(TN) – Nhiều cổ đông và nhà đầu tư của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán: HAG) đồng loạt gửi đơn kêu cứu trước thông tin cổ phiếu HAG đang bị xem xét hủy niêm yết trên sàn HoSE.
Trụ sở Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Cổ phiếu chất sàn, cổ đông khóc ròng
Trên thị trường chứng khoán, những phiên giao dịch vừa qua chứng kiến sự trồi sụt bất thường của cổ phiếu HAG. Giá cổ phiếu HAG gây chú ý từ cuối tuần trước đến nay, trong bối cảnh có thông tin về việc cơ quan quản lý đã có nhiều cuộc họp bàn về vấn đề hủy niêm yết HAG vì lỗ ba năm liên tiếp 2017-2019.
Trước nguy cơ bị hủy niêm yết, mới đây doanh nghiệp đã gửi văn bản lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, kiến nghị được áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì mới xem xét hủy niêm yết.
Nhiều cổ đông của HAGL cũng đồng loạt gửi đơn kêu cứu lên cơ quan quản lý đề nghị xem xét không hủy niêm yết HAG. Trao đổi ý kiến với phóng viên, anh Nguyễn Huy Hưng, một cổ đông của HAGL chia sẻ, anh bắt đầu mua gom cổ phiếu HAG từ cuối năm 2021 sau khi nghiên cứu, phân tích cơ bản về doanh nghiệp trong năm 2021 và theo dõi diễn biến khả quan của cổ phiếu HAG trên thị trường. Đến giờ, trước thông tin về việc có thể HAG bị hủy niêm yết, nhà đầu tư này đã bị thiệt hại nặng nề do giá cổ phiếu liên tục giảm sàn.
“Qua nghiên cứu văn bản pháp luật, tôi được biết theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán thì một trong những lý do khiến cổ phiếu bị hủy niêm yết là có 3 năm liên tiếp thua lỗ, liền kề với thời điểm ra quyết định hủy niêm yết. Tuy nhiên, không hiểu vì sao vào thời điểm tháng 4/2021 cơ quan quản lý không xem xét hủy niêm yết mà đến bây giờ mới đặt ra vấn đề này, khiến nhà đầu tư có cảm giác không kịp trở tay. Đó là chưa kể, văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định về hồi tố lỗ”, anh Hưng nêu quan điểm.
Chưa có tiền lệ
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, quy định nói trên của Nghị định 155/NĐ-CP có xuất phát điểm là bảo vệ nhà đầu tư và giảm rủi ro trên thị trường. Tuy nhiên, đó là trong điều kiện thị trường thuận lợi bình thường. “Hai năm 2020 và 2021 tương đối đặc biệt khi hầu hết doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, bởi vậy có thể xem xét tìm một điểm hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp nếu bức tranh chung của họ đang có chiều hướng tốt lên”, ông Minh nói.
Bàn về khía cạnh pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, không có cơ sở để hủy niêm yết cổ phiếu HAG. Bởi vì sự việc của HAG là chưa có tiền lệ trong khi pháp luật còn thiếu những quy định chi tiết và rõ ràng.
“Nếu HAGL lỗ ba năm liên tiếp 2017-2019 mà cơ quan quản lý hủy niêm yết kịp thời (thời điểm tháng 4/2021) hoặc đến bây giờ họ vẫn lỗ mà hủy thì không có gì đáng nói. Nhưng thời điểm phải hủy niêm yết qua rồi và nếu bây giờ họ đã có lãi thì việc hủy niêm yết không còn hợp lý”, luật sư Đức nói.
Trước đó, Báo cáo tài chính 2020 (sau kiểm toán) công bố tháng 3/2021 thể hiện doanh nghiệp này không thua lỗ, nhưng sau đó HAGL phát hiện lỗ và công bố thông tin điều chỉnh hồi tố lỗ các năm 2017, 2018, 2019.
Theo luật sư Đức, như vậy, theo quy định tại Nghị định 155 thì không có điều khoản nào quy định hủy niêm yết cổ phiếu HAG trong trường hợp này. Thậm chí, ông Đức nhấn mạnh, “HAGL không nằm trong những trường hợp phải hủy niêm yết bắt buộc”. Bởi vì, bây giờ đã là tháng 2/2022, doanh nghiệp đã có số liệu tương đối đầy đủ của năm 2021 rồi thì phải thừa nhận số liệu của họ. Nếu tính thời gian 3 năm liên tiếp thì phải tính 2019, 2020, 2021 chứ không bỏ qua 2020, 2021 để tính 3 năm 2017, 2018, 2019. Như vậy, họ chỉ còn lỗ 2 năm liên tiếp chứ không phải 3 năm.
Dưới góc độ kế toán, kiểm toán, PGS, TS Trần Mạnh Dũng, giảng viên cao cấp Viện Kế toán – Kiểm toán, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, nếu doanh nghiệp nằm trong diện bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp mà cơ quan quản lý không tiến hành hủy niêm yết thì là lỗi của cơ quan quản lý. Đến thời điểm hiện tại, căn cứ để đánh giá họ có lãi hay chưa thì phải dựa vào báo cáo tài chính 2021 có kiểm toán.
“Muốn hủy niêm yết cổ phiếu tại thời điểm nào phải đứng tại thời điểm đó để soi chiếu 3 năm tài chính liên tiếp liền kề trước đó”, ông Dũng khẳng định.
Mới đây, trả lời báo chí, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, đã nắm được thông tin về đơn kiến nghị của nhóm cổ đông Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, liên quan đến việc hủy niêm yết cổ phiếu HAG.
Ông Dũng thừa nhận, việc hồi tố báo cáo tài chính dẫn đến nguy cơ cổ phiếu bị hủy niêm yết là chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra với thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Dũng cũng thông tin, phía Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) có hỏi ý kiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. “Thực tế thẩm quyền hủy niêm yết hay không là của HoSE. Tất nhiên chúng tôi cũng có vai trò và trách nhiệm, tuy nhiên mọi chuyện vẫn đang trong quá trình xử lý nên chưa thể thông tin gì thêm”, ông Dũng nói.
Thái Bảo
———–
Thời nay ( ngày 18-02-2022:
(288.1142)