(DĐDN) – Ngày 14/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 49/2013/NĐ-CP quyết định thành lập Hội đồng Tiền lương Quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Theo đó, từ năm 2014, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho DN sẽ do Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất với Chính phủ. Vấn đề là phương pháp điều chỉnh lương tối thiểu cần được Hội đồng tính toán như thế nào cho những năm tới, quan điểm của nhà quản lý và DN về vấn đề này ?
Muốn thực hiện phải có cơ chế bảo đảm
LS Trương Thanh Đức Muốn lương cao thì cần phải tăng năng suất lao động, phát triển thị trường chứ không thể bằng những mệnh lệnh hành chính.
Cần lưu ý tới tính thực tế của những quyết định mang tính mệnh lệnh hành chính. Về hình thức thành lập hội đồng là đủ các thành phần để đảm bảo được quyền lợi của các bên. Nếu xét về mặt quản lí về đóng bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi tối thiểu là cần thiết. Nhưng xét về mặt thị trường thì không có ý nghĩa. Hội đồng không thể quyết định lương thay cho DN. Mức lương vùng tối thiểu được ấn định cứ cao dần trong khi DN đang gặp muôn vàn khó khăn thì không khả thi.
Thực tế, người lao động vẫn phải làm quá giờ để đủ lương hoặc lương cao quá DN không thể thuê được lao động thì sao? Vấn đề là đời sống người lao động vẫn không được cải thiện, thu nhập vẫn thấp, thất nghiệp gia tăng thì việc ấn định lương tối thiểu vùng trở nên phản tác dụng. Nhà nước hiện đang không có một cơ chế bảo đảm. Ví dụ các nước phát triển, người thất nghiệp vẫn có một khoản tối thiểu để đủ sống, còn ở nước ta thì chưa thể làm như vậy được. Nhiều người thà lương thấp mà có việc làm vẫn hơn là bị DN không thuê vì không trả đủ mức lương theo quy định.Cần lưu ý tới tính thực tế của những quyết định mang tính mệnh lệnh hành chính. Về hình thức thành lập hội đồng là đủ các thành phần để đảm bảo được quyền lợi của các bên. Nếu xét về mặt quản lí về đóng bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi tối thiểu là cần thiết. Nhưng xét về mặt thị trường thì không có ý nghĩa. Hội đồng không thể quyết định lương thay cho DN. Mức lương vùng tối thiểu được ấn định cứ cao dần trong khi DN đang gặp muôn vàn khó khăn thì không khả thi.
Theo tôi, muốn lương cao thì cần phải tăng năng suất lao động, phát triển thị trường chứ không thể bằng những mệnh lệnh hành chính. Khi có nhiều việc làm thì mới có cơ chế cạnh tranh thu hút lao động bằng lương và điều kiện lao động.
Cần lưu ý tới tính pháp lí cũng như khả thi của các văn bản dưới luật. Ví dụ Nghi định mức lương cơ sở vừa được ban hành. Luật không hề nói gì đến lương cơ sở, vậy mà nghị định lại đi hướng dẫn. Thêm nữa, quy định về hội nghị dân chủ đối thoại 3 tháng/1 lần tại DN nghe cũng rất hình thức và không có tính thực tiễn. Những quy định không thực tế vẫn đang được một số cơ quan quản lí đặt ra, nghe thì hay nhưng thực tế thì có thể ngược lại.
Ông Trần Xuân Mai – Chủ tịch hội DNT Nam Định: Cần phải đưa ra được một lộ trình trong giai đoạn tới tăng như thế nào, tăng khoảng bao nhiêu % để DN chủ động cân đối sản xuất, kinh doanh.
Cần lộ trình thích hợp
Trong lộ trình tăng lương đã được Chính phủ thông qua, đến 2015 lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Nếu áp dụng đúng như vậy, mỗi năm lương tối thiểu phải tăng khoảng 40%. Đây thực sự là một bài toán quá khó đối với DN bởi thực trạng phần lớn các DN VN đang gặp rất nhiều khó khăn nhất là các DNNVV ở các địa phương. Thị trường thu hẹp, xuất khẩu đình đốn, nhiều DN đã phải cắt giảm lương thậm chí là cắt giảm lao động.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu từ nay đến năm 2015, các DN đã thực sự thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay hay không? Và tăng lương theo lộ trình như vậy chắc chắn sẽ đẩy DN vào tình thế khó khăn hơn.
Giải quyết bài toán tiền lương nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là ở các DN có sử dụng nhiều lao động luôn là một thách thức. Đặc biệt làm sao để việc tăng lương phải đi đôi với tăng năng suất lao động mà cụ thể là tăng hiệu quả hoạt động của DN.
Theo quy luật thị trường, DN hoạt động hiệu quả, thì việc tăng lương, tăng thu nhập cho người lao động là điều tất yếu nhưng khi DN gặp khó khăn cũng rất cần sự chia sẻ từ phía người lao động.
Tôi cho rằng, với bức tranh tổng thể về nền kinh tế hiện nay, Hội đồng tiền lương quốc gia cần có những đánh giá phân tích thật kỹ lưỡng để đưa ra một lộ trình thích hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao. Việc tham vấn lấy ý kiến từ phía các hiệp hội DN và các DN là rất cần thiết để đảm bảo tính thực thi. Và về lâu dài cần phải đưa ra được một định hướng, lộ trình trong giai đoạn tới tăng như thế nào, tăng khoảng bao nhiêu % để DN chủ động cân đối sản xuất, kinh doanh. Bởi nếu DN không trụ được thì người lao động cũng chẳng còn việc làm.
Áp lực lên DN dệt may
Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ TCty CP may Hưng Yên: Áp lực tăng lương kéo theo bảo hiểm tăng đang là những khó khăn trực tiếp của DN.
Để đảm bảo quyền lợi giữa các bên, việc thành lập Hội đồng Tiền lương Quốc gia với sự tham gia của 3 bên: đại diện Chính phủ là Bộ Lao động Thương binh Xã hội, đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động nhằm thảo luận và đưa ra những quyết sách về tiền lương là điều cần thiết. Tuy nhiên ở thời điểm nay, nền kinh tế DN đang gặp nhiều khó khăn nên việc tăng lương sẽ làm cho DN khó càng thêm khó.
Hiện nay với DN chúng tôi, áp lực tăng lương kéo theo bảo hiểm tăng đang là những khó khăn trực tiếp của DN. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, DN đang phải “gồng mình” vừa để duy trì sản xuất, kinh doanh vừa đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, việc tăng lương sẽ tác động bất lợi tới hoạt động của DN. Giờ là thời điểm mà cả người lao động và người sử dụng lao động cần hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.
Hiện tại, Nhà nước đưa ra các phương án tăng lương, chẳng hạn 22%/năm đến năm 2016 và 17% đến năm 2017. Chúng tôi đề nghị Nhà nước nhanh chóng, thống nhất một thang bảng lương chung cho tất cả các loại hình DN. Chẳng hạn theo thống kê ngành điện cách đây 3 năm, lương bình quân đã là trên 8 triệu, hay như ngành ngân hàng bình quân thu nhập 14 triệu… trong khi vừa rồi quy định mức lương tối thiểu là 1,9 triệu vùng 2 và 2,2 triệu vùng 1, nếu không xây thang bảng lương chung cho các loại hình DN, trong đó cần quy định cả mức trần thì sẽ gây ra ảnh hưởng tới các DN, nhất là với ngành may được xem là ngành tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, ngành dệt may cũng gặp khó khăn về chi phí sản xuất, khi lương đẩy lên, chi phí cũng sẽ đẩy lên.
Sẽ công bố lộ trình tăng lương trước
Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Thời gian điều chỉnh tiền lương tối thiểu thường sẽ được áp dụng vào đầu năm tài chính
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 49/2013/NĐ-CP quyết định thành lập Hội đồng Tiền lương Quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Trong tháng 7 này, Thủ tướng sẽ ký thông qua nhân sự của Hội đồng và ra quy chế hoạt động. Khi Hội đồng chính thức hoạt động, việc công bố điều chỉnh lương tối thiểu, mức tăng lương cụ thể của năm tiếp theo phải được công bố sớm hơn.
Khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ họp gồm đại diện Hội đồng, công đoàn và 5 đại diện của giới chủ là: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hai hiệp hội ngành hàng sử dụng nhiều lao động là dệt may và da giày, Hiệp hội DN vừa và nhỏ, Liên minh Hợp tác xã. Các bên sẽ đưa ra các phương án tiền lương của mình rồi bàn bạc với nhau để thống nhất phương án hợp lý nhất, giảm khoảng cách trong các phương án đưa ra, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên cũng như phù hợp với tình hình kinh tế.
Sắp tới, Hội đồng Tiền lương Quốc gia khi hoạt động có thể cũng phải bàn cả về lộ trình thực hiện tăng lương chứ không phải chỉ bàn lương tối thiểu từng năm. Thời gian điều chỉnh tiền lương tối thiểu thường sẽ được áp dụng vào đầu năm tài chính. Và, điều chỉnh như thế nào sẽ được tính toán hợp lý và công bố trước 6 tháng hoặc một quý để DN có sự chuẩn bị.
Hiện nay, các DN gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc phải giãn lộ trình tăng lương tối thiểu là đương nhiên. Thực tế, không ít lần, lộ trình thông qua như thế nhưng mức tăng cụ thể hàng năm vẫn phải tính toán căn cứ trên tình hình kinh tế xã hội cụ thể.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia có thể cũng phải bàn cả về lộ trình thực hiện tăng lương chứ không phải chỉ bàn lương tối thiểu từng năm. |
Bá Tú, Tuấn Anh, Phan Nam, Ngọc Hương thực hiện
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp 05-7-2013:
http://dddn.com.vn/20130704023751585cat234/dau-dau-vi-tang-luong.htm
(414/1.779)