279. Bình luận Dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu.

(ANVI) – Hội đồng Thẩm định – Bộ Tư pháp                                                               Hà Nội 05-4-2017

 

  1. Về tên Luật:

1.1.     Dự thảo Luật này gồm 3 phần gần như độc lập, không liên quan đến nhau, đó là: Xử lý các TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu của các TCTD và sửa đổi, bổ sung một số điểu của Luật các TCTD.

1.2.     Tên Dự thảo Luật là “Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu”, vừa chưa bao quát được 3 nội dung trên, đồng thời cụm từ “Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD” lại rộng hơn nhiều so với phạm vi điều chỉnh tại chính Điều 1 chỉ là “xử lý TCTD yếu kém”.

1.3.     Vì vậy, đề nghị sửa tên Luật thành thành “Luật xử lý các TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD”.

  1. Về phạm vi áp dụng:

2.1.     Theo Dự thảo, quy định về xử lý nợ xấu được áp dụng lâu dài, chứ không phải chỉ trong một giai đoạn. Vậy thì cần tập hợp mọi vướng mắc cũ và mới để xử lý. Ví dụ như một số vấn đề như sau:

–        Được kéo dài thời hiệu khởi kiện đòi nợ của TCTD như quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011, chứ không bị hạn chế thời hiệu khởi kiện chỉ còn 3 năm như quy định mới tại Bộ luật Dân sự năm 2015;

–        Tòa án được quyền thụ lý, chuẩn bị xét xử và xét xử hoàn toàn vắng mặt bị đơn sau khi đã tống đạt và niêm yết giấy tờ hợp lệ đến địa chỉ cư trú (lâu nay quy định xét xử theo thủ tục chung, nhưng vẫn bế tắc đối với trường hợp vằng mặt từ đầu);

–        Việc thế chấp hay bảo đảm khác trong trường hợp thiếu một người vợ hoặc chồng hoặc thiếu một số chủ sở hữu (chủ sử dụng) chung thì được công nhận xử lý phần tương ứng của người đã đồng ý ký hợp đồng bảo đảm hợp pháp (thay vì vô hiệu toàn bộ như hiện nay);

–        TCTD không phải “trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm” trong trường hợp phải cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án theo quy định tại khoản 5, Điều 115 về “Cưỡng chế trả nhà, giao nhà “, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014). Vì trách nhiệm này phải là của Nhà nước;

–        Cần viết lại và thay thế quy định không rõ về việc nắm giữ bất động sản trong 3 năm đang được quy định tại khoản 3, Điều 132 về “Kinh doanh bất động sản”, Luật các TCTD năm 2010.

2.2.     Tuy nhiên, đề nghị xem xét chỉ áp dụng quy định xử lý nợ xấu phát sinh trong một giai đoạn nhất định (chẳng hạn trước 31-12-2016), với một thời hạn nhất định (chẳng hạn 5 năm). Đồng thời cần xem xét mở rộng không chỉ xử lý nợ xấu của các TCTD mà là nợ xấu của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Còn việc xử lý nợ xấu bình thường của các TCTD cũng như của nền kinh tế nói chung thì cần được thực hiện như bình thường, để bảo đảm sự công bằng. Nếu có sựu bất hợp lý thì cần sửa đổi luật chung.

2.3.     Hiện nay hai phần xử lý các TCTD yếu kém và phần xử lý nợ xấu không có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nên có thể tách ra thành 2 đạo luật độc lập. Trường hợp giữ nguyên thì trong phần “xử lý các TCTD yếu kém” ít nhất cần có một điều khoản quy định rõ là trong đó có việc xử lý nợ xấu để bảo đảm sự kết nối với phần “xử lý nợ xấu”, tránh tình trạng 2 phần này hoàn toàn riêng biệt, rời rạc, không có lý do gì để quy định chung trong một đạo luật mà ngay từ tên Luật đã phân biệt rõ 2 phần khác nhau.

  1. Về việc mua toàn bộ vốn điều lệ với giá 0 đồng:

3.1.     Khoản 5, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”; khoản 7, Điều 16 về “Xây dựng và phê duyệt phương án phục hồi TCTD yếu kém”; khoản 3, Điều 21 về “Tổ chức thực hiện phương án phục hồi”; điểm c, khoản 1, Điều 24 về “Hình thức xử lý pháp nhân”; Điều 28 về “Điều kiện mua bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém” và 11 điều khác trong Mục 6 về “Xây dựng, phê duyệt và thực hiện phương án mua bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém” (từ Điều 29 đến 39) quy định một trong các hình thức xử lý pháp nhân là “mua toàn bộ vốn điều lệ”, quy định “mua bắt buộc”, “chủ thể mua”, “giá mua 0 đồng”. Tuy nhiên, cần phải xem xét lại quy định về việc mua toàn bộ vốn điều lệ với giá 0 đồng với 5 lý do dưới đây.

3.2.     Thứ nhất, quy định việc mua 0 đồng là vi Hiến:

Vì như vậy đã đương nhiên phủ nhận quyền sở hữu tài sản hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư vào TCTD bằng cơ chế hành chính.

Khoản 2, Điều 32, Hiến pháp năm 2013 quy định, “2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Khoản 3, Điều 32, Hiến pháp năm 2013 quy định, “3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

Dự thảo quy định mua bắt buộc vốn điều lệ của pháp nhân, nhưng Cồ đông không có lỗi, không bán cổ phần (dù là tự nguyện hay bắt buộc), nhưng bỗng dưng lại mất quyền sở hữu cổ phần. Điều này hoàn toàn khác với việc chủ sở hữu biểu quyết giải thể doanh nghiệp hay doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.

Điều này có nghĩa là, Nhà nước được phép trưng mua và mua tài sản theo giá thị trường, nhưng không thể ấn định sẵn là phải bằng 0 đồng. Việc mua 3 ngân hàng 0 đồng trước đây do định giá 0 đồng. Tuy nhiên vẫn cẫn phải giải quyết vấn đề thực tế là cổ phần, cồ phiếu của 3 ngân hàng trước khi bị mua 0 đồng vẫn có giá một vài nghìn đồng chứ không phải là 0 dồng.

Cần phải quy định thực hiện tương tự như quy định về trưng mua tài sản. Khoản 2 Điều 18 về “Giá trưng mua tài sản”, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 quy định: Giá trưng mua tài sản do người có tài sản trưng mua và người có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản thỏa thuận theo nguyên tắc xác định căn cứ vào giá phổ biến trên thị trường và được ghi vào quyết định trưng mua tài sản. “Trường hợp không thỏa thuận được thì người có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản quyết định giá trưng mua tài sản; nếu người có tài sản trưng mua không đồng ý với giá này thì vẫn phải chấp hành nhưng có quyền khiếu nại”.

Vì vậy, Luật chỉ có thể quy định, trong trường hợp NHNN quyết định giá mua, thì căn cứ vào kết quả thẩm định giá.

3.3.     Thứ hai, việc mua vốn điều lệ là trái với nguyên lý cơ bản:

Điều này được quy định tại các điều từ Điều 192 đến 195 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các điều từ Điều 88 đến 91 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, chỉ có chia, tách, hợp nhất và sáp nhập các doanh nghiệp là pháp nhân chứ không có việc mua bán pháp nhân hay mua bán vốn điều lệ.

Chỉ có doanh nghiệp tư nhân thì mới có việc mua bán doanh nghiệp, vì doanh nghiệp tư nhân thì doanh nghiệp và cá nhân gần như đồng nhất là một, còn đối với các TCTD thì luôn song hành hai chủ thể là pháp nhân và cá nhân, pháp nhân khác là thành viên. Còn mua bán hay chuyển nhượng vốn điều lệ thì phải là mua bán, chuyển nhượng với chủ sở hữu, chứ không phải mua bán, chuyển nhượng với TCTD.

Ví dụ cụ thể về một TCTD cổ phần, thì các TCTD khác và NHNN chỉ có thể mua, đồng thời TCTD yếu kém chỉ có thể bán tài sản trong trường hợp sau:

–        Mua bán tài sản (gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản) của công ty, nhưng không có vốn điều lệ;

–        Mua bán cổ phần phát hành khi công ty mới được thành lập;

–        Mua bán cổ phần do công ty phát hành thêm cho cổ đông;

–        Mua bán cổ phiếu quỹ (mua bán lại cổ phiếu đã phát hành giữa công ty và cổ đông).

3.4.     Thứ ba, thiếu một bên trong quan hệ mua bán:

Dự thảo Luật quy định chỉ có bên mua vốn điều lệ (là TCTD khác hoặc NHNN), nhưng không xác định đâu là bên bán vốn điều lệ. Bên bán, nếu có thì phải là các cổ đông công ty cổ phần hay thành viên công ty TNHH hoặc thành viên quỹ, chứ không phải là chính pháp nhân.

Ví dụ trong một ngân hàng cổ phần, thì Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị – người đại diện theo pháp luật hay Hội đồng quản trị, cho đến Đại hội đồng cổ đông, cũng không một ai có quyền bán ngân hàng hay bán cổ phần, cổ phiếu hay vốn điều lệ của cổ đông, dù có biểu quyết tự nguyện hay bắt buộc nhất trí 100%.

Số cổ phần, cổ phiếu, vốn điều lệ của các TCTD yếu kém đang thuộc sở hữu của cổ đông thì chỉ cổ đông mới có quyền bán. Chưa kể, nếu gọi một cách thật đúng thuật ngữ thì chỉ được mua bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán, chứ đối với cồ phần bình thường thì chỉ là giao dịch chuyển nhượng không phải là mua bán vốn, cổ phần.

Vì vậy, nếu quy định mua bắt buộc vốn điều lệ thì phải là mua của cổ đông, chứ không thể là mua của pháp nhân TCTD.

3.5.     Thứ tư, việc mua bắt buộc là rất tốn kém:

Việc mua 0 đồng chì là tượng trưng, còn muốn duy trì được TCTD yếu kém, âm vốn điều lệ thì rất phức tạp, tốn kém, dù là hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp.

Theo quy định tại Điều 31 về “Biện pháp hỗ trợ TCTD yêu kém được mua bắt buộc” Các TCTD được mua bắt buộc được áp dụng 1 trong 7 biện pháp hỗ trợ sau đây:

(1)    Biện pháp hỗ trợ thứ nhất, gồm các biện pháp hỗ trợ thực trạng hoạt động (Điều 19) và các biện pháp hỗ trợ tài chính (Điều 20) (tuỷ thuộc là ngân hàng thương mại, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân hoặc tổ chức tài chính vi mô) bao gồm:

(1a)     Trong thời hạn kiểm soát đặc biệt, TCTD yếu kém không phải tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Luật các TCTD và hướng dẫn của NHNN;

(2a)     Trong thời hạn kiểm soát đặc biệt, TCTD yếu kém thực hiện các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, trích lập dự phòng rủi ro theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt;

(3a)     Việc xác định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng của TCTD yếu kém được thực hiện dựa trên vốn điều lệ danh nghĩa hoặc số vốn điều lệ được góp thêm vào TCTD yếu kém;

(4a)     Việc trích lập dự phòng rủi ro của TCTD yếu kém được thực hiện phù hợp với thực trạng kết quả chênh lệch thu chi trong hoạt động của TCTD yếu kém trong từng thời kỳ

(5a)     TCTD yếu kém là ngân hàng thương mại được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau:

(6a)     Bán nợ xấu không đủ điều kiện hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên theo quy định pháp luật cho VAMC.

(7a)     Vay tái cấp vốn, vay đặc biệt của NHNN theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt;

(8a)     Được miễn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt.

(9a)     Được hạch toán dần vào chi phí đối với phần chênh lệch giữa giá bán nợ/khoản phải thu/khoản đầu tư góp vốn với giá trị ghi sổ của các khoản trên phù hợp với tình hình tài chính của TCTD yếu kém theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá 10 năm;

(10a)  Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam với mức lãi suất 0% theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt;

(11a)  Công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất 0% theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt.

(12a)  Công ty tài chính được hạch toán dần vào chi phí đối với phần chênh lệch giữa giá bán nợ/khoản phải thu/khoản đầu tư góp vốn với giá trị ghi sổ của các khoản trên phù hợp với tình hình tài chính của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá 10 năm.

(13a)  Quỹ tín dụng nhân dân nhận tiền gửi hoặc vay đặc biệt của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam với mức lãi suất ưu đãi theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt.

(14a)  Các biện pháp hỗ trợ khác theo Phương án đã được phê duyệt phù hợp thực trạng của TCTD yếu kém.

(2)    Biện pháp hỗ trợ thứ hai: Được Chính phủ cấp vốn để bổ sung vốn điều lệ;

(3)    Biện pháp hỗ trợ thứ ba: Được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất đến 0%;

(4)    Biện pháp hỗ trợ thứ tư: Vay tái cấp vốn của NHNN với lãi suất đến 0% trong thời gian theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt. Hình thức cho vay tái cấp vốn bao gồm: cho vay lại theo hồ sơ tín dụng; cho vay tái cấp vốn dưới hình thức cho vay cầm cố giấy tờ có giá; cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành để mua nợ với số dư tối đa bằng tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt;

(5)    Biện pháp hỗ trợ thứ năm: Vay đặc biệt của NHNN với mức lãi suất đến 0% trong thời gian theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt;

(6)    Biện pháp hỗ trợ thứ sáu: Nhận tiền gửi hoặc vay của TCTD hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi trong thời gian theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt;

(7)    Biện pháp hỗ trợ thứ bảy: Mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng hỗ trợ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của NHNN.

Như vậy, với sự hỗ trợ vô cùng to lớn kể trên, thì hoàn toàn có thể hỗ trợ chi trả cho công chúng gửi tiền, đồng thời với việc tiến hành giải thể, phá sản doanh nghiệp. Phá sản trong trường hợp này, kể cả qua kiểm soát đặc biệt, ít nhất là 3 năm, nhiều là 5 – 10 năm, nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống, không để TCTD quá yếu kém vẫn níu kéo, tồn tại dặt dẹo, gây khó khăn cho NHNN và các TCTD khác, không mang tiếng oan cho nhà nước mua 0 đồng để rồi sau đó bán lại với giá cao, không hao tiền tốn sức để vực dậy những TCTD cần phải ”chết”. Thực tế những năm qua cũng đã từng xử lý kiểu giải thể nhưng thực chất như phá sản một số ngân hàng như Việt Hoa, APBank,… trong thời gian hàng chục năm.

3.6.     Thứ năm, việc mua bắt buộc là không cần thiết:

Các TCTD, nhất là TCTD có quy mô lớn, chỉ tạm thời khó khăn, nguy hiểm, mất khả năng thanh khoản, có thể bị tuyên bố phá sản theo Luật phá sản. Nếu để phá sản ngay, phá sản bất ngờ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Khi đó cần phải cứu, trong đó có biện pháp mua bắt buộc là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên giá mua khi đó thì sẽ không đơn giản là 0 đồng. Và trường hợp này là mua TCTD không phải là yếu kém đồng thời với 2 mục tiêu giữ an toàn hệ thống và cứu một TCTD tốt.

Nhưng pháp luật Việt Nam quy định, một TCTD yếu kém sẽ được giám sát đặc biệt, rồi kiểm soát đặc biệt trong vài năm. Sau quá trình đó mà vẫn cứ tiếp tục quá yếu kém, không thể khôi phục được thì mới chuyển sang thủ tục phá sản. Và cũng chỉ khi đó thì mới tính đến việc bị mua bắt buộc 0 đồng.

Khi đó, cần phải xác định rõ là, không thể vả không có bất cứ lý do gì phải cứu TCTD đã quá yếu kém đến mức không thể nào duy trì, không thể nào khôi phục được. Không những thức thế, các TCTD được mua 0 đồng được khẳng định là yếu kém nhất nhưng vẫn được tiếp tục duy trì, còn dẫn đến sự méo mó thị trường, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến sự an toàn và lành mạnh của hệ thống.

Vậy thì mục đích mua bắt buộc 0 đồng rõ ràng là nhằm bảo vệ quyền lợi của những cá nhân người dân gửi tiền, bảo vệ dân chúng, chứ không nhằm cứu doanh nghiệp gửi tiền, cứu cổ đông – nhà đầu tư, cứu giới chủ ngân hàng, cứu pháp nhân hay cứu các TCTD yếu kém.

Vậy thì tốt nhất là cứu và hỗ trợ bằng cách khác hiệu quả hơn, hợp lý hơn. Đó là nhằm thẳng, đúng và trúng mục tiêu, giải cứu đúng nạn nhân thay vì cứu TCTD chung chung.

Hãy chuyển tất cả nguồn lực để cứu TCTD sang cứu người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ lẻ, người không giàu. Nguồn lực đó là vai trò chi trả của bảo hiểm tiền gửi, hỗ trợ thanh khoản của các TCTD khác, của NHNN và của Chính phủ,… theo đúng như đã làm trên thực tế và đang quy định tại Dự thảo Luật này, nhằm giúp các TCTD “đáng chết” phải “chết”, nhưng không để “chết” đột ngột, bất đắc kỳ từ, mà đi vào cái “chết” một cách từ từ, nhẹ nhàng, “chết” có kiểm soát, chết” an toàn.

Bảo hiểm tiền gửi hiện nay chỉ chi trả tối thiểu 50 triệu (nếu còn khả năng thì chi cao hơn) cho mỗi người gửi tiền tại một TCTD. Nhưng bằng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng, thực chất Nhà nước đã cam kết “chi trả bảo hiểm tiền gửi” không giới hạn, tức là bảo toàn tiền gửi. Như vậy, cũng gây ra tình trạng rất bất hợp lý là người gửi tiền không thèm quan tâm đến sự an toàn tiền gửi của mình.

Nếu vẫn không muốn cho TCTD phá sản, thì thay vì mua bắt buộc 0 đồng, trường hợp này Nhà nước có nhiều lựa chọn hợp lý hơn, chủ động hơn, rõ ràng hơn, dứt điểm hơn. Chẳng hạn chỉ cần Nhà nước tuyên bố vẫn bảo đảm chi trả tiền gửi, nhưng phải đến hạn chi trả và thậm chí có thể kéo dài trong vài năm, chứ không trả ngay toàn bộ một lúc. Hay Nhà nước cam kết chỉ trả đủ trong phạm vi 5 tỷ, thậm chí 500 triệu (kể cả sắp tới có tăng giá trị bảo hiểm tiền gửi tối thiểu).

Trong mọi trường hợp, thời gian xử lý TCTD vẫn phải kéo dài, nhưng không phải để tái cơ cấu, để khôi phục TCTD yếu kém, mà là để thu hồi nợ cho vay, thanh lý tài sản. Thậm chí cần thiết, vẫn duy trì hoạt động, nhưng giảm dần cho đến khi chấm dứt. Trong thời gian ấy, TCTD yếu kém vẫn có thể vay vốn NHNN và các TCTD khác vì đã có quy định các khoản cho vay này được ưu tiên trả nợ trước trước tất cả (Dự thảo này là Luật thứ 3 ghi nhận quy định này).

  1. Về từ ngữ và kỹ thuật soạn thảo:

4.1.      Viết “trong thời hạn tối đa” là thừa từ “tối đa”, vì trong thời hạn đã bao gồm nghĩa tối đa, tại

4.2.      Các khoản 1 và 2, Điều 14 về “Đánh giá thực trạng của TCTD yếu kém”;

4.3.      Các khoản 2 và 3, Điều 15 về “Đề xuất  và phê duyệt chủ trương xử lý tổ chức tín dụng yếu kém”;

4.4.      Các khoản 1, 3, 4, 5 và 6, Điều 16 về “Xây dựng và phê duyệt phương án phục hồi tổ chức tín dụng yếu kém”;

4.5.      Khoản 1, Điều 32 về “Phê duyệt và điều chỉnh phương án mua bắt buộc”.

4.6.      Viết “tối đa không quá”, là thừa 1 trong 2 từ “tối đa” hoặc “không quá” tại các điều sau:

–        Điểm c và d khoản 1; cá điểm b, c, d và đ khoản 2, Điều 20 về “Các biện pháp hỗ trợ tài chính”;

–        Khoản 3, Điều 25 về “Các biện pháp hỗ trợ đối với phương án xử lý pháp nhân dưới hình thức hợp nhất, sáp nhập, bán toàn bộ vốn điều lệ”;

–        Các khoản 4, 5 và 6, Điều 31 về “Biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém được mua bắt buộc”;

–        Khoản 2, Điều 48 về “Phân bổ lãi dự thu, chệch lệch khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC”.

4.7.      Không để một số đoạn văn không thuộc khoản nào trong các điều luật được bố cục theo khảon, điểm, như Điều 31 về “Biện pháp hỗ trợ TCTD yếu kèm được mua bắt buộc”.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,984