3.000. Phương án lấp “khoảng trống” pháp lý về nợ xấu

(TBTC) – Sau nhiều lần cân nhắc các phương án khác nhau, hiện nay phương án được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn đề xuất để khỏa lấp tạm thời khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu trong thời điểm Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa kịp ban hành là kéo dài Nghị quyết 42/2017/QH14.

Đề xuất kéo dài đến 2025

Theo phương án được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự thảo trình Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết mới cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết số 42) thêm 3 năm, tức đến ngày 15/8/2025.

Trước đây, khi phân tích về các kịch bản pháp lý trong vấn đề xử lý nợ xấu, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, việc kéo dài Nghị quyết 42 là một trong những giải pháp để khắc phục tạm thời khoảng trống pháp lý sắp tới. Bởi lẽ, việc ban hành một bộ luật mới về xử lý nợ xấu nếu theo trình tự thông thường sẽ phải kéo dài vài năm. Trong khi đó, Nghị quyết 42 chỉ có hiệu lực đến 15/8/2022, theo đó, khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thì các ngân hàng sẽ đối diện với tình trạng thiếu hụt một nền tảng pháp lý mạnh để xử lý nợ xấu.

Thực tế, Nghị quyết 42 nếu không được cho phép kéo dài và Luật Xử lý nợ xấu mới chưa xây dựng kịp, thì các ngân hàng vẫn có thể có phương án xử lý nợ xấu bằng cách thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, kịch bản này nếu diễn ra thì các ngân hàng cũng bị hạn chế quyền lực trong thu hồi và xử lý nợ xấu, theo đó việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn hơn so với việc tiếp tục được thực hiện Nghị quyết 42.

Nhìn vào diễn biến quá trình thực thi Nghị quyết 42 cũng cho thấy, văn bản pháp lý này đã hỗ trợ đáng kể cho hệ thống ngân hàng trong việc thu hồi xử lý nợ xấu. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 30/11/2021 đạt trung bình khoảng 5,66 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,14 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình từ năm 2012 – 2017, hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Khai thác ưu điểm, nhưng đề phòng “hiệu ứng phụ”

Các số liệu trên cho thấy, Nghị quyết 42 đã thể hiện những ưu việt rõ rệt góp phần thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu. Theo đó, việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn dịch bệnh, nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng liên tục từ năm 2020 đến nay và đạt khoảng trên 2% đến cuối năm 2021. Trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đã lên tới 7,42% so với tổng dư nợ. Trường hợp kinh tế chậm phục hồi do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn theo dự báo có thể còn tăng cao, đạt trên 7,5% trong vòng 1 năm tới.

Ngoài ra, sau khi xử lý được khối lượng lớn nợ xấu trong các năm 2018, 2019; tốc độ xử lý nợ xấu trong năm 2020 và năm 2021 có xu hướng chậm lại, trong đó xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng trả nợ giảm (năm 2020 giảm 12,98 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 75,8% năm 2019) do dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của khách hàng. Đồng thời, việc xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản đảm bảo bằng bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế cần thời gian để phục hồi, khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo cần tiếp tục được rà soát, bổ sung và hoàn thiện.

Mặc dù vậy, theo đánh giá thực tế quá trình triển khai Nghị quyết 42, những quy định trao khá nhiều quyền ưu tiên cho ngân hàng cũng có “hiệu ứng phụ”, trong đó có thể nảy sinh tình trạng lạm dụng quyền này. Một số chuyên gia cho rằng, nghị quyết cần có quy định trong quá trình thu giữ phải có sự tham gia của các cơ quan liên quan để tránh việc tùy tiện trong quá trình thu giữ tài sản. Ngoài ra, việc xây dựng một văn bản pháp luật toàn diện về xử lý nợ xấu vẫn là giải pháp lâu dài và cần thiết.

Bà Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Bộ môn Luật tài chính, Đại học Luật Hà Nội đã tham gia góp ý cho dự thảo Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đồng tình quan điểm luật hóa những nội dung còn phù hợp tại Nghị quyết 42. Tuy nhiên, việc xây dựng luật thời gian tới cũng cần quan tâm việc nhất thể hóa các văn bản luật xử lý nợ xấu hiện nay, giải quyết được các vấn đề còn chồng chéo nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác.

Nghị quyết 42 đã góp phần tăng tỷ lệ khách hàng tự trả nợ

Trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo và khách hàng tự trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng trả nợ tăng cao.

Từ 15/8/2017 đến 30/11/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ là 144,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 38,71% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều so với tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả trung bình năm từ 2012 – 2017 nợ/tổng nợ xấu là khoảng 22,8%).

Chí Tín

———-

Thời báo Tài chính (Ngân hàng) 16-3-2022:

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phuong-an-lap-khoang-trong-phap-ly-ve-no-xau-101854.html

(124/1.238)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,575