(ANVI) – Viện Nghiên cứu Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD)
Hà Nội 02-2018
- THAM GIA QUAN HỆ DÂN SỰ
- Luật sư Trương Thanh Đức
Việc quy định doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác không còn là chủ thể được vay vốn và mở tài khoản là không trái với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, nhưng lại trái ngược, vô hiệu hoá nhiều đạo Luật khác và rất bất hợp lý, cần phải được giải quyết.
- Các chủ thể quan hệ pháp luật dân sự:
- Trước đây, hai Bộ luật Dân sự năm 1995 và 2005 đều quy định về nhiều loại chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự gồm cá nhân, pháp nhân và các loại chủ thể là các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác[1].
- Cho đến Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chỉ còn quy định 2 loại chủ thể là cá nhân và pháp nhân mà không còn các chủ thể khác[2]. Điều này đã được quy định rõ tại Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh” và các điều từ 101 đến 104 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 101 về “Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định như sau: “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.
- Mục 1, “Về phạm vi điều chỉnh và chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (Điều 1 và Điều 101)”, Báo cáo số 1002/BC-UBTVQH13 ngày 22-11-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)” cũng đã giải thích rõ về việc trên[3].
- Như vậy, từ năm 2017 trở đi các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư,… thì không còn là chủ thể tham gia quan hệ dân sự. Do vậy, chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự không phải là tổ chức, mà là tham gia với tư cách các cá nhân là thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ doanh nghiệp tư nhân, trưởng văn phòng luật sư và các thành viên khác thuộc tổ chức không có tư cách pháp nhân. Riêng các chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác là bộ phận phụ thuộc của pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự thì thực chất là pháp nhân tham gia.
- Vướng mắc pháp lý về chủ thể quan hệ pháp luật:
- Theo đúng các quy định như đã nêu trên của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không phải là một cá nhân, đồng thời cũng không phải là một pháp nhân, nên không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự để giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, ngoài Bộ luật Dân sự quy định chung về chủ thể tham gia các giao dịch dân sự nói riêng và các quan hệ pháp luật nói chung, còn nhiều đạo luật khác và văn bản dưới luật quy định về chủ thể quan hệ pháp luật, trong đó đặc biệt là 3 loại hình doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và hộ gia đình trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013
- Vì vậy, kể từ ngày 01-3-2018 trở đi, việc hai Thông tư số 32 và 39/2016/TT-NHNN[4] quy định doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không còn là chủ thể tham gia giao dịch tài khoản và vay vốn tại các tổ chức tín dụng là không trái với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, nhưng lại trái ngược, vô hiệu hoá nhiều đạo Luật khác và rất bất hợp lý, cần phải được giải quyết, tránh gây ra sự xung đột, khó khăn, cản trở, vướng mắc cho cả khách hàng, ngân hàng và cá nhân, pháp nhân khác liên quan.
- Ngay chính trong Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã có mâu thuẫn khi xác định chủ thể tham gia quan hệ dân sự không phải là cá nhân hoặc pháp nhân như sau:
Thứ nhất, không xác định rằng nhà nước và các cơ quan nhà nước tham gia quan hệ pháp luật dân sự với tư cách là pháp nhân (hoặc là chủ thể đặc biệt) tại các Điều từ 96 đến 100 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (trong khi trước đây, các cơ quan Nhà nước được xác định là các pháp nhân khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự theo quy định tại Điều 101 về “Pháp nhân là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân”, Bộ luật Dân sự năm 2005);
Thứ hai,vẫn quy định là “hộ gia đình nghèo” trong khi đúng ra phải là các thành viên của hộ gia đình nghèo vay vốn của các tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 344 về “Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị – xã hội”, Bộ luật Dân sự năm 2015 (vẫn quy định giống như công nhận chủ thể hộ gia đình như Bộ luật Dân sự năm 2005).
- Bộ luật Dân sự năm 2015 không cho phép các tổ chức không có tư cách pháp nhân là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự để tham gia quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên các chủ thể này vẫn được chính thức thừa nhận tại hàng trăm đạo luật khác nhau, được cho phép thành lập, hoạt động và công nhận bằng các quy định, thủ tục, giấy tờ pháp lý, nên không thể bị loại bỏ hoàn toàn hoặc không được ghi nhận trong các giao dịch dân sự.
- Có thể khẳng định, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nội dung & bản chất của chủ thể quan hệ pháp luật, còn các luật khác quy định về hình thức & tên gọi của các chủ thể giao dịch. Vì vậy yêu cầu đặt ra là không phải sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như các đạo luật khác quy định về các chủ thể là tổ chức phi pháp nhân, mà cần phải hiểu và kết hợp được đồng thời cả về nội dung và hình thức, về cả bản chất và tên gọi để xử lý đúng trong quan hệ vay vốn, mở sử dụng tài khoản và các giao dịch khác.
- Do đó, về mặt tên gọi, cần phải giữ nguyên theo giấy tờ giao dịch đúng với tên doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư, hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật. Còn về mặt bản chất ký hợp đồng và trách nhiệm pháp lý thì xử lý các chủ thể này như với cá nhân, chứ không phải đương nhiên như với các chủ thể quan hệ dân sự như trước kia. Điều này cũng tương tự như đối với các loại hình pháp nhân, tên gọi có thể rất khác nhau, nhưng về bản chất là giống nhau. Như vậy, vừa đúng với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, vừa phù hợp với các đạo luật khác và không gây ra vướng mắc, rủi ro pháp lý.
—————————–
Luật sư Trương Thanh Đức
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070
[1] Câu đầu tiên của Điều 1 về “Nhiệm vụ và phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2005 viết như sau “Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác”.
[2] Câu đầu tiên của Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh”, Bộ luật Dân sự năm 2015 viết như sau: “Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân”.
[3] “1. Về phạm vi điều chỉnh và chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (Điều 1 và Điều 101)
Nhiều ý kiến tán thành với Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của dự thảo BLDS bao gồm cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được quy định tại Điều 101 của Dự thảo theo hướng: đây không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, mà tùy thuộc vào từng quan hệ dân sự, việc tham gia của các chủ thể này được thực hiện thông qua các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc thông qua người đại diện.
Có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự vì cho rằng, quan hệ dân sự của hộ gia đình đã có quá trình lịch sử được pháp luật thừa nhận và đã trở thành tập quán của người Việt Nam, nhất là giao dịch dân sự bằng tài sản chung và vì lợi ích chung của hộ gia đình cần được tiếp tục ghi nhận. Vì vậy, đề nghị giữ quy định hai loại chủ thể này trong BLDS, đồng thời bổ sung cụm từ “chủ thể khác” sau cụm từ “cá nhân, pháp nhân” quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và khoản 1 Điều 2 của Dự thảo.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo về vấn đề này như sau:
Dự thảo BLDS do Chính phủ trình sau khi lấy ý kiến Nhân dân đã xác định rõ chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân và pháp nhân. Quá trình tiếp thu chỉnh lý, lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… cũng cho thấy, đa số ý kiến cho rằng chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự theo quy định của luật phải có đầy đủ quyền, nghĩa vụ chủ thể, phải chịu trách nhiệm về việc tham gia quan hệ dân sự của mình, vì vậy, chỉ có cá nhân và pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Theo tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 thì sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác trong quan hệ dân sự thường được thực hiện thông qua các thành viên cụ thể.
Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 303/366 phiếu tán thành về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự gồm cá nhân, pháp nhân như Dự thảo. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai. Trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về phạm vi điều chỉnh và chủ thể của BLDS như trong Dự thảo”.
[4] Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 26-12-2016 của Thống đốc NHNN “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NH NN ngày 19-8-2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán”. Thông tư số 39/2016/TT-NHNN nggày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.