299. Cần một giải pháp đủ tầm

(TBNH) – LS. Trương Thanh Đức cho rằng, ngân hàng không thể tự tạo ra nợ xấu. Bản chất của nợ xấu là người đi vay mất hoặc giảm thiểu khả năng trả nợ cho ngân hàng. Và đâu đó chính sách vĩ mô cũng đóng góp vào vấn đề nợ xấu. Do vậy, việc nợ xấu của các ngân hàng tăng cao đều có trách nhiệm của tất cả các thành phần xã hội. 

Phải giải quyết tận gốc nợ xấu

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam một lần nữa nhấn mạnh, việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu là chủ trương của Chính phủ nhằm tháo điểm nghẽn tín dụng. Nếu tín dụng không đi vào sản xuất kinh doanh, thì dù huy động vốn, tổng phương tiện thanh toán tăng lên, nhưng dòng tiền đó vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng và vẫn không giúp được phát triển sản xuất kinh doanh. Do đó xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ  quan trọng hàng đầu của  ngành Ngân hàng và một trong những giải pháp để giải quyết căn cơ vấn đề đó là có thể nghiên cứu thành lập DN mua lại nợ xấu.


Xử lý tốt nợ xấu sẽ góp phần tăng khả năng cung tín dụng cho các ngân hàng. (Ảnh: ĐK)

TS. Nguyễn Trí Hiếu ủng hộ đề xuất thành lập công ty mua bán nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Theo ông Hiếu đây là cách duy nhất để xử lý “cục máu đông” một cách triệt để đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng hiện nay và cần phải khẩn trương thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu. Tuy nhiên công ty này không thể không có sự hỗ trợ của ngân hàng. Bởi vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay mang tầm cỡ quốc gia, nó là một phần của tái cấu trúc nền kinh tế và tái cấu trúc ngành Ngân hàng. Mặc dù có ý kiến cho rằng tại sao Chính phủ không để Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính (DATC) thực hiện nhiệm vụ này, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, DATC chưa đủ tầm để xử lý khoản nợ xấu. Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán E&Y Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, với tỷ lệ nợ xấu lớn như vậy, DATC không đủ sức giải quyết. Hơn thế, việc có thêm một công ty mua bán nợ sẽ tăng sức cạnh tranh, giúp cho thị trường mua bán nợ hiệu quả hơn.

Liên quan đến vấn đề nợ xấu trong các ngân hàng cũng cần phải có cách nhìn khách quan. LS. Trương Thanh Đức cho rằng, ngân hàng không thể tự tạo ra nợ xấu. Bản chất của nợ xấu là người đi vay mất hoặc giảm thiểu khả năng trả nợ cho ngân hàng. Và đâu đó chính sách vĩ mô cũng đóng góp vào vấn đề nợ xấu. Do vậy, việc nợ xấu của các ngân hàng tăng cao đều có trách nhiệm của tất cả các thành phần xã hội. Chính vì lẽ đó, không thể nói là việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia xử lý nợ xấu là để “vỗ béo” các ngân hàng.

Đồng tình quan điểm này, lãnh đạo một NHTMCP cho rằng, nợ xấu của  hệ thống ngân hàng chính là nợ xấu của  nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng cũng  không muốn, song đây là rủi ro khó tránh trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Vì thế để xử lý số nợ xấu này cần sự chung tay của tất cả mọi thành phần kinh tế. Từ ngân hàng, DN và xã hội đều phải chịu thiệt vì cái chung của nền kinh tế. Trên thực tế, việc mua bán nợ ảnh hưởng không nhỏ đến vốn chủ sở hữu của các ngân hàng. Các ngân hàng phải chấp nhận mức chiết khấu cao, thậm chí có món nợ mất 90% giá trị, nếu may mắn thì cao nhất họ cũng chỉ thu hồi được 50% giá trị món vay. Như vậy, chính các ngân hàng hơn ai hết cũng đã phải trả một cái giá không nhỏ.

Cũng có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để xử lý nợ xấu, mà có thể cho phép các công ty mua bán nợ của các ngân hàng mua bán nợ của nhau và cơ quan quản lý giám sát hoạt động mua bán này. TS. Hiếu cho rằng, đó cũng là một cách giải quyết, nhưng giải pháp này không giải quyết tận gốc vấn đề. Vì các ngân hàng mua bán nợ của nhau thì nợ xấu vẫn nằm trong hệ thống. Và chừng nào “khối nợ” vẫn nằm “chình ình” giữa đường gây ách tắc thì dòng tiền đi vào nền kinh tế không thể lưu thông. Do vậy, công ty mua bán nợ xấu phải nằm ngoài hệ thống cũng là để tránh những vấn đề xung đột về lợi ích.

Không thể chậm trễ

Bên cạnh đó, một vấn đề được quan tâm là tiền ở đâu để công ty hoạt động. TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT LienVietPost Bank gợi ý, các ngân hàng có nợ xấu lớn phải đóng góp một phần tiền của mình dưới dạng ký quỹ để tạo nguồn hoạt động. Một chuyên gia khác đề xuất, NHNN sẽ là cổ đông chính của công ty này, từ đó huy động vốn từ các cổ đông và các NHTM lớn, dùng vốn tự có làm tài sản cầm cố phát hành trái phiếu… Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn về mô hình hoạt động của công ty như thế nào để hiệu quả, không chịu ảnh hưởng của lợi ích nhóm? Về vấn đề này TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính  Quốc gia cho rằng, trước hết công ty này phải là một công ty độc lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng phải có trách nhiệm hoàn vốn cho Chính phủ càng nhiều càng tốt. Điều quan trọng hơn cả, công ty này cần có quy chuẩn về tài chính rất minh bạch và cuối cùng có một cơ quan giám sát rất chặt chẽ. Các giải pháp trên phải được thực hiện một cách đồng bộ, thậm chí trong trường hợp đặc biệt có thể sử dụng biện pháp hành chính để xử lý nợ xấu. Vì trong quá trình thực hiện rất có thể có ngân hàng không muốn bán khoản nợ do mức chiết khấu cao, hoặc có ngân hàng lại muốn thôn tính tài sản thế chấp… Ông Nghĩa nhấn mạnh, ngoài tính chất thị trường còn phải có tính kỷ luật kinh tế và NHNN nên kiên quyết trong vấn đề này. Vì nợ xấu đang cản trở sự đi lên của cả nền kinh tế chứ không còn riêng ngành Ngân hàng.

Kiểm soát chặt việc cấp tín dụng là cách phòng ngừa nợ xấu hiệu quả nhất. (Ảnh: ĐK)

Để tiến độ mua bán nợ diễn ra nhanh hơn, TS. Nghĩa cho rằng, công ty mua bán nợ xấu ngân hàng chỉ nên xử lý các khoản nợ lớn. Còn những khoản nhỏ có thể hợp tác với các công ty mua bán nợ trực thuộc NHTM hoặc DATC và cơ quan quản lý sẽ giám sát toàn cục.

Tuy NHNN vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thành lập công ty mua bán nợ quốc gia nhưng, theo ông Vũ Đức Đam không có nghĩa là NHNN đợi khi thành lập DN này xong mới xử lý nợ xấu. Trên thực tế, thời gian qua NHNN cũng đã rất tích cực xử lý vấn đề này. Đơn cử, đến nay 9 ngân hàng nhỏ yếu kém về thanh khoản đã được xử lý về cơ bản. Ngay cả bản thân những ngân hàng lớn, có tình hình tài chính lành mạnh cũng phải tuân thủ nghiêm những quy định, quy chuẩn đề ra của NHNN. Đó là một cách phòng tránh nợ xấu tốt nhất và hữu hiệu nhất hiện nay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu đặc biệt nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của xử lý nợ xấu là lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, phục vụ nền kinh tế quốc dân. Đến thời điểm này không còn thời gian để nghĩ có nên hay không nên thành lập công ty mua bán nợ xấu nữa mà vấn đề là thực hiện như thế nào. Nếu không đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cái giá phải trả sẽ còn cao hơn nhiều con số 100 nghìn tỷ đồng.

Huyền Thanh

————————————

Thời báo Ngân hàng 06-07-2012:

http://www.thoibaonganhang.vn/tin-tuc/1-can-mot-giai-phap-du-tam-3026.html

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,144