lý kho bãi, inox…
Trước cửa kho hàng Công ty Âu Mỹ, lực lượng bảo vệ canh giữ vòng trong, vòng ngoài. Xe tải, xe container xếp hàng dài, lều võng được dựng khắp nơi. Trên vỉa hè đối diện, một nhóm bảo vệ của ngân hàng VIB giăng lều, mắc võng chăm chú theo dõi. Bên kia đường, một nhóm khác của Ngân hàng Quân đội (MB) cũng không rời mắt khỏi cánh cửa công ty. Trong quán nước gần đó, nhân viên, bảo vệ Navibank, LienVietbank… ngồi la liệt. Một vài người được Techcombank thuê đi đi, lại lại xung quanh kho hàng dò xét. Một hàng dài xe tải, container được các ngân hàng thuê án ngữ từ cửa đến cuối kho ngăn không cho các lô hàng ra ngoài.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ hơn một tuần nay, các cán bộ tín dụng ngân hàng và các nhân viên bảo vệ đã tập trung ở đây để “canh chừng” kho hàng mà Công ty Âu Mỹ đang là “con nợ”. Nắm được thông tin DN này đang gặp khó khăn, ngừng hoạt động, các ngân hàng thương mại có quan hệ tín dụng với DN như ABBank, Ngân hàng Quân Đội, Ngân hàng Nam Việt, Techcombank, SeaBank, VIB… đã cử cán bộ tín dụng và thuê bảo vệ “nằm vùng” ở đây.  “Thời cao điểm”, có đến cả trăm bảo vệ và cán bộ ngân hàng được tập hợp canh giữ tài sản.
Ông Nguyễn Phú Hữu – một bảo vệ được VIB thuê bảo vệ cho biết, ông đã căng bạt, mắc võng từ ngày 3/5/2013. Tuy nhiên, VIB vẫn là ngân hàng “chậm chân” hơn vì trước đó, một số ngân hàng nghe thông tin về tình hình khó khăn của DN đã nhanh chân đến trước.
Một bảo vệ khác của Techcombank cho biết, đã hai ngày rồi anh không được tắm rửa, lúc nào cũng phải thay nhau túc trực 24/24 giờ vì sợ các ngân hàng kia giành mất tài sản. “Gặp trời mưa gió như mấy ngày qua thì phải chịu ướt vì sểnh một chút, hàng bị tuồn ra ngoài là “ốm đòn” – anh này nói. Không chỉ thuê bảo vệ, nhiều nhân viên tín dụng cũng phải “ăn chực nằm chờ” trước cửa DN hàng tuần.
“Chạy sô” bắt nợ
Nếu như trước đây nhân viên ngân hàng “chạy sô” thẩm định tín dụng để cho vay, thì nay, họ lại phải “chạy sô” đòi nợ hoặc “bắt” nợ. Gọi điện cho một cán bộ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, anh này cho biết, hiện đang phải làm nhiệm vụ canh giữ kho hàng tại một công ty khác bên huyện Hoài Đức (Hà Nội). Đi cùng với anh là đồng nghiệp của 3 ngân hàng khác. Ngày mai, anh sẽ lại “chạy sô” xuống Thường Tín làm tiếp nhiệm vụ “trường kỳ mai phục” nhưng biết chắc là khó thắng lợi.
Theo nhiều cán bộ ngân hàng, công cuộc “bắt nợ” chủ yếu mang tính canh giữ vì sợ tài sản thế chấp “bay” vào túi ngân hàng khác. Còn để thu hồi được nợ về thì còn lắm gian nan. Lý do là vì đa số tài sản thế chấp như nhà đất đứng tên chủ DN thế chấp thì đã bị thu hồi. Các tài sản khác như kho hàng hoặc đất xây dựng công ty thì chủ yếu là DN đi thuê. Chủ DN có thể có đến mấy căn biệt thự nhưng đều đứng tên người khác nên về luật không thể lấy được.
Hơn nữa, hàng hóa thế chấp thì chủ yếu là hàng tồn kho, có mang được về thì bán ra để thu hồi lại vốn cũng khó khăn bộn bề. Và tất nhiên, việc mang được tài sản thế chấp là hàng hóa về cũng không hề dễ. Ngân hàng này “đánh hơi” được DN sắp phá sản, ngân hàng kia ngay lập tức bằng các thông tin khác nhau cũng ùa đến. Rõ ràng là tài sản thế chấp của mình nhưng cũng không phải cứ thích là lấy được, vẫn phải làm theo đúng quy trình để không bị coi là cướp giật, sai quy định của pháp luật.

 

Bảo vệ ngân hàng vạ vật canh giữ hàng.Ảnh: Hà Lâm
Chúng tôi tìm đến Công an huyện Thường Tín, thường trực ở đây sau khi thông báo rằng các lãnh đạo đều đang họp đã bố trí cho chúng tôi gặp một cán bộ tên là Tài. Anh này cho hay, vụ việc hiện đang được giải quyết. Tuy nhiên, cụ thể thế nào thì phóng viên tự tìm hiểu lấy, chứ anh không có chức năng phát ngôn. Và còn nói thêm, chỉ tiếp khi có giấy giới thiệu của cơ quan, dù phóng viên đã trình Thẻ Nhà báo.
Đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng thuộc UBND huyện Thường Tín cho biết, cơ quan này chỉ quản lý về hạ tầng KCN Quất Động, còn quản lý Nhà nước thuộc về Phòng Kinh tế của UBND huyện nên không có ý kiến gì về vụ việc này. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến Phòng Chủ tịch huyện, Phòng Kinh tế huyện Thường Tín thì tất cả đều cửa đóng then cài dù còn khoảng 15 phút nữa mới đến giờ nghỉ trưa.
“Bắc thang lên hỏi ông trời?”
Việc các ngân hàng giành nhau một khối tài sản thế chấp không chỉ xảy ra ở trường hợp Công ty Âu Mỹ.
Từ cuối tuần qua, tình trạng cán bộ ngân hàng vạ vật canh giữ “con nợ” là Công ty CP Tập đoàn Việt Toàn cầu (chuyên về sản xuất các mặt hàng Inox) tại Hoài Đức, Hà Nội cũng đang diễn ra. Nhân viên các Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Seabank, Oceabank… cũng đang thay nhau trông chừng khối tài sản của công ty này để thu hồi nợ.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, những vụ việc tương tự chắc chắn sẽ còn xảy ra. Khi các DN đi vay đứng trước nguy cơ đổ vỡ thì nợ ngân hàng không những thành nợ xấu mà còn có khả năng mất vốn. “Thời bất động sản, chứng khoán, ngân hàng phát triển nóng, ai cũng tranh thủ kiếm lời, chấp nhận rủi ro. Khi kinh tế thuận lợi thì không có vấn đề gì nhưng khi khó khăn thì xảy ra nguy cơ đổ vỡ dây chuyền” – ông Đức nói.Để giải quyết tình trạng này, chỉ có cách các ngân hàng ngồi lại với nhau cùng tìm cách giải quyết. Hoặc tìm đến sự can thiệp của pháp luật. Xử lý nợ xấu có thể bằng các khoản trích lập dự phòng rủi ro. Nếu nợ có khả năng mất vốn thì phải chấp nhận vì đó là những rủi ro trong kinh doanh, rủi ro thị trường, đạo đức, kinh doanh, pháp luật.

——————

Kinh tế đô thị (kinh tế) ngày 10/05/2013:

https://kinhtedothi.vn/mac-vong-bat-no-doanh-nghiep.html

(173/1.386)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,323