(NĐT) – Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng có nhiều cách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng cách nhanh nhất là tác động từ chính sách thuế.
Bộ Tài chính mới đây đang xây dựng Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước và Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô lắp ráp sản xuất trong nước và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Dự thảo gia hạn quy định về nộp thuế dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu…Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng tới hoạt động liên quan đến thuế của các doanh nghiệp trong hầu hết tất cả các ngành nghề sản xuất, đầu tư kinh doanh.
Để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính phối hợp tổ chức hội thảo góp ý các dự thảo ” Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt bằng” và “Nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe lắp ráp trong nước”.
Hội thảo trực tuyến góp ý các dự thảo ” Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt bằng” và “Nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe lắp ráp trong nước”.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) chia sẻ việc gia hạn nộp các loại thuế và tiền thuê đất theo dự thảo Nghị định mới được Bộ Tài chính công bố nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Đáng chú ý, một số loại thuế được gia hạn thực chất là Nhà nước cho vay không tính lãi với doanh nghiệp nhằm gia tăng nguồn lực của của doanh nghiệp trong tương lai.
Trong đó, chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp sẽ được tiếp tục thực hiện. Đồng thời, chính sách cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp trong những ngành nghề bị tác động mạnh do dịch Covid-19 và những nhóm ngành ưu tiên phát triển được kỳ vọng sẽ tạo đà phục hồi cho nền kinh tế.
Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai việc hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát, sửa đổi các quy định chồng chéo, mâu thuẫn để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công – tư.
Bà cho biết, theo dự thảo của Bộ Tài chính, gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp kỳ đầu năm 2022, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2022.
Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo đề nghị của Bộ Tài chính sẽ vào khoảng 125.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, số thu NSNN của năm 2022 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/12/2022.
“Việc gia hạn này không làm giảm thu ngân sách Nhà nước và cũng vẫn phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ”, bà Hiền nhấn mạnh.
Chia sẻ tại diễn đàn góp ý các dự thảo chính sách trực tuyến, bày tỏ quan điểm đồng tình về tác dụng và tính hữu ích của các chính sách tới cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, có nhiều cách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng cách nhanh nhất là tác động từ chính sách thuế, bởi doanh nghiệp không phải làm thủ tục qua nhiều bộ máy thực hiện.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng có nhiều cách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng cách nhanh nhất là tác động từ chính sách thuế.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, các nhóm giải pháp đánh trực tiếp vào thuế được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là rất toàn diện, có ý nghĩa hết sức tích cực, như một liều thuốc hữu hiệu giúp doanh nghiệp phục hồi.
“Đây là chính sách có ý nghĩa rất lớn vì việc triển khai trong thực tế dễ dàng, không phải qua các tầng lớp bộ máy thực thi, không phải phê duyệt, được thể chế hoá và có hiệu lực, hiệu quả ngay trong thực tế”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Ông nhận định đây là chính sách rất quan trọng và hết sức cần thiết nhưng nếu chính sách thuế chỉ áp dụng với một số doanh nghiệp nhất định như hiện nay là chưa đủ mà cần mở rộng phạm vi các doanh nghiệp được áp dụng Dự thảo này. Do đó, nên mở rộng chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp.
Cùng ý kiến với Trưởng ban Pháp chế VCCI, bà Trần Thị Thanh Thư, Công ty Luật Deloite Việt Nam cho biết: “Đối tượng điều chỉnh của dự thảo là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Loại hình doanh nghiệp này được xác định qua: quy mô lao động, doanh thu hoặc quy mô vốn.
Tuy nhiên, trên thực tế có những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhưng doanh thu, vốn không lớn và giảm mạnh trong dịch bệnh. Do đó nên điều chỉnh mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách”.
Bên cạnh đó, bà Trần Thị Thanh Thư cũng đề nghị cơ quan thuế không nên quy định việc cộng dồn số thuế phải nộp sau khi gia hạn, vì số tiền lớn sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp. Do vậy, nên nộp linh hoạt hơn.
Đồng quan điểm này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ cơ quan thuế vẫn nên khuyến khích doanh nghiệp nào nộp được thuế thì nộp như thông thường, không nên để cộng dồn đến cuối kỳ sẽ rất áp lực cho doanh nghiệp khi vướng phải tình trạng “thuế dồn thuế”.
Nguyễn Thị Hồng Nhung
——————
Người đưa tin (Dòng sự kiện) 28-3-2022:
(58/1.165)