286. TTCK: Khơi thông dòng vốn, nguồn hàng

(SGGP) – Sau khi được đề cập vào đầu năm, bẵng đi vài tháng vấn đề mở room cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lại được nhắc đến và xem như một biện pháp góp phần khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK). Nhưng thực tế, ách tắc dòng vốn trên thị trường hiện nay đâu chỉ do việc siết room NĐTNN, mà còn rất nhiều nguyên nhân khác.

Thiếu hàng mới

Có một thực tế trên cả 2 sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) và TPHCM (HOSE) hiện nay là rất thiếu “hàng mới”, trong khi TTCK lại luôn cần những điều mới mẻ. Về mặt cảm tính, những cổ phiếu (CP) mới luôn tạo ra sự tò mò, thú vị cho NĐT, mở ra cơ hội sinh lời mới.

Đặc biệt những CP mới niêm yết trên sàn đã tiếp cận nhanh với NĐT đại chúng, nhận được sự hỗ trợ về vốn, trí tuệ cũng như chất xám trên thị trường. Điều này tạo nên sức bật cho doanh nghiệp, mở ra cơ hội tăng trưởng mới, qua đó giá trị công ty cũng tăng, đem lại lợi nhuận cho NĐT.

Việc phát hành CP không có quyền biểu quyết cho NĐTNN chỉ ở một số công ty niêm yết làm ăn có hiệu quả. Gia tăng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại một số ngành hấp dẫn, không nhất thiết phải kiểm soát, cũng không giải quyết được tất cả nhu cầu, vì ngành hấp dẫn số lượng NĐT mong muốn sở hữu cũng lớn. Trong khi đó, một loạt công ty vẫn còn room sở hữu nước ngoài nhưng do chưa đủ quy mô về vốn, chưa niêm yết, nên NĐTNN chưa thể gia tăng sở hữu. Vì thế, nếu mở room, cần cân nhắc những động thái khơi thông cả những công ty này.

Luật sư Trương Thanh Đức,
Giám đốc Công ty Luật ANVI

CP niêm yết trễ nhất trong rổ tính VN30 là MBB (Ngân hàng Quân đội – lên sàn năm 2011), nhưng thực tế trước khi xuất hiện trên bảng điện tử HOSE, MBB cũng đã là CP đình đám trên thị trường OTC, được nhiều người giao dịch, có thanh khoản lớn.

Nếu tính thời gian niêm yết trung bình của 30 CP trong VN30, con số sẽ xấp xỉ 6 năm. Cách đây 6 năm, tức năm 2007, TTCK Việt Nam đạt đỉnh 1.100 điểm. Có nghĩa rất nhiều CP trong rổ tính VN30, những blue chip của thị trường hiện nay là những “cựu binh” như GMD, REE, VNM, FPT, STB… đã trải qua những cuộc “bể dâu” của thị trường và “nhẵn mặt” với NĐT.

Gần đây, nhóm CP điện nổi lên như nhóm CP hot nhất thị trường khi tăng giá rất mạnh, dẫn đầu là PPC (Nhiệt điện Phả Lại), BTP (Nhiệt điện Bà Rịa), rồi đến VSH (Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh) hay KHP (Điện lực Khánh Hòa)…

Đây đều là những “cựu binh” trên sàn, “trẻ” nhất là BTP cũng đã có 4 năm niêm yết, trong khi 3 cái tên còn lại đã niêm yết từ giai đoạn 2006-2007 của TTCK.

Sau 5 tháng đầu năm 2013, giá trị mua ròng của khối ngoại trên cả 2 sàn dao động trong 250-300 triệu USD. Đây là một trong những tác nhân quan trọng giúp TTCK từ đầu năm đến nay có những diễn biến tích cực. Dòng vốn của NĐTNN đang đổ vào những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có thị phần tốt, có tiềm năng phát triển.

Một số công ty niêm yết được khối ngoại ưa chuộng như Vinamilk (VNM), Dược Hậu Giang (DHG) hay FPT… đã hết room sở hữu (49%) cho NĐTNN, trong khi nhu cầu của khối ngoại đối với các công ty này vẫn còn rất lớn.

Một loạt ý kiến liên quan đến vấn đề mở room đã được đưa ra, như tiến đến cho phép gia tăng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các ngành Nhà nước không bắt buộc kiểm soát, hoặc cho phát hành CP không có phần biểu quyết cho NĐTNN… để thu hút vốn cho doanh nghiệp và cho TTCK.

Nhưng nếu xem xét một cách kỹ lưỡng, mở room không phải là giải pháp mang tính bước ngoặt, nó chỉ là một trong những giải pháp để có thể khơi thông, thu hút thêm dòng vốn cho TTCK.

Tạo cân bằng cho thị trường

Gần đây, việc một công ty trong ngành thực phẩm bộc lộ ý định hủy niêm yết đã khiến các cổ đông nháo nhào. Với các quỹ đầu tư chỉ chuyên đầu tư vào CP niêm yết, khi CP hủy niêm yết bắt buộc phải bán ra. Điều này không dễ, đặc biệt sau khi bán số tiền đem về sẽ giải ngân như thế nào cũng là thách thức lớn.

Hiện nay trên cả 2 sàn có gần 700 CP niêm yết, nếu tiến hành lọc những CP tốt, có chất lượng theo hướng làm ăn có lãi, có khả năng tăng trưởng, CP có thanh khoản tốt, những yếu tố quan trọng để đầu tư… tổng số chưa chắc đã được 20%, tức 140 CP. Nhiều người suy nghĩ tại sàn HNX chủ yếu là “hàng dạt” mang tính đầu cơ ngắn hạn, ít CP tốt, nhưng thực tế ngay cả sàn HOSE cũng có nhiều “hàng dạt”.

TTCK: Khơi thông dòng vốn, nguồn hàng ảnh 1
CP của Vinamilk tăng hoặc giảm tác động đáng kể đến diễn biến VNI Index.Ảnh: CAO THĂNG

Tháng trước HOSE đã quyết định hủy niêm yết các CP VES (Mê ca Vneco) do lỗ 3 năm liên tiếp, IFS (Interfood), VSG (Vinconship SG) do lỗ vượt vốn điều lệ. Thực tế cũng không thể đòi hỏi HOSE hay HNX can thiệp mạnh vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trên sàn, bởi nhiều công ty khi niêm yết vẫn đủ chuẩn, vẫn tiềm năng nhưng sau một thời gian lại sa sút.

Vấn đề là trong khi các CP “về ngược”, sự can thiệp của các cơ quan quản lý về hủy hoặc bị hủy niêm yết ngày càng nhiều, dẫn đến việc thúc đẩy các CP lên sàn lại là một bài toán khó. Nếu không có giải pháp, kịch bản dòng tiền chỉ quanh quẩn những CP cũ, trong khi số lượng CP giảm nhiều, còn số lượng CP mới lại ít, dẫn đến dòng vốn tham gia TTCK bị ách tắc.

Những CP mới xuất hiện trên sàn về sau “khủng” cả về quy mô lẫn chất lượng như PVGas (GAS) là rất ít. Thậm chí có trường hợp còn phải hạ chuẩn cho phù hợp với thực tế. Ngày 20-3, Quỹ Vietnam ETF đã mua vào hơn 2,5 triệu CP của PVX (Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam) để gia tăng tỷ lệ nắm giữ lên gần 24,5 triệu CP (tương đương 6,1% cổ phần PVX).

PVX thuộc nhóm CP có quy mô vốn hóa, vốn điều lệ lớn nhất tại HNX, nên lọt vào tầm ngắm của các quỹ ETF cũng là chuyện bình thường. Vấn đề ở đây PVX đang là CP bị kiểm soát do lỗ 2 năm liên tiếp. Có ý kiến cho rằng các ETF chỉ chọn tiêu chí vốn hóa, không để ý chuyện lời lỗ của PVX. Nhưng cũng có ý kiến nói do không có CP nào “ngang cơ” PVX để các quỹ ETF mua thay thế nên phải mua CP này.

Cứ giả sử, Petrolimex có vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng lên sàn, tất nhiên ảnh hưởng của Petrolimex sẽ vượt trội so với PVX do vốn điều lệ của PVX chỉ 4.000 tỷ đồng. Nhiều người than vãn CP BVH, GAS, MSN hay VNM “bá đạo” thị trường, khi chỉ cần những CP này tăng hoặc giảm mạnh là tác động đáng kể đến diễn biến của VN Index.

Như vậy, nếu có thêm những CP như BIDV lên sàn, ảnh hưởng của nhóm “bộ tứ” kia có thể giảm đi, lúc này thị trường sẽ thành “bộ ngũ” hay “bộ lục”… Điều đó có nghĩa càng nhiều công ty lớn niêm yết, ảnh hưởng của một công ty sẽ giảm xuống, chia đều cho các công ty, tạo sự cân bằng cho thị trường, qua đó cũng điều tiết dòng tiền tốt hơn.

Áp lực minh bạch

Tập đoàn Bảo Việt (BVH), VietinBank (CTG), Vietcombank (VCB) là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối, thậm chí rất lớn.

Với tình hình kinh tế cũng như TTCK hiện nay, những doanh nghiệp thực sự “cứng” hoặc “liều” mới niêm yết, còn lại sẽ chọn giải pháp phòng thủ, xem xét tình hình rồi mới tính đến chuyện lên sàn. Với các công ty lớn, đầu ngành, niêm yết trong thời điểm hiện nay sẽ phải chịu những áp lực rất lớn trong minh bạch, không chỉ thực hiện suông, đầy đủ nghĩa vụ mà phải hướng đến chuyên nghiệp. Vừa đối mặt với thách thức trong kinh doanh, vừa phải minh bạch chuyên nghiệp, cũng có thể tác động đến hoạt động kinh doanh, rõ ràng không dễ chút nào.

TS. Nguyễn Anh Tuấn,
Chuyên gia chứng khoán

Tuy nhiên, nếu nói về công tác minh bạch thông tin, quan hệ nhà đầu tư, BVH, CTG, VCB hiện nay thực hiện chuyên nghiệp không kém gì những công ty khác. Để đạt được điều này, cũng cần phải có quá trình.

Đầu năm ngoái, tức 3 năm sau khi lên sàn, BVH mới có những bước đầu tư rất mạnh trong công tác quan hệ NĐT, gặp gỡ báo giới, các quỹ đầu tư để chia sẻ thông tin. Hay như CTG cũng tổ chức khá nhiều buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo ngân hàng với các NĐT tổ chức, nhà báo chia sẻ thông tin, để từ đó tạo ấn tượng tốt trên thị trường.

Giả sử bây giờ BIDV lên sàn, tất nhiên NĐT sẽ so sánh BIDV với CTG, VCB, tức sẽ tạo sức ép rất lớn. Hay như Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), đã cổ phần hóa kể từ năm 2011, nhưng đến nay những thông tin liên quan đến hoạt động của công ty xuất hiện không quá dồi dào trên thị trường.

Nếu VNSteel lên sàn, tất yếu sẽ có sự so sánh về hiệu quả kinh doanh giữa tổng công ty với các công ty lớn khác trong ngành thép như Hòa Phát (HPG), Pomina (POM), Hoa Sen (HSG), SMC (SMC)… Thí dụ, nếu so về hiệu quả, dù VNSteel lớn nhưng chưa chắc đã “ăn đứt” các công ty còn lại.

Năm 2012 công ty lỗ hơn 340 tỷ đồng, trong khi HPG, POM, HSG hay SMC đều có lãi. Bản thân đối mặt với khó khăn ngành thép đã khó, nay phải đối mặt với áp lực cổ đông nếu tiến hành niêm yết, liệu VNSteel đã sẵn sàng.

Thực tế, việc niêm yết hay không là quyết định của doanh nghiệp, nhưng nếu xét trên tiêu chí công ty đại chúng, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các cổ đông, việc ngâm CP quá lâu không niêm yết sẽ tạo ra nhiều tác động không tích cực, không chỉ cho những cổ đông cần CP có thanh khoản, mà thị trường cũng sẽ “đói” những CP tốt, những doanh nghiệp hiệu quả để dòng tiền có thể chảy vào.

Thái Ca

——————

Sài Gòn Đầu tư tài chính 10-6-2013:

http://www.saigondautu.com.vn/pages/20130610/khoi-thong-dong-von-nguon-hang.aspx

(129/1.952)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,338