289. Sự thật và vốn ảo

Sự thật và vốn ảo

(KTSG) – Không có bất cứ lý do gì để biện minh cho việc dùng một số tiền nhỏ ban đầu chuyển vào, rút ra tới 18 lần để nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, rồi lừa bán cổ phiếu như giấy lộn cho nhà đầu tư kiếm lời 6.400 tỉ đồng.

Sự thật và vốn ảo

Từ chỗ pháp luật sơ hở

Cả bốn luật về doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014 và 2020, đều quy định trường hợp phát hành cổ phần, cổ phiếu (dưới đây gọi chung là cổ phiếu) lần đầu khi mới thành lập công ty được tiến hành sau khi đã đăng ký vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh (đồng thời đã được ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).

Luật Doanh nghiệp năm 1999 quy định các cổ đông có ba năm để hoàn thành việc mua bán cổ phiếu khi mới thành lập. Thế là tự dưng có ba năm trời vốn ảo vẫn được thừa nhận hợp pháp.

Những người hiểu chuyện như công ty kiểm toán, ngân hàng hay sở giao dịch chứng khoán thì không thể không biết khi soát xét phân tích tài chính doanh nghiệp.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì thời hạn mua bán cổ phiếu ban đầu này được rút xuống chỉ còn ba tháng, nhưng cũng như Luật Doanh nghiệp năm 1999, luật bắt phải giữ nguyên số vốn đăng ký, mà không cho phép giảm xuống.

Rồi mỗi lần tăng vốn điều lệ sau đó đều phải đăng ký trước, nhưng lại không quy định phải diễn ra trong thời gian bao lâu. Thế là tự dưng số vốn ảo đã được ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không biết bao giờ mới thành hiện thực.

Trên thực tế, phổ biến tình trạng, số vốn rất ít, thậm chí không có đồng nào, so với số vốn điều lệ đã đăng ký. Do đó, các “ông chủ” công ty thường tìm mọi cách “chế biến” con số vốn cổ phần khống, tức là số vốn điều lệ ảo, để tránh rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Đến lúc pháp luật kín kẽ

Luật Doanh nghiệp năm 2014 và 2020 đã có một số thay đổi cơ bản về việc ghi nhận vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu. Việc phát hành cổ phiếu lần đầu chỉ được diễn ra trong ba tháng, nếu hết hạn này mà không bán hết, thì phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ (trước đó không có quy định).

Việc phát hành thêm cổ phiếu thì khi nào đã bán xong thu tiền về, mới đăng ký thay đổi vốn điều lệ (đã thu được bao nhiêu thì đăng ký bấy nhiêu). Như vậy, đã chấm dứt tình trạng cứ thoải mái đăng ký một con số vốn điều lệ, sau đó tính tiếp.

Cụ thể là vốn điều lệ “ảo” ban đầu chỉ được phép tồn tại ba tháng (cộng thêm thời gian buộc phải làm thủ tục giảm vốn) thay vì ba năm và thực tế là muôn năm như vẫn xảy ra. Đồng thời, vốn điều lệ được tăng thêm sau đó thì không được phép “ảo” dù chỉ một ngày.

Do đó nếu như trước kia, không biết phải làm thế nào, thậm chí rất dễ rơi vào và rất khó thoát khỏi tình trạng vốn khống, vốn ảo, thì từ ngày 1-7-2015 trở đi, mọi hành vi nâng khống và duy trì cổ phiếu khống, vốn điều lệ ảo đều là cố tình vi phạm pháp luật. Đó là trách nhiệm của những người quản lý và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Không thể đổ lỗi cho pháp luật sơ hở hay cơ quan đăng ký kinh doanh như trước kia

Nhưng vẫn bất chấp pháp luật

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM quyết định hủy niêm yết hơn 567 triệu cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mà thực chất là của ông Trịnh Văn Quyết) từ ngày 5-9-2022, vì đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Người ta hay dùng các chiêu trò quay vòng đồng tiền, kèm theo những bút toán hạch toán như thật rằng, số tiền đó đã được nộp đủ, rồi đã được chi hết tạm ứng cho chiến hữu, cho cổ đông vay lại, đầu tư vào dự án, chuyển vốn cho công ty con, góp vốn vào doanh nghiệp sân sau… Với cách làm đó thì phù phép tăng vốn lên con số bao nhiêu cũng được.

Cơ quan điều tra Bộ Công an thì thông tin rằng, ông Quyết nâng khống vốn điều lệ ROS từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng trong các năm 2014-2016.

Đồng thời ông Quyết đã bán cổ phiếu để chiếm đoạt hơn 6.400 tỉ đồng. Người bị cáo buộc tội lừa đảo, tức là bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, nếu với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên, thì có thể bị phạt tù chung thân, theo quy định tại điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vốn của doanh nghiệp gồm nhiều loại theo các tiêu chí khác nhau như: vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư, vốn điều lệ, vốn huy động, vốn kinh doanh, vốn nhận ủy thác, vốn pháp định, vốn thực có, vốn tự có, vốn vay.

Pháp luật có thể bỏ quy định bắt buộc về vốn điều lệ, vì nó không phản ánh được thực chất năng lực tài chính của doanh nghiệp, theo kiến nghị của nhiều chuyên gia, nhưng công ty thì vẫn phải duy trì một thứ tương tự để làm căn cứ xác định tỷ lệ sở hữu cổ phiếu và quyền lợi của các cổ đông.

Người giữ vai trò khuynh đảo công ty mà muốn tăng vốn điều lệ, thì thậm chí họ có thể ghi thẳng vào sổ sách tài chính là đã góp đủ 4.300 tỉ đồng mà không hề bỏ ra đồng nào. Tuy nhiên, làm thế thì thô quá, kém quá và lộ liễu quá.

Vốn thì ảo, nhưng con số thì lại luôn thật. Tiền mặt hay tài sản thì có thể thất lạc đi đâu đó, chứ tiền trong sổ sách kế toán thì không thể vô cớ xuất hiện hay tự dưng biến mất, dù chỉ một đồng.

Vì vậy, người ta hay dùng các chiêu trò quay vòng đồng tiền, kèm theo những bút toán hạch toán như thật rằng, số tiền đó đã được nộp đủ, rồi đã được chi hết tạm ứng cho chiến hữu, cho cổ đông vay lại, đầu tư vào dự án, chuyển vốn cho công ty con, góp vốn vào doanh nghiệp sân sau… Với cách làm đó thì phù phép tăng vốn lên con số bao nhiêu cũng được.

Đó là cách nhanh chóng nhất, đơn giản nhất, dễ dàng nhất và phổ biến nhất để nâng khống vốn điều lệ. Đã hợp thức hóa được cái đó rồi, thì việc chốt lời chỉ còn là thời gian. Nếu gặp may xả hàng lúc cổ phiếu vọt giá 180.000 đồng thì có thể còn kiếm chác được gấp nhiều lần. Nếu không đủ gan hay không quẫn bách thì sau khi thu lời được hơn 6.400 tỉ đồng, sẽ hoàn lại 4.300 tỉ đồng để tẩy xóa dấu vết.

Tuy nhiên, việc đó chỉ có thể lừa bịp những người không biết gì hay là các cổ đông không có điều kiện để biết. Còn những người hiểu chuyện như công ty kiểm toán, ngân hàng hay sở giao dịch chứng khoán thì không thể không biết khi soát xét phân tích tài chính doanh nghiệp. Vấn đề lớn hơn cần có lời giải là tại sao ROS có thể dễ dàng được niêm yết trên sàn giao dịch và đã từng khuynh đảo cả thị trường.

Và câu chuyện trên không thể đổ thừa là việc lợi dụng sự sơ hở hay do sự bất cập của luật pháp, mà phải gọi thẳng là những hành vi bất chấp pháp luật.

Luật sư Trương Thanh Đức 

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

————

Kinh tế Sài Gòn 02-9-2022:

https://thesaigontimes.vn/su-that-va-von-ao/

(1.413)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,930