(ANVI) – Phiên họp Thẩm tra Dự luật – Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Nội 21-4-2017
BÌNH LUẬN VỀ VIỆC CHUYỂN GIAO BẮT BUỘC TCTD
Trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
- Đặc điểm của việc chuyển giao bắt buộc TCTD:
- Không phải là chuyển giao TCTD như tên gọi của Mục 1đ, mà là chuyển giao phần vốn của nhà đầu tư vào ngân hà
- ng thương mại, cụ thể là chuyển giao vốn góp của chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên, của các thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc cổ phần, cổ phiếu của cổ đông công ty cổ phần.
- Nghị quyết 36/NQ-CP ngày 15-4-2017 của Chính phủ tuyên bố rõ “từ nay, nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng”, nhưng chuyển giao bắt buộc như Dự thảo Luật thì thực chất không có gì khác, cũng vẫn là mua bắt buộc và cuối cùng thì cũng vẫn là 0 đồng.
- Khi TCTD bị kiểm đặc biệt, Nhà nước mong muốn khôi phục hoạt động của TCTD, kêu gọi nhà đầu tư tăng vốn, động viên khách hàng gửi tiền, trong đó có tiền gửi của các pháp nhân. Nhưng sau khi kiểm soát đặc biệt, không phá sản pháp nhân, mà cả vốn mới góp thêm lẫn số tiền gửi vào để trợ giúp ngân hàng trong lúc khó khăn bỗng chốc đều mất trắng (chỉ khoản vay bắt buộc của các TCTD và NHNN mới được ưu tiên thanh toán trước các khoản nợ khác).
- Không phù hợp với Hiến pháp năm 2013:
- Việc chuyển giao bắt buộc không phù hợp với quy định tại khoản 1 và 3, Điều 32 của Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền sở hữu” về “phần vốn góp trong doanh nghiệp” và “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.
- Theo Dự thảo Luật, việc chuyển giao bắt buộc có vè giống với việc trưng dụng, nhưng nó chỉ là việc trưng dụng nếu như sau khi phục hồi TCTD thì phải chuyển giao trở lại cho nhà đầu tư.
- Theo Dự thảo Luật, việc chuyển giao bắt buộc tài sản của nhà đầu tư không phải là việc trưng mua, cũng không phải là việc trưng dụng, mà là giống trưng thu hay quốc hữu hoá, là việc chỉ được phép thực hiện theo Hiến pháp năm 1980, chứ không được phép thực hiện theo Hiến pháp năm 1992 và 2013.
- Đề xuất giải pháp:
- Mục đích của việc sử dụng giải pháp mua bắt buộc trước đây hay chuyển giao bắt buộc hiện nay để thay thế cho biện pháp phá sản ngân hàng, là nhằm bảo đảm việc chi trả tiền gửi cho dân chúng, chứ không phải là cứu ngân hàng, vì không có bất cứ lý do nào cần phải phục sinh pháp nhân đã được trì hoãn phá sản trong vài năm, đã yếu kém đến mức không thể tồn tại được sau khi được kiểm soát đặc biệt. Vậy thì cần phải chọn giải pháp chấm dứt hoạt động của ngân hàng như hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc phá sản, chứ trong mọi trường hợp không thể chọn giải pháp duy trì pháp nhân.
- Trong mọi biện pháp, chỉ có thể xử lý những người quản lý, điều hành, kiểm soát (như loạ bỏ tư cách, xử lý trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm hình sự) và xử lý pháp nhân (như rút Giấy phép, hạn chế hoạt động, xử phạt vi phạm hành chính), chứ không thể xử lý chủ đầu tư là chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông ngân hàng, tức không được sử dụng biện pháp hành chính trực tiếp tước bỏ quyền sở hữu hợp pháp của mọi người, của nhà đầu tư.
- Do đó, phải bỏ biện pháp chuyển giao bắt buộc. Sau khi tiến hành kiểm soát đặc biệt khoảng 1 – 2 năm, nếu không có khả năng phục hồi, thì cần chuyển hướng chấm dứt pháp nhân, thu hẹp dần hoạt động, cho giải thể hoặc phá sản một cách từ từ, kéo dài, chủ động kiểm soát, bảo đảm an toàn hệ thống, bảo đảm chi trả đến mức cao nhất có thể tiền gửi của dân chúng bằng các nguồn tiền bảo hiểm tiền gửi, thu hồi nợ vay của khách hàng, thanh lý tài sản của ngân hàng, xử lý tài sản bảo đảm của bên bảo đảm, xử lý trách nhiệm bồi thường của những người sai phạm và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước (nếu như Nhà nước muốn chi trả đầy đủ tiền gửi). Mục đích cuối cùng của việc phá sản và chuyển giao bắt buộc là hoàn toàn giống nhau, nhưng chỉ có phá sản ngân hàng thì mới đúng với bản chất pháp lý, không vi Hiến, không vô lý, không tạo ra quá nhiều thứ kỳ lạ, khó khăn, rắc rối.
—————————–
Luật sư Trương Thanh Đức
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070