293. Bình luận dự thảo sửa đổi Nghị định về kinh doanh vàng.

(ANVI) – Hội thảo VCCI                                                                                              Hà Nội 21-12-2017

    

Góp ý tại Hội thảo ngày 21-12-2017 của VCCI lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về Hoạt động kinh doanh vàng. 

  1. Về một số vấn đề chung trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP:
  • Trong bối cảnh thị trường và pháp luật đã thay đổi (Hiến pháp năm 2013, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015), cần thay đổi quan điểm cơ bản về quản lý vàng nói chung và kinh doanh vàng nói riêng. Cụ thể là cần sửa đổi theo hướng chuyển từ quản lý thắt chặt sang thả lỏng tương đối, chuyển từ quản lý như tiền sang quản lý như hàng hoá, chuyển từ quản chính là Ngân hàng Nhà nước sang Bộ Công thương, chuyển từ tiền kiểm bằng giấy phép sang hậu hiểm bẳng quy chuẩn. Ngân hàng Nhà nước chỉ cần tập trung vào việc quản lý vàng là ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng.
  • Nhà nước độc quyền về kinh doanh vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng và vàng tài khoản, vì trái với Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, trái với Luật Cạnh tranh năm 2004 và 4 đạo luật nêu trên. Ngân hàng Nhà nước không có chức nâng kinh doanh, mà chỉ là quản lý nhà nước về kinh doanh vàng. Theo quy định tại khoản 17, Điều 4 về “Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước”, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN là “ Quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng”.
  • “Kinh doanh vàng” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thứ 242, Phụ lục 4 trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14. Tuy nhiên, quyền tự do đầu tư, kinh doanh và điều kiện kinh doanh vàng của cá nhân, pháp nhân chỉ bị hạn chế bằng Luật theo các quy định sau thì lại chưa rõ hoặc chỉ mới thấy có một phần lý do:
  • Khoản 2, Điều 2 về “Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015: “ Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”;
  • Khoản 1, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” quy định như sau: “ Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
  • Cũng không nên duy trì vàng miếng thương hiệu quốc gia, vì thương hiệu nào là câu chuyện của thị trường, nó không phải là tiền tệ nói chung, đồng tiền Việt Nam nói riêng, không phải là sản phẩm đặc thù của Việt Nam, không có hàm lượng chất xám, trí tuệ, công nghệ hay yếu tố nào khác của thương hiệu quốc gia.
  1. Về độc quyền kinh doanh vàng:
  • Dự thảo:

Khoản 3, Điều 4 về “Nguyên tắc quản lý”, được sửa đổi, bổ sung như sau: “3. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản”.

Dự thảo Tờ trình Chính phủ về sửa đổi Nghị định có viết “Xuất phát từ các lý do trên, cần quy định Nhà nước độc quyền đối với hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động này. Do đó, dự thảo Nghị định quy định: hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện”.

  • Bình luận:

Việc quy định Nhà nước độc quyền kinh doanh là phù hợp với Luật Thương mại năm 2005, tuy nhiên lại trái với quy định tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh (ngoài 7 ngành, nghề bị cấm đấu tư, kinh doanh theo quy định tại Điều 6 về “Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh”, Luật Đầu tư năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016) kể từ sau khi Hiến pháp năm 2013 và Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, thì không còn khải niệm Nhà nước độc quyền, mà chỉ hoặc là được tự do kinh doanh, hoặc là đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định tại Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016. Và hoạt động huy động vốn để kinh doanh vốn thì mới là hoạt động kinh doanh, còn huy động vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh thì không phải là hoạt động kinh doanh để phải chấp hành quy định về điều kiện kinh doanh.

Mặc dù Dự thảo không chỉ rõ, nhưng nếu “quy định Nhà nước độc quyền” huy động vàng và kinh doanh vàng tài khoản “để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động này” như Tờ trình thì lại trái với quy định của Luật Đầu tư. Muốn vậy thì phải quy định đây là một hoạt động bị cấm đầu tư, kinh doanh theo Luật Đầu tư.

  1. Việc độc quyền sản xuất vàng miếng:
  • Dự thảo:

Khoản 6, Điều 4 về “Nguyên tắc quản lý”, được sửa đổi, bổ sung như sau:“6. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng”.

  • Bình luận:

Đã đến lúc xem xét lại quy định này: Cần chuyển sang chủ yếu quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn, bỏ quản lý bằng điều kiện kinh doanh, nhất là việc cấp phép, tương tự như với quy định tại khoản 7, Điều 4 về “Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ”.

Khoản 2, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03-4-2012 của Chính phủ về “Quản lý hoạt động kinh doanh vàng” quy định như sau: “2. Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây được gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ”.

Như vậy, khái niệm “vàng miếng” chỉ là mô tả về hình thức bề ngoài, chứ không phải là bản chất khác. Nó không có ý nghĩa để phân biệt và quản lý, khi mà trên thực tế doanh nghiệp tha hồ sản xuất vàng khối, vàng cục, vàng thỏi, vàng nhẫn,… “có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp” (như quy định của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP) với chất lượng, tiêu chuẩn, khối lượng có thể giống hệt vàng miếng. Trên thực tế, vàng miếng chỉ khác vàng khác ở chỗ là được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất hoặc cho phép sản xuất.

  1. Về việc huy động vàng:
  • Dự thảo:

Khoản 6, Điều 19 về “Hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng”, được sửa đổi, bổ sung như sau: “6. Hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản trái với quy định tại Nghị định này”.

  • Bình luận:

Thứ nhất, cần xác định rõ, việc “huy động” này có bao gồm cả việc các cá nhân và pháp nhân vay vàng hay không?

Thứ hai, việc vay vàng của các tổ chức tín dụng là một trong các nghiệp vụ “huy động vốn” theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc vay vàng của cá nhân và doanh nghiệp khác, thì sẽ không phải là việc “huy động vốn” nói chung và “huy động vàng” nói riêng trong Luật các tổ chức tín dụng mà là giao dịch vay tài sản theo quy định tại Điều 463 về “Hợp đồng vay tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thứ ba, nếu coi khái niệm “huy động vàng” trong nội dung nêu trên của Dự thảo Nghị định là hoạt động huy động vốn trong Luật Các tổ chức tín dụng và bị cấm đối với cá nhân, pháp nhân không phải là các tổ chức tín dụng thì là trái với quy định tại khoản 3, Điều 7 về “Quyền của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014, quy định về một trong các quyền của doanh nghiệp là “3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn”.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,716