283. Để không còn những vụ Tiên Lãng khác

(KTVN) – Ngày 10/2, đích thân Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp nhằm giải quyết vụ tranh chấp tại Tiên Lãng, một trong những vụ việc nổi bật vì tự thân nó mang đầy đủ các yếu tố chính trị, xã hội và kinh tế.

Căn lều của gia đình ông Vươn dựng trên đống hoang tàn sau vụ cưỡng chế. Nếu không giải quyết tận gốc vấn đề quyền sở hữu đất đai, tranh chấp và khiếu kiện chắc chắn sẽ tiếp tục kéo dài.

Khi người đứng đầu Chính phủ phải đứng ra trực tiếp giải quyết một vụ tranh chấp tưởng như có thể giải quyết bằng các quy định pháp luật thông thường, thì cũng có nghĩa là, các quy định pháp luật hiện hành đã không đúng, hoặc không đủ, để có thể điều chỉnh một tình huống cụ thể của đời sống.

Vượt xa khỏi phạm vi của một tranh chấp thông thường, vụ Tiên Lãng là một điển hình về tranh chấp lợi ích từ đất đai, bắt nguồn từ các quy định bất hợp lý trong Luật Đất đai hiện hành, mà cụ thể hơn là vấn đề quyền sở hữu đất đai của người dân.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, nhưng Việt Nam thì chưa.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thực hiện việc tịch thu ruộng đất của thực dân, đế quốc, địa chủ, phong kiến chia lại ruộng đất cho nông dân nhằm thực hiện đường lối cách mạng của Đảng “làm cách mạng dân tộc dân chủ đánh đổ thực dân, phong kiến; tịch thu ruộng đất của tư sản, địa chủ, cường hào chia cho nông dân thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”.

Khi miền Bắc được giải phóng vào tháng 10/1954, để xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, Đảng phát động “phong trào hợp tác hóa” vận động nông dân tự nguyện đóng góp ruộng đất, trâu bò và các tư liệu sản xuất khác vào làm ăn tập thể trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp.

Sau khi đất nước thống nhất, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 201/CP ngày 1/8/1980 về tăng cường công tác quản lý đất đai trong cả nước. Quyết định ghi rõ “toàn bộ ruộng đất trong cả nước đều do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và kế hoạch chung nhằm bảo đảm ruộng đất được sử dụng hợp lý, tiết kiệm và phát triển theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”.

Mấy tháng sau đó, cuối năm 1980, bản Hiến pháp 1980 đã chính thức hóa khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, để rồi từ đó đến nay, khái niệm này đã bao trùm mọi quy định pháp luật về đất đai của Việt Nam, trong đó có Luật Đất đai đã và đang chi phối mọi ngõ ngách đời sống và hoạt động kinh doanh của người dân. Cũng từ đây, “sở hữu toàn dân” đã gây ra vô vàn vấn đề trong quản lý nhà nước về đất đai.

Khi tham gia góp ý cho báo cáo rà soát Luật Đất đai năm 2003 trong khuôn khổ một dự án của VCCI mới đây, một loạt chuyên gia pháp lý đã lên tiếng về vấn đề này.

TS. Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói vấn đề sở hữu đất đai, giữa chế độ sở hữu và hình thức sở hữu, sự không thống nhất và khác biệt đã “gây ra những vướng mắc, hạn chế, khó khăn cho lý luận và triển khai áp dụng các quy phạm pháp luật đất đai”.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đề xuất rằng cần thay khái niệm sở hữu toàn dân bằng sở hữu nhà nước. Tuy vậy, để làm được điều này, ông Liêm thừa nhận trước tiên phải sửa đổi Điều 17 Hiến pháp rồi mới đưa được “sở hữu nhà nước vể đất đai” vào Luật Đất đai.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nói trên thực tế khái niệm sở hữu toàn dân để dẫn tới sự hiểu lầm đất đai là vô chủ vì sở hữu toàn dân là một khái niệm mông lung, thực chất là không có chủ thể. Theo ông Tuấn, trên thực tế, không có một tài sản nào mà mọi người là chủ, cũng tức là vô chủ; từ đó không thể có hiệu quả trong quản lý, vì vậy nên sửa và khẳng định rõ “Nhà nước là chủ sở hữu đất đai” – người dân chỉ được Nhà nước giao cho quyền sử dụng đất đai, bất cứ sự vi phạm nào đối với đất đai là vi phạm quyền của Nhà nước, chứ không thể là vi phạm quyền của toàn dân, tức là không của ai cả.

Nhưng LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng nếu chỉ bỏ khái niệm “sở hữu toàn dân”, để sử dụng duy nhất khái niệm “sở hữu nhà nước” thì thực chất cũng “vẫn chỉ là sách vở, chẳng có gì thay đổi, chẳng mang lại giá trị gì cho đời sống”.

Ông Đức cho rằng lý luận và thực tế cuộc sống đòi hỏi công nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Nếu không thừa nhận vấn đề gốc rễ căn bản đó, thì dù có sửa Luật Đất đai bao nhiêu lần nữa cũng vẫn không thoát khỏi tù mù, nhập nhằng, bất cập.

“Nếu cho rằng quyền sử dụng đất hiện nay cũng chẳng khác gì quyền sở hữu, thì sao cứ phải cố tình đánh tráo khái niệm? Nhà nước phải cho người sử dụng đất có tất cả các quyền liên quan đến đất, từ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng cho đến quyền định đoạt, nhưng vẫn không được thừa nhận bản chất là quyền sở hữu? Luật đã nhập nhằng giữa mua bán, thế chấp tài sản với mua bán, thế chấp quyền tài sản, dẫn đến doanh nghiệp và công dân cũng bị xoáy vào vòng tối tăm, lẫn lộn”, ông Đức nói và khuyến nghị rằng sửa đổi Luật Đất đai mà không sửa được cơ bản về quyền sở hữu đất, thì nên kết thúc vấn đề cho khỏi tổn công, phí sức.

Khi ra quyết định thu hồi và sau đó cưỡng chế khu vườn ao nhà ông Đoàn Văn Vươn, chính quyền có lẽ đã thuộc nằm lòng khái niệm “sở hữu toàn dân” cũng như các quy định pháp luật liên quan mà cao nhất là Luật Đất đai 1993, văn bản cho phép chính quyền được thu hồi những khu đất được giao có thời hạn sau khi hết hạn để có thể giao cho người khác mà quên rằng trên những mảnh đất đó, những chủ sở hữu “tạm thời” đã phải đổ mồ hôi và nước mắt để gầy dựng sản nghiệp.

Không phải chỉ ở Tiên Lãng xa xôi, ngay tại những thành phố lớn như Hà Nội, bất cập đó cũng đang thể hiện ở những cấp độ khác nhau. Không ít những trang trại, vườn cây, ao cá vùng ven đô, cũng thuộc diện “giao có thời hạn”, mới ngày nào còn là bát cơm manh áo của người dân, sau khi được thu hồi với giá “đất nông nghiệp”, giờ đã là đất nền mang lại lợi lộc cho những “người dân” khác, suy cho cùng, cũng bởi vì đất đai là “sở hữu toàn dân”.

Cho dù chỉ là một nông dân ngày đêm lăn lộn với vườn cây ao cá, song ông Đoàn Văn Vươn có lẽ cũng hiểu được rằng việc tổ chức “tự vệ” bằng súng hoa cải và mìn “bình gas” tự tạo là hành vi vi phạm pháp luật và chắc chắn sẽ bị trừng phạt. Ông chọn cách thức đó, có lẽ, vì hy vọng rằng chính quyền sẽ nhìn thấy những bức bối, phẫn uất mà ông và gia đình đang dồn nén; và với một niềm tin mơ hồ rằng có thể giữ lại mảnh đất thấm đẫm mồ hôi nước mắt của mình, cho dù phải đối mặt với công quyền.

80% vụ khiếu kiện hiện nay là thuộc về lĩnh vực đất đai, đủ thấy rằng vấn đề sở hữu và quyền sở hữu đất đai đã và đang diễn biến phức tạp như thế nào. Người dân đang kỳ vọng vào cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với thành phố Hải Phòng và các bộ ngành để giải quyết dứt điểm vụ việc Tiên Lãng.

Nhưng người dân còn kỳ vọng nhiều hơn ở việc sửa đổi và hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, để không còn xảy ra những vụ Tiên Lãng khác; mà nếu có tranh chấp nào xảy ra, thì hệ thống pháp luật có thể tự động giải quyết hơn là phải ngồi chờ những quyết định cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ. Điều này, chỉ từ một cuộc làm việc là không đủ.

Quốc hội và Chính phủ đang trong quá trình tổng kết và chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai. Từ vô vàn tranh chấp đất đai mà điển hình là vụ Đoàn Văn Vươn, Hiến pháp và Luật Đất đai mới sẽ được chỉnh sửa, bổ sung như thế nào mới là điều quan trọng hơn cả, để đất đai, với tư cách là tư liệu sản xuất quan trọng nhất trong nền kinh tế, thực sự phát huy được vai trò của nó trong quá trình phát triển.

ANH MINH

—————————–

Thời báo Kinh tế Việt Nam 09-02-2012:

http://vneconomy.vn/20120209112495P0C9920/de-khong-con-nhung-vu-tien-lang-khac.htm

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.907. Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập...

Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập dưới 1 triệu đồng. (VOV GT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,600