Xoay lý kỷ luật
(ANVI) – Vớ phải người lao động tuy sai phạm nhưng lại cứ muốn nói không với kỷ luật, thậm chí còn lây nhây, chầy cối, phá rối lôi thôi, thì ối công ty sẽ bị lao đao, khốn đốn, tốn thời gian giàn trận xử lý, rồi có khi đi toà mà hầu kiện.
Cơ sự cũng bởi quy định của pháp luật trước đây chặt cứng bảo vệ thái quá người lao động. Tỉ dụ, chỉ khi đã 3 lần thông báo bằng văn bản, mà “phạm nhân” không có mặt thì mới được họp xử lý kỷ luật. Hay như, người được ủy quyền ký kết hợp đồng lao động, dù có đường đường là tổng giám đốc, thì cũng chỉ được mỗi quyền khiển trách mà thôi, chứ không được phép “ra quyết định” cách chức hoặc sa thải.
Nghị định số 148/2018/NĐ-CP mới đây sẽ giải bí cho việc xử lý kỷ luật lao động. Quy định đó cho phép xử lý kỷ luật mà không còn bắt phải trải qua trò quá tam 3 bận.
Nó cũng cho phép người có quyền giao kết hợp đồng, thì cũng được quyết định việc xử lý kỷ luật lao động ở mọi cấp độ, từ sa thải trở xuống. Thực chất Nghị định mấy chục năm nay trái luật và đi ngược lại các nguyên tắc pháp lý sơ đẳng của phân cấp, đại diện hay cứ tự tiện biến hoá gọi là ủy quyền.
Cũng giật cả mình thấy rằng, 2 Bộ luật Lao động không đổi, mà Nghị định Chính phủ thì thi thoảng lại đổi thay, lúc thì ngăn cản, hạn chế chặt chẽ, khi thì bỏ quách nó đi mà chẳng cần nghĩ ngợi cái gì vì thẩm quyền quyết luật của Quốc hội. Đúng là xoay lý kỷ luật.
Ngày 14-11-2018