Đâu là chuẩn mực của chữ cái tiếng Việt?
(NN&ĐS) – Qua hơn chục năm thực hiện Chương trình Cải cách giáo dục, đã có rất nhiều thay đổi trong việc dạy và học tiếng Việt. Tuy nhiên, còn một vấn đề tưởng chừng rất đơn giản, nhưng lại chưa có sự thống nhất, đó là chuẩn mực của Bảng chữ cái tiếng Việt trong các bộ sách giáo khoa.
Về đọc và viết chữ cái
Việc đọc phát âm chữ cái tiếng Việt là “a, bê, xê,…” trước kia được thay bằng “a, bờ cờ,…”. Đã có một bài viết đăng trên Tạp chí NN & ĐS, nêu lên hiện tượng, học sinh cấp II ngỡ ngàng khi nghe thầy giáo gọi tên 3 đỉnh của hình tam giác là “a, bê, xê”. Liệu như vậy, thì có tránh khỏi tình trạng các em sẽ cho rằng Đài Tiếng nói và Đài Truyền hình VN hằng ngày đọc sai nhiều chữ cái tiếng Việt, vì không đúng với điều mà các em đã được học. Nếu cứ theo cách đọc hiện nay, thì kinh tế V.A.C phải đọc là kinh tế “vờ, a, cờ”, cán bộ đi B, C, phải đọc là cán bộ đi “bờ’, “cờ”,…
Kiểu chữ viết thường, tuy đã trở lại gần giống với chữ trước cải cách, nhưng vẫn có điểm khác cơ bản là, trước kia, các chữ cái nằm trên nhiều dòng, gồm: b, d, g, h, k, l, p, q, t và y, được kéo dài lên hoặc xuống từ 1,5 đến 2,5 lần, thì nay thống nhất kéo dài 2 lần.
Một vấn đề có lẽ chưa được đặt ra, đó là làm sao để những thế hệ học Bảng chữ cái theo các chuẩn mực khác nhau, dễ dàng hiểu và chấp nhận cách đọc, cách viết của nhau.
Về tiêu chuẩn chữ viết hoa
Chữ in hoa và chữ in thường về cơ bản không có gì thay đổi. Nhưng riêng chữ viết hoa, thì còn khá lộn xộn ngay trong chính các cuốn sách giáo khoa.
Trong 3 cuốn sách: “Làm quen với chữ cái” (năm 1997), “Chuẩn bị cho bé vào lớp 1” (năm 1998) và “Tiếng Việt – Lớp 1” (năm 1998), đều của Nhà xuất bản Giáo dục, với cùng một Giám đốc và Tổng biên tập chịu trách nhiệm xuất bản, đã đưa ra 3 kiểu chữ viết hoa rất khác nhau. Sau đây là một số ví dụ:
Làm quen với chữ cái | Chuẩn bị cho bé vào lớp 1 | Tiếng Việt |
[1] | ||
Hầu như các chữ viết hoa trong cuốn “Tiếng Việt” khác hẳn hai cuốn kia. Riêng mẫu chữ viết hoa trong cuốn “Làm quen với chữ cái”, còn được chú thích thêm là “Theo Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Đáng tiếc là, không rõ Thông tư kia được ban hành vào ngày, tháng, năm nào và đã không hề được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho mọi người cùng biết.
Vậy thì đâu là kiểu chữ viết hoa chuẩn? Viết chữ là cả một nghệ thuật, với nhiều kiểu cách khác nhau, nhưng cần có một chuẩn mực. Dạy trẻ em mới làm quen với chữ mà đã có tới mấy kiểu khác nhau như thế thì khác nào đánh đố con trẻ.
Tạp chí NN & ĐS số 8 (22) – 1997 có đăng bài Chung quanh chữ “I” và chữ… “T”, trong đó tác giả Hồ Sĩ Thoại có phân vân rằng, không rõ ai khởi xướng ra chữ “T” hoa cách điệu, giống hệt chữ “I”, để bây giờ đã trở thành cái mốt trình bày, vừa thiếu chuẩn xác vừa dễ gây nhầm lẫn cho người đọc. Hóa ra, nó được sinh ra từ Bảng chữ cái tiếng Việt của ngành Giáo dục (trong ví dụ trên là ở cuốn Chuẩn bị cho bé vào lớp 1).
Về nguyên tắc viết hoa
Cho đến nay, ngoài danh từ riêng, vẫn chưa có sự thống nhất về nguyên tắc viết hoa trong các trường hợp khác. Các chức danh, khái niệm, các tên cơ quan, đơn vị, tổ chức,… trên các văn bản của Nhà nước, trên báo viết, báo hình được viết hoa một cách khác xa nhau.
Xem xét các Luật Bầu cử đại biểu quốc hội, được ban hành trong 17 năm qua, là văn bản chính thức của Nhà nước ta, được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, thì thấy có sự biến đổi khá lớn về các tình huống được viết hoa. Dưới đây là dẫn chứng về một số chữ được viết hoa trong 3 đạo luật nói trên, khi đề cập đến các chức danh và tổ chức có liên quan đến công tác bầu cử (tất cả đều không phải là danh từ riêng):
Luật năm 1980 | Luật năm 1992 | Luật năm 1997 |
thư ký | Thư ký | Thư ký |
ban bầu cử | Ban bầu cử | Ban Bầu cử |
Hội đồng bầu cử | Hội đồng bầu cử | Hội đồng Bầu cử |
ủy ban nhân dân | ủy ban nhân dân | ủy ban Nhân dân |
ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc | ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc | ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc |
Có 4/21 chữ được viết hoa | Có 6/21 chữ được viết hoa | Có 11/21 chữ được viết hoa |
Đã có nhiều bài viết trên báo chí bàn về nguyên tắc viết hoa với những quan điểm khác nhau và không ít ý kiến trái ngược với cách viết hoa trên. Nhưng qua ví dụ này, cũng như qua theo dõi thực tế, cho thấy hiện tượng viết hoa ngày càng được sử dụng nhiều hơn.
Có điều, vẫn chưa có một chuẩn mực lý thuyết hay thực tế nào giúp cho việc sử dụng chữ viết hoa.
Về số chữ cái tiếng Việt
Trước cải cách giáo dục, Bảng chữ cái tiếng Việt có 23 chữ, trong một số năm cải cách, được tăng lên 29 chữ. Nhưng hiện nay, lại thấy quay trở lại Bảng chữ cái 23 chữ. Riêng cuốn “Tiếng Việt – Lớp 1” (năm 1998, cũng như 1996), Bảng chữ cái lại chỉ còn 22 chữ. Như vậy chữ “đ” đã không còn là chữ cái tiếng Việt nữa hay sao?
Vậy tiếng Việt của chúng ta gồm có bao nhiêu chữ cái, và được công nhận dựa trên cơ sở nào? Nếu chỉ có 22 chữ cái, kèm theo 6 thanh dấu, thì các chữ ă, â, đ, ê, ô, ơ và ư của tiếng Việt sẽ được gọi là gì, khi chúng không phải là chữ cái thêm dấu, cũng không phải là chữ ghép? Tuy, Bảng chữ cái hiện nay, chỉ ghi nhận 22 hoặc 23 chữ, nhưng trong cuốn “Chuẩn bị cho bé vào lớp 1” nói trên, không còn cách gì hơn, cũng vẫn phải gọi 6 chữ ă, â, ê, ô, ơ và ư là “chữ cái” (tất nhiên, không phải chữ cái ngoại ngữ!).
Rõ ràng, cần xem xét và thống nhất lại một số chuẩn mực về viết và đọc chữ cái Tiếng Việt. Chẳng lẽ, cùng một thời điểm, lại để tồn tại tình trạng, mỗi cá nhân và mỗi thế hệ người Việt Nam nhận thức khác nhau về việc đọc và viết chữ cái tiếng Việt? Và có lẽ cũng cần đặt thêm một yêu cầu cho sự nghiệp văn hoá – giáo dục là phải phổ cập chữ viết theo tiêu chuẩn thống nhất cho cả xã hội chứ không chỉ riêng cho ngành giáo dục trong từng thời kỳ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Bài viết đã đăng Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống số 9 (35) tháng 10-1998:
[1] Phần này là chữ cắt dán, nên không có trong file.