Huy động đóng cửa
(ANVI) – Doạnh nghiệp muốn làm ăn kinh doanh thì phải có mọi nguồn vốn huy động đông tây nam bắc, từ vay mượn, đóng góp đến tích cóp, lạm dụng, trong đó quan trọng hàng đầu là vốn từ việc bán cổ phần, trái phiếu cho người nhà và thiên hạ.
Để hạn chế rủi ro cho người ta từ trong nhà ra ngoài ngõ, pháp luật ắt phải có những đòi hỏi trói buộc, ngăn ngừa bừa bãi, lừa đảo, tào lao bí đao, không để muốn làm sao cũng được.
Rắn nhất là Bộ luật Hình sự 2015 quy định một trong những hình phạt đối với pháp nhân thương mại là cấm huy động vốn từ 1 – 3 năm các kiểu như: Vay vốn ngân hàng; phát hành, chào bán chứng khoán; huy động của khách hàng; liên doanh, liên kết trong và ngoài nước với 28 tội phạm.
Doanh nghiệp không được phép huy động thêm tiền để tiếp tục phạm tội hay gây ra rủi ro cho công chúng thì cũng đúng. Tuy nhiên, cấm tất và tiệt như trên thì Luật đã nhầm lẫn một cách quá đáng, dẫn đến tình trạng, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trầm trọng. Kể cả các thành viên, cổ đông không ngại hy sinh thân mình, chấp nhận sẵn sàng đổ tiền mua thêm cổ phần, trái phiếu, góp vốn cho công ty để trang trải nợ nần cũng không được phép.
Riêng quả phát hành trái phiếu, rất nhiều năm, tiếng kêu của thị trường mới được giải quyết. Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp trước kia quy định, phải có lãi mới được phát hành trái phiếu, thì Nghị định số 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01-02-2019 tới đã bỏ điều kiện này.
Ngày 16-01-2019