(ANVI) – Đáp lại những băn khoăn, trong đó có nhiều lời lẽ rất rừng rú, về việc đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với khoản lãi tiền gửi ngân hàng.
2. Tôi không dại đề xuất việc đánh thuế thu nhập với các khoản thu nhập lãi tiết kiệm thấp cỡ 2 lần khởi điểm đánh thuế thu nhập, mà theo ý sửa đổi của Bộ Tài chính là cỡ dưới 240 triệu đồng/năm. Và đề xuất đánh thuế tính riêng khoản thu nhập này, chứ không nhập chung với lương lậu được miễn thuế thu nhập 108 triệu, dự kiến 120 triệu/năm từ 2019. Tức là nôm na, anh có thu nhập cỡ 360 triệu đồng/năm trở lên mới tính chuyện đánh thuế vào khoản lãi ngân hàng phần trên đó.
2. Chính sách, pháp luật thuế còn nhiều bất cập. Cá nhân bán nhà, chuyển nhượng chứng khoán dù lỗ thì hầu như vẫn phải nộp thuế thu nhập theo quy định hiện nay, trong khi lãi tiền gửi tiền tỷ thì lại miễn thuế? Không phải chỉ tiền gửi tiết kiệm, mà là cả thu nhập từ tiền gửi khác như hợp đồng tiền gửi hay mua trái phiếu, kỳ phiếu ngân hàng. Thu nhập tiền lương của cá nhân cộng với hầu hết các khoản thu nhập khác, có khi phải nộp thuế đến 35% (thu nhập của doanh nghiệp chỉ đánh không quá 20%, trong khi những năm 1990 lên tới 50%, chưa kể đánh bổ sung 30%).
3. Bên cạnh gửi tiết kiệm, Nhà nước cũng khuyến khích mang đi góp gốn, mua cổ phần. Thu nhập từ các khoản này nói chung, từ cổ tức ngân hàng nói riêng thì 1 đồng cũng bị đánh thuế thu nhập 5% (điển hình của việc thuế chồng lên thuế nhá). Đen đủi thì nhiều năm còn chẳng có lãi, thậm chí mất tất cả vì ngân hàng 0 đồng hay doanh nghiệp phá sản. Thu lãi cỡ vài trăm triệu trở lên, mà nộp 5% (hưởng 1 tỷ tiền lãi, phải nộp 50 triệu), bằng với mức thuế cổ tức thì chuyện gì sẽ xảy ra? (trong khi thu nhập từ tiền lương và gần như tất cả các khoản khác cộng lại ở mức này đang bị đánh thuế khoảng 20%, nếu cao nữa thì có thể lên tới 35%).
4. Đề xuất đánh thuế theo năm, kết quả là nếu gửi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng suốt năm này qua năm khác, thu lãi hằng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ, thì là đại gia, là kinh doanh chứ khó khăn, nghèo khổ và sinh kế nỗi gì? Lưu ý là hàng chục điểm kiến nghị về các Luật thuế, trong đó có đề nghị giữ nguyên 10% VAT vì người nghèo, bên cạnh đề xuất giảm cái này, tăng cái nọ.
5. Hoàn toàn ủng hộ quan điểm khuyến khích gửi tiết kiệm nên không đánh thuế thu nhập từ thu nhập lãi. Nhưng hợp lý hơn, thì phải khuyến khích người có nhiều tiền chuyển sang đầu tư, kinh doanh, chứ sao lại khuyến khích gửi ngân hàng? Nếu chỉ nhấn mạnh khuyến khích gửi ngân hàng thì phù hợp hơn với thời bao cấp (cấm kinh tế tư nhân), không phải là thời kinh tế thị trường và tự do dinh doanh. Còn ai coi đó là khởi nghiệp, là kênh chính để đầu tư kinh doanh thì nên nghĩ đến con số 5% cho số tiền lãi cao như trên.
6. Nếu vì đánh thuế 5% thu nhập tiền gửi tiết kiệm (lưu ý là chỉ đối với số lãi lớn). Người giàu không gửi tiết kiệm mà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, trái phiếu, cho vay,… thì quá tốt. Tiền gửi ngân hàng thì mục tiêu cuối cùng cũng là cho vay sản xuất, kinh doanh mà thôi. Có đánh thuế 5% thì cũng chỉ dịch chuyển nhẹ nhàng và từ từ dòng tiền, chứ ai ngu gì từ bỏ khoản lợi nhuận 95% còn lại mà lo bò trắng răng?
7. Nếu vì đánh thuế tiền lãi tiết kiệm mà người ta phân nhỏ thành các khoản tiền gửi không quá 4 tỷ đồng tại mỗi ngân hàng thì cũng chẳng gây ra điều gì ghê gớm. Thậm chí còn có thêm công bằng, hy vọng cho ngân hàng nhỏ và an toàn hơn cho chính người gửi tiết kiệm (không giàu), vì người gửi chỉ được bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng./.