(ĐTCK) – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình vừa cho biết, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 11 đạt trên 10% so với cuối năm 2010 và phấn đấu con số này trong cả năm nay khoảng 12 – 13%.
Nếu kể cả những khoản đầu tư có bản chất tín dụng khác thì tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng đến 31/12/2011 sẽ đạt khoảng 15%. Lãnh đạo một ngân hàng TMCP nhận định, mức dự kiến này là phù hợp bởi trên thực tế, trong tháng cuối cùng của năm, các ngân hàng chủ yếu thu hồi các khoản vay hơn là cho vay.
Dù không phủ nhận việc giới hạn tăng trưởng tín dụng là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh lạm phát cao nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc cào bằng định mức tăng trưởng tín dụng như hiện nay là đang ưu ái các ngân hàng lớn.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu nhận xét, mặc dù năm 2011, cơ quan quản lý đã có nhiều quyết sách mạnh mẽ trong việc cải tổ hệ thống ngân hàng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, trong đó, việc giới hạn tăng trưởng tín dụng 20% và áp dụng đồng đều với các ngân hàng cần được thay đổi trong năm 2012.
Ông Trương Thanh Đức nhìn nhận, việc cào bằng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dẫn đến tình trạng ngân hàng này muốn nhưng không tăng được, trong khi ngân hàng khác lại thừa nhiều hạn mức. Điều này không chỉ khiến nhiều DN không vay được vốn mà cũng làm khó cho các ngân hàng, bởi sức ép về yêu cầu tăng trưởng, tỷ lệ cổ tức tính trên số vốn điều lệ hiện tăng lên rất lớn; đồng thời, làm giảm dư nợ do lãi suất cao khiến nợ quá hạn, nợ xấu tăng lên. Tăng trưởng tín dụng giai đoạn trước đây là 40%/năm, trong năm nay chỉ là dưới 20% thì nợ xấu sẽ tăng nhanh trong năm sau. Nợ xấu tăng, đương nhiên ngân hàng bị ảnh hưởng, nguy cơ DN bị thua lỗ và phá sản cao, nền kinh tế phải gánh hậu quả.
Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn của một ngân hàng TMCP cho biết, trên thị trường có thông tin cho rằng, chính sách tiền tệ năm 2012 sẽ tiếp tục thắt chặt để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, nên tăng trưởng tín dụng vẫn được hạn chế dưới 20%. Dù đây chưa phải là thông tin chính thức nhưng vị lãnh đạo này tính toán, nếu NHNN áp mức tăng trưởng dưới 20% thì coi như ngân hàng của ông “nghỉ ngơi” luôn trong cả năm 2012.
“Nếu NHNN dựa theo quy mô của từng ngân hàng làm tiêu chí đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng, nên phân chia như sau: nhóm ngân hàng có quy mô lớn hoặc nhỏ nhưng yếu: 10%; nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ: 25 – 30%; nhóm ngân hàng quy mô lớn và mạnh: tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trung bình của toàn hệ thống khoảng 17%”, vị này gợi ý.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông cho rằng, NHNN cần đề ra tiêu chí đánh giá cụ thể từng ngân hàng. Ví dụ như tổ chức tín dụng có khả năng quản trị tốt rủi ro hay không? Vốn điều lệ vừa tăng lên theo yêu cầu của NHNN là 3.000 tỷ đồng thì mức tăng trưởng tín dụng bao nhiêu là hợp lý? Hoặc đánh giá tín nhiệm “chuẩn” từng ngân hàng để có thể đưa ra mức tăng trưởng tín dụng phù hợp, để vừa tránh được sự tranh luận không cần thiết mà còn khiến các ngân hàng phải “tâm phục, khẩu phục”…
“NHNN đã khẳng định quan tâm tới chất lượng của các tổ chức tín dụng chứ không phải là quy mô thì giới hạn tăng trưởng tín dụng nên phản ánh điều đó. Đặc biệt, khi những tổ chức tín dụng có bảng cân đối kế toán tốt và quản lý tốt, thì họ phải được tăng trưởng dư nợ cao hơn các tổ chức khác. Điều này là vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế Việt Nam”, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam nhận định.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó chủ tịch điều hành, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh và sản phẩm cấu trúc, Ngân hàng TMCP Kỹ thương nhận định, có thể việc siết tín dụng sẽ tiếp tục trong quý I/2012, còn sau đó, khả năng “nới lỏng” sẽ phụ thuộc vào kết quả các chỉ số vĩ mô đạt được trong quý này. Do tình hình nợ xấu có xu hướng tăng, DN khó tiếp cận vốn, nhưng quan trọng hơn cả là lạm phát đang có chiều hướng giảm, có thể chính sách nới lỏng có kiểm soát sẽ được áp dụng. Hiện tại, việc áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng riêng cho từng ngân hàng có thể chưa khả thi, tuy nhiên, NHNN có thể xem xét tách nhóm và có quy định tỷ lệ tăng trưởng đặc thù cho từng nhóm.
Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng bao nhiêu không nên chỉ được quyết định bởi quy mô tổng tài sản của ngân hàng nhỏ hay lớn, mà cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tỷ lệ nợ xấu, quy mô vốn, năng lực quản trị (con người, hệ thống), độ tập trung tín dụng hiện tại vào phi sản xuất… Ví dụ, Ngân hàng A đang tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế trong năm 2012, có năng lực quản trị tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao, thì có thể cho phép mức tăng trưởng cao hơn định mức chung. Hay nhóm ngân hàng lớn chiếm tỷ trọng chính yếu của thị trường thì nên nằm trong định biên của Chính phủ và NHNN đề ra, bởi tăng trưởng tín dụng của nhóm này ảnh hưởng rất lớn đến tổng phương tiện thanh toán của toàn hệ thống. Còn nhóm ngân hàng nhỏ thì cần xem xét cụ thể: quản trị chưa tốt thì siết chặt tăng trưởng tín dụng, nhưng quản trị tốt thì có thể cho phép định mức tăng trưởng cao hơn.
“Việc cơ quan quản lý theo sát và có các chính sách phù hợp với đặc thù của từng nhóm, tiến tới là từng ngân hàng, chắc chắn sẽ giúp hệ thống hoạt động ổn định và tăng trưởng bền vững hơn”, ông Long nói.
Ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, cơ quan này đã dự kiến xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng, trong đo, chỉ tiêu tăng trưởng sẽ được cân nhắc theo nhóm ngân hàng trên cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
“Trung tuần tháng 12 này, NHNN sẽ nhóm họp với các tổ chức tín dụng về vấn đề chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012”, ông Hưng cho biết.
Nhuệ Mẫn
———————————-
Đầu tư Chứng khoán 12-12-2011