292. Bình luận về các chủ thể quan hệ dân sự là tổ chức không có tư cách pháp nhân.

(ANVI) – Hội thảo Viện nghiên cứu Pháp luật & Kinh tế ASEAN + Vụ Pháp luật Dân sự, Kinh tế Hà Nội 12-12-2017    

 

1. Các chủ thể là tổ chức phi pháp nhân:

1.1. Các Bộ luật Dân sự năm 1995, 2005 và 2015 quy định về các chủ thể pháp lý và giao dịch dân sự, để áp dụng cho mọi quan hệ dân sự nói chung, bao gồm cả hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật không chỉ có Bộ luật Dân sự quy định về chủ thể và giao dịch dân sự.

1.2. Pháp luật hiện hành quy định về nhiều chủ thể (thực thể pháp lý) không phải là pháp nhân, nhưng cũng không đơn thuần là một cá nhân, mà là một tổ chức, gồm tập hợp một hoặc một số cá nhân, ví dụ như:

  • Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo theo Luật Giáo dục năm 2005;
  • Văn phòng luật sư theo Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012);
  • Quỹ đầu tư chứng khoán (một số loại) theo Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010).
  • Văn phòng giám định tư pháp theo Luật giám định tư pháp năm 2012;
  • Hộ gia đình theo Luật Đất đai năm 2013;
  • Doanh nghiệp tư nhân theo Luật Doanh nghiệp năm 2014;
  • Hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp năm 2014;
  • Tổ hợp tác theo Luật Kế toán năm 2015;
  • Văn phòng thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội năm 2015;
  • Nhà thuốc theo Luật Dược năm 2016;
  • Chùa, nhà thờ theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016;
  • Doanh nghiệp đấu giá tư nhân theo Luật Đấu giá năm 2016;….

1.3. Ý kiến đề cập đến các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chi nhánh hay văn phòng đại diện công ty là không chính xác, vì bản chất nó là đơn vị phụ thuộc pháp nhân. Vì vậy, không có vướng mắc gì khi áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Đối với nhà thầu hay thương nhân thì có thể là cá nhân, pháp nhân hay tổ thức khác không có tư cách pháp nhân. Vì vậy, nó là loại chủ thể nào thì sẽ quy đổi về loại đó.

1.4. Cũng cùng được coi bản chất là cá nhân, nhưng rất nhiều quy định của pháp luật chỉ cho phép doanh nghiệp tư nhân, chứ cá nhân không được đầu tư kinh doanh. Chẳng hạn như khoản 1, Điều 10 về “Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản”, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định, doanh nghiệp tư nhân được kinh doanh bất động sản, còn cá nhân hay hộ kinh doanh, hộ gia đình không được kinh doanh bất động sản. Điểm b, khoản 1, “Điều 9 về “Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định các khoản chi từ 20 triệu đồng trở lên phải giao dịch thông qua ngân hàng mới được công nhận là khoản chi hợp pháp. Vì vậy, nếu ngân hàng không cho doanh nghiệp tư nhân giao dịch tài khoản thì gần như đồng nghĩa với việc phải xoá bỏ các doanh nghiệp tư nhân và nhiều thực thể pháp lý khác.

2. Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự:

2.1. Việc Bộ luật Dân sự năm 2015 bỏ chủ thể tổ chức không có tư cách pháp nhân, quy định chỉ còn 2 loại chủ thể tham gia quan hệ dân sự là cá nhân và pháp nhân là hoàn toàn cần thiết và hợp lý. Đã không phải là cá nhân hoặc pháp nhân thì không có bất kỳ lý do gì để tồn tại tư cách tham gia giao dịch dân sự. Vì vậy, Điều 101 về “Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định như sau “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Như vậy, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư,… thì không phải là chủ thể tham gia quan hệ dân sự. Do vậy, chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự không phải là tổ chức, mà là các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ doanh nghiệp tư nhân, trưởng văn phòng luật sư và các thành viên khác thuộc tổ chức không có tư cách pháp nhân.

2.2. Tuy nhiên, các tổ chức có và không có tư cách pháp nhân như đã nêu trên đã được quy định trong hàng trăm đạo luật khác nhau trong suốt nửa thế kỷ qua cũng như trong tương lai, nên không thể bỏ đi hoặc một số có thể sẽ được bỏ đi (như tổ hợp tác, hộ gia đình, hộ kinh doanh,…) thì cũng phải cần thời gian nhiều năm nữa. Ngay chính Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có lỗi kỹ thuật dẫn đến chưa bỏ chủ thể trên được. Đó là, Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh”, thì loại bỏ chủ thể tổ chức không có tư cách pháp nhân, tức là loại bỏ chủ thể hộ gia đình. Nhưng Điều 344 về “Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị – xã hội”, thì lại quy định “Tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật”, tức là phải cho vay hộ gia đình chứ không phải là cho thành viên hộ gia đình vay vốn.

2.3. Vì vậy, về nguyên tắc, việc quy định hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không phải là chủ thể tham gia giao dịch tài khoản và vay vốn tại hai Thông tư số 32 và 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là không trái với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, điều này mới chỉ mới đúng một nửa, tức là phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015, nhưng lại trái ngược, vô hiệu hoá nhiều Luật khác và tạo ra sự rắc rối, rủi ro, thậm chí bế tắc.

 3. Giải pháp xử lý:

3.1. Pháp nhân có nhiều dạng khác nhau, bao gồm pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại, gồm cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế,… Tổ chức kinh tế lại bao gồm quỹ đầu tư, hợp tác xã, doanh nghiệp,… Doanh nghiệp lại bao gồm công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty TNHH. Công ty TNHH lại bao gồm công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Tương tự khi giao dịch với cá nhân, không nên hiểu một cách đơn giản, cứng nhắc, máy móc lả chỉ có 1 cá nhân là thể nhân hay cá thể. Cá nhân, ngoài là 1 cá nhân (thể nhân), còn có thể là một thực thể pháp lý mà thành viên bao gồm một hoặc một số cá nhân nhóm cá nhân như đã nêu tại Mục 1.2 nêu trên.

3.2. Khi giao dịch với pháp nhân cũng đã chấp nhận nhiều tên gọi rất khác nhau như “tập đoàn”, “tổng công ty” không có tư cách pháp nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì khi giao dịch với cá nhân cũng cần chấp nhận tương tự các tên gọi đã được pháp luật định danh. Vì vậy, cần phải giữ nguyên tên gọi các thực thể pháp lý theo quy định của pháp luật trong giao dịch, nhưng xử lý bản chất pháp lý với chúng như với cá nhân, chứ không phải đương nhiên là các chủ thể dân sự như trước kia. Việc này vừa đúng với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, vừa hoàn toàn phù hợp với hàng trăm đạo luật và hàng nghìn văn bản dưới luật khác, đồng thời không gây ra sự xung đột, khó khăn, cản trở, vướng mắc gì cho khách hàng, ngân hàng và cá nhân, pháp nhân khác. Việc bỏ giao dịch với các tổ chức không có tư cách pháp nhân là đúng (vì phải ký với một hoặc tất cả các thành viên của tổ chức ấy), nhưng bỏ tên gọi đã được định danh hợp pháp là sai lầm pháp lý và rất không hợp lý. Điều này cũng giống như việc Thông tư 33/2017/BTNMT quy định, khi cấp Sổ đỏ cho hộ gia đình sử dụng đất, thì vẫn phải ghi tên là “hộ gia đình”, mà không bỏ được theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nhưng đồng thời lại phải ghi cụ thể các thành viên của Hộ gia đình theo quy định tại Điều 101 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

3.3. Bộ luật Dân sự quy định về nội dung & bản chất của chủ thể quan hệ pháp luật, còn các luật khác chỉ quy định về hình thức & tên gọi của các chủ thể giao dịch. Vì vậy yêu cầu đặt ra là phải kết hợp được đồng thời cả 2 khía cạnh để xử lý đúng tư cách vay vốn, mở tài khoản và giao dịch khác.

3.4. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành,… cần chấm dứt việc quy định các chủ thể là tổ chức, mà cần thay bằng pháp nhân trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong trường hợp vẫn còn các tổ chức không có tư cách pháp nhân, thì cần xác định rõ bản chất tham gia quan hệ dân sự và hành chính với tư cách cá nhân. Trước mắt, đề nghị Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính,… cần giữ nguyên tên gọi các tổ chức không có tư cách pháp nhân cho đến khi nào được các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bãi bỏ.


Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, Phòng 406, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,924