264. Cái lý của việc xiết cấp tín dụng qua trái phiếu doanh nghiệp.

Cái lý của việc xiết cấp tín dụng qua trái phiếu doanh nghiệp.

(KTSG) – Việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp thực chất còn có nguy cơ rủi ro hơn đối với hoạt động cho vay, vì vậy cần được siết chặt để góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Cái lý của việc xiết cấp tín dụng qua trái phiếu doanh nghiệp.

 

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, một trong những quyền của doanh nghiệp là “lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn”. Cụ thể là doanh nghiệp có thể huy động vốn kinh doanh bằng cách vay vốn của cá nhân, pháp nhân; mua hàng hóa, dịch vụ trả chậm; nhận tạm ứng, thanh toán trước; huy động vốn góp, bán cổ phần; phát hành trái phiếu doanh nghiệp;…

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, trong đó có một số điều kiện như: có thời hạn hoạt động từ một năm trở lên; có báo cáo tài chính năm được kiểm toán; đã thanh toán đủ trái phiếu đã phát hành trong ba năm trước đó; …

Theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư số 22/2016/TT-NH (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 15/2018/TT-NHNN), các tổ chức tín dụng nói chung, ngân hàng nói riêng (sau đây gọi tắt là ngân hàng) được quyền mua trái phiếu của doanh nghiệp. Hoạt động này được coi như là một dạng cấp tín dụng, tương tự như việc cho vay vốn, đồng thời được tính chung vào hạn chế và giới hạn mức dư nợ cấp tín dụng.

Nhà đầu tư, trong đó có ngân hàng, mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ phải chịu rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Rủi ro mua trái phiếu doanh nghiệp

Việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp về bản chất giống như một hoạt động cho vay, đều dựa trên cơ sở bảo đảm khả năng tài chính để trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng pháp luật.

Tuy nhiên chúng được thực hiện theo hai quy định rất khác nhau là Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, trong đó việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp có nguy cơ rủi ro cao hơn việc cho vay vốn, với những lý do như sau:

Thứ nhất, việc giải ngân cho vay phải theo sát nhu cầu sử dụng vốn như để thanh toán theo tiến độ xây dựng công trình; chi trả từng khoản tiền hàng, trả lương, tiền điện, nước, nguyên nhiên vật liệu, nộp thuế;… trong khi điều kiện mua trái phiếu thường dễ dàng hơn, vì thường chỉ giải ngân ngay một lần khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tư.

Thứ hai, quyền kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay được pháp luật quy định một cách cụ thể, rõ ràng, trong khi lại bỏ ngỏ đối với việc mua trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ ba, việc thu hồi nợ cho vay thường được chia nhỏ, bám sát vào dòng tiền, các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, trong khi việc thu tiền thanh toán trái phiếu thường chỉ một lần và chủ yếu dựa vào cam kết của doanh nghiệp khi đến hạn.

Thứ tư, việc thu nợ trước hạn có thể được tiến hành bất cứ khi nào nếu xảy ra việc vi phạm pháp luật và thỏa thuận cho vay, trong khi doanh nghiệp chỉ phải cam kết mua lại trái phiếu trước hạn thanh toán trong trường hợp vi phạm quy định pháp luật và phương án phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không mua lại thì ngân hàng cũng không được thu hồi vốn như đối với việc cho vay.

Điều kiện mua trái phiếu doanh nghiệp

Việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp về bản chất giống như một hoạt động cho vay. Ảnh minh họa Thành Hoa

Với những lý do nêu trên, việc ngân hàng mua trái phiếu thay vì cho doanh nghiệp vay vốn thường là vì doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn hoặc là ngân hàng mong muốn được hưởng mức lợi nhuận cao hơn lãi suất cho vay, tức là chấp nhận rủi ro cao hơn.

Do vậy, việc Ngân hàng Nhà nước dự kiến sửa đổi điều kiện ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết, để góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng, trong đó có một số điều kiện mới như sau:

Thứ nhất, nếu tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng trên 3%, tức rủi ro tín dụng của ngân hàng đã vượt mức tiêu chuẩn thì không được phép mua trái phiếu, vì dẫn đến nguy cơ rủi ro cao hơn.

Thứ hai, không được mua trái phiếu (kể cả mua lại) của doanh nghiệp phát hành có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong 12 tháng gần nhất, vì không bảo đảm khả năng trả nợ.

Thứ ba, không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để lấy tiền góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, vì rủi ro kép, mà các ngân hàng rất khó kiểm soát dòng tiền và mục đích sử dụng vốn.

Thứ tư, ngân hàng không được mua lại trái phiếu doanh nghiệp nếu đã bán cho người khác, để tránh nguy cơ đảo nợ, chế biến, che giấu thực trạng nợ.

Tuy nhiên, việc nâng điều kiện mua trái phiếu doanh nghiệp đối với các ngân hàng không đồng nghĩa với việc yêu cầu điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao hơn, vì nhà đầu tư trái phiếu hoàn toàn có quyền quyết định chấp nhận rủi ro lớn hơn so với yêu cầu an toàn vốn của ngân hàng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

—————–

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Sự kiện & Vấn đề) 07-5-2020:

https://www.thesaigontimes.vn/303233/nhieu-ly-do-de-siet-cap-tin-dung-qua-trai-phieu-doanh-nghiep-.html

(1.034/1.034) 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,943