29. Về bản chất của hợp đồng tín dụng.

Về bản chất của hợp đồng tín dụng.

(TCNH) – Tạp chí Ngân hàng số 14, tháng 7-1998, có đăng bài: “Hợp đồng tín dụng: kinh tế hay dân sự?” của tác giả Mai Anh. Tôi xin trao đổi về một số quan điểm pháp lý mà tác giả đã nêu trong bài viết:

“Đa số các khoản tín dụng của NHTM đều nhằm mục đích kinh doanh đối với cả hai bên vay và cho vay (trừ cho vay tiêu dùng) nên hợp đồng tín dụng (HĐTD) được liệt vào nhóm các HĐKT”;

“Với mục 4, chương II: “Hợp đồng vay tài sản”, BLDS đã mặc nhiên công nhận HĐTD là một HĐDS”;

“Không có lý do gì để viện dẫn Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế về thời hiệu để trả lại đơn kiện hoặc đình chỉ vụ kiện của NHTM”;

“HĐTD hay HĐKT cũng chỉ là một trong các dạng của giao dịch dân sự được xác lập thông qua hợp đồng của các chủ thể trong nền kinh tế và các tranh chấp phải được xử lý trên cơ sở tham chiếu văn bản pháp luật cao nhất là BLDS”.

Tóm lại, tác giả bài viết cho rằng: Trước kia, HĐTD là hợp đồng kinh tế (HĐKT), còn đến nay thực chất chỉ là một hợp đồng dân sự (HĐDS).

Vậy, HĐTD là HĐKT hay HĐDS và sau khi có Bộ luật Dân sự, nó có thay đổi bản chất pháp lý không?

Trước hết, tôi đồng ý với nhận xét của tác giả trong bài viết: “Dù được xây dựng thành một ngành luật chuyên biệt để điều chỉnh các hành vi kinh tế nhưng suy cho cùng, về mặt bản chất, phạm vi điều chỉnh của Pháp luật kinh tế cũng thuộc một trong các phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự và HĐKT chỉ là một dạng của HĐDS mà thôi”. Hay nói cách khác, không nên để tiếp tục tồn tại một ngành luật kinh tế độc lập như lâu nay. Tuy nhiên, luật pháp bao giờ cũng là luật pháp. Hiện nay, song song với HĐDS, chúng ta vẫn buộc phải thừa nhận sự tồn tại hoàn toàn độc lập của HĐKT.

Đúng là, trước kia đa số các khoản cho vay của Ngân hàng thương mại đều vì mục đích kinh doanh, nhưng không thể căn cứ vào đó để kết luận rằng HĐTD “được liệt vào nhóm các HĐKT”. Để xác định được HĐTD có phải là một HĐKT theo quy định của Pháp lệnh HĐKT năm 1989 hay không, phải căn cứ vào 3 dấu hiệu chủ yếu sau đây:

Về mặt hình thức: HĐKT phải được thể hiện bằng văn bản. HĐTD đã hoàn toàn đáp ứng được điều kiện này, tức là chỉ có khái niệm “ký kết”, mà không có khái niệm “giao kết” HĐTD như đối với HĐDS.

Về mục đích ký kết: HĐKT phải nhằm mục đích kinh doanh. Về phía các Tổ chức tín dụng (TCTD), thì mục đích kinh doanh đã rõ, vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào phía khách hàng vay tiền. Nếu bên vay không nhằm mục đích kinh doanh (trường hợp đặc biệt, có thể không nhằm mục đích kinh doanh, nhưng cũng không được nhằm mục đích tiêu dùng), thì HĐTD đó sẽ là HĐDS, chứ không thể là HĐKT.

Về chủ thể hợp đồng: Một trong hai bên chủ thể của HĐKT phải có tư cách pháp nhân. Bên TCTD nói chung, bao giờ cũng có tư cách pháp nhân. Còn bên vay tiền phải là pháp nhân hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh thì HĐTD mới trở thành HĐKT, nếu không cũng sẽ chỉ là HĐDS.

Vấn đề vướng mắc chỉ là ở chỗ, thế nào là “cá nhân có đăng ký kinh doanh”? Theo hướng dẫn của Trọng tài Kinh tế Nhà nước trước đây, “cá nhân có đăng ký kinh doanh” bao gồm cả những đối tượng có “giấy phép kinh doanh” do UBND huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp. Sau khi Toà kinh tế ra đời thay thế vai trò của Trọng tài, thì TAND Tối cao đã căn cứ vào Pháp lệnh HĐDS năm 1991 và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994, có hai Công văn số 442/KHXX ngày 18-7-1994 và số 11/KHXX ngày 23-1-1996, hướng dẫn rõ: “cá nhân có đăng ký kinh doanh” chỉ là các doanh nghiệp tư nhân, mà không bao gồm các đối tượng có “giấy phép kinh doanh” như hướng dẫn của Trọng tài Kinh tế. Tức là có rất nhiều HĐTD mà trước đó vẫn được coi là HĐKT, thì đến thời gian này chỉ còn được coi là HĐDS.

Sau khi Bộ luật Dân sự năm 1995 có hiệu lực, huỷ bỏ Pháp lệnh HĐDS, TAND Tối cao và VKSND Tối cao đã ban hành Thông tư liên ngành số 04/TTLN, ngày 26-8-1996, hướng dẫn khái niệm “cá nhân có đăng ký kinh doanh” cũng chính là “cá nhân có giấy phép kinh doanh”. Như vậy chủ thể của HĐKT lại được hiểu đúng như trước khi có Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.

Tóm lại, hiện nay HĐTD sẽ là một HĐKT khi khách hàng vay tiền (không vì mục đích tiêu dùng) là các pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân hoặc các cá nhân khác có giấy phép kinh doanh theo Nghị định 66-HĐBT ngày 2-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Những trường hợp còn lại, HĐTD sẽ là một HĐDS.

Nhân đây, cũng xin trao đổi thêm với tác giả bài viết “Về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng”đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 19 tháng 10-1998. Tác giả đã căn cứ vào quy định của Pháp lệnh HĐDS cũng như các Công văn 442 và 11/KHXX nói trên của TAND giải thích rằng HĐTD mang tính chất dân sự khi: “đó là hợp đồng giữa ngân hàng với cá nhân không phải là doanh nghiệp tư nhân, khi có tranh chấp thì do tòa dân sự giải quyết”. Nhưng theo Bộ luật Dân sựThông tư liên ngành 04/TTLN nói trên, thì hướng dẫn tại các văn bản đó đã không hòn hiệu lực. Kể từ ngày 26-8-1996 đến nay, các HĐTD mà người vay là mọi cá nhân có giấy phép kinh doanh và vay tiền không vì mục đích tiêu dùng, thì vẫn là HĐKT.

Hiện nay, việc giao kết và thực hiện HĐDS được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, còn việc ký kết và thực hiện HĐKT vẫn được thực hiện theo Pháp lệnh HĐKT. Tất nhiên, việc giải quyết tranh chấp về HĐDS phải tuân theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989, còn việc giải quyết tranh chấp về HĐKT vẫn phải tuân theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế. Không thể mang các quy định về HĐDS của Bộ luật Dân sự để điều chỉnh các quan hệ HĐKT chỉ vì nó là văn bản pháp lý có giá trị cao hơn. Bộ luật Dân sự và 3 Pháp lệnh kể trên là các văn bản pháp lý có giá trị hoàn toàn độc lập và không thể thay thế hoặc áp đặt cho nhau.

Cả về mặt pháp lý cũng như thực tế, từ khi có Pháp lệnh HĐKT đến nay, không bao giờ có thể quy kết được rằng HĐTD chỉ là HĐKT hoặc chỉ là HĐDS . HĐTD có thể là HĐKT hoặc HĐDS, tuỳ thuộc vào việc có đáp ứng được các điều kiện về mục đích và chủ thể hợp đồng như phân tích ở trên hay không.

Như vậy, mỗi khi ký HĐTD, các ngân hàng buộc phải xem xét nó thuộc loại hợp đồng gì. Không thể cho rằng trước kia “HĐTD là HĐDS hay HĐKT cũng không có gì quan trọng”. Có xác định được là HĐKT hay HĐDS thì mới có thể xác định được văn bản pháp luật nào cần áp dụng, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo luật định,…

Nếu HĐTD là HĐKT thì phải căn cứ vào Pháp lệnh HĐKT, không thể căn cứ vào Bộ luật Dân sự (hay Pháp lệnh HĐDS trước kia) và phải khởi kiện ra Toà kinh tế, theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, không thể kiện ra Toà dân sự.

Và đương nhiên, nếu HĐTD là HĐDS thì phải viện dẫn Bộ luật Dân sự,  không thể căn cứ vào Pháp lệnh HĐKTvà phải khởi kiện ra Toà dân sự, theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, không thể đưa ra Toà kinh tế (hay Trọng tài Kinh tế Nhà nước trước kia).

Điều bất hợp lý lớn nhất, có lẽ chính là ở chỗ, thời hiệu khởi kiện vụ án kinh tế chỉ có 6 tháng, còn thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì lại không có quy định. Trong khi đó, hết thời hiệu khởi kiện kinh tế, thì TCTD không được quyền khởi kiện theo thủ tục dân sự nữa. Tuy nhiên, nếu đã quá 6 tháng, kể từ ngày phát sinh tranh chấp về HĐTD, mặc dù Toà án không giải quyết tranh chấp HĐKT nhưng vẫn nhận thụ lý để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ do các bên đã thoả thuận. Theo Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 7-1-1995 của TAND Tối cao và VKSND Tối cao thì trường hợp này, tuỳ theo tính chất, nội dung thoả thuận và yêu cầu cụ thể mà xác định đó là vụ án kinh tế hay vụ án dân sự. Như vậy, nếu các ngân hàng thực hiện đúng chế độ tín dụng và nắm vững luật pháp thì cũng chẳng quá lo việc hết thời hiệu khởi kiện.

Việc xác định HĐTD là HĐKT hay HĐDS còn liên quan đến việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng (thế chấp, cầm cố, bảo lãnh,…) theo quy định của Pháp lệnh HĐKT hay của Bộ luật Dân sự, mà hiện nay không phải đã hoàn toàn giống nhau. Ngoài ra, đối với những HĐTD là HĐKT thì các ngân hàng còn có thể lựa chọn cách thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan Trọng tài Kinh tế (Trọng tài phi chính phủ) hoạt động theo NĐ 116-CP ngày 5-9-1994 của Chính phủ, mà theo Chương trình xây dựng pháp luật năm 1998, sẽ được nâng lên thành Pháp lệnh Trọng tài Thương mại.

Có lẽ chỉ có một điểm chung giữa HĐKT và HĐDS là: Sau khi được xét xử ở Toà án, thì việc thi hành án đều được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993.

Theo Chương trình xây dựng pháp luật năm 1998, thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ thông qua Pháp lệnh HĐKT mới. Và như vậy, trong tương lai, HĐTD cũng vẫn sẽ tiếp tục có thể là một HĐKT hay một HĐDS, cũng giống như theo Luật các TCTD, thì các TCTD có thể là một doanh nghiệp nhà nước, là một công ty cổ phần hay là một hợp tác xã.

Tuy nhiên, với những đặc thù của hoạt động kinh doanh tiền tệ, hợp lý nhất là: HĐTD phải được xây dựng thành một chế định hợp đồng riêng biệt, giống như Hợp đồng ngoại thương, không hề phụ thuộc vào chế độ HĐKT hay HĐDS; cũng như đáng lý, các TCTD phải được thiết kế thành một loại hình doanh nghiệp độc lập, không phụ thuộc vào các loại hình doanh nghiệp theo 5 luật doanh nghiệp hiện nay, cũng giống như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, rõ ràng là loại hình Công ty TNHH nhưng lại hoàn toàn không chịu sự điều chỉnh của Luật Công ty.

Nhưng, Luật các TCTD có hiệu lực từ 1-10-1998 đã không đáp ứng được cả hai điều mong muốn đó. Và như vậy thì đương nhiên, hoạt động của các TCTD nói chung và việc thực hiện HĐTD nói riêng sẽ còn phải phụ thuộc nhiều vào các văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam.

——————————————————————-

Bài viết đã đăng Tạp chí Ngân hàng số 10/1998:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,769