(MK) – Do hệ thống pháp luật của Việt Nam có rất nhiều luật liên quan đến thị trường bất động sản nên có sự chồng chéo trong quá trình tổ chức, thực hiện, nên theo Luật sư Trương Thanh Đức thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn bất ổn dù luật đã được sửa hàng trăm lần.
Ngày 28-3, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi chính sách, pháp luật để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản nhằm đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức đã phân tích thực trạng chính của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay là giá đang quá cao so với thu nhập. Điều này là do nhu cầu cao, chênh lệch cung cầu lớn, khan hiếm sản phẩm và đó cũng là hệ lụy của việc vướng mắc pháp luật.
Luật sư Trương Thanh Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Reatimes |
Nếu cầu cao các nhà phát triển bất động sản cần phải cân bằng. Cách tốt nhất là cho phép chuyển đổi đất khác thành đất ở để khơi thông thị trường. Nhưng nếu các bộ luật không đi trước mà chỉ sửa lẻ tẻ thì sẽ không giải quyết được các bất cập trên thị trường. Theo ông Đức, trên thực tế có những dự án 10 năm vẫn bế tắc vì vướng luật không thể giải quyết.
“Rất nhiều bộ luật đã sửa nhưng dù sửa thông thoáng hay chặt chẽ cũng không quan trọng mà phải tạo ra được thị trường bền vững thay vì méo mó như hiện nay” – Luật sư Trương Thanh Đức.
Cũng tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ: “Luật Đất Đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở là 3 luật hình tam giác có quan hệ chặt chẽ tác động tới thị trường bất động sản, nhưng cũng chính 3 luật này cũng đem đến nhiều vướng mắc”.
Ông cho rằng, việc sửa đổi “3 mũi giáp công” này là cần thiết để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, thống nhất về chính sách, đơn giản thủ tục.
Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Reatimes |
“Việc sửa đổi luật cần phải theo hai hướng: Tập trung xử lý chồng chéo, triệt tiêu các đường mờ, làm rõ các đường sáng, thúc đẩy các sản phẩm bất động sản mới. Trong thực thi pháp luật phải đảm bảo linh hoạt, lan tỏa các mô hình điều hành chính sách tốt ở các địa phương”, ông Lộc nói thêm.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tuấn Hải, Công ty Cổ Phần Tập đoàn Telin chia sẻ rằng việc sửa đổi các vướng mắc hiện nay liên quan đến thị trường bất động sản cần lấy Luật Đất đai làm luật gốc, từ đó sửa các bộ luật liên quan. Cùng với đó, ông nhận định có 5 ý cần phải sửa đổi gấp:
Đầu tiên, phải coi bất động sản là một sản phẩm hàng hoá, mua đi bán lại trong xã hội, do đó cần giảm càng nhiều thủ tục hành chính càng tốt để việc mua bán được thuận lợi. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính cần phải uỷ quyền cho các đơn vị chức năng, cần phân cấp phân quyền càng cụ thể càng tốt để đẩy nhanh, giải quyết nhanh thủ tục hành chính.
Ông Lê Tuấn Hải, Công ty Cổ Phần Tập đoàn Telin đưa ra 5 ý kiến cần sửa đổi gấp. Ảnh: Reatimes. |
Theo ông Lê Tuấn Hải, hiện doanh nghiệp bất động sản đang vướng mắc tại hai nghị định: Nghị định 30 của Luật Nhà ở và Nghị định 31 của Luật Đầu tư. Doanh nghiệp chỉ được công nhận là chủ đầu tư khu đô thị khi có quyền sử dụng đất ở hoặc đã có đất ở và các loại đất khác, nhưng lại không công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở đối với các trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp hoặc đã có đất phi nông nghiệp (không phải đất ở). Điều này khiến các dự án chưa có đất ở đều bị tắc, nếu sửa ngay thì sẽ giải phóng được hàng trăm dự án.
Tiếp theo là về vấn đề định giá đất như thế nào, phương án ra sao theo ông Hải hiện nay đều là “cảm tính”. Nếu định giá thấp sẽ mất tiền của Nhà nước, còn định giá cao thì doanh nghiệp không làm được do đó cũng rất ít đơn vị dám định giá.
Cuối cùng, về Nghị định 25 Luật Đấu thầu, đại diện doanh nghiệp cho rằng việc chờ quyết định giao đất mới được tính giá đất là bất cập… Đó là những điều thực tế cần sửa ngay để thị trường bất động sản có thể phát triển.
Theo dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại 2 kỳ họp trong năm 2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2023 của Quốc hội Khóa XV. Đây là một trong những luật được cả người dân và doanh nghiệp mong đợi, với kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội.
Thảo Ngân
—————
Mekong ACEAN (Bất động sản) 28-3-2022:
(262/1.003)