290. Bình luận về việc sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế.

(ANVI) – Hội thảo VCCI                                                                                                Hà Nội 14-9-2017

 

Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế tài nguyên, Thuế thu nhập doanh nghiệp Thuế và thu nhập cá nhân

Thuế là nghĩa vụ quan trọng nhất của cá nhân và pháp nhân đối với Nhà nước, cần phải được quy định một cách đầy đủ, cụ thể, rõ ràng trong luật, chứ không nên duy trì mãi tình trạng luật khung, luật ống, dẫn đến đôi khi thực chất có bị đánh thuế hay không và thuế cao hay thấp lại không phải là theo quy định của Quốc hội, mà lại theo hướng dẫn của Chính phủ và theo giải thích của Bộ Tài chính.

 1. Một số vấn đề chung:

 1.1. 5 Luật thuế dự kiến được sửa đổi, bổ sung (Luật thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế tài nguyên, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập cá nhân) đều đã được ban hành gần 10 năm (từ 2007 – 2009) và đều đã được sửa đổi, bổ sung từ 1 – 3 lần. Các Luật thuế đều rất ngắn gọn, chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản, còn chủ yếu là phụ thuộc vào các nghị định, thông tư hướng dẫn.

1.2. Cùng với 5 Luật trên, còn 5 Luật khác về thuế (Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Quản lý thuế), ngoài ra còn có thể có Luật Thuế tài sản. 26 năm trước đây Pháp lệnh Thuế nhà đất năm 1991 đã từng quy định thu thuế đối với tài sản là nhà đất (thuế suất 0,3% giá tính thuế/năm đối với nhà và 0,5% giá trị thuế/năm đối với đất), nhưng sau đó đã bị dừng thi hành. Vì vậy, cần nghiên cứu phương án soạn thảo một Bộ luật thuế chung.

1.3. Cần xác định rõ 2 đối tượng nộp thuế là cá nhân và pháp nhân, trong đó cá nhân bao gồm cá nhân (thể nhân), hộ kinh doanh, hộ gia đình và các đối tượng khác không phải là pháp nhân. Còn pháp nhân bao gồm các doanh nghiệp, trừ doanh nghiệp tư nhân, các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân.

1.4. Cần tính đến giải pháp quản lý thực tế hợp lý, tránh nguy cơ biến một số khoản thuế thu nhập thành thuế giá trị gia tăng, thậm chí quay trở lại hình thức thuế doanh thu như trong thời gian vừa qua. Chẳng hạn thuế chuyển nhượng chứng khoán hoặc phần vốn góp hay thuế chuyển nhượng bất động sản, thay vì nộp thuế thu nhập, tức là thu thuế dựa theo lợi nhuận, thì lâu nay đã chuyển thành nộp thuế doanh thu, tức là thu thuế dựa theo tổng số giá trị chuyển nhượng. Hay thuế thu nhập đối với nhà thầu nước ngoài và các pháp nhân không phải là doanh nghiệp (theo Luật hiện hành và đặc biệt là theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung).

1.5. Các vấn đề cần sửa đổi được nêu ra chưa thể hiện rõ được quan điểm thứ 3 “Việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh”

2. Thuế giá trị gia tăng:

2.1. Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu thụ, đặc biệt là người tiêu dùng cuối cùng, tuy nhiên vẫn ảnh hưởng tăng chi phí, giảm lợi nhuận trực tiếp đến doanh nghiệp nói riêng và nền sản xuất kinh doanh nói chung.

2.2. Cần giải quyết vấn đề thu đúng, thu đủ, công bằng để chống thất thu thay vì tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 11% hoặc 12%.

2.3. Không nên áp các mức thuế suất khác nhau, mà nên áp dụng thống nhất 1 mức thuế suất 10% để bảo đảm sự đơn giản, công bằng, thuận tiện trong việc áp dụng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đan xen nhau đồng thời cũng tránh việc lợi dụng trốn thuế, lách thuế.

3. Thuế tiêu thụ đặc biệt:

3.1. Thuế tiêu thụ đặc biệt, đánh để “điều tiết tiêu dùng”, thực chất là hạn chế tiêu dùng, là không khuyến khích tiêu dùng. Tuy nhiên cần xem xét xác định lại lý do của việc điều tiết, hạn chế tiêu dùng, vì nguy hiểm, độc hại hay vì xa xỉ, lãng phí hay vì lý do gì khác? Nếu vì sự nguy hiểm độc hại, thì đã đánh thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, “xăng các loại” vừa bị đánh thuế bảo vệ môi trường, vừa bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý. Nếu vì sự xa xỉ, lãng phí thì chỉ phù hợp đối với nền kinh tế bao cấp ngày xưa, mà không đúng với nền kinh tế thị trường, khuyến khích tự do sản xuất, kinh doanh đồng thời với việc khuyến mại, khuyến khích tiêu dùng.

3.2. Trong nền kinh tế hàng hóa thị trường, nguy cơ lớn nhất của kinh doanh là không bán được hàng, thì cần loại bỏ các hàng hóa như “điều hoà nhiệt độ”, “tàu bay” (chở khách), ô tô (nhất là chở khách), “xăng các loại” (dự kiến bổ sung),… khỏi đối tượng thu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tương tự cũng cần loại bỏ các dịch vụ “kinh doanh mát-xa”, “ka-ra-ô-kê” ra khỏi đối tượng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, vì cần được coi đó là dịch vụ chăm sóc sức khỏe hữu ích, bình thường, thậm chí bình dân và dịch vụ văn hóa bổ ích, phổ biến, đời thường.

3.3. Cũng không thể vin vào lý do giảm thuế nhập khẩu thì phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Vậy thì cam kết quốc tế còn có ý nghĩa gì, khi mà cam kết giảm thuế, nhưng thực chất vẫn giữ nguyên?

4. Thuế thu nhập doanh nghiệp:

4.1. Việc sửa đổi quy định khấu trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế đối với hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, là hợp lý.

4.2. Chi phí của doanh nghiệp này là thu nhập của cá nhân và pháp nhân khác, vì vậy cần được thừa nhận một cách tối đa. Vấn đề là chống gian lận, gian dối, chứ không phải là việc can thiệp vào quyền tự do kinh doanh hay yêu cầu tiết kiệm chi phí kinh doanh, vì đó là việc của doanh nghiệp.

4.3. Việc khống chế chi phí được trừ đối với chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (vốn mỏng) là không hợp lý, nếu như đó là chi phí cần thiết, hợp lý. Luật thuế không nên làm thay chức năng của các luật khác nhằm bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn của ngành ngân hàng, tỷ lệ an toàn tài chính cho doanh nghiệp, gia tăng nợ xấu,… Cần loại bỏ những quy định loại trừ các khoản chi phí hợp pháp, hợp lệ, thực tế nói chung và chi phí trả lãi tiền vay nói riêng để tránh tình trạng, doanh nghiệp không có lãi, thậm chí bị lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập.

4.4. Không nên áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp khác nhau 15 – 17 – 20% theo quy mô doanh thu, lao động, vì phức tạp, không hợp lý, không có nhiều ý nghĩa thực tế, dễ bị gian lận, lợi dụng, vô tình khuyến khích doanh nghiệp duy trì quy mô nhỏ, khó phát huy được lợi thế hiệu quả, cạnh tranh.

5. Thuế thu nhập cá nhân:

5.1. Ngoải việc bổ sung khoản thuế thu nhập từ “tiền lãi cho vay” của cá nhân, cần phải quy định thêm việc đánh thuế đối với tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng tại các tổ chức tín dụng khi vượt một mức nhất định, chẳng hạn cao hơn 2 lần mức thuế khởi điểm mức thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân (tính theo năm).

5.2. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập bất thường, cần tính theo từng khoản thu nhập, không cộng dồn, tránh phức tạp, thu không được bao nhiêu.

5.3. Tương ứng với các mức lương tối thiểu là 540.000 – 600.000 đồng vào đầu năm 2008, 1.050.000 – 2.350.000 đồng vào đầu năm 2013 và hiện nay là 1.300.000 – 3.750.000 đồng , mức thu nhập khởi điểm chịu thuế từ 4 triệu đồng/tháng áp dụng từ năm 2008, đã được tăng lên 9 triệu đồng/tháng từ năm 2013 và được dự kiến tăng lên 10 triệu đồng/tháng từ năm 2019 là không đúng với bản chất của thuế thu nhập cá nhân, mà là giống với thuế thu nhập cao trước năm 2008.

5.4. Cần giảm 7 mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân hiện hành (5 – 10 – 15 – 20 – 25 – 30 – 35%) và 5 mức theo đề xuất sửa đổi (5 – 10 – 20 – 25 – 35%) xuống 3 mức (5 – 10 – 20%). và giảm mức thấp cao nhất 35% xuống bằng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 20%

5.5. Có nhiều khoản thu nhập tính thuế riêng, không tính vào thu nhập chung như bán bất động sản, chứng khoán,… Nhưng thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên thì lại phải cộng dồn cả năm để tính thuế, quá phức tạp, không được bao nhiêu. Vì vậy cần quy định các khoản thu nhập bất thường, nhất là các khoản nhỏ lẻ, tính theo biểu thuế riêng để đỡ phức tạp, tránh tình trạng hiện nay phải theo dõi, tính toán, khẩu trừ mỗi khoản từ 2 triệu đồng trở lên, thậm chí các khoản 500.000 đồng không bị khẩu trừ thuế tại nguồn, nhưng cũng vẫn phải cộng dồn để quyết toán thuế cuối năm. Trong khi các khoản thu nhập bất thường từ nhuận bút, nghiên cứu khoa học có thể phải chịu thuế 20 – 30% (do đã có các khoản thu nhập khác), thì thuế thu nhập đối với các khoản trúng thưởng hiện nay dù hàng trăm tỷ đồng cũng chỉ phải nộp 10% là quá bất công. Dự kiến sửa đổi Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập tính thuế từ trúng thưởng đến 5 tỷ đồng chỉ phải nộp thuế 10%, trên 5 – 10 tỷ đồng là 20% và trên 10 tỷ đồng là 20% cũng vẫn là quá bất hợp lý

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, phòng 406, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,759