(TQ) – Theo luật sư Trương Thanh Đức, yêu cầu định danh ví điện tử là một trong những cách thức hiệu quả để phòng chống rửa tiền. Dưới góc độ chủ sở hữu ví điện tử, việc xác thực tài khoản cũng giúp họ xử lý các lỗi trong quá trình giao dịch, nhầm lẫn, tranh chấp.
Sôi động thị trường ví điện tử Việt Nam
Theo chia sẻ của ông Lâm Nguyễn Hải Long – Chủ tịch Hội tin học Tp. HCM tại Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam (VIO 2019), giá trị thị trường Công nghệ tài chính (Fintech) Việt Nam năm 2017 là khoảng 4,4 tỷ USD và dự kiến tăng 77% đến năm 2020, ước khoảng 7,8 tỷ USD. Một khảo sát của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 10/2019 cũng cho thấy số lượng công ty fintech đã tăng gấp 4 lần, từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến gần 150 công ty.
Thị trường fintech Việt Nam hiện có 5 nhánh chính gồm: Giải pháp thanh toán, Blockchain, Quản lý dữ liệu lớn, Tài chính cá nhân, Huy động nhóm. Trong mảng giải pháp thanh toán, ví điện tử được xem là hình thức có tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển bởi tính đến nay số lượng ví điện tử có liên kết ngân hàng (được kích hoạt hợp lệ) mới chỉ đạt khoảng hơn 4 triệu. Trong khi đó, theo số liệu mới nhất do đại diện Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, cả nước hiện có 88,5 triệu tài khoản ngân hàng.
Trong mảng thanh toán điện tử, ví điện tử được xem là tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển
Theo đánh giá của Cimigo – công ty nghiên cứu thị trường độc lập có văn phòng tại 6 nước châu Á, Momo, Moca và ZaloPay là 3 ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở 2 thành phố chính của Việt Nam là Hà Nội và Tp. HCM. 3 ví này chiếm đến 90% thị phần người dùng ví điện tử. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các ví điện tử phổ biến trên thị trường hiện được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ, thanh toán dịch vụ giao đồ ăn và đặt xe công nghệ.
Trong đó, Momo và ZaloPay được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn định kỳ; còn Moca được dùng chủ yếu cho nhu cầu thanh toán xe công nghệ, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và giao đồ ăn.
Về tần suất chi tiêu: Người dùng Moca hiện đang có tần suất sử dụng ví thường xuyên nhất. Trung bình mỗi ngày, người dùng Moca thực hiện 2,2 giao dịch, cao hơn người dùng MoMo với 2,0 giao dịch và người dùng ZaloPay với 1,6 giao dịch.
Về giá trị giao dịch: Người dùng MoMo có số chi tiêu bình quân trong ngày là 520.000 đồng, theo sau là người dùng Moca với giá trị giao dịch trung bình trong ngày là 506.000 đồng và ZaloPay là 441.600 đồng.
Thắt chặt quản lý ví điện tử
Ví điện tử được xem là cánh tay nối dài của các loại thẻ ngân hàng tới nhiều ngõ ngách trong đời sống tiêu dùng, nếu buông lỏng sẽ dễ dẫn đến việc bị lợi dụng cho những hoạt động phạm pháp như rửa tiền. Mặt khác, nếu quá siết chặt sẽ gây hạn chế sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện những chính sách phù hợp nhất dành cho ví điện tử.
Trong Thông tư 23/2019/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã quy định về việc định danh người dùng ví điện tử tại điều 9 như sau:
“Đối với cá nhân, hồ sơ ví điện tử cần có Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh của cá nhân mở ví điện tử (đối với cá nhân là người nước ngoài)”.
Ngoài ra, người dùng cũng phải hoàn thành việc liên kết ví với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của mình trước khi sử dụng ví điện tử. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu chủ ví điện tử phải cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ mở ví điện tử cho tổ chức cung ứng dịch vụ và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin mình cung cấp. Phía tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử cũng có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo hồ sơ mở ví điện tử của khách hàng là đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, điều 9.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, quy định này của Ngân hàng Nhà nước là điều bình thường và là yêu cầu tối thiểu không thể không có. Ông cho biết, tất cả các nước trên thế giới đều yêu cầu định danh với các giao dịch thanh toán. Đây là một trong những cách thức hiệu quả để phòng chống rửa tiền. Dưới góc độ cá nhân chủ sở hữu ví điện tử, việc xác thực tài khoản cũng giúp họ xử lý các lỗi trong quá trình giao dịch, tránh nhầm lẫn hay tranh chấp.
Luật sư Trương Thanh Đức.
Chuyên gia này cũng cho biết, không có nước nào trên thế giới không quy định định danh trừ trường hợp thị trường đang ở giai đoạn sơ khai. Một số ngoại lệ như Trung Quốc với hình thức QR code không cần tài khoản ngân hàng, tuy nhiên cũng chỉ được mở ra thanh toán với những khoản nhỏ lẻ.
Không chỉ quy định về xác thực hồ sơ điện tử, Thông tư 23/2019/TT-NHNN cũng quy định sau 06 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải chấm dứt cung ứng dịch vụ đối với khách hàng sử dụng ví điện tử chưa thực hiện cung cấp đủ Hồ sơ theo quy định. Như vậy, ngoài lợi ích hạn chế lừa đảo, nhầm lẫn, việc xác thực ví điện tử hiện đang là yêu cầu bắt buộc về mặt pháp luật cần được người dùng thực hiện trước tháng 7/2020.
Ánh Dương
—————–
Tổ quốc (Kinh doanh) 29-5-2020:
http://toquoc.vn/vi-sao-ngan-hang-nha-nuoc-yeu-cau-dinh-danh-vi-dien-tu-52020295133041562.htm
(222/1.160)