(DĐDN) – Để tránh rơi vào hình thức thì cách duy nhất là phải công khai các quy trình và kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Thời gian trước, việc bỏ phiếu thường bí mật về kết quả kể cả bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay, kết quả bỏ phiếu về cơ bản đã được công khai và chất lượng của các đợt bỏ phiếu cũng cao hơn rõ rệt.
Bỏ phiếu tín nhiệm là hoạt động phù hợp với xu hướng phát triển của các xã hội.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh mà Quốc hội bầu ra lần này cần được công khai kết quả. Đặc biệt, nếu ai bị phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% thì buộc phải từ chức. Có như vậy việc bỏ phiếu mới thực sự đạt được mục tiêu mà luật và Quốc hội đề ra. Không nên bàn đi bàn lại việc, nếu ai bị bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì xem xét để bỏ phiếu lại.
Lâu nay tư duy nhiệm kỳ đã ăn sâu vào tư tưởng nhiều quan chức. Họ chỉ cần được bầu hoặc bổ nhiệm vào một chức vụ nào đó là hoàn toàn không bị sức ép phải làm việc ra sao suốt một nhiệm kỳ. Nhất là việc bầu hay bổ nhiệm mang tính hình thức hoặc vì một lợi ích chính trị nào khác thì chất lượng công việc, chất lượng điều hành của người cán bộ, người quan chức này coi như bị bỏ ngỏ.
Tất nhiên chất lượng điều hành, chất lượng cán bộ không thể chỉ nhờ bỏ phiếu tín nhiệm mà tốt ngay lên được. Nhưng mỗi cán bộ, mỗi quan chức qua một nhiệm kỳ đều phải trải qua nhiều đợt bỏ phiếu tín nhiệm thì trách nhiệm với công việc, trách nhiệm trước dân và Quốc hội cũng sẽ được nâng lên. Quốc hội là cơ quan do dân bầu ra, những lá phiếu tín nhiệm là của Quốc hội. Chính vì vậy, những người được bỏ phiếu tín nhiệm sẽ phải hướng đến quyền lợi của người dân hơn là điều hoàn toàn có thể nhìn thấy.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải lưu ý tới một khía cạnh khác là rất nhiều hoạt động được luật đề ra, được triển khai nhưng hiệu quả thì không đến đâu. Cuối cùng những hoạt động này trở thành hình thức. Bỏ phiếu tín nhiệm là hoạt động phù hợp với xu hướng phát triển của các xã hội. Thông qua đó, người dân được thể hiện quyền làm chủ xã hội của mình. Chính vì vậy, chúng ta không thể để hoạt động này trở nên hình thức được mà phải cổ vũ cho nó, xây dựng nó ngày càng trở nên hoàn thiện.
Đối với công tác điều hành đất nước, ngoài việc bỏ phiếu tín nhiệm từng cá nhân, chúng ta có thể hướng tới bỏ phiếu tín nhiệm tập thể. Mỗi người lãnh đạo một bộ máy hành chính hay kể cả Chính phủ đều cần có những người giúp việc. Ví dụ nhiều quốc gia, Thủ tướng hay Tổng thống thường chọn cho mình một nội các, một bộ máy hành pháp. Người lãnh đạo sẽ chủ động trong công việc điều hành của mình hơn khi có một bộ máy làm việc thống nhất. Tuy nhiên, bộ máy này cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước dân, trước Quốc hội.
Người dân sẽ đo lường hiệu quả công việc của cả bộ máy hành pháp. Nếu bộ máy này làm việc không hiệu quả, không hướng tới quyền lợi của nhân dân có thể bị bỏ phiếu bất tín nhiệm giữa nhiệm kỳ. Quốc hội có thể thay mặt dân bỏ phiếu bất tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.
Những người được bỏ phiếu tín nhiệm cũng có thể coi đây là một nguồn thông tin hữu ích để xem xét lại nhân dân đánh giá thế nào đối với những công việc mà mình đã làm và đang làm. Qua đó, họ có thể điều chỉnh theo hướng tích cực hơn, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân hơn.
LS Trương Thanh Đức
Trọng tài viên VIAC
——————
Diễn dàn Doanh nghiệp 10-6-2013:
http://dddn.com.vn/2013060603173894cat123/bo-phieu-tin-nhiem-can-ton-trong-luat-choi.htm
(731/731)