(ĐBND) – Theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005, hộ gia đình được coi là chủ thể khi tham gia vào các quan hệ dân sự. Tuy nhiên, không ít quy định trong bộ luật này chưa được làm sáng tỏ hoặc mâu thuẫn, chồng chéo, gây lúng túng cho hộ gia đình và các cơ quan nhà nước trong quá trình áp dụng luật.
Vướng ở tư cách chủ thể
Hộ gia đình được xem là chủ thể của luật dân sự khi “các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư hoặc một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác”. Như vậy, BLDS 2005 đã thừa nhận tư cách chủ thể của hộ gia đình khi giữa các thành viên có sự liên kết về mặt kinh tế và cũng chỉ thừa nhận trong các quan hệ kinh tế, không thừa nhận tư cách chủ thể hộ gia đình khi tham gia các giao dịch tiêu dùng. Khi đặt câu hỏi ngược lại, trường hợp hộ gia đình tham gia hoạt động kinh tế nhưng chỉ đứng ra bảo lãnh, thế chấp không thu lợi thì đó có được coi là hợp đồng kinh tế hay không và trong trường hợp đó hộ gia đình có còn là chủ thể trong các quan hệ do BLDS điều chỉnh? Theo Thẩm phán TAND TP Hà Nội Nguyễn Huyền Cường, “nhiều tòa án rất đau đầu ở chỗ khó xác định hộ gia đình là cá nhân hay pháp nhân cũng như tư cách chủ thể của họ trong hoạt động bảo lãnh, thế chấp”.
Liên quan tới tư cách chủ thể còn nhiều vấn đề đáng bàn tới, đặc biệt là xác định tài sản chung, riêng của hộ gia đình và các thành viên. Dễ thấy, trên thực tế thường không có sự tách bạch giữa tài sản của hộ gia đình dùng với mục đích để lao động sản xuất kinh doanh với tài sản để sinh hoạt. Nếu căn cứ vào quy định nêu trên thì sẽ dẫn tới tình trạng cùng là một khối tài sản, khi đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hộ gia đình được thừa nhận là chủ thể nhưng khi đưa vào hoạt động khác lại không được công nhận là chủ thể. Mặt khác, pháp luật chỉ mới dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc chung mà chưa có phương thức xác định thành viên hộ gia đình cũng như phân định rạch ròi tài sản chung và tài sản riêng, nên trên thực tế việc áp dụng quy định của luật còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Điều này sẽ gây rủi ro cho doanh nghiệp khi thành viên hộ gia đình đem tài sản đi góp vốn hoặc khi doanh nghiệp giao kết hợp đồng với hộ gia đình.
Giám đốc Công ty Luật ANVI, Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ: “Không có cách gì để biết được tài sản nào là tài sản chung của hộ gia đình. Chúng tôi gặp nhiều trường hợp nhà đất do 1 cá nhân đứng tên trên hợp đồng mua bán, cũng bị cấp sổ đỏ cho hộ gia đình. Đáng nói hơn là trong trường hợp thế chấp tài sản tại ngân hàng, 10 giao dịch thế chấp liên quan đến hộ gia đình có 9 vụ rơi vào tình trạng mông lung, không chắc chắn, không yên tâm dù đã có công chứng”. Pháp luật không quy định rõ nên việc mỗi công chứng viên, mỗi tổ chức công chứng suy luận và “quyết” một kiểu thủ tục khác nhau khi chứng nhận giao dịch hợp đồng liên quan đến tài sản của hộ gia đình là dễ hiểu.
Ai có quyền định đoạt tài sản chung?
Một trong những nội dung quan trọng của BLDS 2005 về hộ gia đình là quy định về quyền định đoạt tài sản chung có giá trị. Nhưng, có một câu hỏi: ai có quyền định đoạt tài sản chung khi còn có sự mâu thuẫn giữa BLDS với pháp luật đất đai và Luật Doanh nghiệp về vấn đề này.
Nếu như việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình theo BLDS 2005 phải được sự đồng ý của các thành viên “từ 15 tuổi trở lên” hay đối với những loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý, thì tại Điều 146 Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 quy định khi chuyển quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình phải được tất cả thành viên đủ năng lực hành vi dân sự (tức là từ đủ 18 tuổi) đồng ý. Những quy định này sẽ phát sinh vướng mắc là mặc dù đã nhận được sự đồng ý của các thành viên từ đủ 18 tuổi nhưng cũng khó xác định là giao dịch chuyển quyền sử dụng đất đó có hiệu lực hay không vì nếu theo BLDS, giao dịch đó đã bỏ qua sự đồng ý của những thành viên có độ tuổi từ 15 tới dưới 18 tuổi. Chưa hết, theo Nghị định 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh, đại diện hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và hồ sơ đăng ký kinh doanh chỉ yêu cầu chứng minh thư của đại diện hộ gia đình, tức là đại diện hộ gia đình được coi là có toàn quyền xác lập giao dịch đại diện cho cả hộ.
“Sự mâu thuẫn giữa các quy định này sẽ gây ra không ít rủi ro cho đối tác giao dịch với hộ gia đình, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến đất đai hay các giao dịch mà hộ gia đình được ứng trước tiền và có trách nhiệm cung ứng nguyên liệu sản xuất cho doanh nghiệp” – theo Ths Trần Thị Quang Hồng, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp.
Việc tiếp tục duy trì hộ gia đình với tư cách chủ thể của BLDS hay chấm dứt tư cách đó là vấn đề lớn cần được điều tra, khảo sát thực tế về sự tham gia của chủ thể này trong các giao dịch dân sự tại địa phương khác nhau để từng bước đưa ra đề xuất cho phù hợp.
Thao Giang
———————————
Báo Đại biểu Nhân dân 12/05/2012
http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=246088