283. Thời điểm nào đánh thuế tài sản?

Thời điểm nào đánh thuế tài sản?

(DĐDN) – Sau những phản ứng khá sôi nổi từ cộng đồng, Bộ Tài chính mới đây đã phát đi thông báo khẳng định chưa xây dựng dự Luật thu thuế tài sản là nhà, đất.

Dự thảo Luật trên được cho là khá nhạy cảm cả về thời điểm và nội dung, bởi dự Luật đề xuất gộp Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản hay bất động sản (nếu có).

Cân nhắc nhiều yếu tố

Thuế tài sản là một trong những sắc thuế ra đời sớm nhất trong hệ thống thuế của đa số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Hiện có 174/193 quốc gia áp dụng thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau.

Thuế tài sản được xem là công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều nhà đất, góp phần bình ổn thị trường bất động sản và đảm bảo công bằng xã hội.

Thực tế cho thấy, thuế tài sản đóng góp quan trọng trong tổng thu, thường chiếm 3-4% thu ngân sách nhà nước của nhiều quốc gia. Thậm chí ở Nhật Bản và nhiều nước phát triển khác, số thu từ thuế tài sản chiếm 7-8% tổng thu ngân sách nhà nước.

Với Việt Nam, năm 1991, Quốc hội ban hành Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, sau đó có nhiều năm được miễn giảm. Cũng năm 1991, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh thuế nhà đất trong đó quy định thuế suất đối với nhà là 0,3% giá tính thuế/năm và đối với đất phi nông nghiệp là 0,5% giá tính thuế/năm. Tuy nhiên, ngay cuối năm 1991, Quốc hội đã ra nghị quyết về việc điều chỉnh và lùi thời hạn áp dụng thuế nhà vì không hợp lý.

Năm 1994, Pháp lệnh này đã được sửa đổi, nhưng cuối cùng cũng không được áp dụng đối với nhà. Đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, năm 2022, theo dự toán thì sắc thuế này chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước 1.843 tỷ đồng, chiếm 0,13% tổng thu và bằng khoảng 10% so với các nước trong khu vực ASEAN.

Việc đánh thuế đối với tài sản theo đề xuất của Bộ Tài chính là cần thiết để điều tiết thu nhập và tăng hiệu quả của việc sử dụng bất động sản, nhất là đối với tài nguyên đất đai. Tất nhiên phải hết sức cân nhắc về nhiều yếu tố như: Thời điểm đánh thuế, loại tài sản đánh thuế, trường hợp đánh thuế; diện tích, giá trị khởi điểm đánh thuế và đặc biệt là mức thuế suất, để bảo đảm tính công bằng, hợp lý, mang lại hiệu quả, giảm thiểu tác động bất lợi..

Thời điểm nào đánh thuế tài sản

Thuế tài sản từng được kỳ vọng là công cụ tài chính hữu hiệu để quản lý việc sử dụng đất đai.
3 lý do đẩy giá nhà

Không có cơ sở để cho rằng đánh thuế này sẽ giảm giá bất động sản, vì giá cả bất động sản, nhất là nhà đất ở phải do cung cầu thị trường quyết định, thuế này ảnh hưởng rất ít, thậm chí làm tăng giá. Tuy nhiên, việc đánh thuế tài sản chắc chắn là sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến giá nhà đất, vì 3 lý do sau:

Thứ nhất, do nguồn cung về nhà đất ở tại các thành phố hiện nay cũng như trong tương lai gần vẫn đang thiếu hụt so với nhu cầu, nên sẽ nghiêng về xu hướng tăng giá.

Thứ hai, do ảnh hưởng của việc thu thuế, nên cộng hưởng trực tiếp, gián tiếp qua lại sẽ tác động vào việc làm đội chi phí, giá thành và giá cả mua bán.

Thứ ba, do ảnh hưởng tâm lý, người bán, nhất là trường hợp bị đánh thuế cao mua đi, bán lại, sẽ có xu hướng giữ lại hoặc tăng giá bán để bù vào khoản thuế phải đóng thêm.

Trong bối cảnh kinh tế vừa phục hồi do Covid-19, nếu áp giá đánh thuế thời điểm này là chưa phù hợp. Bây giờ chỉ chuẩn bị xây dựng chính sách. Không lý gì Chính phủ đang áp dụng một loạt chính sách kích cầu, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, miễn giảm lãi suất, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… mà lại đánh thêm một loại thuế mới.

Trong khi đa số người dân có thu nhập thấp và đời sống còn nhiều khó khăn, chỉ nên đánh thuế quyền sử dụng đất và sở hữu nhà đối với những tài sản có giá trị cao, tức là đánh thuế đối với người giàu. Ngưỡng tính thuế có thể trên 5 tỉ đồng, còn trị giá dưới mức này thì không chịu thuế.

Tuy nhiên, ngưỡng cụ thể là bao nhiêu, Bộ Tài chính cần tính toán nghiên cứu thận trọng cân đối rất nhiều yếu tố như an sinh xã hội… và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi cơ quan, bộ ngành, địa phương và người dân. Mặt khác, cần đánh thuế lũy tiến quyền sử dụng đất và nhà giống như biểu lũy tiến thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, ai sử dụng nhiều đất, nhà với giá trị càng lớn, tiền thuế càng tăng.

Với những người có nhiều nhà hay ở trên những mảnh đất rộng ngay trung tâm đô thị lớn, thậm chí để không nhiều thửa đất sẽ phải đóng thuế cao. Nhà nước không khuyến khích cá nhân sử dụng quá nhiều đất vì tài nguyên này có hạn mà đất cần phải xây dựng nhà máy, công viên… tạo giá trị gia tăng cho cộng đồng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

————–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Bất động sản) 17-3-2022:

https://diendandoanhnghiep.vn/thoi-diem-nao-danh-thue-tai-san-219005.html?mode=mobile

(1.046/1.046)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.413. "Nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị che mờ...

"Nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị che mờ nếu gia hạn Thông tư 02". (VNF)...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,545